Người đàn ông tâm thần đón Tết với gia đình sau 10 năm lưu lạc
“Đã hơn 10 năm, cuối cùng chúng tôi cũng có thể đoàn tụ đón năm mới”, bà Vạn nghẹn ngào, ôm chầm con trai trong ngày gặp lại.
Sáng 18/1, làng Nanhu, thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây ( Trung Quốc) bước vào những ngày lạnh nhất dịp cận Tết Nguyên đán. Thế nhưng với gia đình của ông Vạn, đây lại là khoảng thời gian ấm áp và hạnh phúc nhất.
Con trai của hai vợ chồng ông Vạn, Tiểu Lục Cát, đã trở về đoàn tụ cùng gia đình sau 10 năm lưu lạc.
Người mẹ ôm chầm con trai trong ngày đoàn tụ.
Câu chuyện bắt đầu vào ngày 8/11/ 2013, khi nhân viên cứu trợ xã hội ở Trùng Khánh tìm thấy một người đàn ông vô gia cư tại văn phòng thuế thị xã Bình Hồ.
Anh chàng đầu tóc bù xù, quần áo rách rưới chỉ ôm khư khư một chiếc chăn và túi quần áo lớn. Sau một hồi hỏi thăm, nhân viên xã hội nhận thấy người đàn ông có vấn đề về tâm thần, chỉ biết tên bố mẹ và chị gái nhưng không nhớ địa chỉ nhà.
Tiểu Lục Cát ban đầu nói anh đến từ làng Nanmu (đồng âm với Nanhu). Năm 2017, anh được đưa đến đây để truy tìm tung tích gia đình. Tuy nhiên, con đường trở về nhà của chàng trai họ Vạn ngày càng bế tắc khi anh lúc nhớ, lúc không.
Đến năm 2019, vì muốn anh được hưởng các chính sách hỗ trợ, trạm cứu hộ đã quyết định đăng ký hộ khẩu cho Vạn tại Vũ Hán để làm chứng minh thư và thẻ ngân hàng. Họ vẫn không ngừng tìm kiếm gia đình giúp người đàn ông vô gia cư này.
Video đang HOT
Tiểu Lục Cát trở về nhà sau 10 năm lưu lạc.
Đầu tháng 1 vừa qua, với sự giúp đỡ của công nghệ so sánh chân dung, cuối cùng các nhân viên cứu hộ cũng có tin tức về một hộ gia đình họ Vạn tại tỉnh Giang Tây thất lạc con trai vào năm 2009.
Sau khi xác nhận thông tin, các nhân viên đã đưa Tiểu Lục Cát trở về đoàn tụ với gia đình vào ngày 20/1. Trong khoảnh khắc gặp lại con trai thất lạc 10 năm, người mẹ không thể cầm được nước mắt. Cả gia đình không ngừng cúi rạp người, cảm ơn các nhân viên xã hội.
“Đã hơn 10 năm, cuối cùng chúng tôi cũng có thể đoàn tụ đón năm mới”, mẹ của Tiểu Lục Cát nói.
*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại
Theo Lê Vy (Zing)
Ký ức Tết trong tôi: Đón tết ta bên tây
Những ai từng du học Liên Xô trong các thập niên 1970 - 1980 hẳn không bao giờ quên được những cái tết xa nhà trong tuyết trắng lạnh lùng nhưng vô cùng ấm tình của những người con xa xứ, có vui với tiếng pháo giao thừa nghe qua máy thu thanh, có buồn với những giọt nước mắt nhớ quê nhà...
Giao thừa lúc... 8 giờ và những cành đào tự chế
Ngày ấy, ở Matxcơva, vào dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi đón giao thừa vào lúc... 8 giờ tối, ấy là vì giờ Hà Nội và giờ Matxcơva vào mùa đông chênh nhau tới 4 tiếng đồng hồ. Tết ta thường rơi vào khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2 Dương lịch, đúng kỳ nghỉ đông, nhiều sinh viên Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô thời ấy về quê nên ký túc xá tương đối thưa người. Lợi dụng thời cơ, sinh viên Việt Nam tha hồ "quậy".
Nghe tiếng pháo qua đài mãi cũng chán, anh em chúng tôi bàn nhau chơi pháo thật. Hễ có dịp là chúng tôi yêu cầu người nhà ở Việt Nam gửi qua vài phong pháo (Ngày ấy, pháo chưa bị cấm và kiểm tra an ninh, hải quan ở cửa khẩu cũng còn dễ dãi). Dĩ nhiên, pháo là vật liệu nổ nên không thể gửi đường bưu điện mà chỉ có thể nhờ người quen (sinh viên đi du học, cán bộ đi công tác...) mang theo trong hành lý. Xin nói thêm, quà quê hương ngày ấy không chỉ có pháo, mà còn có nhiều đặc sản như miến, măng khô, mực khô, bánh đa nem,... Nhưng đối với lưu học sinh chúng tôi, pháo, dù là pháo tép cũng quý như vàng, được giữ gìn cẩn thận để đến tết mang ra xài. Và rồi sự cố xảy ra là điều không tránh khỏi.
Những ai từng du học Liên Xô trong các thập niên 1970 - 1980 hẳn không bao giờ quên được những cái tết xa nhà trong tuyết lạnh. (Ảnh minh họa)
"Nổ súng liên thanh" trong ký túc xá
Chúng tôi thường tổ chức nghi lễ đón giao thừa tết ta ngay sảnh lớn của ký túc xá, với một cành đào tự chế to vật đặt ngay giữa sảnh. Xin nói rõ, gần đến tết, cánh nam sinh Việt Nam chúng tôi đi tìm nhặt những cành khô rơi rụng trong rừng mang về, tỉa tót cho trông giông giống cành đào, rồi mua giấy pô-luya hồng về cho chị em cắt, dán thành những bông hoa đào cực đẹp gắn lên, trông hoành tráng ra phết.
Ở những vùng miền nam nước Nga hoặc Ukraine, nơi có nhiều cây anh đào, những ngày gần tết, anh em sinh viên Việt Nam đi chặt cành anh đào mọc hoang mang về ngâm nước ấm và tết có hẳn cành hoa trông xịn hoa như đào phai.
Riêng ở Matxcơva, chúng tôi không được phép đi chặt lung tung. Công an hay dân phòng mà bắt được thì gay to, hoặc phạt tiền thật nặng, hoặc đề nghị đuổi học, trục xuất về nước như chơi...
Năm nọ, trên cành đào pô-luya hoành tráng của trường tôi còn được gắn toòng teng một phong pháo Chiến thắng Made in Vietnam. Đúng lúc kim đồng hồ chỉ vào chấm 8 giờ, người lớn tuổi nhất trong đám chúng tôi run run quẹt diêm, châm lửa vào ngòi pháo. Những tiếng nổ liên thanh và làn khói mù mịt khiến các bà cô người Nga ngồi bàn thường trực lăn đùng té ngửa và các ông bảo vệ gần như chết giấc. Người dân sống ở những dãy nhà xung quanh ký túc xá cũng hoảng hốt, tưởng có sự cố nghiêm trọng xảy ra (Quả thực, tiếng pháo nổ nghe cứ như súng tiểu liên bóp cò không dứt), bèn gọi điện báo công an. Chỉ ít phút sau, một toán cảnh sát đặc nhiệm mặc đồ rằn ri, vũ trang "tận răng", ập vào ký túc xá. Tôi và một vài anh em khác bị họ hạ gục nhanh bằng những thế võ điêu luyện. Đến khi khói tan và được chúng tôi cùng những người Nga có mặt tại hiện trường phân bua sự việc, cảnh sát đặc nhiệm mới ra về, không quên cảnh cáo chúng tôi về trò chơi dại dột.
Trò đốt pháo quả là dại dột thật. Chúng tôi được nghe kể về chuyện một sinh viên năm trước rất xa từng tự chế một quả pháo "độc đáo" làm từ bột diêm sinh của hàng nghìn que diêm nhồi vào một vỏ lon đồ hộp cỡ nhỏ. Kết quả, anh ấy bị đứt lìa hai ngón tay và chịu nhiều vết thương trên mặt, cổ, ngực, bụng. Thật đáng tiếc!
Những món ngon... đáng ngờ
Nhưng ngoài chuyện pháo, sinh viên Việt Nam còn có những hoạt động mừng năm mới (tết ta) khiến dân Nga phải trố mắt ngạc nhiên. Món miến nấu măng khô và thịt gà đêm giao thừa của chúng tôi đãi các bạn Nga thì cứ gọi là tuyệt diệu. Họ húp xoàm xoạp, khen lấy khen để. Nhưng cũng có người ăn với thái độ dè chừng, e ngại. Hỏi ra mới biết, họ từng nghe những câu chuyện rất "thần thoại" về cây tre. Họ bảo, họ nghe nói thời trước, ở các nước phương Đông thường có tục trói tội đồ nằm sấp áp bụng lên búp măng mới nhú; qua một đêm, măng mọc lên cả thước, đâm xuyên bụng phạm nhân. Chuyện vớ vẩn nhưng nhiều người Nga tin sái cổ.
Chị em sinh viên Việt Nam còn có sáng kiến tự làm miến bằng bột khoai tây (được bán đầy trong các cửa hàng lương thực, thực phẩm Liên Xô ngày ấy). Họ khuấy bột, tráng mỏng như làm bánh cuốn, sau đó phơi "bánh cuốn khoai tây" cho se mặt rồi thái sợi thật mảnh, phơi khô hẳn. Miến tự làm bằng bột khoai tây có độ dai, dẻo, còn ngon hơn miến dong riềng mang từ trong nước sang.
Chị em còn làm được cả bánh phồng tôm bằng bột ngô và bột khoai tây trộn theo một tỉ lệ nào đó, tráng lên như bánh cuốn rồi dùng miệng cốc nhỏ chấn ra thành những miếng bánh hình tròn, đem phơi khô, khi chiên (rán) lên cũng giòn rum rúm chả kém chi bánh phồng tôm Sa Đéc! Ngoài miến và bánh phồng tôm, gần tết, chị em các trường còn đua nhau làm mứt cà rốt, mứt khoai tây các kiểu...
Tết năm nọ, tôi nhận được gói quà là 1 cân mực khô gia đình gửi qua. Khi nướng lên (nướng ở bếp chung, mỗi tầng có một gian nhà bếp), khốn khổ, cả ký túc xá "bùng bùng nổi dậy" vì "cái mùi khăm khẳm không chịu nổi", mặc dù anh chị em Việt Nam chúng tôi thì cảm thấy "thơm phưng phức". Khi đãi các bạn Nga như là món nhắm với bia hoặc rượu vodka, có người gật gù khen ngon, có người lại bảo: "Ngày mai, tôi sẽ cho biết ý kiến" - ngụ ý "chẳng biết đêm nay, tôi có bị đau bụng hay không?".
Xin kể thêm một chuyện nực cười, có lần, một sinh viên Việt Nam đánh đổ lọ mắm tôm ngay hành lang ký túc xá, mùi hôi lan tỏa khắp các tầng, đến nỗi ban quản trị phải yêu cầu cảnh sát phòng cháy chữa cháy mang vòi rồng tới xịt rửa. May mà thời ấy chuyện gì cũng được giải quyết theo lối "bao cấp", chứ nếu không, anh chị em Việt Nam chúng ta nhiều bận "ốm đòn".
Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng những chuyện cũ như vẫn mồn một hiện ra trước mắt. Thời thế đã đổi thay, không biết những chuyện như thế có còn tái diễn...?
Tác giải: Phạm Bá Thủy
Số điện thoại: 0908310229
Địa chỉ: Phòng 305 Nhà E, lô J, chung cư 17,3 ha, phường An Phú, quận 2, TP.HCM.
Theo danviet.vn
Nhiều bến xe "đìu hiu" ngày 28 Tết Ngày làm việc cuối cùng của năm Kỷ Hợi, bến xe khách khá vắng vẻ do một lượng lớn sinh viên và người lao động đã về quê đón Tết từ trước đó. Mặc dù vậy, chiều 28 Tết tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), lượng khách khá vắng vẻ. Hôm nay (22/1) là ngày làm việc cuối cùng trước khi người...