Người dân Vanuatu sống trong lều vì sợ hãi sau trận động đất kinh hoàng
Ngày 20/12, người dân Vanuatu vẫn phải sống trong lều tạm bợ, chịu đựng nỗi ám ảnh sau trận động đất kinh hoàng hôm 17/12.
Đống đổ nát nằm xung quanh một tòa nhà bị sập sau trận động đất mạnh 7,3 ở Port Vila, Vanuatu vào ngày 17/12. Ảnh: edition.cnn.com
Thảm họa đã phá hủy hàng trăm ngôi nhà, đẩy hàng nghìn người vào cảnh màn trời chiếu đất. Cuộc sống của họ càng thêm khó khăn khi tình trạng thiếu nước sạch, lương thực và thuốc men vẫn tiếp tục đe dọa nghiêm trọng.
Trận động đất xảy ra tại độ sâu 57km với tâm chấn cách thủ đô Port Vila 30km, đã làm rung chuyển toàn bộ quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Hậu quả để lại là cảnh đổ nát khắp nơi, với 14 người được xác nhận thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Con số thương vong dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những người mắc kẹt trong các tòa nhà sụp đổ.
Video đang HOT
Tại Port Vila, các hồ chứa nước chính bị phá hủy hoàn toàn, dẫn đến tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng. Người dân xếp hàng dài tại các cửa hàng để mua nước sạch, trong khi UNICEF đã ghi nhận các ca tiêu chảy gia tăng, đặc biệt ở trẻ nhỏ do sử dụng nước ô nhiễm. Hệ thống viễn thông bị gián đoạn khiến việc liên lạc và triển khai cứu trợ càng trở nên khó khăn.
Bệnh viện Trung tâm Vila – cơ sở y tế lớn nhất của thủ đô, bị hư hại nặng nề khiến các bệnh nhân phải chuyển đến trại lều dã chiến. Các dịch vụ y tế vốn đã căng thẳng nay lại quá tải, trong khi những cư dân bị thương nhẹ buộc phải tự chăm sóc trong các khu trại.
Nhiều người dân từ chối trở về nhà vì lo ngại dư chấn mạnh sẽ xảy ra. Bà Katie Greenwood – phụ trách khu vực của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, cảnh báo rằng số người thiệt mạng có thể còn tăng khi lực lượng cứu hộ tiếp tục công việc tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trận động đất là một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây của Vanuatu – quốc gia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương. Trong khi nhiều tòa nhà được thiết kế để chịu được động đất, sức mạnh tàn phá lần này đã vượt quá dự đoán, đặt ra thách thức lớn cho công tác tái thiết và khôi phục.
Người dân Vanuatu giờ đây đang đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn nhưng vẫn bám trụ với hy vọng rằng sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế sẽ giúp họ vượt qua thảm họa này.
Gia tăng số người thiệt mạng trong vụ động đất ở Vanuatu
Lực lượng cứu hộ tại thủ đô Port Vila của Vanuatu đang chạy đua với thời gian để giải cứu những người còn mắc kẹt sau trận động đất độ lớn 7,3 xảy ra trưa 17/12.
Tòa nhà bị hư hại sau trận động đất ở Port Vila, Vanuatu, ngày 17/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thông tin từ Hội Chữ thập Đỏ và Chính phủ Vanuatu, tính đến sáng 18/12 đã có ít nhất 14 người thiệt mạng và trên 200 người bị thương sau thảm họa này. Khoảng 80 người, bao gồm cảnh sát, nhân viên y tế và tình nguyện viên, đã làm việc xuyên đêm, sử dụng máy xúc, cưa cắt bê tông và bất kỳ công cụ nào có thể để tìm kiếm người sống sót.
Bà Katie Greenwood - Trưởng đại diện Hội Chữ thập Đỏ tại Thái Bình Dương - cho biết: "Các bệnh viện tại thủ đô đang bị quá tải. Tình trạng thiếu nước sạch và sự gián đoạn thông tin liên lạc đang khiến công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn".
Ngay sau trận động đất chính, hàng loạt dư chấn liên tiếp xảy ra, trong đó có dư chấn độ lớn 6,1. Nhiều tòa nhà ở Port Vila đổ sập, cầu cống bị phá hủy và sạt lở đất vùi lấp một chiếc xe buýt. Một số con đường dẫn đến cảng hàng hải quốc tế cũng bị hư hỏng nghiêm trọng, cản trở hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ.
Các phái đoàn ngoại giao của Mỹ, Pháp, Australia, New Zealand và Anh đặt trụ sở tại một tòa nhà 4 tầng ở Port Vila may mắn không ghi nhận trường hợp thương vong nào, dù tầng trệt của tòa nhà nhà này bị sập do động đất. Bộ Ngoại giao Australia xác nhận nhiều công dân nước này đang có mặt tại Vanuatu nhưng không ai bị thương.
Trong sáng 18/12, Australia đã điều hai máy bay quân sự C-17 và C-130 chở theo đội y tế và cứu hộ tới Vanuatu. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles khẳng định: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ tìm kiếm người bị nạn và cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết". New Zealand cũng chuẩn bị điều một máy bay để đánh giá khả năng tiếp cận sân bay quốc tế Port Vila, nơi đang bị đóng cửa vì hư hỏng đường băng.
Theo Báo cáo Rủi ro thế giới thường niên, Vanuatu là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới trước các thảm họa thiên nhiên như động đất, bão lũ và sóng thần. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ước tính khoảng 116.000 người - tương đương 1/3 dân số của Vanuatu - chịu ảnh hưởng nặng nề từ thảm họa. Chính phủ Vanuatu đã ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm trong 7 ngày tại các khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Động đất độ lớn 7,1 tại quốc đảo Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương Ngày 7/12, một trận động đất có độ lớn 7,1 đã xảy ra tại quốc đảo Vanuatu, ở Nam Thái Bình Dương. Ngay sau trận động đất, cảnh báo sóng thần được đưa ra. Tuy nhiên, cảnh báo này đã sớm được gỡ bỏ sau khi đánh giá về mức độ nguy hiểm. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận...