Người dân tố công an huyện “ngâm án”
Giám đốc Công an tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy Sóc Trăng đã yêu cầu kiểm tra, xem xét, làm rõ, báo cáo về hai vụ cố ý gây thương tích mà người dân khiếu nại gay gắt, dai dẳng…
Mới đây, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo Thanh tra Công an tỉnh kiểm tra, xem xét, làm rõ việc Công an huyện Trần Đề trong quá trình thụ lý vụ ông Quách Khánh Tuấn (ngụ xã Tài Văn) tố giác bị anh rể gây thương tích có thực hiện đúng quy trình, thủ tục hay không. Hiện Thanh tra Công an tỉnh Sóc Trăng đang đốc thúc Công an huyện Trần Đề khẩn trương xác minh, điều tra vụ việc, không để xảy ra khiếu nại kéo dài.
Trong khi đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng yêu cầu Công an huyện Trần Đề báo cáo về khiếu nại của ông Lê Thanh Hải (ngụ thị trấn Trần Đề) trong một vụ cố ý gây thương tích khác mà ông Hải là nạn nhân. Giống như ông Tuấn, ông Hải cũng liên tục khiếu nại về việc điều tra, xử lý của Công an huyện này.
“Xác minh, làm rõ đến bao giờ”?
Trong vụ thứ nhất, theo khiếu nại của ông Quách Khánh Tuấn, khoảng 8h sáng 11.12.2014, ông chạy xe máy chở một người làm công đi từ nhà riêng đến nhà của anh trai. Khi ông Tuấn đi đến chợ Tài Văn thì nghe ông L.V.L (anh rể của ông Tuấn) gọi nên dừng xe thì bị ông L chỉ tay vào mặt chửi và dùng ly thủy tinh (loại uống cà phê) đánh khiến ông bị thương. Ông Tuấn bỏ chạy thì ông L rượt đuổi. Ông Tuấn phải chạy vào trụ sở Công an xã Tài Văn trình báo. Sau đó ông Tuấn được người quen đưa đi bệnh viện cấp cứu do bị chảy máu nhiều.
Đầu tháng 1.2015, ông Tuấn đã gửi đơn yêu cầu Công an huyện Trần Đề xử lý người anh rể về hành vi cố ý gây thương tích. Ba tháng sau, Cơ quan CSĐT Công an huyện có thông báo về kết luận giám định, theo đó ông Tuấn bị tổn hại sức khỏe 22%. Đáng chú ý, theo kết luận giám định, ông Tuấn bị các vết thương gây ra sẹo vùng cổ và mặt ảnh hưởng đến thẩm mỹ, hai sẹo vùng cổ nằm ở vùng nguy hiểm đến tính mạng…
Video đang HOT
Theo khoản 1 Điều 104 BLHS hiện hành, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, từ đó đến nay dù ông Tuấn rất nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng và Công an huyện Trần Đề yêu cầu giải quyết nhưng Công an huyện vẫn không khởi tố vụ án hình sự.
“Tôi tố giác tội phạm đã 22 tháng rồi, thủ phạm có, giám định kết quả thương tật có mà cơ quan công an cứ nói tôi chờ để “xác minh, làm rõ, xử lý theo luật định”. Vậy tôi còn phải chờ bao lâu nữa? Khi nào công an mới xử lý theo luật định đây?” – ông Tuấn bức xúc.
Ông Tuấn với các vết thương thành sẹo ở cằm, cổ. Ông Hải tại BV Đa khoa Sóc Trăng sau khi tiếp tục bị hành hung ngày 5.4.2016. Ảnh: G.Tuệ
Điều tra “cứ rề rề, câu rê”
Ở vụ thứ hai, theo hồ sơ, ngày 1.10.2014, ông Lê Thanh Hải bị bốn người khác ngụ cùng ấp dùng cây vây đánh. Theo kết luận giám định, ông Hải bị đánh “gãy mõm cùng vai trái. Tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên 21%”.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, ông Hải đã gửi đơn yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Đề khởi tố bốn người đánh ông. Sau đó, ông liên tục gửi đơn khiếu nại yêu cầu giải quyết đến nhiều cơ quan. Mãi tới tháng 3.2016 (sau gần 18 tháng), Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Đề mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Ba tháng sau, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Đề lại gửi thông báo cho ông Hải là đã ban hành quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.
Ông Hải bức xúc: “Trước đó mấy ngày, cán bộ điều tra mời tôi đến Công an huyện, cho biết những người đánh tôi đã trốn khỏi địa phương nên tạm đình chỉ điều tra, yêu cầu tôi ký biên bản. Tôi không đồng ý bởi những kẻ đánh tôi vẫn đang ở địa phương, vẫn quấy phá tôi mà công an không có biện pháp giải quyết. Điều tra gì mà cứ rề rề, câu rê miết. Gần 18 tháng sau khi tôi trình báo mới khởi tố vụ án. Khởi tố vụ án xong lại không khởi tố bị can, bắt tạm giam hoặc ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú những người đánh tôi, bây giờ lại viện lý do họ bỏ trốn nên tạm đình chỉ điều tra”.
“Đang khẩn trương làm rõ”
Để tìm hiểu rõ hơn, ngày 8.7, PV Pháp luật TP.HCM đã liên hệ với lãnh đạo Công an huyện Trần Đề. Đại tá Đoàn Thanh Sơn (Trưởng Công an huyện Trần Đề) cho biết: “Vụ ông Tuấn, ngay sáng nay tôi mới nhận được công văn cùng ý kiến của VKS huyện và tỉnh chuyển đơn về cho chúng tôi giải quyết. Chúng tôi sẽ có văn bản trả lời khiếu nại của ông Tuấn, đồng thời báo cáo cho VKS”. Cũng theo đại tá Sơn, vụ việc của ông Hải cũng vậy, hiện Công an huyện “đang khẩn trương làm rõ”.
Sau đó, đại tá Sơn đề nghị chúng tôi gặp trung tá Trần Phương Đông (Phó trưởng Công an huyện, người trực tiếp chỉ đạo điều tra hai vụ này) để trao đổi kỹ hơn.
Theo trung tá Đông, trong vụ của ông Tuấn, “chứng cứ thu thập chưa đầy đủ, do đây là vụ việc xảy ra giữa anh rể với em vợ vì có mâu thuẫn nên người dân địa phương ngại va chạm, không cung cấp thông tin, từ đó quá trình xác minh gặp khó”. Mặt khác, quá trình làm việc, ông Tuấn nói anh rể dùng ly thủy tinh đánh mình, người anh rể lại nói ông Tuấn dùng nón bảo hiểm đánh trước, người này giơ ly cà phê lên đỡ khiến miểng ly văng trúng làm ông Tuấn bị thương. Chứng cứ để chứng minh ai đúng, ai sai chưa rõ ràng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh, vận động người dân cung cấp thông tin, qua đó sớm làm rõ vụ việc” – trung tá Đông nói.
Chúng tôi đặt vấn đề lời khai của ông Tuấn và người anh rể mâu thuẫn, vì sao CQĐT không trưng cầu giám định để xem xét cơ cấu hình thành các vết thương của ông Tuấn và cho thực nghiệm hiện trường, Trung tá Đông cho biết: “Công an đã bàn với VKS cũng như đưa ra liên ngành để họp, qua bàn bạc chưa thống nhất việc này”.
Khi chúng tôi đặt ra câu hỏi có dư luận cho rằng anh rể của ông Tuấn không bị khởi tố vì có cháu làm ở Công an huyện, trung tá Đông phủ nhận: “Ông L có hai người cháu làm ở Công an huyện nhưng một phụ trách công an xã, còn một ở Đội điều tra tổng hợp và cả hai hoàn toàn không dính dáng đến việc thụ lý, điều tra vụ việc này”.
Về vụ án của ông Lê Thanh Hải, trung tá Đông nói có dấu hiệu tội phạm nên Công an huyện đã khởi tố vụ án, đồng thời đã xác định nghi phạm nhưng những người này “quanh co và quá trình điều tra đã bỏ đi khỏi địa phương, trong khi đó đã hết thời hạn điều tra nên phải tạm đình chỉ vụ án”.
Những dấu hiệu bất thường Trong vụ án của ông Lê Thanh Hải, trung tá Trần Phương Đông nói đã xác định nghi phạm nhưng những người này “quanh co và quá trình điều tra đã bỏ đi khỏi địa phương, trong khi đó đã hết thời hạn điều tra nên phải tạm đình chỉ”. Tuy nhiên, văn bản báo cáo của Công an huyện Trần Đề lại nêu rõ lý do tạm đình chỉ là “chưa xác định được bị can”, “làm việc với các đối tượng có liên quan thì chưa chứng minh được ai là người trực tiếp gây ra thương tích cho ông Hải”. Đáng chú ý, cũng ngay trong văn bản báo cáo nói trên, ở phần đầu, Công an huyện Trần Đề lại xác định do mâu thuẫn với nhau nên ngày 1.10.2014, ông Hải bị L.H.T, L.T.T, H.K.N và L.T.V dùng cây đánh gây thương tích. Cạnh đó, ông Hải tố giác những người từng đánh ông không bỏ trốn, vẫn ở địa phương và tiếp tục hành hung ông ngay trước mặt Trưởng Công an thị trấn Trần Đề vào ngày 5.4.2016 khiến ông phải đi cấp cứu. Về chuyện này, trung tá Đông nói các bên “chỉ xô đẩy và ông Hải tự mình thuận theo đó để té ngã gây ra thương tích”?!
Theo Gia Tuệ – Cao Xuân (Pháp luật TP.HCM)