Người dân rưng rưng tiễn đưa Đại tướng
Mỗi ngày lại thêm nhiều những câu chuyện cảm động của người dân thủ đô Hà Nội tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trẻ, già, lớn, bé đều có kỷ niệm với Đại tướng
Bà Nguyễn Thị Đỗ (62 tuổi Hàng Chuối, Hà Nội) dậy thật sớm để ra ngã năm Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông chờ đoàn xe tang chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua. Không phải bà chưa bao giờ đi viếng Đại tướng. Bà đã xếp hàng trong ngày cuối cùng ở Hoàng Diệu từ 5 giờ sáng. Bà cũng đã đứng chờ trong hàng người dài thương nhớ hôm qua suốt 6 tiếng để được viếng ông khi thành phố đã lên đèn.
Bà Đỗ chỉ là một trong hàng triệu người đi theo cụ Hồ và Đại tướng từ những ngày chiến tranh. “Nghe tin ông mất đêm nào tôi cũng khóc thầm”, bà nói.
Hàng người dày lên rất nhanh trên trục đường từ nhà tang lễ ra đến Nhà hát lớn, rẽ ra Tràng Tiền, xuôi xuống Hàng Khay, Tràng Thi…
Trẻ, già, lớn, bé đều có kỷ niệm với Đại tướng.
Có những người không nói, cũng không khóc. Họ mặc áo nâu, mắt nhắm nghiền, tay lần tràng hạt
Ai cũng muốn tiễn đưa Đại tướng
Video đang HOT
“Sáu ngày trước tôi đã được vào 30 Hoàng Diệu, nhà riêng nhà Bố”, bà Đinh Thị Nhuận (63 tuổi, Đại La) vừa khóc vừa nói.
“Tôi ở đây để chờ nhìn Bố lần nữa. Bố mất, tôi rất xót xa”, bà Nhuận rưng rưng.
Có cả những kỷ niệm được trao truyền. Ông bà kể cho cha mẹ. Rồi cha mẹ lại truyền cho con cháu.
“Mẹ tôi lúc còn sống lúc nào cũng kể chuyện cụ. Nếu còn sống bà cũng 98 tuổi rồi”, bà Nguyễn Thị Chung nói. Bên cạnh bà, một phụ nữ khác góp lời “Thương vì cụ sống một đời đạm bạc”.
Có những người không nói, cũng không khóc. Họ mặc áo nâu, mắt nhắm nghiền, tay lần tràng hạt.
Cả những em bé cũng đứng trang nghiêm. Trong số đó em Võ Huy Tùng, 4 tuổi, cúi đầu nhìn xuống đôi dép cao su mẹ mới mua để em đi viếng Đại tướng. Em biết. Đó là đôi dép bác Hồ. Còn cụ Võ Nguyên Giáp là ông cụ tóc bạc trên ảnh.
Phút mặc niệm, không ai bảo ai, đứng im. Tay họ nắm hờ buông xuống. Còn nước mắt cứ trào ra như muốn tự mình nói thêm một lời tiễn biệt ông.
Đoàn xe rồi sẽ đi qua trước mặt họ. Rất nhanh. Chỉ những người ở hàng trên nhìn thấy rõ. Những người hàng sau không nhìn thấy, cũng hẳn cảm thấy ấm áp khi thấy bóng ông lướt qua đây.
Hà Nội vừa qua kỷ niệm 59 năm ngày giải phóng. Cũng vẫn người dân mang cờ hoa đứng chật đường đón chào những chiếc xe quân đội. Nhưng hoa giờ đây không để vẫy, mà để lặng thinh. Cờ không tung bay mà buồn rũ xuống. Vị kiến trúc sư của cả hai cuộc chiến tranh vệ quốc đã ra đi. Nhưng ai mà quên được hình ảnh ông ngồi cạnh Bác Hồ trên chiếc xe đi đến lễ đài Độc lập năm nào.
Từ đó đến nay đã nhiều năm. Vị tướng trẻ cười tươi tắn ngày độc lập thuở nào giờ đã thành vị tướng già đầu bạc, người đã ra đi mà bước chân vương vấn với mùa thu. Nhưng lòng dân tiễn ông còn rối bời, còn vương tơ hơn thế. Trong tiếng khóc mà lòng tan nát, thương xót.
Cụ Cao Võ Giang, một cựu chiến binh, bất giác đưa tay lên sờ huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Đúng 7 giờ 45 phút, đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi qua Quảng trường Nhà hát lớn – Ảnh: Xuân Bùi
Trinh Nguyễn
Theo TNO
Tiễn biệt Đại tướng
Một biển người ở khu vực sân bay Đồng Hới, một biển người ở khu vực Vũng Chùa, và suốt 65 km đường QL1A nơi đoàn linh xa đi qua, hàng vạn người dân đã kính cẩn nghiêng mình đón vị Đại tướng huyền thoại về nơi an giấc ngàn thu.
Hàng vạn người dân đã tiễn linh cữu Đại tướng về Vũng Chùa hôm qua - Ảnh: Độc Lập
Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tại khu vực sân bay Đồng Hới hôm qua dòng người khắp nơi đổ về tề tựu sẵn hai bên đường vào ra sân bay từ rất sớm. Đến 11 giờ 30, tiếng rền vang của máy bay bắt đầu vang trên bầu trời, tất cả mọi người đều ngước nhìn lên và bảo: "Bác về rồi, bác về rồi". Nhiều người đã bật khóc. Đó là lúc chuyên cơ ATR72 mang số hiệu VN103 chở linh cữu Đại tướng bắt đầu hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới. Ít phút sau đó, đoàn linh xa rời sân bay, bắt đầu hành trình về Vũng Chùa. Khi xe chở linh cữu đi qua, mặc dù được chỉ dẫn đứng xa ra hai bên đường nhưng ai cũng ùa xuống chỉ để được chạm tay vào thành linh xa, vào hòm kính. Cảm xúc trào dâng đã khiến người dân không kìm nén nổi. Đoàn linh xa cũng đi chậm lại, rất chậm...
Trên QL1A đoạn qua thôn Lý Hòa (xã Hải Trạch, H.Bố Trạch), một bàn thờ Đại tướng khói hương nghi ngút do tập thể dòng họ Võ ở địa phương lập.
Biết đoàn linh xa sẽ đưa linh cữu về Vũng Chùa (xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch, Quảng Bình), đông đảo người dân trên khắp cả nước đã đổ về Quảng Bình từ mấy ngày trước. Họ như muốn níu kéo những giây phút cuối cùng để được đến gần vị tướng của nhân dân, suốt đời vì nhân dân.
Con đường gần 3 km từ QL1A dẫn vào Vũng Chùa đất còn mềm bởi vừa mới được thi công cấp tốc, trở nên quá tải bởi lượng người càng lúc càng đông. Người dân không ngần ngại băng đồng, lội ruộng, chạy dọc mép biển, chen kín quanh ngọn đồi... 15 giờ 15, đoàn linh xa tiến vào khu vực an táng. 30 phút sau, linh cữu Đại tướng được đưa lên ngọn đồi, hai bên là 2.000 cán bộ chiến sĩ đại diện các quân binh chủng cùng hàng vạn người dân.
Đến tối qua, dòng người vẫn đổ dồn lên ngọn đồi có mộ phần Đại tướng. Tháp chuông trước mặt khu an táng đều đặn gióng lên từng hồi, vang vọng đến tận Đảo Yến án ngữ phía trước. Ông Võ Điện Biên khản giọng nói lời cảm ơn đến tất cả mọi người và xin bà con thưa vãn bớt để gia đình tiếp tục công việc hoàn tất khu mộ. Tuy nhiên ai nấy đều cầm trên tay bức hình Đại tướng hoặc nhành hoa cúc vàng tiến tới...
21 giờ, QL1 đoạn qua xã Quảng Đông vẫn kẹt cứng, đường từ Vũng Chùa lên cũng tương tự.
Chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết rằng mọi lời ca ngợi Đại tướng là lời ca ngợi đối với Bác Hồ, với các thế hệ lãnh đạo của Đảng, với tất cả đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh và đóng góp bằng tâm trí và máu xương trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Đấy là lời ca ngợi đối với tất cả những người con ưu tú của đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ và giữ gìn mảnh đất này. Để tỏ lòng biết ơn, không có lời nào có thể diễn đạt hết được tấm lòng của gia đình ...Trong giây phút này, xin phép được ngẩng đầu tạ ơn tiên tổ của đất nước VN, tạ ơn anh linh của tất cả những anh hùng liệt sĩ từ hàng nghìn năm nay đã ngã xuống vì mảnh đất này và luôn đồng hành cùng với Đại tướng trong cuộc trường chinh cho tới giờ phút cuối cùng. Đại tướng cả đời đã vì nước vì dân và lúc mất đi chắc chắn tinh thần của Đại tướng sẽ hòa vào tinh thần của hàng trăm, hàng chục triệu người dân nước Việt, biến thành sức mạnh vì một nước VN hùng cường và thịnh vượng Xin cảm ơn. ( trích lời cảm ơn của gia đình Đại tướng)
Mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc Sáng 13.10, lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia. Từ sáng sớm, đông đảo cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đã có mặt dự lễ truy điệu, tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Đúng 7 giờ, lễ truy điệu bắt đầu. Thay mặt Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Quân ủy T.Ư, quân và dân cả nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban lễ tang, đọc Lời điếu ôn lại công lao của Đại tướng đối với đất nước suốt hơn 80 năm hoạt động cách mạng. Tổng bí thư xúc động: "Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là anh Cả của Quân đội Nhân dân VN. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc".
Theo TTXVN
Người mẹ tuyệt vời của Tướng Giáp Cậu Giáp giống mẹ như đúc, từ vóc dáng, gương mặt, đặc biệt đôi mắt thông minh, vừa hồn nhiên, nhân hậu, hiền lành nhưng cương nghị. Bà Nguyễn Thị Kiên, mẹ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thân mẫu của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là bà Nguyễn Thị Kiên. Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống...