Người dân vùng đại hạn: Mong lắm một bữa ăn có thịt cá!
“Gạo cháu đã đủ ăn, nước cháu đủ uống nhưng không có tiền mua cá khô, mua mắm, mua muối. Lâu lắm rồi cháu thèm thịt lắm. Thèm thịt lắm chú!” – Em Ka Tơ Thị Đém nói.
Gần 18 tháng trời không có mưa. Nương rẫy bỏ hoang. Tính đến thời điểm này, người dân xã Phước Trung, huyện Bác Ái, Ninh Thuận đã nhận tổng cộng 4 đợt gạo do nhà nước hỗ trợ. Nước uống thì mỗi ngày có hơn 100m3 nước sạch do chính quyền địa phương và Quân khu 5 cung cấp.
Như vậy, về cơ bản cái đói, cái khát của người dân xã Phước Trung đã được khắc phục. Chính quyền địa phương đã thực hiện đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không được để dân đói, dân khát. Thế nhưng, người dân không chỉ cần có gạo ăn, nước uống mà họ còn cần những thứ nhu yếu phẩm khác như cá khô, mắm, muối, thức ăn… Chứ như hiện nay, người dân xã Phước Trung chỉ biết ăn cơm với muối hoặc những nồi canh nấu bằng bột gạo và rau rừng.
Tài sản lớn nhất trong nhà bà Ka Tơ Thị Tứ là mấy bao gạo của nhà nước cấp
Chiều ngày 17/6, chúng tôi đến nhà bà Ka Tơ Thị Tứ (80 tuổi) ở thôn Rã Trên, xã Phước Trung, bà đã vắng nhà từ sáng sớm. Đứa cháu ngoại bảo bà đi lượm phân bò trên núi. Mặc dầu đã 80 tuổi, ngày nào bà cũng phải đi khắp nơi để lượm phân bò về bán kiếm tiền mua muối, mắm. Một bao phân bò (loại hơn 10kg) bán được 22 ngàn đồng; nhưng phải hai, ba ngày mới đủ một bao.
Trong căn nhà tuềnh toàng của bà, tài sản quý giá nhất hiện nay là mấy bao gạo mà nhà nước vừa cấp phát đợt vừa rồi. Khi chúng tôi hỏi đã bao lâu rồi nhà chưa được ăn cá, thịt; em Ka Tơ Thị Đém, cháu ngoại bà Tứ nói với giọng buồn buồn: “Cháu cũng không nhớ nữa. Thỉnh thoảng khi nào nào ngoại bán được phân bò thì có cá khô ăn, còn không thì ăn cơm với nước mắm hay muối. Hôm nay, bà ngoại đi rừng hái được mớ lá bát (một loại rau rừng) nên cháu giã bột nấu nồi canh ăn cho dễ nuốt”.
Video đang HOT
Nồi canh được nấu bằng lá bát và bột gạo là thức ăn duy nhất trong ngày của gia đình bà Ka Tơ Thị Tứ
Nhìn nồi canh mà em Đém mở nắp ra cho chúng tôi xem mà xót xa. Mà đâu phải ngày nào cũng có canh để ăn!
Anh Đặng Văn Thể (39 tuổi) – chủ một quán tạp hóa ở thôn Rã Trên, cho biết: “Vợ chồng tui dưới xuôi lên đây lập nghiệp đã 13 năm rồi, nhưng chưa có năm nào mà người dân ở đây lại khốn khó đến thế. Năm 2014 thì mất mùa, còn 2015 thì hạn nên bà con cũng chẳng có thứ gì để bán ngoài nghề đi lượm phân bò. Thanh niên trai tráng thì phải bỏ làng đi làm ăn xa để kiếm tiền gửi về phụ giúp gia đình. Trong làng hầu như chỉ còn người già và phụ nữ”.
Món hàng mà quán của anh Thể cũng như mấy quán khác bán chạy nhất trong lúc này là mỳ tôm (chỉ khi nào bán được phân bò mới có tiền để mua). Mỳ tôm được bà con mua về để thay món canh ăn với cơm. May mà vừa rồi Quân khu 5 có về hỗ trợ cho 375 suất quà cho 375 hộ trong xã, trong đó có nước mắm, dầu ăn, bột ngọt với một ít mỳ tôm chứ không thôi người dân ở đây chắc chỉ biết ăn cơm suông.
Bà Cha Ma Lé Thị Gái hồ hởi khoe mấy bao gạo vừa được cấp phát
Bà Cha Ma Lé Thị Gái ở thôn Rã Giữa cũng chẳng hơn gì. Tài sản quý báu nhất vẫn là mấy bao gạo mà bà hồ hởi khoe với chúng tôi. Khi được hỏi nấu cơm lên ăn với gì, bà hồn nhiên trả lời: “Ơ, mình nấu cơm cho mấy đứa con mình ăn với muối, với nước mắm thôi. Hôm nào mình lượm phân bò có tiền thì mình mua mướp về nấu với mỳ tôm cho chúng nó ăn thôi. Nhà mình không đói đâu mà. Có nhà nước lo gạo ăn rồi mà”.
Anh Cha Ma Lé Ngoan, một trong số ít thanh niên còn lại trong làng bảo: “Làng mình bây giờ ai cũng đi lượm phân bò hết. Chứ có nước đâu mà trỉa bắp, trồng mỳ. Mình thỉnh thoảng ra mấy làng người Kinh làm thuê kiếm tiền về phụ vợ mình mua cá khô ăn thôi mà”.
May mà mấy ngày gần đây trên địa bàn huyện Bác Ái nói chung, xã Phước Trung nói riêng đã có mưa. Tuy nhiên đó mới chỉ là những cơn mưa làm giảm bớt đi cái nóng ung người ở đây chứ chưa thể giúp người dân có thể trồng cấy mùa vụ. Vì thế, nếu như những ngày tới trời tiếp tục nắng nóng thì chuyện nhà nước tiếp tục hỗ trợ gạo ăn và nước uống là điều hiển nhiên.
Và những bữa cơm có thịt, có cá vẫn chỉ là những giấc mơ…
Minh Lê
Theo Dantri
Những trận mưa lớn tưới mát vùng hạn hán kỷ lục
Liên tiếp trong hai ngày 16 và 17/6, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đặc biệt là huyện Bác Ái, đã có những cơn mưa lớn với lượng mưa trung bình khoảng 30mm. Những cơn mưa lớn này đã chấm dứt nhiều tháng trời nắng nóng, khô hạn nơi đây.
Niềm vui của người dân thôn Rã Trên, xã Phước Trung khi chiếc giếng khoan đã từ lâu khô hạn, nay có nước trở lại.
Người dân hồ hởi, chính quyền mừng vui vì trước mắt những cơn mưa đã khiến cho không khí nóng bức, ngột ngạt không còn hiện hữu. Và hy vọng sẽ có những trận mưa tiếp theo để các hồ đập tích đủ nước cho người dân sinh hoạt, sản xuất.
Chiều ngày 17/6, chúng tôi có mặt tại vùng tâm hạn xã Phước Trung, huyện Bác Ái, ghi nhận niềm vui sướng của người dân nơi đây. "Mưa như thế này thì thế nào cũng có cỏ cho bò dê ăn, có nước cho bò dê uống rồi" - Ông Cao Văn Thương (70 tuổi) hồ hởi nói.
Ngay sau những trận mưa lớn, bà con đã tranh thủ trỉa bắp, trỉa mỳ cho kịp thời vụ
Trên đường từ xã Phước Trung đến huyện Bác Ái, chúng tôi thấy người dân đã tranh thủ cày đất để trồng bắp và sắn mỳ. Anh Chama Lé Thương, xã Phước Chính, cho biết, nhà anh tranh thủ có mưa nên mướn bò về cày mấy sào đất để trỉa bắp, trỉa mỳ.
Nhưng cho đến lúc này, chính quyền huyện Bác Ái cũng như Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa có kế hoạch sản xuất vụ hè thu vì các hồ đập chưa thể tích đủ lượng nước cho sản xuất. Ngay sau những cơn mưa lớn vừa qua, người dân huyện vùng núi Bác Ái đã nhanh chóng di dời đàn gia súc trở về nhà để chăm sóc sau những tháng ngày dài du mục.
Ông Mấu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: "Hồ Sông Sắt hiện nay chỉ còn 4 triệu m3/69 triệu m3. Lượng nước này chỉ đủ cung cấp nước sinh hoạt và cho gia súc các xã lân cận chứ không thể đảm bảo nước tưới. Mặc dù đã có những trận mưa tương đối lớn nhưng không biết sắp tới có mưa nữa hay không. Vì thế chúng tôi không khuyến khích bà con xuống giống trong thời điểm này. Để xem tình hình sắp tới như thế nào chúng tôi mới cho sản xuất".
Mặc dù Ninh Thuận đã có mưa nhưng theo chúng tôi đó chỉ là những cơn mưa giải nhiệt chứ chưa thể nào gọi là giải hạn. Đây cũng có thể nói là những trận mưa đem lại điềm lành cho người dân Ninh Thuận sau nhiều tháng trời nắng hạn. Hy vọng sẽ có những cơn mưa tiếp theo để người dân vùng tâm hạn có nước để sản xuất.
Minh Lê
Theo Dantri
"Chắc ông trời bắt con tôi phải chết mất thôi !" Nhiều lúc nghĩ, giá có thể mang bệnh thay cho đứa con trai được thì chị cũng sẵn lòng. Số phận bắt chị phải thế, nỗi đau mất chồng chưa qua thì giờ đây đứa con trai lại đang trong cảnh "thập tử nhất sinh" khiến chị kiệt quệ, sống như người vô hồn. Người phụ nữ có số phận khổ cùng cực...