Người dân viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đông kỷ lục
Trung uý Khắc Ngọc Tân Hào, Đội trưởng Đội bảo vệ khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, tính từ ngày 30/4 đến trưa ngày 4/5 đã có 72 ngìn đoàn với khoảng 104 ngìn lượt người đến viếng.
Trong đó, ngày 2/5 có tới trên 34.000 lượt người, đây là số lượng khách viếng Đại tướng cao nhất trong một ngày từ khi Đại tướng về an nghỉ ở vũng Chùa – Đảo Yến.
Khách đến viếng có nhiều đoàn cán bộ, nhân dân ở các tỉnh thành trong cả nước hướng về Điện Biên Phủ và trên hành trình đó, các đoàn đều ghé thăm và dâng hương tại nơi yên nghỉ của Người.
Dòng người đến viếng Đại tướng
Bác Nguyễn Văn Toàn (SN 1958, quê ở Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, nhân dịp nghỉ lễ và kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bác cùng với gần 100 người của hội cựu chiến binh và phụ nữ đã đến thắp hương cho Đại tướng, sau đó đoàn sẽ đến thắp hương ở Ngã ba Đồng Lộc rồi đi thẳng về Nghệ An.
Theo quan sát của phóng viên, mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng dòng xe liên tục nối đuôi nhau vào Vũng Chùa.
Khách đến sẽ được các chiến sĩ hướng dẫn làm thủ tục đăng ký, xếp hàng, mặc áo quần nghiêm chỉnh để giữ tính tôn nghiêm khi lên viếng mộ.
Vì hầu như giờ nào cũng có khách đến thăm viếng mộ nên lực lượng bảo vệ luôn hoạt động cật lực.
Trung úy Khắc Ngọc Tân Hào nói thêm: “Sắp đến các ngày lễ lớn, trong đó có lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nên dự tính lượng khách sẽ tăng đột biến, đội bảo vệ đã lên các phương án, tăng cường lực lượng nhằm đảm bảo việc thăm viếng diễn ra trật tự”.
Cũng trong dịp này, Tạp chí Nhiếp ảnh (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Ảnh Thông tấn xã Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Thông tấn xã Việt Nam tổ chức Triển lãm ảnh: “Điện Biên Phủ – Thiên sử vàng chói lọi” nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014).
Triển lãm gồm 60 bức ảnh chọn lọc về diễn biến của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, diễn ra từ ngày 04/05 đến 14/05/2014 tại Vũng Chùa, Quảng Trạch, Quảng Bỉnh.
Video đang HOT
Sau khi triển lãm xong, toàn bộ 60 bức ảnh sẽ được tặng cho nhà tưởng niệm Đại tướng.
“6h đến 6h30 sáng và 12h đến 12h30 trưa 7/5 sẽ có cầu truyền hình trực tiếp tại khu mộ Đại tướng nhân dịp kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”một cán bộ đội bảo vệ khu mộ Đại tướng cho biết.
Dòng người đến viếng Đại tướng kéo dài không dứt
Trước vong linh của Người
Những hình ảnh cảm động
Xem triển lãm ảnh “Điện Biên Phủ – Thiên sử vàng chói lọi”
Hải Sâm
Theo_VietNamNet
Ký ức về quả bộc phá 1.000kg và bắt sống tướng Đờ Cát
Như sợ thời gian và tuổi tác khiến mình quên đi những năm tháng chiến đấu khốc liệt, đẫm máu nhưng rất đỗi hào hùng ấy, nên năm nào cũng vậy, cứ sắp đến dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ là ông lại cặm cụi ghi chép lại những trang hồi ký.
Có lẽ vì điều đó mà cho đến bây giờ đã gần 80 tuổi, người lính già ấy vẫn còn nhớ như in từng ngày từng giờ trong mỗi trận đánh. Ông là Nguyễn Xuân Thắng (SN 1936, tại TP Thanh Hóa). Chúng tôi đến thăm ông khi ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ sắp đến, ông vẫn ngồi cặm cụi ghi chép lại những mốc lịch sử mà mình từng trải qua.
Ông tham gia Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 vào năm 1952. Ông là một trong những nhân chứng sống trực tiếp tham gia những trận đánh lớn của chiến dịch. Ông kể ngày đó chỉ nghĩ đến làm sao đánh thắng giặc mà chẳng màng gì đến những vất vả gian nan. Cứ ngày thì đánh giặc đêm lại đào hầm. Khi đêm xuống, các chiến sĩ bộ đội bắt tay vào đào hầm hào nhưng ban ngày chúng lại đánh sập. "Đất nơi này lại toàn đất đá sỏi, chân tay anh em ai nấy đều bầm dập, tứa máu nhưng dường như ai nấy chẳng cảm nhận thấy đau đớn là gì" - ông tâm sự.
Góp sức cho quả bộc phá 1.000kg và bắt sống tướng Đờ Cát
Cái nhiệm vụ quan trọng là cùng đồng đội ôm quả bộc phá đặt ở đồi A1 để tạo thành một khối bộc phá 1.000kg nhưng cho tới khi hoàn thành ông mới biết. Đó là vào một đêm trước mấy ngày chuẩn bị cho đợt đánh chiếm đồi A1, ông được cử đi khẩn cấp khỏi đơn vị trong đêm.
Trước khi đi, người đồng đội chỉ dặn có gì che mưa thì mang theo nhưng ông bảo thú thật ngày đó làm gì có áo mưa chỉ có một mảnh vải dù nên cũng vội vàng cắp theo rồi đi. Ông được dẫn đến một nơi cách đơn vị khá xa, thấy khoảng 50 anh em đơn vị khác cũng tập trung ở đây. Sau đó, mỗi người được giao nhiệm vụ ôm một bọc, bên ngoài quấn vải trắng rồi đi theo người chỉ dẫn trên đường hầm.
Chiếc bọc đó nặng khoảng 20kg, anh em không biết là gì chỉ biết nhận mệnh lệnh vác đi. Trong đêm tối, đường trơn trượt, pháo sáng của địch bắn lập lòe. Cuối cùng khi trời rạng sáng cũng đến một cái hầm, những người lính được lệnh giao lại bọc đó lại rồi quay trở về đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ.
Thời gian và tuổi tác có thể làm ông Thắng quên đi điều gì đó nhưng riêng về ký ức những ngày chiến dịch Điện Biên thì theo ông cho tới bây giờ
"Lúc đầu khi nhận nhiệm vụ trong đầu anh em ai cũng hồi hộp phán đoán, không biết là gì chỉ nghĩ đây là một việc khẩn cấp và bí mật. Mãi sau này khi vào trận đánh đồi A1 tôi mới biết đó là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, thứ mà anh em được giao đó là bộc phá. Nơi anh em đặt những quả bộc phá đó chính là cứ điểm đồi A1. Khối bộc phá đêm hôm đó mà anh em mang đến có trọng lượng 1.000kg được đặt sát chân lô cốt giặc" - ông Thắng kể lại.
Trong tâm tưởng bất cứ người chiến sĩ nào cũng biết rằng cứ điểm đồi A1 là bức bình phong, là lá chắn thép của Mường Thanh. Chưa giải phóng đồi A1 thì chưa thể giải phóng Điện Biên. Bởi thế mà nhiệm vụ những người lính như ông được giao vô cùng quan trọng.
Hồi tưởng về trận đánh ở đồi A1 cách ngày ông nhận nhiệm vụ đó ít hôm, ông trầm buồn, đôi mắt ngân ngấn nước. Ông kể trước ngày diễn ra trận đánh ở đồi A1, anh em trong đơn vị được chuẩn bị tư tưởng, cấp giày. Nhiều người trong đơn vị tâm sự gửi gắm những nỗi niềm. Những đôi giày được cấp ai cũng cất giữ mà không dám đi vì biết chắc sắp có trận đánh lớn.
Thế rồi vào khoảng 2h sáng ngày 6/5/1954, trong màn đêm im lặng bỗng có một tia chớp, ánh lửa kèm theo tiếng nổ long trời lở đất vang lên. Tiếng nổ ấy chính là quả bộc phá nghìn cân - mở đầu cho cuộc tổng tấn công. Bộ đội ta từ bốn phía xông lên, pháo của ta bắn nhiều vô kể, sáng rực cả một vùng trời Điện Biên. Ta càng đánh càng hăng, ta thì áp sát còn địch thì cố phản công. Ta và địch giành nhau từng tấc đất. Anh em ai cũng ghi nhớ một điều "Một tấc đất, một tấc máu" bởi thế nên trong giây phút đó sự sống và cái chết không còn quan trọng nữa. Cuối cùng đến sáng thì ta đã giải phóng được khá nhiều vùng".
Với nhiều thành tích trong cả thời chiến và thời bình, ông Thắng vinh dự được nhiều lần gặp và chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
"Một trận chiến đẫm máu và khốc liệt chưa từng thấy, do sức ép của bộc phá nhiều quân địch đã chết ngay tại chỗ, máu ướt đẫm trên đồi A1. Xác giặc ngổn ngang trên đồi. Phía ta cũng nhiều chiến sĩ, những người con ưu tú của dân tộc, đã vĩnh viễn nằm lại trên quả đồi này" - Ông Thắng ngậm ngùi khi nhớ về những người lính của ta đã hy sinh trong trận đánh.
Nhấp chén trà, ông bồi hồi nhớ lại giây phút chiến thắng: "Giữa trưa ngày 7/5, các mũi tấn công của ta liên tiếp áp sát, siết chặt vòng vây, tiến sâu vào "sống tủi" của Đờ Cát. Gần tối thì chúng đầu hàng vô điều kiện. Các đơn vị chia thành từng tổ vào từng hầm bắt nó giơ tay đầu hàng. Tôi cùng một số anh em nữa vào bắt sống tướng Đờ Cát. Vậy là, kết thúc 56 ngày đêm đào hầm chiến đấu, làm nên chiến dịch Điện Biên Phủ vẻ vang năm châu, chấn động địa cầu".
Gian nan áp giải tù binh về hậu phương
Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ chiến thắng, ai nấy đều háo hức chờ đón ngày được dự lễ chiến thắng thế nhưng ông là một trong số người được cử áp giải tù binh Pháp về hậu phương. Vậy là phải bỏ qua buổi lễ tuyên bố chiến thắng, ông cùng đồng đội áp giải khoảng hơn 1 vạn quân địch đi bộ từ Điện Biên về Thanh Hóa.
Lực lượng của ta thì mỏng, lực lượng của địch thì đông. Bình quân mỗi một chiến sĩ phải quản lý khoảng 50 quân địch. Phía dưới quân địch đông, phía trên máy bay địch vẫn bay là là vừa để cung cấp lương thực, hàng hóa vừa rải truyền đơn nên trong lòng chiến sĩ nào cũng vừa mừng vừa lo. Sau khi được động viên của cán bộ thì chúng tôi cũng cảm thấy yên lòng.
Trên con đường về hậu phương, nhiều đoạn đường địch cố thủ không đi, đòi ưu sách, cướp súng hay trốn vào bản... Trải qua tất cả những gian nan đó, cuối cùng bộ đội ta cũng hoàn thành nhiệm vụ.
"Vậy là như một vòng tròn khép kín, tôi tham gia ngay từ những buổi đầu cho đến khi kết thúc, trao trả tù binh về hậu phương - kết thúc cuộc hành trình chiến dịch Điện Biên Phủ. Dù gian khổ nhưng rất đỗi tự hào..." - ông Thắng chia sẻ.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Dâng tặng bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho tỉnh Điện Biên Ngày 30-4, lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng (Bộ Công an), lãnh đạo tỉnh Điện Biên cùng các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã thừa ủy quyền Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dâng tặng bức tượng "Chân dung bán thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp" cho Bảo tàng Chiến thắng...