“Người dân Syria quyết định ai lãnh đạo đất nước”
Ngày 20/8, Bộ Ngoại giao Syria ra tuyên bố khẳng định chỉ người dân Syria mới quyết định được ai lãnh đạo đất nước này, chứ không phải bất cứ một quốc gia nào khác, kể cả đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ).
Tổng thống Bashar al-Assad (Ảnh: AP)
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria được đưa ra trong bối cảnh các phương tiện thông tin đại chúng Arập đưa tin đặc phái viên mới được bổ nhiệm của LHQ và Liên đoàn Arập (AL) về vấn đề Syria Lakhdar Brahimi nói rằng tiến trình chính trị ở Syria bắt đầu sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ. Mặc dù vậy, ông Brahimi đã bác bỏ thông tin này và cho rằng còn quá sớm để bàn về việc ra đi của ông Assad.
Tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Syria cũng chỉ trích lời nhận xét của ông Brahimi miêu tả cuộc xung đột kéo dài 17 tháng qua ở quốc gia Trung Đông này như một “cuộc nội chiến”. Tuyên bố nhấn mạnh việc nói Syria trong “một cuộc nội chiến” là trái với thực tế và chỉ được hình thành trong đầu của những người có âm mưu chống lại Syria.
Bộ Ngoại giao Syria khẳng định những gì đang diễn ra ở nước này là do các tội phạm khủng bố và các nhóm vũ trang được các nước bên ngoài hỗ trợ tiền và vũ khí gây ra. Bộ này nhấn mạnh nếu đặc phái viên mới của LHQ và AL muốn sứ mệnh của mình thành công thì khuôn khổ hoạt động của ông phải phù hợp và có thể được chấp nhận đối với người dân Syria. Những nhận xét như nói trên của ông Brahimi sẽ chỉ cản trở nỗ lực của hai bên nhằm ngăn chặn bạo lực ở nước này.
Video đang HOT
Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24 của Pháp ngày 19/8, ông Lakhdar Brahimi cho rằng vấn đề hiện nay không còn là ngăn ngừa một cuộc nội chiến tại Syria, mà là dừng ngay cuộc nội chiến này, dù điều này là không dễ dàng.
Trong khi đó, cùng ngày 20/8, Bộ Thông tin Syria cũng phủ nhận những thông tin vô căn cứ mà một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải cho rằng một quan chức cấp cao quân đội của Syria vừa qua đã chết tại một bệnh viện tại Nga, đồng thời khẳng định hành động tung tin như vậy chỉ nhằm phục vụ cuộc chiến tranh tâm lý chống Syria./.
Theo TTXVN
Cựu Ngoại trưởng Algeria làm đặc phái viên quốc tế về Syria
Nhà ngoại giao Algeria Lakhdar Brahimi khẳng định sẽ vẫn theo đuổi các nỗ lực ngoại giao
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 17/8 xác nhận, nhà ngoại giao kỳ cựu Algeria Lakhdar Brahimi đã chính thức đồng ý đảm nhận vai trò đặc phái viên quốc tế về vấn đề Syria, khi mà cuộc xung đột kéo dài hơn 17 tháng ở Syria đã biến thành một cuộc nội chiến.
Đặc phái viên quốc tế mới về vấn đề Syria - cựu Ngoại trưởng Algeria Lakhdar Brahimi (Ảnh: AFP)
Ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế hỗ trợ ông Brahimi hoàn thành sứ mệnh của mình.
Ông Eduardo del Buey, Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết: "Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đánh giá cao quyết định của cựu Ngoại trưởng Algeria sẵn sàng cống hiến tài năng và kinh nghiệm của mình để đảm trách nhiệm vụ quan trọng này. Trên cương vị mới, ông Brahimi sẽ rất cần và chắc chắn sẽ rất mong nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, rõ ràng và đoàn kết của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".
Cùng ngày, phát biểu với báo chí, ông Brahimi khẳng định sẽ vẫn theo đuổi các nỗ lực ngoại giao cho dù cuộc xung đột kéo dài 17 tháng qua tại Syria đang ngày càng trầm trọng hơn. Theo ông, việc bàn về giải pháp quân sự cũng đồng nghĩa với thừa nhận nỗ lực ngoại giao thất bại.
Quyết định bổ nhiệm ông Brahimi vào cương vị phái viên quốc tế một lần nữa mang lại hy vọng cuộc khủng hoảng tại Syria sẽ có cơ hội chấm dứt. Bởi ông Brahimi, 78 tuổi, là một nhà ngoại giao kỳ cựu, từng giữ chức cựu Ngoại trưởng Algeria trong giai đoạn 1991-1993, sau đó trở thành đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về vấn đề Iraq, Afghanistan, Haiiti và Nam Phi.
Tuy nhiên, sứ mệnh của ông Brahimi sẽ gặp nhiều khó khăn bởi tới nay, các cường quốc vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria và đây cũng chính là lý do khiến cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan ngày 2/8 vừa qua quyết định từ bỏ sứ mệnh của mình.
Theo ông Kofi Annan, ông đã không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình bởi thiếu sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và những bất đồng trong Hội đồng Bảo an càng làm cho vấn đề Syria trở nên bế tắc.
Và ngay ngày 17/8, một hội nghị của nhóm hành động quốc tế về Syria do Nga chủ trì đã không thể diễn ra mà nguyên nhân chính cũng là do sự chia rẽ giữa các cường quốc.
Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể đi tới thống nhất, thì tại Syria, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt. Theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria, đụng độ giữa quân đội chính phủ và lực lượng đối lập đã nổ ra tại khu vực gần sân bay quân sự Maze, ở vùng ngoại ô phía Tây thủ đô Damascus.
Điều này cho thấy, căng thẳng vẫn tiếp diễn tại thủ đô Damascus dù chính quyền Syria khẳng định đã "quét sạch các tay súng khủng bố" ra khỏi thành phố. Bạo lực cũng xảy ra tại nhiều khu phố ở phía Nam thủ đô và riêng trong ngày 17/8 đã làm 72 người chết, trong đó 43 người là dân thường.
Tại trung tâm kinh tế Aleppo, quân đội chính phủ và lực lượng đối lập vẫn trong thế giằng co quyết liệt nhằm giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược nằm cách thủ đô Damascus hơn 300 km về phía Bắc và gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ./.
Theo VOV
Tiến trình hòa bình cho Libya còn nhiều chông gai Cuộc tranh giành quyền lực mới giữa các phe phái đang làm cho hành trình hướng tới nền dân chủ của Libya vẫn rất xa vời. Ngày 9/8, Quốc hội khóa mới của Libya bầu ông Mohammed Magarief, lãnh đạo đảng Mặt trận Cứu quốc Libya làm Chủ tịch, một ngày sau khi Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya chuyển giao quyền...