Người dân quê hương Obama tại Kenya sốt sắng chờ tin bầu cử
Mặc dù không trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của mình nhưng người dân tại khu làng nhỏ Kogelo tại Kenya những ngày này cũng sốt sắng chờ tin bầu cử tổng thống Mỹ. Họ hy vọng ông Obama, một người có gốc gác tại đây sẽ tái đắc cử.
Trong đêm trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bắt đầu, rất nhiều phóng viên đã xuất hiện tại ngôi làng nhỏ ở phía Tây Kenya này, phá tan sự yên lặng của vùng đồi núi nằm cách xa khu trung tâm Hồ Victoria 60 km.
Dân làng Kogelo nóng lòng theo dõi bầu cử tổng thống Mỹ
Nằm vắt ngang con đường nối ngôi làng với Kisumu, thị trấn chính của cả vùng, là một băng-rôn lớn mời chào mua vé vào xem diễn biến bầu cử tổng thống Mỹ trên một màn hình lớn. “Xem bầu cử tổng thống Mỹ 2012 trên màn hình lớn”, đoạn quảng cáo viết.
Và mặc dù giá vé loại rẻ nhất cũng lên tới 12 USD, tương đương một tuần lương của người lao động tay chân tại đây, rất nhiều người vẫn sẵn lòng móc hầu bao.”Tôi sẽ xem diễn biến cuộc bầu cử suốt cả đêm. Giá vé đắt nhưng tôi có thể xoay sở được”, bà Mary Manyala Ohito, một nhân viên y tế nói.
Cách đó không xa, trong sân của ngôi trường tiểu học được đặt tên theo tên ông Obama sau chuyến thăm của ông năm 2006 với tư cách một thượng nghị sỹ, một màn hình lớn đã được dựng lên để mọi người dân địa phương có thể tới xem.
Cụ Sarah Obama, năm nay đã 90 tuổi và là vợ thứ ba của ông nội Barack Obama vẫn còn sống ở làng Kogelo này. Dù không có quan hệ máu thịt gì với “Mama Sarah”, ông Obama vẫn từng nói ông xem bà Sarah như bà nội của mình.
Trong những giờ cuối cùng trước khi công bố kết quả, Mama Sara vẫn ngồi một mình trong căn nhà của mình với cảnh sát vây quanh dày đặc. “Chúng tôi sẽ ngồi đây cùng với gia đình để theo dõi kết quả được công bố”, Said Hussein Obama, một người chú của ông Obama nói. “Chúng tôi đều hy vọng cậu ta chiến thắng”.
4 năm trước, Kogelo là một ngôi làng hoàn toàn khác, rất khó để tìm được một chiếc tủ lạnh trong các hàng quán, còn TV thì chạy bằng máy phát điện. Giờ đây mặc dù internet vẫn còn ì ạch, nhiều khách sạn đang mọc lên và truyền hình cáp đã xuất hiện.
Video đang HOT
Một tấm biển chỉ dẫn tới con đường mang tên bà nội ông Obama
“Đã có rất nhiều thay đổi tại đây”, Dorothy Babu, quản lý khu resort Làng Kogelo nói. “Giờ chúng tôi có nước, điện và đồn cảnh sát. Tình hình an ninh cũng tốt hơn nhiều”. Trước đó “Kogelo là một ngôi làng ngủ quên”, bà Ohito chia sẻ đồng thời cho biết ở làng giờ đã có xe ôm và dịch vụ chăm sóc y tế được cải thiện.
Dù vậy những kỳ vọng rằng ngôi làng sẽ đón lượng lớn khách du lịch sau chiến thắng của ông Obama năm 2008 có vẻ còn xa vời. Hiện Kogelo vẫn tụt lại rất xa so với các điểm du lịch khác của Kenya như công viên quốc gia hay các resort bên bờ Ấn Độ Dương.
Tại làng này, điều thu hút khách du lịch lớn nhất chính là bà Mama Sarah nhưng ít ai được thấy. Còn các khu vực khác trong làng “không có gì nhiều để nhìn ngắm”, ông Babu thừa nhận.
Cùng quan điểm này, ông Said Hussein Obama chia sẻ “vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Mọi người muốn tới thăm quê hương của tổng thống…và điều đó phụ thuộc nhiều vào khả năng tiếp thị của chính phủ”. Ông Said cho rằng cần đưa Kogelo trở thành một điểm đến của các tour du lịch trong vùng.
Dù sao thì với việc là quê hương gốc của tổng thống Mỹ, ngôi làng đã được nhiều người biết tới. “Kể từ khi cậu ấy được bầu làm tổng thống, cậu ấy đã giúp Kogelo xuất hiện trên bản đồ thế giới. Tôi không nghĩ điều đó có thể xảy ra nếu Barack không đắc cử”, ông Said Hussein Obama hồ hởi nói.
Đồng thời ông hy vọng nếu tái đắc cử trong đợt này, cháu mình sẽ thực hiện một chuyến công du châu Phi. “Tôi không nói là cậu ta sẽ tới Kogelo nhưng Kenya có thể là một trong những nơi Barack Obama sẽ tới thăm”.
Theo Dantri
Vì sao người Trung Quốc, Nhật Bản muốn ông Obama tái đắc cử?
Người dân Nhật, Trung Quốc đa phần ủng hộ Tổng thống Obama tái đắc cử nhiệm kỳ hai, một cuộc thăm dò mới đây cho thấy. Trong khi đó quan điểm cứng rắn của ông Romney đối với các cường quốc châu Á đã làm sứt mẻ hình ảnh của ông.
Ông Obama (phải) và Romney trong cuộc tranh luận cuối hôm 22/10.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể là cuộc đua sít sao ở bên trong nước này, nhưng cuộc điều tra do Ipsos Hong Kong thực hiện cho thấy có tới 86% người Nhật ủng hộ đương kim Tổng thống đảng Dân chủ, trong khi chỉ có 12,3% ủng hộ cho ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney.
Người dân Trung Quốc có vẻ kém rõ ràng hơn, nhưng vẫn 63% số người được hỏi muốn Obama nắm quyền thêm 4 năm nữa, theo cuộc thăm dò thực hiện trên mạng từ tháng 9-10 vừa qua.
Giới phân tích cho rằng chính sách về kinh tế và an ninh của Obama đã củng cố vị trí của ông ở phương Đông, trong khi những bình luận cứng rắn của Romney về chính sách tiền tệ của Bắc Kinh và sự suy giảm kinh tế của Nhật có thể đã khiến ông mất đi một số bạn bè.
"Châu Á muốn Obama giành chiến thắng, nhưng Trung Quốc có nhiều người ủng hộ Romney hơn Nhật", trợ lý giám đốc Ipsos Hong Kong, Andrew Lam, cho hay.
"Có khả năng quan điểm cứng rắn của Romney về tiền tệ và thương mại, cũng như kế hoạch củng cố thêm khả năng quân sự ở Thái Bình Dương đã khiến người Trung Quốc tin rằng tốt hơn hết là giữ nguyên như tình trạng như hiện nay".
"Với Nhật, việc Romney không được "ưa" có khả năng là liên quan đến bình luận công khai của ông trước đó, rằng Nhật đang là nền nền kinh tế tụt dốc. Nhật có lòng tự tôn dân tộc rất mạnh mẽ nên họ có thể phản ứng tiêu cực đối với công bố kiểu này".
Theo cuộc thăm dò do AFP-Ipsos thực hiện, số người Trung Quốc ủng hộ Romney lớn gấp ba lần người Nhật, mặc dù ông có quan điểm diều hâu hơn về kinh tế cũng như chi tiêu quân sự của Trung Quốc.
Romney "được lòng" lớn nhất với những người nhiều tuổi Trung Quốc và ở những thành phố kém phát triển hơn.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế Chen Qi, của đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, cho biết một số người Bắc Kinh có thiện cảm với đảng Cộng hòa, phần lớn dựa vào lịch sử quan hệ của Bắc Kinh với Mỹ có từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng nhiều người khác ở Trung Quốc lại không có thiện cảm với gốc gác của Romney, khi ông là một nhà tư bản giàu có.
"Nhiều người cảm thấy Obama chăm sóc tầng lớp dưới đáy xã hội, với những chính sách như cải cách y tế và rất nhiều người Trung Quốc ủng hộ điều đó...Có một số hoài nghi đối với những doanh nhân giàu có tham gia chính trường", ông Chen nhận định.
Romney liên tục cam kết sẽ liệt Bắc Kinh là "thao túng tiền tệ" trong ngày đầu tiên nếu ông nhậm chức, nhằm đối phó với thặng dư thương mại lớn giữa Trung Quốc với Mỹ. "Họ đang lấy mất việc làm của chúng ta và chúng ta lại đang nhìn vào con đường khác đã quá lâu", ông cho biết trong cuộc vận động tranh cử vào tháng trước.
Giới phê bình tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác cáo buộc Trung Quốc giữ cho đồng tiền tệ của nước này thấp giả tạo để làm thế giới tràn ngập hàng hóa xuất khẩu rẻ, gây hại cho các ngành sản xuất của họ.
Chính quyền Obama liên tục kêu gọi Bắc Kinh thả nổi đồng Tệ, nhưng chưa tuyên bố Trung Quốc là nước "thao túng tiền tệ", tuyên bố có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt và có lẽ là một cuộc chiến thượng mại toàn diện.
Cuộc điều tra của AFP-Ipsos cho thấy hầu hết người Nhật (81,8%) và người Trung Quốc (58,3%) cho rằng Obama sẽ là tổng thống Mỹ tốt nhất cho sự phát triển kinh tế của châu Á, bác bỏ ý kiến cho rằng ông Romney là một nhà quản lý kinh tế mạnh mẽ hơn.
Khi được hỏi ứng viên nào tốt hơn cho hòa bình và an ninh châu Á, 85,3% người Nhật và 56,3% người Trung Quốc chọn Obama.
Takehiko Yamamoto, giáo sư chính trị quốc tế tại đại học Waseda, Tokyo, cho rằng nỗ lực chấm dứt cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan của Obama "được lòng" người Nhật.
"Chính quyền Bush đã có cách tiếp cận ép buộc đối với Nhật khi hối thúc sự ủng hộ của Nhật viện vào liên minh Mỹ-Nhật để đối phó với Afghanistan vàIraq. Song Obama đã không ép buộc như vậy", ông cho biết với hãng tin AFP.
Cái gọi là "xoay trục sang châu Á" của Obama là chiến lược quan trọng về chính sách ngoại giao của chính quyền ông, động thái Trung Quốc nhìn bằng con mắt nghi ngờ, trong khi các quốc gia châu Á khác phần lớn đón chào như là một thế đối trọng với sự ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Bất chấp căng thẳng tăng cao, cuộc điều tra cho thấy nhiều người Trung Quốc (47,7%) bàng quan với kết quả cuộc bầu ử Mỹ hơn người Nhật (30,3%).
Giới phân tích cho rằng với cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới cho 10 năm tới, dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thì kết quả trên không có gì là ngạc nhiên. "Cuộc bầu cử này quan trọng nhất với người Nhật, bởi Mỹ là đồng minh quan trọng, lâu dài nhất của họ, về cả quân sự lẫn ngoại giao", ông Lam cho hay.
"Với sức mạnh kinh tế, chính trị đang hưng thịnh, người Trung Quốc có thể tự coi họ ít phải phụ thuộc vào một nước nào khác, kể cả Mỹ, vì vậy mà thờ ơ là tất yếu".
Theo Dantri
Khó đoán tương lai bà Hillary Clinton Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton vừa có những phát biểu khó hiểu - Ảnh: Reuters Qua những diễn biến mới nhất, tương lai của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trở nên khó đoán định. Lâu nay, bà Clinton nhiều lần tỏ ý không dự định tiếp tục giữ chức ngoại trưởng thêm một nhiệm kỳ nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama...