Người đàn ông Nhật sống sót qua hai vụ ném bom nguyên tử
Tsutomu Yamaguchi có mặt ở cả Hiroshima và Nagasaki đúng lúc Mỹ thả bom hạt nhân, nhưng vẫn sống sót một cách thần kỳ.
Tsutomu Yamaguchi khi về già. Ảnh: NPR.
Bom nguyên tử chỉ được sử dụng để tấn công đúng hai lần trong lịch sử, lần đầu vào ngày 6/8/1945 ở Hiroshima và lần thứ hai sau đó hai ngày tại Nagasaki, Nhật Bản, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Một người đàn ông Nhật đã có mặt ở hai thành phố vào đúng ngày hai quả bom phát nổ, nhưng đều sống sót, khiến ông được mệnh danh là “Lucky Yamaghuchi” (Yamaguchi may mắn), theo War History.
Tsutomu Yamaguchi lẽ ra không có mặt ở Hiroshima khi quả bom hạt nhân Little Boy được Mỹ thả xuống thành phố. Trên thực tế, ông đang trên đường rời Hiroshima. Trước đó ba tháng, tập đoàn Mitsubishi cử Yamaguchi đi công tác ở thành phố này. Sau khi hoàn thành công việc, ông dự kiến trở về Nagasaki vào ngày 6/8.
Vào ngày định mệnh đó, Yamaguchi xuất hiện lần cuối ở chi nhánh Hiroshima của tập đoàn Mitsubishi. Trước khi đến nơi, ông nghe thấy tiếng máy bay trên cao và nhận ra oanh tạc cơ B-29 của Mỹ. Chiếc máy bay ném một vật thể nhỏ xuống và bay đi lúc 8h15 sáng.
Ngay sau đó, một vụ nổ cực lớn xảy ra. Yamaguchi nhảy xuống một con suối gần đó theo bản năng, nhưng sóng xung kích hất văng ông khỏi nơi ẩn nấp. Ông bị ném vào một ruộng khoai và bất tỉnh, trong khi dư chấn của quả bom vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng. Đám mây hình nấm của Little Boy lớn dần trên bầu trời Hiroshima. Yamaguchi đứng cách khu vực bom nổ chưa đầy 3 km. Ông bị bỏng trên mặt và cẳng tay, mất đi tai phải và thủng cả hai màng nhĩ nhưng vẫn sống.
Sống sót sau vụ nổ kinh hoàng, Yamaguchi đi tới tòa nhà văn phòng đã bị phá hủy, cố gắng xâu chuỗi lại những gì đã xảy ra. Ông tìm ra hai đồng nghiệp cũng sống sót sau vụ nổ. Khi phát hiện xe lửa vẫn chạy ra khỏi thành phố, họ băng qua tàn tích của Hiroshima đến ga xe lửa để trở về Nagasaki.
Sau khi trở về nhà, mặc dù bị bỏng, băng quấn đầy người và mất thính lực, Yamaguchi vẫn tới nhà máy Mitsubishi ở Nagasaki vào ngày 9/8. Khi ông kể lại sự việc xảy ở Hiroshima, giám sát viên cho rằng Yamaguchi bị điên, câu chuyện của ông quá khó tin đối với những người chưa bao giờ chứng kiến vũ khí hạt nhân phát nổ.
Video đang HOT
Thành phố Hiroshima sau vụ ném bom. Ảnh: War in Context.
Trong khi họ đang nói chuyện, Mỹ thả quả bom hạt nhân thứ hai mang tên Fat Man xuống Nagasaki. Giống những gì Yamaguchi chứng kiến ở Hiroshima, thứ dường như là một chấm nhỏ trên bầu trời bỗng nhiên bùng nổ thành ánh sáng trắng rực rỡ. Yamaguchi ngã xuống sàn khi quả bom làm nổ tung tất cả cửa sổ của tòa nhà.
Ông tin rằng dư chấn của vụ nổ Hiroshima lan tới Nagasaki. Trên thực tế, Nagasaki bị tấn công bởi quả bom mới, mạnh hơn cả Little Boy. Một lần nữa, người đàn ông may mắn này lại thoát chết.
Yamaguchi ngay lập tức tìm chỗ ẩn náu. Gia đình ông gặp nguy hiểm, ông tìm thấy họ ẩn nấp trong đống đổ nát của nhà mình. May mắn là không ai bị thương nặng. Cả ba người đi đến hầm trú ẩn, nơi họ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của bức xạ từ Fat Man. Yamaguchi bị rụng tóc, vết thương ở Hiroshima liên tục nhiễm trùng và hoại tử, đồng thời ông bị nôn mửa, nhưng ông vẫn sống sót.
Cuộc đời của Yamaguchi dần trở lại bình thường. Ông sống ẩn dật, làm việc với quân đội Mỹ trong thời gian họ đóng quân tại Nhật Bản. Yamaguchi nằm trong nhóm “hibakusha”, những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử, nhận được hỗ trợ tài chính và y tế cho tình trạng của mình. Tuy nhiên, Yamaguchi chỉ đăng ký trạng thái hibakusha cho vụ nổ đầu tiên ở Hiroshima.
Khi Yamaguchi già đi, ông bắt đầu phải chịu đựng những vấn đề sức khoẻ do bức xạ gây ra, đồng thời cảm thấy chính phủ nên biết về câu chuyện độc nhất của mình. Vào tháng 1/2009, Yamaguchi đệ đơn xin công nhận là hibakusha kép. Ông được Nhật Bản công nhận sau đó hai tháng, trở thành người duy nhất trong lịch sử sống sót sau cả hai cuộc tấn công hạt nhân.
Một năm sau khi được công nhận là người sống sót kép, ngày 4/1/2010, Yamaguchi qua đời vì ung thư dạ dày ở tuổi 93.
Hòa Việt
Theo VNE
Những vụ nổ bom nguyên tử kinh hoàng chấn động địa cầu
Kênh YouTube RealLifeLore giới thiệu đoạn video so sánh những vụ nổ bom nguyên tử khác nhau, kể những vụ kinh hoàng nhất.
Các tác giả đánh giá thông qua năng lượng toả ra, chiều cao của đám mây hình nấm, cũng như mức độ hủy diệt sau vụ nổ.
Công suất của vụ bom nổ bom nguyên tử ở Hiroshima tương đương với 15.000 tấn TNT. Tổng năng lượng phát ra trong thời gian thử nghiệm đạn nhiệt hạch B83 chế tạo vào những năm 1970 đạt 1,2 triệu tấn TNT, còn chiều cao của đám mây hình nấm là 20 km. Các số liệu khác nhau bởi được thống kê vào các thời điểm khác nhau.
Rất nhiều nạn nhân chết sau nhiều tháng, thậm chí nhiều năm bởi hậu quả của phóng xạ. Cũng có những áp lực làm con số bị phóng đại hoặc giảm thiểu vì lý do tuyên truyền chính trị. Theo ước tính, 140.000 người dân Hiroshima đã chết bởi vụ nổ cũng như bởi hậu quả của nó. Số người thiệt mạng ở Nagasaki là 74.000. Ở cả hai thành phố, phần lớn người chết là thường dân.
Vụ dội bom Hiroshima.
Chỉ 3 ngày sau vụ dội bom Hiroshima, sĩ quan Mỹ trên phi cơ B-29 "Bockscar" tiếp tục thả bom "Fat Man" xuống thung lũng công nghiệp của thành phố Nagasaki của Nhật. 43 giây sau, quả bom chứa 6,4 kg Plutonium 239 và đương lượng 21 kiloton đã phát nổ ở khoảng cách 469 m so với mặt đất. Bom thả vội vàng đã nổ ở đoạn giữa hai mục tiêu chính là xưởng thép ở phía bắc và xưởng thủy lôi ở phía nam, những khu vực ít dân cư.
Vì vậy, mặc dù quả bom thứ hai với đương lượng nổ lớn hơn "Little Boy" ở Hiroshima nhưng gây thiệt hại ít hơn so với ở Hiroshima. 75.000 người trong tổng số 286.000 cư dân của thành phố đã thiệt mạng ngay thời điểm đó. Hai vụ nổ ghi dấu trong lịch sử thảm họa nhân tạo lớn nhất và khủng khiếp nhất mà con người từng biết đến.
Quả bom nhiệt hạch AN606 có biệt danh Tsar Bomba - bom Sa hoàng là một trong những thiết bị nổ đáng sợ nhất trong lịch sử.
Quả bom khinh khí ba giai đoạn Sa hoàng được chế tạo ở Liên Xô có đương lượng nổ 50 megaton, tương ứng với 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, có sức công phá gấp 3.800 quả bom ném xuống Hiroshima trong Thế chiến II, là quả bom nguyên tử lớn nhất từng được chế tạo và phát nổ. Bom khinh khí là bom sử dụng phản ứng tổng hợp hạt nhân hydro, có sức tàn phá lớn gấp nhiều lần bom nguyên tử.
Vũ khí phân hạch và nhiệt hạch thuần tuý (một giai đoạn) có đương lượng nổ hàng trăm kiloton, và khi có 3 giai đoạn nổ, sức công phá của vũ khí tăng lên nhiều lần. Khi nổ quả bom Tsar Bomba xuất hiện đám mây hình nấm sau vụ nổ cao tới 60km. Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) cho biết, có thể bị bỏng độ 3 ở khoảng cách hàng trăm km. Vòng huỷ diệt hoàn toàn có bán kính 35 km.
Nga là nước sở hữu hơn 7.000 đầu đạn hạt nhân.
Các tác giả cũng so sánh dự trữ vũ khí hạt nhân ở những nước khác nhau. Theo đánh giá của họ, vô địch là nước Nga, sở hữu hơn 7.000 đầu đạn hạt nhân. Từ năm 2014 giữa Mỹ và Nga đạt được thoả thuận đồng đẳng, trong đó cả hai quốc gia đều có khả năng ngang bằng về lực lượng hạt nhân tấn công chiến lược.
Vụ thử nghiệm bom hydrogen đầu tiên do Mỹ tiến hành tại đảo Bikini, thuộc quần đảo Marshall, Thái Bình Dương tháng 3.1945 là Castle Bravo. Với lượng nổ 15 megaton TNT, nó vượt xa mức dự kiến ban đầu là từ 4 đến 6 megaton. Castle Bravo là vụ nổ hạt nhân mạnh nhất do Mỹ kích hoạt. Chỉ vài giây sau khi khai hỏa, thiết bị hình trụ nặng 10,7 tấn, chiều dài 4,56 m đã thổi bùng lên một quả cầu lửa có đường kính 7 km. Đám khói hình nấm hình thành từ vụ nổ cao 14 km với đường kính 11 km chỉ trong một phút đầu tiên và sau đó đạt đến độ cao 40 km với đường kính 10 km trong 10 phút tiếp theo. Lượng phóng xạ phát tán trên diện tích 160 km tính từ tâm vụ nổ, gây nên thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất tại Mỹ.
Theo Danviet
Mỹ suýt tấn công Nhật Bản bằng vũ khí hoá học Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hiroshima hồi tháng 5 đã nhen nhóm trở lại các cuộc thảo luận về việc liệu Mỹ có thực sự cần thiết thả bom nguyên tử buộc Nhật Bản phải đầu hàng vào cuối Thế chiến II hay không. Tuy nhiên, theo trang mạng Nationalinterest, các cuộc tranh luận đã không đề...