Người dân “run rẩy” vì nhà máy giấy lớn bậc nhất thế giới sắp vận hành ở miền Tây
Nhà máy giấy Hậu Giang đang trở thành câu chuyện thời sự ở miền Tây. Nhắc đến nó, nhiều người rùng mình, khi biết nó sẽ vận hành vào cuối năm nay. Vì sao nhà máy giấy này đã bắt đầu xây từ gần 10 năm nay, mà giờ người miền Tây mới sợ
Người dân “run rẩy” vì nhà máy giấy lớn bậc nhất thế giới sắp vận hành ở miền Tây
Dân miền Tây sẽ sống cạnh “quả bom hóa chất”
Trước thông tin Nhà máy giấy Hậu Giang (nằm trong cụm công nghiệp Phú Hữu A, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay, nhiều người tỏ ra lo ngại cư dân xung quanh và những người sống nhờ nước trên con sông Hậu ở cả những tỉnh khác sẽ đứng trước thảm họa.
Anh Trần Văn Tí (tài xế, ngụ thị trấn Mái Dầm, ngay sát xã Phú Hữu A) chia sẻ: “Phía nhà máy “ém” thông tin dữ lắm! Nghe đâu hóa chất rò rỉ, gây sự cố. Mấy ngày nay, người làm việc trong nhà máy lo sợ, bỏ việc nhiều lắm”.
Thông tin mà anh Tí nói chỉ mới là tin đồn, chưa có cơ quan chức năng nào khẳng định.
Nhưng từ tin đồn này cũng có thể hiểu rằng, người dân đang rất lo sợ việc nhà máy giấy đi vào hoạt động. Và nếu thông tin càng bị bưng bít, người dân càng hoang mang hơn.
Bởi ngày 23/6 vừa qua, khi được hỏi trong cuộc họp báo về các hóa chất, số lượng hóa chất… mà nhà máy sẽ sử dụng khi hoạt động, lãnh đạo nhà máy né tránh không cung cấp.
Người dân lo sợ do quá gần nguồn nước, nhà máy giấy sẽ gây ô nhiễm
Đã hóa chất là không an toàn với môi trường. Mà nước thải sẽ xả thẳng ra sông, càng giấu, người dân càng lo sợ!
Dự án nhà máy giấy này gồm 2 hạng mục chính: Nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng công suất 330.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp công suất 420.000 tấn/năm. Đây là 1 trong 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên các nhà máy sản xuất giấy, hóa chất, thép… được xếp vào loại báo động vì chất xả thải độc hại ra môi trường, càng lớn càng sợ! Công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm còn hơn cả công nghiệp khai khoáng, bởi phải khai thác các nguồn selulo tự nhiên (rừng), sử dụng nhiều chất tẩy (độc hại) trong quá trình sản xuất.
Đặc biệt, việc tái chế giấy như nhà máy ở Hậu Giang càng thải ra nhiều chất độc hại, nguy hiểm…
Liệu cơ quan chức năng có giám sát nổi việc xả thải của Nhà máy giấy Hậu Giang? Thực tế, các nhà máy chế biến thủy sản ở miền Tây đều có xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng rất nhiều nơi lén lút xả thẳng ra sông.
Chỉ khi cơ quan chức năng kiểm tra, họ mới vận hành hệ thống xử lý để qua mắt.
Một cán bộ cảnh sát môi trường của TP. Cần Thơ cho biết: “Vận hành đúng và đều đặn hệ thống xử lý, tùy quy mô, phải mất hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Vì lợi nhuận, họ “tiết kiệm” nên xả luôn nước thải chưa qua xử lý”.
Video đang HOT
Giả như nhà máy này làm đúng cam kết, như ông Chung Wai Fu (Tổng Giám đốc đơn vị này) cho biết, nước thải từ nhà máy có chỉ số các chất độc hại rất nhỏ.
Nhưng với tổng lượng nước thải của nhà máy giấy xả ra môi trường là 10.000m3/ngày đêm, nhỏ cũng tích thành lớn và sông Hậu lãnh đủ!
Nước sinh hoạt của người dân các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh lại lấy từ chính sông Hậu. Nhưng nguy hiểm nhất là cá tôm.
“Nhà máy giấy xả thải xuống hạ lưu nhưng cũng sẽ tống ngược lên thượng lưu theo thủy triều, ảnh hưởng cả vùng nuôi cá tra trên sông Hậu.
Thậm chí, cây trồng sử dụng nước này tưới lâu ngày cũng không an toàn vì những chất thải nguy hiểm”, một nhà khoa học nhận định.
Nhưng vì sao bây giờ mới lo sợ?
Giờ đây, khi hàng triệu người dân miền Tây đang “run rẩy” vì nhà máy giấy, có người đặt vấn đề: “Vì sao nhà máy xây gần 10 năm, không ai lên tiếng? Đến khi nhà máy sắp hoạt động, lại nói phải ngừng vì sợ, ai đền bù cho nhà đầu tư?”.
Thực ra, ngay khi nhà máy vừa khởi công, dư luận đã lên tiếng! Trong năm 2007, Cục Lâm nghiệp từng kiến nghị Thủ tướng xem xét, có thể cho dừng dự án này.
Nhiều công trình vẫn đang tiếp tục được thi công
Một phần nội dung văn bản số 1311/CV- SDR do Cục trưởng Cục Lâm nghiệp khi đó, ông Nguyễn Ngọc Bình, ký ngày 6/9/2007, báo cáo lên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: “Có thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng ngay việc xây dựng nhà máy giấy và bột giấy Lee & Man khi còn chưa muộn để cứu lấy vùng ĐBSCL và nguồn tài nguyên vô cùng quý của tổ quốc ở khu vực này”.
Cũng theo văn bản này, Cục Lâm nghiệp cho rằng: “Vùng đặt nhà máy là vùng trũng nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một khối lượng xút lớn (để sản xuất một tấn giấy cần 50kg xút làm chất tẩy và nếu quy theo công suất thì sẽ có 28.500 tấn xút đổ ra môi trường hàng năm từ nhà máy giấy và bột giấy của Hậu Giang).
Nếu đổ ra sông Hậu và biển thì sẽ tiêu diệt nguồn thủy sản ở sông và biển phía Nam, đồng thời ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản trong khu vực ĐBSCL…
Một điều chắc chắn là khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm môi trường nặng nề và hủy hoại môi trường sống ở ĐBSCL”.
Toàn cảnh nhà máy giấy Hậu Giang bên bờ sông Hậu
Thời đó, Hậu Giang mới chia tách. Việc thu hút được dự án nhà máy giấy với kinh phí 1,2 tỷ đô la Mỹ là niềm hãnh diện của Hậu Giang, bởi TP. Cần Thơ sầm uất ngay cạnh còn chưa có được dự án nào “đồ sộ” như thế.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khi đó, ông Nguyễn Phong Quang, bất chấp mọi hậu quả quyết tâm bảo vệ “trái bom hóa chất” này.
Ông cho đại diện nhà máy tổ chức hội thảo, cam kết, phân bua, mời hàng loạt cán bộ sang Trung Quốc vừa du lịch vừa tham quan nhà máy bên đó…
Chủ nhà máy hứa vậy cũng êm tai, “đối xử” cũng “tốt”… nên cơ quan chức năng và dư luận dần nguôi ngoai.
Nhưng vì sao bây giờ người ta sợ nhà máy giấy này? Đó là do vụ cá chết ở miền Trung khiến người dân miền Tây lo sợ thảm họa môi trường cũng xảy ra tại nơi đây. Hơn nữa, miền Tây là vựa lúa, vựa cá tôm lớn nhất nước.
Nếu nước sông bị ô nhiễm hóa chất thì mức độ ảnh hưởng còn khủng khiếp hơn nhiều.
Đợt hạn mặn vừa qua, miền Tây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng chỉ vì thiếu nước. Hàng trăm ngàn hộ dân thiếu nước, có khi phải mua mỗi mét khối nước với giá hàng trăm ngàn đồng. Nước qúy lắm!
Bởi vậy, khi “trái bom hóa chất” là nhà máy giấy luôn đe dọa nguồn nước của con sông Hậu bất cứ lúc nào. Cơ quan chức năng và chủ nhà máy trấn an: “An tâm, chúng tôi kiểm soát tốt”.
Nhưng người dân vẫn cần một sự đảm bảo vững chắc hơn nữa cho an toàn môi trường nước sông Hậu, thay cho những lời hứa suông.
Lợi ích khi nhà máy giấy đi vào hoạt động?
Khi nhà máy giấy này đi vào hoạt động, người được lợi trước hết là chủ đầu tư – nhà sản xuất. Cũng sẽ có khoảng 750 lao động địa phương có công ăn việc làm.
Còn Nhà nước những năm đầu sẽ thu ngân sách chẳng bao nhiêu (chỉ khoảng 12 triệu USD/năm).
Như vậy, cái lợi nhờ Nhà máy giấy Hậu Giang quá nhỏ, còn nỗi lo thì trăm bề. 12 triệu USD thu ngân sách của Hậu Giang nhờ nhà máy giấy – tương đương chưa tới 300 tỷ/năm. Nhưng chỉ cần “mất” nguồn nước 2-3 tháng như vừa qua, người miền Tây đã mất hàng ngàn tỷ đồng!
Nhà máy giấy nên đặt ở nơi thích hợp với nó, đừng đặt ở vùng trũng nhưng rất trù phú miền Tây, vùng mà hàng triệu người dân sống nhờ sông nước!
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã chỉ đạo tiến hành thanh tra, xem xét và đánh giá việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam.
Đoàn thanh tra sẽ tiến hành công bố quyết định thanh, kiểm tra vào ngày 30/6 và bắt đầu thực hiện công việc từ ngày 1/7.
Theo Tuổi Trẻ & Đời Sống
Vùng cây ăn trái "run rẩy"
Theo các nhà khoa học vùng ĐBSCL, dự án nhà máy giấy tỷ đô của nhà đầu tư Trung Quốc sắp đi vào hoạt động có thể sẽ gây ra hậu quả khó lường. Và việc người dân lo ngại là chính đáng, bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ.
Kiểm soát không chặt, hậu quả khó lường
Sau khi có thông tin phản ánh về nguy cơ gây bức tử sông Hậu từ dự án Nhà máy Giấy Lee&Man, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL đã gấp rút tìm hiểu nhiều thông tin về dự án cũng như đưa ra những phân tích về sự ảnh hưởng của nó.
Dự án Nhà máy Giấy Lee&Man sắp đi vào hoạt động có nguy cơ đe dọa môi trường sông Hậu. Ảnh: CHÚC LY
Theo thạc sĩ Thiện, chế độ thủy triều sông Hậu lên xuống mỗi ngày, trong trường hợp nước thải của nhà máy giấy không đạt chuẩn, công nghệ xử lý lạc hậu, khi thủy triều xuống thì "hậu quả sẽ khó lường" đối với thủy sản nước ngọt tự nhiên của sông Hậu.
"Ảnh hưởng của nó rất to lớn, hơn nhiều so với vụ cá chết ở miền Trung, vì nguồn lợi thuỷ sản ở ĐBSCL gấp 8 lần so với đồng bằng sông Hồng và chiếm 50% sản lượng thuỷ sản cả nước" - thạc sĩ Thiện nói
Cũng theo thạc sĩ Thiện, khi nước thủy triều đưa lên sẽ đẩy về hướng TP.Cần Thơ, theo đó nguồn nước cấp do toàn bộ dân số TP.Cần Thơ và dân chúng ven sông sẽ bị ảnh hưởng. "Do dòng chảy của sông Hậu chịu ảnh hưởng của thuỷ triều nên khi nhiễm hoá chất, vào mùa mưa sẽ bị đẩy ra biển, tác động đến thuỷ sản biển vùng cửa sông Trần Đề và có thể toàn bộ vùng biển ĐBSCL. Còn trong mùa khô sẽ bị đẩy lên tận PhnomPenh (Campuchia)" - thạc sĩ Thiện phân tích.
Dự án "Nhà máy bột giấy tẩy trắng sản lượng 330.000 tấn/năm" của Công ty TNHH Nhà máy Bột giấy Lee&Man Việt Nam và nhà máy giấy được triển khai xây dựng tại Cụm công nghiệp tập trung tỉnh Hậu Giang. Theo giấy chứng nhận đầu tư, đến tháng 12.2015, dự án nhà máy bột giấy hoàn thành, đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới thực hiện giải phóng mặt bằng, đóng cọc và nhập thiết bị. Hiện phía công ty lại xin gia hạn đến tháng 5.2017 mới tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động vào tháng 8.2018.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Ngành thủy sản ở ĐBSCL được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Thời gian qua, ngành này đã đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu, góp phần to lớn vào lĩnh vực tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, đặc biệt là vấn đề môi trường.
"Diện tích nuôi trồng thuỷ sản hiện nay phát triển cao gấp nhiều lần so với lúc Hậu Giang lựa chọn dự án. Ngành thủy sản ĐBSCL đang chịu sức ép ngày càng lớn từ các nước nhập khẩu, khi đó ở các vùng nuôi, bà con nông dân phải đối mặt với những tác động xấu của môi trường. Vậy, việc triển khai dự án nhà máy giấy - ngành được xem là có nguy cơ xả thải, gây ô nhiễm rất cao - phải được kiểm tra, giám sát hết sức cẩn thận" - ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP nói.
Vùng cây ăn trái lo lắng
PGS - TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, dư luận lo ngại dự án nhà máy giấy ảnh hưởng xấu đến môi trường là điều rất dễ hiểu, bởi sản xuất giấy là ngành thải ra rất nhiều chất độc (sử dụng nhiều hóa chất khác nhau, kể cả xút - NaOH để tẩy trắng giấy - PV), có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Ông Tuấn phân tích: "Vị trí nhà máy giấy nằm ở Hậu Giang và cặp sông Hậu, tức khu vực có dòng chảy rất yếu, khả năng trao đổi nước kém. Nơi đây cũng là nơi để lấy nước nuôi trồng thủy sản nên bà con rất lo ngại việc xả thải, đặc biệt là nhà máy có quy mô lớn như nhà máy giấy".
Một số nhà khoa học khác cũng cho rằng, khu vực đặt Nhà máy Giấy Lee&Man là vùng trũng nhất ở ĐSBCL nên rất khó rửa trôi các chất độc nếu bị xả ra môi trường. Trong khi đó, khu vực này thực chất là vùng cây ăn trái trù phú với những đặc sản nổi tiếng như cam, bưởi, chôm chôm, mận, ổi... Bên cạnh đó, khu vực này cũng được nhiều hộ dân đầu tư nuôi thủy sản như cá da trơn, điêu hồng, các loại cá đồng.
Khi phóng viên đặt vấn đề, phía công ty có nói sử dụng công nghệ tiên tiến trong công đoạn sản xuất và cam kết xả thải đạt chuẩn loại A thì có thật sự yên tâm không, ông Tuấn nhấn mạnh: Công nghệ tiên tiến cũng chưa chắc đảm bảo, chẳng hạn Nhà máy Giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), xây dựng bằng công nghệ mới của Thụy Điển - quốc gia bảo vệ môi trường rất tốt. Thế nhưng, quanh khu vực nhà máy này môi trường cũng bị ô nhiễm rất nhiều.
"Chủ đầu tư bao giờ cũng nói họ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, bao giờ cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề xử lý chất thải. Thế nhưng, qua báo chí, tôi được biết có nhiều lĩnh vực, công đoạn vẫn chưa được công khai minh bạch. Ngoài ra, nếu nói công nghệ, giám sát của dự án tốt hết nhưng qua tháng năm, chỉ cần có sơ xuất (?!) thôi, cái khả năng khắc phục môi trường rất là khó" - ông Tuấn nói.
Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang:
Bộ TNMT "quyết" chứ không phải tỉnh?
Xung quanh lo ngại dự án Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam xả thải sẽ gây ô nhiễm môi trường, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết: Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình cấp phép đầu tư, xây dựng, đánh giá tác động môi trường... tất cả đều đúng quy trình, quy định. Báo cáo tác động môi trường của Nhà máy Giấy Lee & Man làm năm 2008 đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) xem xét thẩm định kỹ và đồng ý. Sau đó chủ tịch UBND tỉnh mới ký quyết định phê duyệt, chứ tỉnh không làm bừa, làm ẩu. Hiện Bộ TNMT đã thành lập đoàn kiểm tra rà soát tổng thể dự án này, vì vậy việc có dừng dự án này hay không là do Bộ TNMT quyết định chứ không thuộc thẩm quyền của tỉnh Hậu Giang.
Theo Dân Việt
Vụ nhà máy giấy tỷ đô ở ĐBSCL: Sẽ gây hậu quả khôn lường Theo các nhà khoa học vùng ĐBSCL, dự án nhà máy giấy tỷ đô của nhà đầu tư Trung Quốc sắp đi vào hoạt động có thể sẽ gây ra hậu quả khó lường. Thời gian qua, việc người dân hoang mang, lo sợ là hết sức chính đáng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mưu sinh hằng ngày của...