Người dân “tự xử”: Lỗi do ai?
Người dân “tự xử” những vụ việc mà lẽ ra trách nhiệm giải quyết phải là của các cơ quan công quyền đang trở thành khuynh hướng đáng lo ngại trong xã hội.
Trong phiên thảo luận những vấn đề kinh tế – xã hội ngày 30/10, các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng trước tình trạng người dân “tự xử” thay cơ quan thực thi pháp luật đã và đang xảy ra khắp nơi, mà nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ sự thiếu niềm tin vào chính quyền sở tại.
Đã len vào nghị trường Quốc hội
Những lo ngại trên nghị trường xuất phát từ thực tế không ít vụ người dân “tự xử” gây xôn xao dư luận.
Ngay trong ngày 30/10, người dân xã Hòa Thạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã “đánh hội đồng” khiến một “cẩu tặc” tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Hàng loạt “cẩu tặc” bị dân đánh chết, đốt xe ở Thanh Hóa, Nghệ An… trong thời gian gần đây hay việc người dân ở thôn Thượng Thanh 2 (xa Danh Thắng, huyện Hiêp Hoa, tinh Băc Giang) cùng “tình nguyện” nhận tội đánh chết 2 kẻ trộm chó cuối tháng 8 cho thấy đây đang là vấn đề nhức nhối chưa thể giải quyết.
Một “cẩu tặc” bị người dân xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đốt xe vào tháng 10/2012 Anh: Đức Ngọc
Vài ngày trước phiên họp ngày 30/10 của Quốc hội, hàng ngàn người dân đã tập trung trước cổng UBND huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) để phản đối việc nạo hút cát gây nên tình trạng sạt lở khiến tuyến Quốc lộ 1A bị ách tắc trong nhiều giờ. Đối thoại với dân trong chiều 27/10, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng đã thẳng thắn nhận lỗi: “Để người dân bức xúc trong thời gian qua, một phần lỗi thuộc về lãnh đạo tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe và giải quyết những bức xúc của người dân và mong người dân kiềm chế bức xúc, không nên tụ tập đông người như thời gian qua gây mất trật tự, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của nhiều người khác”.
Video đang HOT
Kêu ca, kiến nghị nhiều song không được chính quyền sở tại giải quyết thỏa đáng đã dẫn tới việc người dân một số địa phương ở Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa… dựng lều lán phong tỏa đường ra vào của các doanh nghiệp gây ô nhiễm.
Thực trạng dân “tự xử” ngày càng nhiều và trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội khiến các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 31/10 phải thốt lên rằng đời sống văn hóa, xã hội của đất nước đang có quá nhiều bức xúc. “Đó là tâm trạng bất an và suy giảm niềm tin của người dân với một bộ phận cán bộ nhà nước mà đỉnh điểm là hiện tượng người dân “tự xử” – ông Huỳnh Ngọc Đáng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, nói.
Niềm tin vào pháp luật bị hạ thấp
Nhìn nhận sự việc hàng loạt “cẩu tặc” liên tiếp bị cộng đồng dân cư đánh chết, trọng thương xảy ra ở nhiều địa phương hay người dân tụ tập, tạo áp lực với chính quyền trong thời gian qua, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), khẳng định: Xã hội đang có nhiều bất ổn, bức xúc trong mỗi con người. “Những nỗi bực dọc hình thành và người dân luôn muốn “xả”, muốn trút nó vào đâu đó cho bõ tức. Tâm trạng ấy xuất phát từ những cơ cực trong cuộc sống mưu sinh, khó chịu khi tiếp xúc với các cấp chính quyền và không được họ giải quyết một cách thỏa đáng, khiếu kiện nhiều lần vẫn không ăn thua, thậm chí còn bị hà hiếp, đối xử thô bạo, bất công” – ông Bình nói.
Tâm trạng bực dọc ấy chỉ chờ gặp “đối tác” là bốc hỏa. Chỉ cần một ai đó có một cái sai nho nhỏ như đụng xe trên đường, ăn trộm một con chó… thì lập tức trở thành cái cớ để nảy sinh xung đột. “Giá trị của mỗi con chó không quá lớn nhưng sự việc “cẩu tặc” bị đánh chết khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung cho thấy một tâm trạng không yên trong người dân nông thôn. Chắc chắn họ đã phản ánh chuyện mất chó nhưng cấp chính quyền ở đó thờ ơ, vô cảm hoặc không xử lý được. Nỗi bực dọc trong người dân vì thế trút hết vào kẻ trộm chó. Họ hoàn toàn biết việc đánh người như thế là sai trái, đánh chết người có thể bị khép tội giết người nhưng họ vẫn làm. Điều này cho thấy xu hướng người dân đang mất niềm tin vào hệ thống pháp luật” – ông Bình phân tích.
Theo ông Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, kẽ hở của pháp luật đang khiến “lòng dân không yên”. Ông Phương lấy ví dụ tình hình tội phạm băng nhóm, đâm thuê chém mướn phát triển mạnh trong thời gian qua gây bức xúc dư luận có liên quan đến câu chuyện cho vay nặng lãi, cá độ. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa xem xét đằng sau của câu chuyện đó là gì, kịp thời phát hiện để điều chỉnh. Tình trạng cho vay nặng lãi, cầm đồ hiện nay khi xảy ra tranh chấp, đưa nhau ra tòa vẫn được coi là tranh chấp dân sự chứ chưa phải hình sự. “Nếu cứ nhìn nhận dưới góc độ dân sự thì cực kỳ phức tạp, không răn đe được, của đau con xót sẽ nảy sinh việc thuê người đòi nợ và chuyện băng nhóm xã hội đen tự xử nhau. Nhiều chuyên gia luật và cá nhân tôi cũng cho rằng phải sửa cái này đi, phải hình sự nó để tránh những vấn đề phức tạp” – ông Phương nói.
Đừng hô hào suông! Để khắc phục câu chuyện dân “tự xử” không có cách nào khác là phải bắt đầu từ “cái tâm” giải quyết các bức xúc của người dân của cán bộ từng địa phương. Sâu xa hơn phải củng cố nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa đen của nó chứ không thể hình thức, hô hào suông. “Người dân luôn chăm chú nhìn vào hệ thống công quyền để ứng xử, hành xử. Họ nói tại sao chuyện ăn cắp lại đưa xử công khai cho người dân được biết nhiều thế trong khi những sai trái, tham ô cực lớn trong bộ máy công quyền thì lại xử kín, án tham nhũng sao lại bị hành chính hóa. Nếu hệ thống, bộ máy hành chính, pháp luật của chúng ta không được cải tiến thì khó mà dẹp được hệ quả dân “tự xử” – PGS-TS Trịnh Hòa Bình bày tỏ.
Theo Thế Kha
ĐB Quốc hội lo hiện tượng người dân "tự xử"
"Đang xuất hiện những lo ngại mới về lòng dân. Đó là tâm trạng bất an, suy giảm niềm tin mà đỉnh điểm là hiện tượng người dân "tự xử".
Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp QH ngày 31/10, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, đời sống văn hóa, xã hội của đất nước có nhiều vấn đề bức xúc. Đó là tâm trạng bất an và suy giảm niềm tin của người dân với nhà nước, mà đỉnh điểm là hiện tượng người dân "tự xử".
Đại biểu Đáng khẳng định "tự xử" là quan niệm và hành vi xấu, đáng lên án vì vi phạm pháp luật. "Nhưng trách dân sao được khi sự thực vai trò quản lý của nhà nước ta còn yếu kém. Đây là nguyên nhân chính của tâm trạng xã hội này", ông Đáng nói.
Đại biểu dẫn chứng, đơn cử như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, có đến ba bộ quản lý vẫn chưa hiệu quả. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân phải tự bảo vệ mình, trở thành "người tiêu dùng thông thái". "Nói như vậy không sai, nhưng rõ ràng quản lý nhà nước đang có dấu hiệu bất lực".
Theo Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh), báo cáo của Chính phủ khẳng định an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện, đây là tính ưu việt của chế độ ta.
"Song thời gian qua có một số vụ việc bức xúc phát sinh làm cho người dân bất an. Họ tự vấn hà cớ gì mà phải chịu oan nghiệt đến thế", ĐB Thích Thanh Quyết nói.
Theo đại biểu, có lẽ xưa nay chúng ta giải quyết vấn đề xã hội trong trạng thái đau đâu chữa đấy, chưa chữa tổng thể.
Đại biểu Thích Thanh Quyết cho rằng: "Hình như chúng ta đang thiếu cái gì đó rất lớn mà không thể nói ra được, có lẽ là thiếu một đạo, đạo đó là đạo làm người".
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền- Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cán bộ ngày càng xa dân và ít nghe ý kiến của người dân. Theo đại biểu, thực ra người dân rất muốn tiếp cận gặp lãnh đạo để phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng. Nhưng gửi đơn chưa chắc đã đến được lãnh đạo; đến nơi tiếp dân không gặp đồng chí cao cấp; điện thoại trực tiếp, lãnh đạo không nghe...
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chia sẻ: "Ngày xưa chúng ta dựa dân đánh giặc bây giờ giặc cũng dựa dân đánh ta. Ai nắm được dân, người đó thắng. Cho nên phải đặt lợi ích của dân lên trên hết". Theo ông Thuyền, chỉ khi chống được quan liêu, tham nhũng, xa dân thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề.
"Nếu chính quyền của chúng ta xuất phát từ dân, vì lợi ích của nhân dân... chắc không ai chống lại mình", ĐB Thuyền nói.
Đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) chỉ ra một trong những nguyên nhân cản trở phát triển kinh tế - xã hội đó là cơ chế chịu trách nhiệm không rõ ràng, kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm.
Theo ĐB Phương, thực tế nhiều cấp, ngành, địa phương để xảy ra nhiều vụ việc lớn, nghiêm trọng nhưng rất ít khi hoặc ít người đứng ra chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý.
Việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương không nghiêm của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong thực thi công vụ làm giảm hiệu quả điều hành của Chính phủ.
Theo Khampha
Nóng 24h: Cả nghìn người chặn đường phản đối doanh nghiệp Dân chặn đường phản đối DN; tin đồn "chạch thiên" hạ giới; bắt nhóm người tổ chức cho người TQ "xem mặt"... là những tin đáng chú ý trong ngày 27/10. Hình ảnh tổng hợp tin tức trong ngày Chặn đường, bao vây phản đối doanh nghiệp Đoạn đường trước UBND huyện Tư Nghĩa (thị trấn Sông Vệ), Quảng Ngãi sáng 27/10 bị...