Người dân ven biển Hội An khăn gói, đội mưa, rời nhà đi sơ tán tránh bão Noru
Khi siêu bão Noru quần thảo Biển Đông và đang đếm ngược từng giờ đổ bộ đất liền, người dân ven biển Hội An đội mưa, tất tả khăn gói sơ tán để tránh trú bão.
Khăn gói, đội mưa, rời nhà đi sơ tán
Đầu giờ chiều 27/9, người dân tay xách, nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc, đội cơn mưa nặng hạt tập trung mỗi lúc một đông ở trụ sở UBND phường Cửa Đại. Tại đây, 3 chiếc ô tô loại 16 chỗ ngồi được huy động, sẵn sàng “trực chiến” với nhiệm vụ đưa bà con địa phương đi sơ tán tập trung.
Vợ chồng ông Ngạnh có mặt tại UBND phường Cửa Đại từ rất sớm để đi sơ tán.
Ngồi tại hội trường UBND phường để chờ xe lăn bánh đưa đến địa điểm tránh trú bão từ 12h trưa, vẻ lo lắng lộ rõ trên gương mặt của hai vợ chồng ông Phạm Ngạnh và bà Trần Thị Lâm (trú khối Phước Hải). Trong thời gian chờ đợi, ông Ngạnh và vợ cứ nhấp nhổm không yên, chốc chốc lại đứng dậy đi ra đi vào.
Ông Ngạnh cho hay, từ chiều hôm qua (26/7), cán bộ địa phương tới tận nhà thông tin về diễn biến phức tạp của cơn bão sắp đổ bộ vào đất liền, đồng thời vận động những hộ dân có nhà cửa xuống cấp như gia đình ông phải sắp xếp đi sơ tán.
“Vợ chồng tôi có 3 đứa con và cả ba đều đi làm ăn xa. Chúng tôi sống trong ngôi nhà cấp 4 được xây từ cách đây hơn 16 năm và đang hư hỏng nặng sau hàng chục năm chống chịu trước mưa bão. Vì vậy, khi nghe có bão đổ bộ vào đất liền, cả hai vợ chồng lập tức thu xếp vài ba bộ quần áo, mang theo ít gói mì tôm rồi chờ tới lúc tập trung thì rời nhà mà đi” – ông Ngạnh nói và bày tỏ nỗi lo vì với cường độ bão được dự báo lớn nhất trong vòng 20 năm qua, ngôi nhà của vợ chồng ông liệu có trụ nổi trước sức công phá của cuồng phong.
Sau khi thu dọn đồ đạc, bà Thu chờ xe của người thân đến nhà đón để đi sơ tán.
Cũng như hộ ông Ngạnh, vợ chồng ông Nguyễn Lợi và bà Trần Thị Thanh Thu (khối Phước Hải) cũng bày tỏ nỗi lo trước sức mạnh của siêu bão Noru. Các con của ông Lợi và bà Thu cũng đang làm ăn ở xa nên việc chằng néo nhà cửa để ứng phó với siêu bão đều trông cậy cả vào lực lượng biên phòng, dân quân địa phương.
Video đang HOT
Bà Thu chia sẻ: “Dù nhà cửa đã được gia cố bằng hàng chục bao cát nhưng nếu gió bão lớn thì chắc chắn mái nhà lợp bằng tôn sẽ bị thổi bay như đợt bão số 9 năm 2020. Giờ chỉ mong bão trước khi đổ bộ đất liền sẽ nhẹ bớt để bà con không phải rơi vào cảnh màn trời chiếu đất” – bà Thu giãi bày.
Suốt quãng đường chừng 2 cây số được dân quân “hộ tống” từ nhà ra tập trung tại UBND phường, ông Huỳnh Văn Mai (63 tuổi) cứ chốc chốc lại ngoái đầu nhìn về hướng căn nhà nhỏ của mình tọa lạc ở làng chài Phước Hải. Ông Mai không vợ con, cha mẹ mất sớm lại không anh em nên khi nghe chính quyền địa phương yêu cầu đi sơ tán, ông chỉ mất chừng mươi phút đồng hồ để khăn gói rời khỏi nhà.
Ông Mai lo sợ ngôi nhà của ông sẽ bị bão quật sập.
“Qua nhiều đợt mưa bão, căn nhà được xây từ cách đây 20 năm của tôi đã có dấu hiệu nứt nẻ nhiều. Mái che bằng tôn hiện tại cũng đã hư hỏng nên nếu bão vào chắc chắn sẽ bị quật tan nát, thậm chí ngôi nhà cũng chưa chắc còn” – ông Mai bộc bạch.
“Chạy đua” thời gian, sơ tán dân trước khi bão đổ bộ
Trả lời VTC News ngay tại khu vực trung chuyển người dân đến địa điểm sơ tán tập trung là Trường Tiểu học Cẩm An, ông Lê Công Sỹ – Chủ tịch UBND phường Cửa Đại – cho hay từ trưa nay, trên địa bàn thành phố bắt đầu xuất hiện mưa nặng hạt. Người dân phải khăn gói, đội mưa đi sơ tán tương đối vất vả.
Người dân ven biển Cửa Đại khăn gói, đội mưa đi tránh trú bão.
“Để ứng phó với siêu bão Noru, phường Cửa Đại tổ chức sơ tán gần 400 hộ dân. Trong đó, sơ tán tập trung 41 hộ/143 người và sơ tán xen ghép 345 hộ/1.530 người. Đây là các hộ dân có nhà cửa không kiên cố và thuộc diện nguy hiểm nếu bão đổ bộ đất liền.
Hiện nay, chúng tôi đang tích cực vận động người dân sớm tập trung để di chuyển đến khu tránh trú an toàn trước khi gió bão nổi lên” – ông Sỹ nói.
Anh Nguyễn Trí Minh – người đứng ra huy động đội xe chở người dân đi sơ tán – cho hay, dự kiến trước 16h ngày 27/9, toàn bộ 143 người dân phường Cửa Đại sẽ được vận chuyển đến nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, anh Minh và các thành viên trong nhóm cũng đang kêu gọi các chủ khách sạn, villa trên địa bàn thành phố chung tay giúp sức, sẵn sàng đón người dân có nhu cầu tá túc qua cơn bão.
Người dân khăn gói, đội mưa, đèo nhau đi sơ tán.
Trong khi đó, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trước mối đe dọa mang tên bão Noru, tỉnh Quảng Nam dự kiến di dời 45.834 hộ/155.269 người. Trong đó, sơ tán tập trung 18.388 hộ, 67.481 khẩu; sơ tán xen ghép 27.466 hộ, 87.841 khẩu.
Ảnh hưởng bão Noru: Đảo Lý Sơn đã có gió giật cấp 11
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 (bão Noru), tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, đảo Phú Quý (Bình Thuận) gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Hồi 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão số 4 ở trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 270 km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183 km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25 km. Đến 1 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 - 15 (167 - 183 km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25 km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần. Đến 13 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74 km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 36 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ: vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão cấp 14-15, giật cấp 17, sóng biển cao 9-11 m, biển động dữ dội. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4 m, biển động mạnh.
Vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 - 15, giật cấp 17, sóng biển cao 9 - 11 m, biển động dữ dội.
Vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 12-13, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 - 15, giật cấp 17, sóng biển cao 4-6 m, vùng gần tâm bão 6 - 8 m.
Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng do bão cao 1,2 - 1,7 m, mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 1,5 - 2,5 m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng do bão và sóng lớn.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: từ tối và đêm 27/9, ven biển khu vực Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13. Khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7 - 8, giật cấp 9-10.
Từ sáng sớm 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.
Cảnh báo mưa lớn: từ ngày 27 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 300-400 mm/đợt, có nơi trên 450 mm/đợt. Khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Đồng bằng Bắc Bộ.
Các tỉnh, thành phố Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định chịu rủi ro thiên tai cấp 4. Các tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai chịu rủi ro thiên tai cấp 3.
Bão Noru di chuyển nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, Bắc Tây Nguyên từ tối 27/9 Theo Báo cáo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), bão số 4 (bão Noru) rất mạnh, di chuyển nhanh, hoàn lưu rộng. Hướng di chuyển của bão số 4. Ảnh: TTXVN phát Vùng gió mạnh cấp 10 khoảng 300 km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 100 km xung quanh mắt bão. Các trung tâm...