Người dân thận trọng sau khi Trung Quốc nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19
Dù Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19, nhưng nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn rất thận trọng khi trở lại cuộc sống thường ngày.
Nhân viên hướng dẫn khách hàng quét mã QR sức khỏe bên ngoài một nhà hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, người dân và nhiều doanh nghiệp đã hoan nghênh động thái nới lỏng biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc. Tuy nhiên, Jorry Fan, cư dân ở thành phố Tô Châu, vẫn hết sức cảnh giác. Cô đã từ bỏ kế hoạch ra ngoài ăn tối trong nhiều tuần.
Dù các nhà hàng đã được phép mở cửa trở lại, bà mẹ hai con 44 tuổi đã hạn chế đi ăn uống ở nhà hàng hoặc những nơi đông người, thay vào đó cô lựa chọn dịch vụ giao đồ ăn vì lo sợ các thành viên trong gia đình có thể mắc COVID-19, sau khi Trung Quốc bỏ yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 như điều kiện tiên quyết để mở cửa các hoạt động.
“Tôi rất vui vì trước đây hầu như ngày nào tôi cũng phải xét nghiệm axit nucleic, giờ đây mọi thứ đã dễ dàng hơn. Nhưng chúng tôi không biết ai an toàn, chúng tôi không biết ai nhiễm virus. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải cẩn trọng hơn”, cô nói.
Những người tiêu dùng thận trọng như Fan là một trong những lý do khiến nhà phân tích không mong đợi thị trường tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phục hồi nhanh chóng và rộng rãi. Niềm hân hoan khi Trung Quốc đột ngột nới lỏng các biện pháp phòng dịch cũng đã giảm đi một phần khi một số người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn dè chừng nguy cơ lây nhiễm.
Sau khi Trung Quốc nới lỏng biện pháp phòng dịch từng ảnh hưởng lớn đến doanh thu, đối với những doanh nghiệp đồ ăn nhanh như McDonald’s, Starbucks, Yum China và các công ty xa xỉ như LVMH, triển vọng đã sáng sủa hơn. Tuy nhiên, việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch dự kiến sẽ mở ra một làn sóng lây nhiễm mới, mà các chuyên gia dự đoán có thể tấn công 60% dân số 1,4 tỷ người. Nhiều nhà phân tích e ngại động thái này sẽ tàn phá các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp nói rằng họ dự kiến sẽ phải vật lộn với tình trạng công nhân bị ốm vắng mặt trong thời gian dài. Điều này có thể cản trở hoạt động, có lẽ trong nhiều tháng .Ở trung tâm thành phố Bắc Kinh, một nhà hàng tại trung tâm thương mại chuyên bán các món ăn địa phương vẫn chưa phục vụ khách tại chỗ.
“Mặc dù chúng tôi hiện đã được phép phục vụ ăn uống trở lại, nhưng các nhân viên đang bị ốm và vẫn đang ở nhà, vì vậy chúng tôi không có đủ người để phục vụ”, một nhân viên chia sẻ.
Video đang HOT
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 9/12/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN
Một số nhà kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc vào đầu năm 2023, dường như sẽ tiếp tục những con số tăng trưởng của năm nay, được xếp vào hàng tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ qua.
Ông Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ING, nhận định:”Việc chuyển từ cách ly tại cơ sở tập trung sang cách ly tại nhà sẽ không làm tăng đáng kể doanh số bán lẻ”. Hơn nữa, chính sách nới lỏng cũng đang được thực hiện theo mức độ khác nhau ở nhiều khu vực khác nhau, một số hạn chế vẫn được duy trì khi những hạn chế khác được dỡ bỏ.
Chẳng hạn, tại trung tâm thương mại của Thượng Hải, mọi người không cần xét nghiệm virus SARS-CoV-2 âm tính để vào nhà hàng, nhưng quy tắc này vẫn áp dụng cho người dân ở Bắc Kinh.
Trong khi đó, thay vì đến trung tâm thương mại và các nhà hàng, bên ngoài các hiệu thuốc, hàng dài người vẫn xếp hàng chờ đợi để tích trữ bộ xét nghiệm kháng nguyên và thuốc để điều trị các triệu chứng cảm lạnh và cúm.
Một spa tại trung tâm thương mại ở trung tâm thành phố Bắc Kinh đã hoạt động trở lại vào hôm 9/12 cho biết hầu hết nhân viên đã quay trở lại nhưng khách hàng thì ít hơn nhiều.
“Vì dịch bệnh, chúng tôi đang áp dụng các chương trình khuyến mãi và phiếu giảm giá để thu hút khách hàng, song điều này thực sự khiến chúng tôi thua lỗ”, một nhân viên cho biết.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 7/12/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN
Giám đốc điều hành của một chuỗi khách sạn lớn nói rằng họ hoàn toàn chưa chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại nhanh chóng và quyết liệt như vậy. Ông cho biết khi nhiều khách sạn vẫn đang được sử dụng cho mục đích cách ly, việc thuyết phục các chủ sở hữu mở cửa và thuê thêm nhân công là rất khó khăn.
“Công ty hiện đang điều chỉnh chiến lược của mình để 80% nguồn lực tập trung vào việc tận dụng ‘chi tiêu trả thù’ sau nới lỏng, đồng thời dành 20% công suất khách sạn và nhân sự trong trường hợp quay trở lại cách ly”, ông nói.
Ông Jason Yu, Giám đốc điều hành khu vực Trung Quốc đại lục của công ty nghiên cứu người tiêu dùng Kantar Worldpanel, cho biết doanh số bán các mặt hàng như mỹ phẩm, rượu vang và rượu mạnh có thể sẽ tiếp tục giảm do người tiêu dùng thận trọng ở nhà trong những tháng tới. Thay vào đó, mọi người sẽ chi tiêu các mặt hàng tăng cường sức khỏe, mua ít mì ăn liền và các mặt hàng đông lạnh từng phổ biến trong thời kỳ chuẩn bị phong tỏa.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc mở cửa trở lại, dù gập ghềnh, vẫn là tín hiệu tốt về lâu dài cho các doanh nghiệp muốn gắn bó lâu dài ở thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn, các thương hiệu thức ăn nhanh sẽ có thể “tái xuất” với những động thái mở rộng lớn hơn mà họ đã lên kế hoạch.
Nhà phân tích Sara Senatore của ngân hàng đa quốc Bank of America cho biết vào năm 2023, việc phát triển nhà hàng mới ở Trung Quốc sẽ chiếm khoảng một nửa số cửa hàng McDonald’s mở trên toàn cầu và khoảng 1/3 số địa điểm mới của Starbucks.
Luca Solca, nhà phân tích của Bernstein, cho biết việc nới lỏng biện pháp phòng dịch là tín hiệu tốt cho ngành công nghiệp xa xỉ, vốn phụ thuộc nhiều vào chi tiêu của Trung Quốc.
“Kế hoạch cơ bản của chúng tôi là giảm giá sẽ thúc đẩy người tiêu dùng Trung Quốc quay trở lại tận hưởng cuộc sống và tiêu tiền. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các thương hiệu xa xỉ hàng đầu,” ông nói.
Trung Quốc nỗ lực dập tắt tin giả về COVID-19 khiến người dân mua sắm hoảng loạn
Truyền thông Trung Quốc đang cố gắng đẩy lùi làn sóng tin giả gây hoảng loạn cộng đồng, khi dân chúng đổ xô mua thuốc tự điều trị COVID-19.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh Trung Quốc, ngày 6/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện tại, các nhà thuốc và phòng dược bệnh viện trên khắp các thành phố lớn ở Trung Quốc đang thông báo hết thuốc hạ sốt, trong đó ibuprofen và paracetamol là những loại phổ biến nhất.
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng lên khi quốc gia này bắt đầu nới lỏng các chính sách kiểm soát đại dịch bệnh, người dân Trung Quốc đã bắt đầu tự ý mua và tích trữ thuốc men để tự điều trị.
Tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã khuyến cáo về tình trạng nhiều người tự ý uống kết hợp thuốc hoặc sử dụng quá nhiều loại thuốc để trị sốt, đặc biệt là thuốc ibuprofen. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), uống thuốc quá liều có thể dẫn đến suy gan.
Các phương tiện truyền thông nhà nước cũng bác bỏ thông tin cho rằng ăn quả đào vàng đóng hộp có thể giúp hồi phục sức khỏe và ăn cam có thể làm cho kết quả xét nghiệm kháng nguyên biến thành dương tính.
"Hãy ngăn chặn đại dịch bằng khoa học, đừng để bị lừa bởi những tin đồn này,", tờ Nhân dân Nhật báo khẳng định trong bài đăng trên mạng xã hội Weibo ngày 12/12.
Trước đó, ngày 7/12, Trung Quốc đã thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 trên toàn quốc.
Theo quy định mới, những người mắc COVID-19 thể nhẹ và không có biểu hiện triệu chứng có thể thực hiện cách ly tại nhà, chấm dứt yêu cầu tất cả các ca nhiễm phải cách ly tại các cơ sở tập trung do Chính phủ Trung Quốc chỉ định.
Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc cho biết nước này cũng sẽ giảm tần suất và phạm vi xét nghiệm PCR. Trong khi đó, xét nghiệm hàng loạt bắt buộc cũng sẽ giới hạn ở các khu vực và trường học "có nguy cơ lây nhiễm cao".
Ngoài ra, những người đi lại liên tỉnh ở Trung Quốc cũng sẽ không còn cần phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành và không cần phải xét nghiệm tại điểm đến.
Trung Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục sau khi nới lỏng biện pháp phòng dịch Số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục, khi nhiều địa phương phải vật lộn với làn sóng bùng phát virus mới sau khi nới lỏng một số biện pháp phòng dịch. Nhân viên phòng dịch mặc bộ đồ bảo hộ bảo vệ lối vào tại tòa nhà văn phòng ở khu thương mại trung tâm...