Người đàn ông Phú Yên tố cáo đường dây lừa đưa người sang Mỹ
Anh Lâm Nguyên Bách (30 tuổi, quê Phú Yên) gửi đơn đến công an tỉnh này và Công an TP.HCM tố cáo đường dây đưa người sang Mỹ lao động chui.
Anh Bách xác nhận có thu thập nhiều bằng chứng để tố cáo đường dây chuyên nghiệp này. Theo anh, mắt xích quan trọng trong đường dây này là ông Hồ Hoàng Chương, Việt kiều Mỹ.
Anh Bách kể, quen biết với ông Chương thời đi học. Đầu năm 2017, ông Chương rủ anh sang Mỹ làm việc, hứa hẹn sẽ làm nghề biển, lương 4 – 5 ngàn đô/tháng.
“ Khi ấy ông Chương nói, mọi thủ tục giấy tờ ông ta tự lo cho tôi. Khi tôi qua Mỹ có việc làm, thu nhập ổn định rồi sẽ trả dần cho ông ấy“, anh Bách thông tin.
Giai đoạn giữa đó, ông Chương tổ chức thủ tục cho anh Bách đi Mỹ. Theo những hồ sơ mà anh Bách còn lưu giữ, ban đầu ông Chương sắp xếp cho một người tên là Lâm Nguyên Quang (66 tuổi, quốc tịch Mỹ) và “phù phép” trên giấy tờ thể hiện anh Lâm Nguyên Bách là con ruột của ông Quang.
Anh Lâm Nguyên Bách tố cáo đường dây đưa người sang Mỹ lao động chui với cách thức tinh vi
“ Họ cho tôi thấy tờ giấy thể hiện ông Quang mời tôi, là con ruột qua Mỹ thăm cha. Họ làm visa cho tôi đi Mỹ dạng du lịch thăm thân nhân, thời hạn 1 năm“, anh Bách nói và cho biết có chứng cứ thể hiện việc này.
Giai đoạn này, anh Bách và người nhà chỉ đưa cho người quen của ông Chương số tiền 3,7 triệu đồng, gọi là chi phí làm visa. Thông qua ông Chương và một số người hướng dẫn, anh Bách vào TP.HCM, đến công ty TNHH TMDV du học – du lịch V.M.T. (quận Phú Nhuận) gặp người xưng tên Minh, giám đốc công ty.
Tại đây có người đưa cho anh Bách 4 tờ giấy thể hiện những câu hỏi mà họ khẳng định cơ quan lãnh sự Mỹ chắc chắn sẽ hỏi anh trong khi phỏng vấn cấp visa và hướng dẫn trả lời.
Video đang HOT
Những người này còn đưa cho anh Bách xem một số giấy tờ thể hiện anh là kỹ sư mạng tập đoàn FPT làm việc hơn 3 năm, mức lương hơn 22 triệu đồng/tháng, có con dấu công ty; một sổ của ngân hàng ACB đứng tên anh Bách có gửi tiết kiệm 650 triệu đồng; khai báo địa chỉ nhà ở đường Phạm Thái Bường, quận 7, TP.HCM.
Anh Bách thu thập nhiều chứng cứ để tố cáo.
Sau đó có người “kèm” anh Bách đi phỏng vấn ở Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM. “ Họ phỏng vấn tôi giống như những câu hỏi mà tôi được hướng dẫn. Không bao lâu sau, họ báo tôi đã đậu visa“, anh Bách khẳng định.
Thời gian ngắn sau, ông Chương đến tận nhà anh Bách ở TP. Tuy Hòa, Phú Yên để lấy khoản tiền 37 triệu đồng, là chi phí vé máy bay. Trước khi xuất ngoại, anh Bách cùng người nhà được chỉ đến quán cà phê ở TP.HCM gặp người đàn ông tên Thao giao 100 đô, lấy visa.
Tháng 3/2018, ông Chương dẫn anh Bách đi Mỹ bằng đường “chính ngạch”. Theo lời anh Bách, “ trên cùng chuyến bay hôm đó, ông Chương có dẫn đi cùng một phụ nữ tầm 30 tuổi. Qua trò chuyện, tôi biết chị này cũng dạng như tôi, được ông Chương sắp xếp qua Mỹ lao động… chui“.
“Vỡ mộng” nước Mỹ và tố cáo
Đến giờ anh Bách vẫn ám ảnh những gì khi đặt chân đến nước Mỹ. Vừa đến nơi, ông Chương dùng xe tải nhỏ chở anh và người phụ nữ đến khu vực cảng biển Virginia. Ở đây, ông Chương nói nghề làm cua biển mất mùa, giờ không thể có việc làm như đã nói và yêu cầu 2 người phải tự kiếm việc khác mà sống.
“ Tôi, người phụ nữ và ông Chương sống trên chiếc xe tải mà ông ấy đưa chúng tôi đi. Cả 2 chúng tôi ăn ngủ như thế trên nước Mỹ, không dám rời ông Chương nửa bước. Nhiều ngày sau, ông ấy đưa chúng tôi đến nhà người quen, là người Mỹ gốc Việt.
Những đối tượng uy hiếp gia đình Bách đòi 300 triệu đồng mà họ nói là chi phí đưa anh sang Mỹ.
Tôi trò chuyện, chủ nhà đồng ý cưu mang, cho tôi ngủ phòng khách, mỗi tháng trả 300 đô và hàng ngày ông chở tôi cùng đi làm phụ hồ, mức lương 70 – 100 đô mỗi ngày. Muốn ăn uống gì thì gửi cho chủ nhà mua dùm, hoàn toàn lạc lõng“, anh Bách nhớ lại và cho biết, khi đó ông Chương đưa người phụ nữ đi cùng đi đâu đến giờ anh không biết.
Phụ hồ gần 1 tháng, dành dụm được chừng 2.000 đô, anh Bách nhờ người ở chung nhà mua vé xe, di chuyển 7 chặng mới đến được nhà người thân bên vợ tại tiểu bang Indiana. Tá túc ở đây 2 tháng và được người thân giúp đỡ, anh Bách mới có thể về Việt Nam an toàn sau 4 tháng.
Nhưng anh Bách xác nhận, thời gian anh tá túc nhà người thân bên vợ ở Mỹ thì nghe báo, ông Chương cùng 4 – 5 người lạ tìm đến tận nhà anh ở TP Tuy Hoà để đòi khoản nợ 300 triệu đồng mà ông nói là chi phí lo thủ tục đưa anh qua Mỹ.
Đến giờ anh Bách vẫn “ám ảnh” 4 tháng trời vạ vật trên đất Mỹ.
Khi anh Bách về nước, ông Chương cùng nhóm người lạ liên tục tìm đến nhà đòi tiền. Những người lạ không gặp trực tiếp anh mà đe dọa gây hại các thành viên trong gia đình, ném chất bẩn vào nhà. Thậm chí, các đối tượng đến nơi làm của cha anh Bách tại Cục Thuế tỉnh Khánh Hoà để rải tờ rơi bêu xấu…
Khi về, anh Bách 2 lần đối diện với ông Chương, khẳng định không nợ nần gì nhau. Nhưng anh Bách cũng như gia đình liên tục bị đe dọa qua điện thoại và nhiều cách khác nhau.
Trước sự “khủng bố” leo thang 1 năm nay và lo cho an nguy gia đình, anh Bách trình báo công an các cấp. Anh Bách kể, có lần anh đến Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an Khánh Hoà, được cán bộ ở đây cho coi một tờ giấy sao kê ngân hàng, thể hiện ông Chương chuyển 200 triệu đồng qua tài khoản ai đó có ghi nội dung sơ bộ là trả nợ cho Bách nhưng anh hoàn toàn không biết gì đến việc này.
Trong những nội dung tố cáo, anh Bách cho rằng, ông Chương là một mắt xích đưa người sang Mỹ lao động chui với thủ đoạn tinh vi, làm giả nhiều loại giấy tờ. Ngoài cách thức làm giả thân nhân quốc tịch Mỹ thì anh Bách có biết một số đối tượng trong đường dây có chiêu kết hôn giả.
Hiện anh Bách đã tố cáo đến Công an tỉnh Khánh Hoà và đang gửi đơn tố cáo ở Công an TP.HCM vì biết rõ các mắt xích quan trọng trong đường dây hoạt động chủ yếu tại TP.HCM. Anh cũng đã gửi các nội dung đơn cho cơ quan lãnh sự Mỹ tại Việt Nam.
Nguồn: Vietnamnet
Có phạt tù những kẻ đưa người ra nước ngoài lao động 'chui'?
Theo luật sư, trường hợp tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép có thể bị phạt tù cao nhất tới 15 năm.
Nguyễn Tiến Triển (TP HCM) hỏi: " Việc đưa lao động sang nước ngoài làm việc không đúng quy định của pháp luật có bị phạt tù?".
Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP.HCM), trả lời: Căn cứ quy định tại điều 6 Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, quy định đi làm việc ở nước ngoài theo một trong các hình thức sau: Hợp đồng ký với doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Hợp đồng ký với DN trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Hợp đồng theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề ký với DN đưa NLĐ đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề. Hợp đồng cá nhân.
Theo đó, mọi trường hợp xuất khẩu lao động hợp pháp đều được thực hiện dưới hình thức hợp đồng. Việc đưa lao động đi làm "chui" được hiểu là việc NLĐ đi làm việc ở nước ngoài không thông qua các công ty xuất khẩu lao động chính thống mà đi theo con đường tiểu ngạch (hay còn gọi là vượt biên trái phép).
Vượt biên trái phép là qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng theo điểm a khoản 3 điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Ngoài việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam, người vượt biên trái phép khi bị bắt giữ còn đối mặt với các hình thức xử lý theo pháp luật của nước sở tại như bị giam giữ, buộc lao động công ích, bị phạt tiền, bị trục xuất về nước...
Người nào lợi dụng hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài không đúng quy định sẽ bị phạt tiền 150 - 200 triệu đồng theo điểm b khoản 3 điều 34 Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Trường hợp tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép sẽ có mức phạt tù cao nhất lên tới 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Đối với 11 người trở lên; thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; làm chết người.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10 - 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm (điều 349 Bộ Luật Hình sự 2015).
NLĐ đi làm việc "chui" ở nước ngoài nên cân nhắc vì phải đối mặt với nhiều rủi ro như: bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, không được bảo vệ khi bị ngược đãi và bị cơ quan chức năng nước đến làm việc truy lùng và trục xuất.
Nguồn: Người Lao Động
Tòa hoãn xử vì hội thẩm nhân dân bận việc đột xuất Phiên xử sơ thẩm lần ba vụ cố ý gây thương tích ở quận Ô Môn (Cần Thơ) bị hoãn do hội thẩm nhân dân bận việc đột xuất. Ngày 31-10, TAND quận Ô Môn (TP Cần Thơ) đã hoãn phiên xử sơ thẩm lần ba vụ cố ý gây thương tích ở phường Long Hưng. Lý do hoãn xử được tòa đưa...