Người dân Thái Bình hiến đất tiền tỷ làm đường: ‘Chưa Tết nào vui như Tết này’
Sau khi hiến đất trị giá chục tỷ đồng để mở rộng đường, người dân Thái Bình cảm thấy “chưa Tết nào vui như Tết này ” khi đường làng rộng rãi, sạch đẹp như đường phố.
Thông tin với PV VTC News, ông Nguyễn Ngọc Nhường – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho biết, đến thời điểm hiện tại, Quỳnh Phụ là huyện có phong trào hiến đất làm đường cao nhất cả nước.
Cụ thể, mới chỉ tính riêng 2 tuyến đường ĐH78 và ĐH76 qua một số xã như An Thái, Quỳnh Ngọc, người dân đã hiến đất trị giá khoảng 30 tỷ đồng.
“Việc làm này giúp tiết kiệm cho ngân sách khoảng 30 tỷ đồng, tương đương mức đầu tư một công trình giao thông đường huyện”, ông Nhường phấn khởi chia sẻ.
Nhân dân một số xã ở huyện Quỳnh Phụ hiến đất mở rộng đường, xây dựng nông thôn mới.
Chưa Tết nào vui như Tết này
Chỉ tay ra tuyến đường khang trang, rộng rãi trước mặt, ông Phạm Văn Vạn (72 tuổi, thương binh 3/4, ở thôn Đông Châu, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ) cho biết, tuyến đường giao thông ĐH78 nối liền 3 xã Quỳnh Hoàng – Quỳnh Lâm – Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) trước đây chỉ rộng 4m, nhiều ổ gà, ổ trâu, rất khó đi.
Thực hiện chủ trương mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Quỳnh Ngọc mở đợt vận động, tuyên truyền cho nhân dân tích cực hiến đất làm đường. Chủ trương này được đại đa số nhân dân ủng hộ.
“Chúng tôi thấy đây là việc làm rất tuyệt vời của thời đại mới. Mở mang đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đường sá phải phong quang, sạch đẹp nên nhân dân đều đồng tình hiến đất làm con đường này chứ không hề đòi hỏi gì”, ông Vạn chia sẻ.
Ông Phạm Văn Vạn chia sẻ về những lợi ích khi đường quê mở rộng, thông thoáng, an toàn.
Ông Vạn cho biết, gia đình ông hiến hơn 100m2 đất thổ cư với giá trị khoảng 400-500 triệu, đất canh tác hơn 100m2. Ngoài việc hiến đất làm đường, người dân địa phương cũng được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng một số cây cối, công trình khác.
“Như gia đình bác Khuê đây, cả một dãy dài hàng chục mét mặt đường với bao cây cối nhưng đều hiến cho nhà nước mở đường chứ không đòi hỏi gì. Đợt này nhân dân chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng khi nhà nước có chủ trương mở rộng đường xây dựng nông thôn mới. Đường giao thông liên huyện, liên tỉnh đều to đẹp, rộng hơn trước nhiều, đi lại thoáng đãng và giao thông an toàn”, ông Vạn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cường (SN 1950, ở thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ) cho biết, trước đây tuyến đường này hai bên cỏ mọc um tùm, rãnh thoát nước hôi thối, bẩn thỉu. Hiện đường được mở rộng thành 9m, hai bên đều có hành lang, hệ thống thoát nước sạch sẽ.
Gia đình ông Cường có 5 suất đất mặt đường, chiều dài 100m. Nhà nước mở đường lấy vào 2m với tổng diện tích hơn 200m2 đất, tính giá cả thị trường ở thời điểm hiện tại lên đến 1,4 tỷ đồng.
“Đất là đất của nhà nước, nhà nước dùng đến thì hiến cho nhà nước, nhân dân cùng làm và cùng hưởng chung. Như gia đình tôi ở ngay mặt đường là được hưởng tiện lợi trước, để xe ô tô thoải mái. Cán bộ về đây vận động bà con nhất trí, hưởng ứng hết, không ai có ý kiến gì khác. Gia đình tôi may mắn có 5 suất đất mặt đường ở đây mới hiến chứ trong ngõ thì ai dùng mà hiến”, ông Cường cười nói.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Cường cùng gia đình hiến hơn 200m2 trị giá tiền tỷ để mở rộng tuyến đường.
Theo ông Cường, hiến đất cho nhà nước thì người dân địa phương là những người đầu tiên được hưởng quyền lợi, thuận tiện đi lại và sinh hoạt.
“Chưa bao giờ chúng tôi có được cái Tết như năm nay. Anh em đi làm ăn xa về, xe cộ đi lại thông thoáng, bà con đều phấn khởi. Từ trước đến giờ người dân chúng tôi không nghĩ lại có con đường đẹp như thế này. Có bà con đi làm ăn xa 5, 7 năm, hoặc hơn 10 năm về thấy quê hương mình đổi mới thế này phấn khởi lắm. Nói chung Tết năm nay hơn hẳn mọi năm”, ông Cường vui mừng chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Bằng (Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc) cho biết, Tân Mỹ là thôn gần như Công giáo toàn tòng. Sau khi có nghị quyết của Đảng bộ xã Quỳnh Ngọc, Cha xứ, Ban hành giáo đã tích cực tuyên truyền vận động bà con giáo dân hưởng ứng hiến đất mở rộng tuyến đường qua thôn.
Nhờ sự đồng thuận và triển khai rất nhanh chóng của bà con giáo dân đã giúp cho công việc mở rộng tuyến đường này được thuận tiện. Trong số 161 hộ dân hiến đất làm đường có 30 hộ thuộc Giáo xứ Tân Mỹ.
“Khi con đường đưa vào sử dụng, nó đã làm thay đổi diện mạo của thôn Tân Mỹ cũng như xã Quỳnh Ngọc và cũng sẽ làm cho kinh tế thôn Tân Mỹ sẽ phát triển đi lên”, ông Bằng tin tưởng.
Tuyến đường qua thôn Tân Mỹ có hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, vỉa hè khang trang.
Sự lan tỏa của phong trào hiến đất làm đường
Thông tin với PV VTC News, ông Phạm Văn Tập – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, Quỳnh Ngọc là xã thuần nông, nằm xa trung tâm của huyện, sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách xã hạn hẹp.
Vì vậy khi được UBND huyện thông báo quyết định đầu tư Dự án tuyến đường giao thông ĐH78 nối liền 3 xã Quỳnh Hoàng – Quỳnh Lâm – Quỳnh Ngọc tiếp giáp với đường tỉnh lộ 452, có tổng chiều dài 3,85km qua 3 thôn Quỳnh Lang, Đông Châu, Tân Mỹ (xã Quỳnh Ngọc), cán bộ, đảng viên và nhân dân rất phấn khởi.
Tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng là thời cơ để Quỳnh Ngọc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Song, nỗi lo của cấp ủy Đảng, chính quyền cũng không ít, trong đó giải phóng mặt bằng luôn là khâu tốn kém thời gian và kinh phí nhất trong các dự án đầu tư công từ trước đến nay trên địa bàn xã nói riêng và huyện nói chung.
“Đảng ủy, chính quyền xã xác định đây là chủ trương mới, việc làm mới, khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân về tiền bồi thường giá đất theo quy định của nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại cơ sở… do đó cần có sự tập trung vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội; đoàn viên, hội viên phải được triển khai một cách đồng bộ, nhất quán, kịp thời là khâu chủ yếu quyết định thành công của dự án”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Ngọc nói.
Theo ông Tập, để người dân hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường, công tác thông tin, tuyên truyền được xã đặc biệt chú trọng. UBND xã giao cho Đài truyền thanh xã, Ban văn hóa thông tin tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của huyện, trong đó chú trọng vận động nhân dân tự nguyện góp quyền sử dụng đất không đòi lại để thực hiện dự án.
Tuyến đường giao thông ĐH78 nối liền 3 xã Quỳnh Hoàng – Quỳnh Lâm – Quỳnh Ngọc tiếp giáp với đường tỉnh lộ 452, có tổng chiều dài 3,85km đã và đang được thi công mở rộng và hoàn thiện toàn tuyến.
Sau khi xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng bộ, Đảng ủy xã chỉ đạo cho 3 chi bộ thôn có dự án đường đi qua tổ chức họp chi bộ kỳ bất thường ra nghị quyết chuyên đề để tổ chức thực hiện.
“UBND xã thành lập đoàn công tác xuống họp với các hộ, gặp gỡ trao đổi với 2 cơ sở tôn giáo có diện tích đất thuộc diện phải giải tỏa, để làm công tác vận động, tuyên truyền nhân dân, cơ sở tôn giáo, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, UBND xã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất trích đo, trích lục bản đồ, lên danh sách diện tích của các hộ gia đình và cơ sở tôn giáo cần thu hồi”, ông Tập chia sẻ.
Cụ thể, toàn xã có 161 hộ nằm trong diện phải giải tỏa với tổng diện tích là 4.236,2m2; trong đó có 82 hộ thuộc hạng đất ở, với 2.000m2; 79 hộ thuộc hạng đất khác với 1.973,8m2; 2 cơ sở tôn giáo là Giáo Xứ Tân Mỹ, Giáo Xứ Quỳnh Lang với diện tích 262,4m2 .
Với phương châm kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục và xuyên suốt, đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, Chính quyền; huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã làm chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, ý thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Quỳnh Ngọc thực hiện chủ trương trên.
Từ 17/7/2021, việc kiểm đếm tài sản, cây cối hoa màu trên đất được thực hiện và chỉ sau 3 ngày, 100% hộ nhân dân đã đồng thuận, tự nguyện ký đơn hiến đất.
Tiêu biểu là gia đình ông Nguyễn Văn Cường cùng các con đã hiến trên 200m2 đất ở trị giá trên 600 triệu đồng, gia đình thương binh hạng 3/4 Phạm Văn Vạn, ông Bùi Xuân Thành đều hiến trên 200m2 đất, trong đó có hơn 50m2 đất ở, trên 150m2 đất nông nghiệp.
Ngoài ra, hàng chục hộ gia đình hiến diện tích đất nông nghiệp từ 100m2 đến trên 200m2… Giáo xứ Quỳnh Lang, Tân Mỹ cũng hoà trong phong trào chung của toàn xã hiến 262,4m2. Tổng tiền đất người dân hiến ước tính khoảng trên 10 tỷ đồng; tài sản trên đất khoảng 1,5 tỷ đồng.
“Có thể nói, cuộc vận động nhân dân tự nguyện góp quyền sử dụng đất cho nhà nước không đòi lại để mở rộng, nâng cấp đường giao thông trên địa bàn xã Quỳnh Ngọc đã thành công tốt đẹp.
Phong trào này đã góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình đối với việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước; về sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”, ông Tập đánh giá.
Những tuyến đường nhựa rộng, dài đang dần hiện hữu trên những làng quê huyện Quỳnh Phụ, diện mạo nông thôn mới đang đổi thay từng ngày.
Ông Nguyễn Ngọc Nhường – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ cho biết thêm, ngoài hàng chục công trình nhân dân hiến đất đã và đang thi công thì hiện nay, phong trào hiến đất làm các công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi của các địa phương, nhân dân các xã cũng thi đua nhau viết đơn hiến đất gửi về Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện để được huyện cho phép chủ trương đầu tư.
Điển hình là nhân dân thôn Mai Trang, xã An Quý, đã hiến hàng nghìn m2 đất nông nghiệp và vài trăm m2 đất ở để thực hiện các công trình giao thông và công trình phúc lợi xã hội khác.
“Thông qua phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới nêu trên, một lần nữa chúng tôi khẳng định vai trò to lớn của nhân dân trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương, xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước”, ông Nhường nói.
Thu hồi 28 ha đất vàng ven biển Vũng Tàu bị "xài chùa" suốt 26 năm
Khoảng 28 ha đất nằm dọc bờ biển Bãi Sau được đánh giá đẹp nhất TP Vũng Tàu sẽ được thu hồi sau 26 năm bị các doanh nghiệp "xài chùa" kinh doanh khu du lịch, khách sạn, nhà hàng.
Khu đất ven biển đẹp nhất TP Vũng Tàu nằm dọc theo bãi Thùy Vân sẽ được thu hồi trong tháng 3 (Ảnh: T.K).
Ngày 14/2, UBND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, cơ quan chức năng sẽ thu hồi mặt bằng, buộc các doanh nghiệp phải bàn giao hạ tầng dọc khu vực Bãi Sau (bãi tắm Thùy Vân) trước ngày 15/3 để "làm sạch" bãi tắm này.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có kết luận về việc quản lý, sử dụng hạ tầng tại đây có nhiều sai phạm, quyết định thu hồi gần 400 tỷ đồng của 9 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở Bãi Sau (TP Vũng Tàu).
Cụ thể, năm 1996, Công ty Đầu tư xây lắp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lúc đó là doanh nghiệp thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là Công ty cổ phần bất động sản và đầu tư VRC, vốn Nhà nước 0%) được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao 3.000m2 bờ biển để đầu tư cải tạo, nâng cấp xây dựng bãi tắm Thùy Vân hết hơn 122 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, cả chủ đầu tư và các doanh nghiệp chưa nộp đầy đủ tiền thuê đất. Tính từ 2006 - 2017, Cục Thuế tỉnh xác định tiền thuê đất khu vực bãi tắm Thùy Vân mà 9 doanh nghiệp phải nộp là gần 310 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp "xài chùa" trên khu đất hàng chục năm qua (Ảnh: T.K).
UBND TP Vũng Tàu, Cục Thuế tỉnh cùng các cơ quan liên quan đã tổ chức 2 buổi họp với 9 doanh nghiệp này để bàn biện pháp, vận động nộp tiền thuê đất theo quy định nhưng các doanh nghiệp không đồng ý số tiền nợ thuê đất và không thảo luận về phương án nộp số tiền.
Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các công trình trái phép, không phép tại khu vực bãi tắm Thùy Vân nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra xử lý. Vì vậy dẫn đến việc không quản lý chặt chẽ đất đai, hạ tầng mà Nhà nước đã đầu tư tại dự án bãi tắm này.
Sau kết luận những sai phạm trên, căn cứ vào kiến nghị của thanh tra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giao cho Sở Xây dựng, UBND TP Vũng Tàu xử lý, phá dỡ những công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch và xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng không phép, trái phép của các doanh nghiệp, chủ đầu tư.
Những công trình vi phạm ở bãi Thùy Vân sẽ phải tháo dỡ (Ảnh: T.K).
Dù nhiều lần chính quyền tỉnh, TP và ngành chức năng họp để xử lý nhằm trả lại tầm nhìn thông thoáng phía biển nhưng đến nay các doanh nghiệp vẫn không chấp hành việc trả mặt bằng.
Liên quan đến vụ việc này, lãnh đạo TP Vũng Tàu đã có cuộc họp để nghe Trung tâm phát triển quỹ đất TP Vũng Tàu báo cáo tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 28 ha đất ở bãi tắm Thùy Vân.
Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu Hoàng Vũ Thảnh đã chỉ đạo trung tâm này phải tiến hành lập biên bản yêu cầu các doanh nghiệp cam kết bàn giao mặt bằng theo quy định.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho UBND TP Vũng Tàu phải thu hồi hạ tầng bãi tắm Thùy Vân để cải tạo, "làm sạch" bãi tắm này (Ảnh: T.K).
Bãi Sau biển Vũng Tàu luôn là điểm đến lý tưởng của khách du lịch nên việc trả lại cảnh quan khu vực này rất cần thiết (Ảnh: T.K).
UBND TP Vũng Tàu cũng giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất TP, tham mưu văn bản đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo sở ngành liên quan ngừng cấp phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp tại khu vực bãi tắm Thùy Vân theo quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh sau ngày 28/2.
TP Vũng Tàu đề nghị Cục Thuế và Sở Kế hoạch và Đầu tư ngừng thực hiện các nghĩa vụ tài chính, thuế đối với các doanh nghiệp này từ sau ngày 28/2. Địa phương sẽ bồi thường, hỗ trợ các doanh nghiệp phần xây dựng có phép. Những trường hợp có khiếu nại, thắc mắc sẽ được TP giải quyết theo quy định.
Tạm ứng vốn để giải phóng mặt bằng dự án 1A, đường Vành đai 3-TP.HCM Để dự án 1A, đường Vành đai 3-TP.HCM sớm khởi động, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quyết định tạm lấy vốn từ nguồn vốn của quỹ phát triển đất tỉnh ứng trước cho huyện Nhơn Trạch giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Ngày 17/12, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các sở...