Người đầu tiên trong năm ở Hà Nội tử vong do sốt xuất huyết
Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, một người tử vong là nữ sinh viên 19 tuổi.
Nữ bệnh nhân được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xác định tử vong do sốc dengue (sốc do sốt xuất huyết). Ngành y tế đã tiến hành vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất, truyền thông bằng loa truyền thanh di động tại khu vực bệnh nhân thuê trọ.
Tại Hà Nội, số bệnh nhân sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 5, đặc biệt 2 tuần gần đây ghi nhận 27 ca. Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng, từ đầu năm đến nay thành phố đã ghi nhận hơn 700 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái, một người tử vong. Số bệnh nhân tập trung chủ yếu ở quận huyện Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân….
Trước diễn biến khó lường của dịch, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. Trong đó đặc biệt tuyên truyền, tổ chức họp dân để thông tin về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn người dân cách phòng chống. Các địa phương tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; tập trung cứu chữa người bệnh để giảm tử vong…
Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có văcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.- Khi bị sốt nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.
Video đang HOT
Theo Phương Trang (VNE)
3 bệnh nguy hiểm tái xuất ngày hè, nhiều người tử vong
Cả sốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm não mô cầu đều bắt đầu gia tăng số ca mắc, ít nhất 10 người tử vong.
Với sốt xuất huyết, ngay trong tháng 4 cả nước đã ghi nhận gần 7.000 ca, 2 người tử vong. Trong khi trung bình 3 tháng đầu năm chỉ ghi nhận khoảng 4.000 bệnh nhân.
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 21.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc giảm 26%, nhưng tử vong tăng 1.
Bệnh tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Sắp tới số lượng bệnh nhân sẽ tăng mạnh hơn nữa do phía Nam bắt đầu mùa mưa, trong khi miền Bắc bước vào nắng nóng.
Bước vào hè là thời điểm sốt xuất huyết tăng nhanh số ca mắc
Đáng lưu ý, có tới 4 type virus sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước.
Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virut đó.
Hầu hết những trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đều chủ quan, nhập viện trễ khi đã suy đa phủ tạng.
Do đó bác sĩ khuyến cáo người dân không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Khi có các biểu hiện nghi ngờ như sốt cao liên tục 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau cơ, đau khớp; buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu; phát ban, xuất huyết dưới da... thì cần đến ngay cơ sở y tế.
Tương tự, bệnh tay chân miệng cũng gia tăng mạnh trong tháng 4 vừa qua với hơn 4.500 ca mắc, trong khi tổng 3 tháng đầu năm chỉ ghi nhận hơn 6.200 ca. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng hơn 26%.
Bước vào mùa hè, người dân cũng cần đặc biệt lưu ý đến bệnh viêm não mô cầu. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 11 ca mắc, 2 người tử vong.
Khác với viêm não do virus, bệnh não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria Meningitidis gây ra, lây lan qua đường hô hấp.
Não mô cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, 2 nhóm tuổi dễ bị nhiễm não mô cầu là trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi và nhóm thanh thiếu niên từ 14 tuổi đến 20 tuổi.
Vi khuẩn này thường gây ra bệnh viêm màng não và nhiễm trùng huyết do não mô cầu với các biểu hiện sốt cao đột ngột 39-40 độ C, đau đầu dữ dội, cổ cứng, xuất hiện tử ban.
Nam thanh niên 24 tuổi tại Hà Nội điều trị viêm não mô cầu tại BV Bệnh Nhiệt đới
Việc chẩn đoán não mô cầu ở giai đoạn sớm gặp nhiều khó khăn vì triệu chứng bệnh giống như những triệu chứng viêm màng não siêu vi thông thường khác, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24 giờ khởi bệnh.
Viêm não mô cầu có nhiều thể bệnh, trong đó thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp với 80% bệnh nhân tử vong, ở thể viêm màng não mủ có tỉ lệ tử vong từ 30-40%.
Hiện đã có 2 loại vắc xin AC và BC ngừa viêm não mô cầu. Do đó người dân có thể tiêm cả 2 loại vắc xin BC (ngừa type B, C) và AC (ngừa type A, C) để tăng thêm khả năng miễn dịch.
Theo Thúy Hạnh (VNN)
Sắp thả muỗi vằn ở Nha Trang để phòng sốt xuất huyết, Zika Từ tháng 3/2017, mỗi tuần, các chuyên gia y tế sẽ thả khoảng 100 con muỗi vằn ở Nha Trang để làm giảm số lượng muỗi vằn tự nhiên truyền bệnh và phòng sốt xuất huyết và Zika. Muỗi là thủ phạm chính gây bệnh sốt xuất huyết và lan truyền dịch Zika. Ngày 3/2, Bộ Y tế cho biết, Bộ này đã...