Người đàn ông quá nghe lời mẹ có trở thành chồng tốt
Chúng tôi đều đến tuổi lập gia đình. Mới đây tôi phát hiện anh lúc nào cũng chỉ biết nghe lời mẹ, tiền bạc làm ra bao nhiêu đều mang về cho mẹ, thậm chí coi gia đình quan trọng hơn cả bạn gái.
Tôi năm nay gần 27 tuổi, bạn trai 30. Anh lấy hiền lành, tử tế, không cờ bạc, rượu chè, có công việc ổn định. Khổ một nỗi anh rất nghe lời mẹ, đi làm có bao nhiêu tiền đều mang về cho gia đình. Mỗi lần muốn mua gì, nếu xin mẹ cho thì mua không thì thôi.
Hôm rồi anh ngỏ ý kết hôn nhưng tôi băn khoăn mãi. Tôi thực sự chán ngán không biết có nên lấy người chồng như thế? – ( Thủy).
Ảnh minh họa: Sling.
Trả lời:
Thủy thân mến,
Mỗi từ bạn viết ra đều chứa trong đó những cảm xúc, suy tư, trăn trở về chuyện tình cảm cũng như áp lực phải gánh chịu. Có lẽ khi bắt đầu quen nhau, bạn hy vọng rất nhiều vào mối quan hệ tình cảm này. Nhưng đôi khi cuộc sống không đẹp như những gì mình mong muốn, và sau thời gian tìm hiểu bạn đã phần nào nhận ra cốt cách của người yêu không thực sự “chuẩn men” như bạn nghĩ từ đầu.
Có lẽ bạn phải công nhận với tôi rằng anh ấy là một người đàn ông tốt, hiếu thảo, biết quan tâm lo lắng cho bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Với chữ hiếu, anh ấy chu toàn khá hoàn hảo. Nhưng “nhân vô thập toàn”, con người không ai chu đáo về mọi mặt cả, và có lẽ những khuyết điểm của anh ấy sẽ là nỗi lo với bất cứ người phụ nữ nào muốn làm vợ anh.
Nhân cách của anh ấy được hình thành trong môi trường giáo dục gia đình. Vì thế để thay đổi được, không phải là một sớm một chiều. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, bạn cần phải xem xét, tìm hiểu một cách sâu sắc, toàn diện và có những tác động khéo léo.
Video đang HOT
Bản chất phụ nữ và đàn ông khác nhau rất nhiều. Đàn ông cũng chia thành nhiều hình mẫu khác nhau, chẳng hạn: Tuýp người khó tính, gia trưởng, người quá sợ mẹ, người đào hoa, người bảo thủ, người chỉ nói về sex, người thích sở hữu, người ham vui… Tất nhiên sự phân chia chỉ mang tính tương đối và để bạn tham khảo xem người yêu thuộc tuýp nào. Trên thực tế, những đặc điểm tính cách đan xen nhau, khó phân biệt được một cách rạch ròi.
Theo tôi thì người yêu của Thủy là mẫu người sợ mẹ. Những người như thế thường nghe lời mẹ một cách tuyệt đối, mọi chuyện đều hỏi ý kiến, cuối cùng là do mẹ quyết định… Tuy nhiên đó là dựa vào những gì bạn miêu tả, để có sự nhìn nhận chính xác về anh ấy, bạn cần phải thận trọng, tìm hiểu toàn diện, không nên dựa vào một số biểu hiện mà vội vàng đưa ra đánh giá quy chụp.
Bởi bạn và anh ấy chỉ đang trong giai đoạn yêu nhau. Có thể bạn chưa biết anh ấy là một người thụ động, không va chạm nhiều, tính tình không được quyết đoán lắm, sống trong gia đình ai cũng có thói quen đưa tiền cho mẹ giữ… Trong thư, tôi chưa thấy bạn kể về cách bạn nói chuyện, trao đổi, tâm sự với người yêu về chuyện này nên không biết thực sự anh ấy nghĩ thế nào.
Để có thể nhìn nhận đúng, chính xác, đưa ra quyết định cho mối quan hệ tình cảm của mình, tôi xin gợi ý với bạn hai điều sau:
Thứ nhất: Hãy tìm hiểu thật kỹ thói quen sinh hoạt, giao tiếp ứng xử trong gia đình người yêu. Một cá nhân bị ảnh hưởng phần lớn từ môi trường giáo dục gia đình. Bạn có thể thường xuyên ghé qua nhà anh và để ý quan sát, tìm hiểu xem những sinh hoạt, giao tiếp ứng xử hàng ngày của gia đình anh ấy. Từ đó sẽ cho bạn cái nhìn rõ hơn về những gì mà bạn nghĩ về người yêu, thay vì chỉ ngồi đó suy đoán.
Thứ hai: Đối với người yêu, bạn nên tâm sự nhiều hơn về gia đình. Hỏi và nghe anh ấy kể về bố mẹ, anh chị em sẽ giúp bạn hiểu hơn quan điểm của anh như thế nào. Có thể ở trong gia đình, anh ấy có thói quen như vậy nhưng thực ra trong lòng không muốn như thế và không dám phản đối.
Bên cạnh đó, hãy chia sẻ với người yêu những điều không hài lòng về anh ấy. Hãy khéo léo tìm hiểu xem thói quen nghe lời mẹ của anh là do bắt chước hay bị áp đặt từ nhỏ, rồi cứ thế cam chịu chấp nhận một cách vô thức. Bản thân con người nói chung, người yêu bạn nói riêng, khi bước ra xã hội, những va chạm, trải nghiệm sẽ giúp họ biết nhìn nhận, đánh giá những thói quen, hành vi ứng xử của mình, gia đình mình đúng – sai ra sao. Mặc dù vậy đôi lúc con người ta thấy sai nhưng lại không đủ ý chí thay đổi vì nó đã quá quen thuộc. Bởi thế muốn thay đổi cần có người giúp đỡ.
Bạn nên tế nhị, kín đáo, khéo léo nói cho anh ấy về điều mà bạn lo lắng một cách rõ ràng, cụ thể và mong anh ấy thay đổi, đồng thời giúp đỡ anh ấy thực hiện. Nếu anh ấy đồng ý, hợp tác thì cả hai cùng làm, ngược lại bạn nên chia tay nếu thực sự không chấp nhận được khuyết điểm đó của người yêu.
Việc thay đổi thói quen là rất khó, cần đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và nhất là sức mạnh của tình yêu. Mọi quyết định chấm dứt hay tiếp tục tùy thuộc vào bản thân bạn. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn phần nào trong việc tìm một giải pháp tối ưu nhất.
Theo VNE
Khốn khổ vì chồng phá gia chi tử
Anh ấy bán sạch đồ đạc, của lả trong nhà để cờ bạc, rượu chè khiến mẹ con em vô cùng khổ cực.
Chị Thanh Bình thân mến!
Em đang trải qua những ngày rất khổ sở với cuộc hôn nhân của mình, em không biết mình có nên ly hôn không chị ạ. Mong chị hãy cho em một lời khuyên!
Vợ chồng em cưới nhau đã lâu, giờ đã có một đứa con trai gần 3 tuổi. Từ hồi quen nhau đến giờ đã có rất nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn. Chị biết không, cưới nhau về, em và anh về quê anh làm việc, tự mở một của hàng sửa và bán máy vi tính. Tiền vốn gia đình anh ấy và gia đình em cho mượn để làm ăn.
Anh nói với em có rất nhiều chỗ làm nhưng cần vốn, nhưng anh không nói là ở đâu và họ nhờ làm những gì? Anh cầu cứu đến gia đình em và nói là làm ở đó cần vốn nhờ ba má giúp đỡ để kiếm chút ít tiền lời. Ba má em đã gửi và với hi vọng sẽ cải thiện được phần nào đời sống cho chúng em. Nhưng nào đâu có phải thế, anh lấy tiền đó chơi số đề mà em nào có biết.
Rồi khi em về sinh con anh ngoài đó bán sạch không còn một chút gì. Xe máy cho em anh cũng bán, máy tính xách tay anh cũng đem bán hết. Nói chung là tất cả không còn một thứ gì chị ạ. Đến khi em sinh cháu em mới biết và thất vọng vô cùng. Em rất hận anh. Sau đó anh đi làm ở TP Hồ Chí Minh anh gửi về cho con được 3 triệu rồi xong. Một năm sau anh về ở với em và hiện đang làm ở quê em.
Anh rượu chè tối ngày, chửi bới, xúc phạm và đánh đập em (Ảnh minh họa)
Những tưởng sẽ được hạnh phúc nào ngờ anh rất hay nhậu nhẹt. Có lần nhậu về say bí tỉ anh chửi và xúc phạm em và gia đình em, có khi anh còn đánh em. Hôm vừa rồi anh đi nhậu và hứa thời gian về nhưng anh không thực hiện. Anh rất hay nói dối và đỗ lỗi cho em là không biết quan tâm đến gia đình. Hồi trước kia em cũng có hay gọi điện hỏi thăm ba me anh ấy nhưng ba mẹ anh không bao giờ hỏi thăm em lấy một câu. Khi con em đau và khi em bị hư đứa thứ hai. Em cũng rất giận và từ đó em không gọi nữa.
Anh nói anh không xuống nhà ba má em nữa. Hiện giờ em và con đang ở nhà mẹ đẻ em nhưng anh cũng không xuống chơi với con ( Anh thuê nhà riêng). Em có nhắc thì anh nói bận nhưng anh đi chơi với những người trong cơ quan. Vợ chồng em giờ thế nào hả chị, có nên ly hôn không? Con em rồi nó sẽ thế nào khi cứ chứng kiến cảnh ba mẹ gây lộn, rồi ba đánh mẹ hả chị? ( Em gái bất hạnh)
Trả lời:
Em gái thân mến! Cảm ơn em đã gửi những tâm sự của mình về cho chuyên mục. Qua thư chị hiểu rằng em là một người phụ nữ không may mắn trong hôn nhân. Chồng em không những là một kẻ không biết trân trọng hạnh phúc gia đình mà "dính" vào những thứ tệ nạn như cờ bach, rượu chè và đánh đập em. Em đau khổ khi lấy phải một người chồng như vậy nhưng lại băn khoăn không biết có nên bỏ hay không.
Chị biết, tâm lí chung của bất cứ người phụ nữ nào cũng đều không muốn phải ly hôn khi đã lập gia đình. Đó không chỉ là một cú sốc về mặt tình cảm mà còn là nỗi đau và sự sợ hãi phải đối diện với mọi người khi hạnh phúc gia đình tan vỡ. Ai lấy chồng cũng mong được sống hạnh phúc bên chồng, giữ gìn cho các con một tổ ấm. Nhưng em ạ, đôi khi cuộc đời muốn hạnh phúc người ta cần phải dũng cảm từ bỏ, nhất là với những điều không tốt và không thể thay đổi.
Đôi khi cuộc đời muốn hạnh phúc người ta cần phải dũng cảm từ bỏ, nhất là với những điều không tốt và không thể thay đổi. (Ảnh minh họa)
Theo như những gì em tâm sư, có thể thấy chồng em không những có lối sống sa đọa mà tình cảm dành cho mẹ con em cũng không còn. Bởi nếu anh ta yêu thương em, yêu thương con thì chí ít anh ta cũng phải có những sự thăm hỏi hoặc ở bên vợ con dù cho anh ta vẫn là một kẻ nghiện cờ bạc, rượu chè đi chăng nữa. Những gì anh ta làm chỉ làm không hề có một chút nào nghĩ cho mẹ con em. Do đó, dù đau lòng, chị thành thật khuyên em nên dừng lại. Ly hôn là giải pháp tốt nhất cho em lúc này để em có thể lo cho cuộc sống của hai mẹ con được đầy đủ hơn.
Xã hội ngày nay không còn nặng nề chuyện một người phụ nữ ly hôn. Em vẫn có thể sống tự tin, hạnh phúc và tìm thấy một người đàn ông khác tốt và xứng đáng hơn với mình. Còn về đứa con, sau này khi cháu lớn lên cháu sẽ hiểu. Hơn nữa, nếu cứ cố gắng sống như vậy thì con em sẽ phát triển nhân cách ra sao khi bên một người bố tối ngày say xỉn, cờ bạc? Điều đó không giúp ích gì được cho cháu đâu em ạ! Hãy mạnh mẽ để "đau một lần rồi thôi" em nhé!
Chúc em và con mạnh khỏe, hạnh phúc!
Theo VNE
Điện thoại của người thân Gã nhận lời vì công việc chẳng vất vả gì mà lại có tiền cho gã mua mồi nhậu mỗi ngày. Gã vẫn vỗ ngực nhận mình là "lính đánh thuê", ai đưa tiền là chỉ đâu gã đánh đấy, làm gì cũng được. Việc lần này rất nhẹ nhàng, gã chỉ việc đúng vào lúc nửa đêm, buổi trưa hay bất kể...