Người đàn ông tặng 100 tỷ đồng cho trẻ mồ côi
Ông Bùi Công Hiệp (60 tuổi, TP.HCM) đã tặng cả 100 tỷ đồng cho 88 trẻ mồ côi. Sắp tới còn tặng thêm 4.000m2 của gia đình để làm nơi sinh hoạt học tập cho các con.
Nơi đây nuôi dưỡng 88 trẻ mồ côi
Mái ấm cho 88 trẻ mồ côi
Căn nhà 3 tầng rộng rãi ở đường số 1, phường Long Trường, quận 9, TP. HCM từ lâu được biết đến là mái ấm tình thương của nhiều trẻ em mồ côi cha mẹ. Cơ ngơi giá trị này thuộc sở hữu của ông Bùi Công Hiệp. Năm 2010, sau khi về hưu, ông Hiệp tích lũy được một khoản tiền và mua khu đất rộng hơn 2500m2. Dự tính xây một ngôi nhà có vườn tược để vui thú điền viên, an hưởng tuổi già. Tuy nhên kế hoạch đó không bao giờ thành hiện thực. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương của những em bé không nơi nương tựa, ông Hiệp sau đó bàn với vợ về việc xây căn nhà 3 tầng cho trẻ mồ côi.
Năm 2010, mái ấm có tên “Thiên Thần” do ông Hiệp đứng tên được cấp giấy phép hoạt động. Từ đó trở đi, “Thiên Thần” trở thành nơi nuôi dưỡng các em nhỏ, ông Hiệp trở thành “ông bố” nhiều con nhất Việt Nam. Hiện, mái ấm có 88 trẻ mồ côi, bé nhỏ nhất mới vài ngày tuổi và lớn nhất là 7 tuổi. Để giúp ông điều hành công việc, ngoài vợ ông còn có hơn 10 bảo mẫu được ông trả lương theo thỏa thuận.
Hàng ngày ông Hiệp thức dậy lúc 4 giờ sáng để nấu ăn cho các con. Với những bé học tiểu học, ông sẽ chuẩn bị cơm, miến, mỳ, còn bé nhỏ hơn sẽ được ăn cháo theo từng thực đơn riêng. Sau khi cho các con ăn sáng, ông Hiệp tự lái xe đưa con con đến trường và trở về nhà tiếp tục công việc dọn rửa, chuẩn bị bữa trưa. Suốt 7 năm qua, mỗi ngày của ông Hiệp đều diễn ra rất bận rộn như “ chăm con mọn”.
Người đàn ông tặng 100 tỷ đồng cho trẻ mồ côi Ảnh. Thời Đại
Video đang HOT
Chia sẻ với PV, ông Hiệp cho biết, khi nuôi 88 trẻ mồ côi (tương lai sẽ có thêm nhiều trẻ nữa) ông Hiệp chỉ mong ước các con trở thành một công dân tốt là quá đủ.
Theo ông Hiệp, ông không mong muốn các bé sau này phải trở thành thiên tài, phải thành đạt. Với ông, chỉ mong các con tìm được hướng đi riêng theo ý thích của mình, ông sẽ đứng sau hỗ trợ và trang bị hành trang cho các bé để đi vững trên con đường đã chọn.
“Tôi không bắt các con phải đi theo hướng này hay đi theo hướng kia. Hay đặt mục tiêu sau này các con phải thành đạt, làm ông to bà lớn gì cả, chỉ cần các con nên người là đủ rồi. Mình chỉ chiều theo ý con, giúp các con phát triển theo năng khiếu thôi.” – ông Hiệp nói.
Mong các con lớn lên có đạo đức tốt
Nguyện vọng của ông Hiệp là lớn lên các con có một nghề nghiệp để nuôi sống bản thân. Điều quan trọng là có được đạo đức tốt, có tinh thần nhân ái và sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn hơn mình.
“Vấn đề giáo dục thì tôi không định hướng tương lai cho các con là làm gì. Tôi chỉ nói với các con là vùng trời này rộng lắm, nếu đủ sức và đủ lông đủ cánh thì cứ bay đi theo ý mình”. – ông Hiệp chia sẻ.
Khi khai sinh tên cho các con, ông Hiệp luôn ưu tiên lấy họ theo mẹ đẻ hoặc bố đẻ. Bên cạnh đó, những dấu vết và đồ vật trên người bé luôn được ông Hiệp lưu giữ để sau này bé lớn lên muốn tìm lại mẹ thì sẽ dễ gặp hơn. Trong trường hợp các bé không có thông tin gì về bố hoặc mẹ, thì khi đó ông Hiệp mới lấy họ của mình đặt tên cho các con.
“Những bé nào mất tất cả giấy tờ, không có giấy tờ nào chứng minh bố mẹ, thì tôi mới vinh dự được lấy họ của mình đặt tên cho con. Tôi cố gắng làm mọi thủ tục để các bé được mang họ mẹ dù có nhiều mẹ không đồng ý, nhưng về sau này các bé sẽ không bị tâm lý và tủi thân.” – ông Hiệp nói.
Hồ bơi của 88 trẻ được ông Hiệp trang bị. Ảnh Lao Động
Được biết, vào đầu năm 2020, ông Hiệp sẽ tiến hành khởi công xây dựng một ngôi nhà mới 5 tầng trên khu đất 2500m2 mà ông vừa tặng cho các bé. Tổng kinh phí xây dựng ngôi nhà dự kiến là 5 tỉ đồng, bằng nguồn tài chính tích lũy của gia đình.
Trong tương lai, ông Hiệp có thêm dự định là sẽ xây khu học tập cho các con. Hiện gia đình ông vẫn còn một khu đất có giá trị hơn cả khu đất 2500m2 mà ông tặng cho các bé.
Minh Ngân
Theo Đời sống Plus/GĐVN
6 năm lo cơm cho bệnh nhân nghèo
Gần 6 năm qua, đã thành thông lệ, bất kể trời mưa hay nắng, cứ đến khoảng 15 giờ từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần, hàng trăm người xếp hàng ngay ngắn trước cổng Bệnh viện Ung bướu TPHCM (quận Bình Thạnh) để chờ nhận những suất cơm từ thiện.
Chia sẻ với người bệnh
Anh Nguyễn Thanh Cường (49 tuổi, chủ tiệm cơm Ba Cu tại đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) là người có tấm lòng nhân ái, tình nguyện phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo trong suốt nhiều năm qua. Mỗi buổi chiều khi nhìn thấy chiếc xe của anh Cường ở đằng xa, một nhóm người ùa vào, mỗi người một tay phụ giúp anh Cường khiêng những thùng thức ăn từ trên xe xuống. Những người còn lại xếp hàng ngay ngắn, nhận số thứ tự chờ đến lượt; ở đây sẽ ưu tiên phát cho bệnh nhân trước, sau đó mới đến người đi nuôi bệnh.
Anh Cường cho biết, trước đây anh chỉ phát cơm chay, nhưng thấy nhiều người bệnh thiếu chất dinh dưỡng, ốm yếu sau mỗi đợt điều trị hóa chất, nên anh đã nấu những suất cơm đầy đủ chất dinh dưỡng hơn. Mỗi bữa cơm đều có các món như thịt kho trứng, cá rán, cá kho, đậu hũ chiên, canh rau... tất cả đều sạch sẽ, an toàn.
Nhóm từ thiện của anh Cường phát cơm miễn phí trước Bệnh viện Ung bướu TPHCM
Ngoài phát 500 suất cơm miễn phí mỗi ngày, anh Cường còn phát thêm cho mỗi bệnh nhân từ 20.000 đến 50.000 đồng, cùng một ít trái cây tráng miệng, sữa và bánh kẹo - do chị Bích Vân (một người hảo tâm ở quận Bình Thạnh) góp cùng anh Cường để giúp đỡ người bệnh. Việc làm tốt đẹp của anh Cường có sức lan tỏa mạnh mẽ, ban đầu chỉ có vợ chồng anh tự tay nấu và đi phát cơm.
Sau một thời gian, nhiều bạn hữu, nhà hảo tâm nhận thấy tấm lòng và việc làm ý nghĩa nên cũng đã ủng hộ nhiệt tình. Người không ủng hộ tiền thì cho gạo, thịt, rau củ quả... Người thì góp công, tình nguyện nấu cơm một vài ngày, thậm chí cả tháng.
Những suất cơm ấm lòng
Bà Nguyễn Thị Bé (55 tuổi, ở Bình Thuận) nuôi chồng bị ung thư gan tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, trải lòng: "Những suất cơm từ thiện bây giờ đối với tôi vô cùng quý giá, nó giúp tiết kiệm được một phần chi phí để lo thuốc men cho chồng. Tôi vào chăm bệnh cho chồng đã gần một năm nay, ngày nào cũng nhận cơm, cháo từ thiện mà sống đến bây giờ".
Chung cảnh ngộ, ông Vũ Văn Tam (64 tuổi, quê ở Đồng Tháp) đưa con gái lên TPHCM chữa trị căn bệnh ung thư dạ dày. Gia đình khó khăn, nên những suất cơm từ thiện từ lâu đã dần quen thuộc với ông. Ông tâm sự: "Mỗi tuần tôi nhận 4 suất cơm từ thiện ở đây, sáng sớm có nhiều người cũng phát cháo và bánh mì miễn phí. Những suất ăn từ thiện đã san sẻ một phần nào gánh nặng giúp gia đình tôi và các bệnh nhân đang chữa trị tại đây".
Với nhiều người, có được một bữa ăn là điều bình thường, nhưng với không ít những người già, bệnh nhân nghèo, có được bữa ăn nghĩa tình này lại ấm áp biết bao. Việc làm ý nghĩa này là một thông điệp ấn tượng đầy sự sẻ chia, đậm nghĩa tình đồng bào, tô đẹp hơn cuộc sống.
BÙI ANH TUẤN
Theo SGGP
Tiếp nhận 132 xe lăn cho người khuyết tật Ngày 7-8, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3176/QĐ-UBND về việc tiếp nhận 132 xe lăn cho người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa từ nguồn tài trợ của Tô chức Rotary Australia World Community Service Limited (Australia) theo Quyết định số 399/QĐ-HBT ngày 01/8/2019 của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Ảnh minh họa. UBND...