Người đàn ông nghèo “nghiện” nhặt đinh: “Người ta chửi tôi khùng”
Suốt một tuần nay, cứ mỗi buổi trưa anh Thành lại dựng chiếc xe chở ve chai trên vỉa hè rồi xách cục nam châm đi dọc quốc lộ 1A để hút đinh.
“Ai cũng cần kiếm tiền, nhưng kiếm tiền bằng cách rải đinh hại người đi đường thì thất đức quá”, anh Nguyễn Văn Thành (42 tuổi), quê Tây Ninh nói.
Đã tám năm nay người đàn ông nhặt ve chai này tự giao cho mình một nhiệm vụ không thù lao là “nhặt cho đến khi nào những kẻ rải đinh ra quốc lộ bị xử lý thì mới giải nghệ”. Đã có một dạo, đoạn đường dài 6 km từ cầu vượt Ngã Tư Bình Phước, quận Thủ Đức đến cầu vượt Ngã Tư Ga, quận 12 vắng bóng đinh tặc nhưng từ đầu tháng 3 đến nay, anh lại thấy nhiều người phải dắt xe trên đường. Anh biết, nhóm đinh tặc đã trở lại.
Kể từ hôm đó, dù đang nhặt ve chai ở đâu, cứ 11h30 là anh đến đoạn đường này, cầm cục nam châm đi hút từng chiếc đinh, từng mảnh kim loại nhọn. Có ngày đinh nhiều, anh phải hút đến tận 13h, quên cả việc ghé vào quán nước hay công viên ngủ trưa.
Anh Thành nhặt đinh trên quốc lộ 1A lúc 12h, ngày 5/3 . Ảnh: Diệp Phan.
Người đàn ông 42 tuổi kể, tháng 6/2012 khi anh mới từ Tây Ninh lên Đồng Nai làm nghề ve chai kiếm sống. Một lần đang “làm việc” trên quốc lộ 51, đoạn qua huyện Long Thành, anh chứng kiến một chiếc xe máy vừa xuống dốc cầu cán phải đinh, thủng lốp trước giữa đường. Người chị hoảng loạn đánh tay lái ra ngoài, chiếc xe bồn từ phía sau không kịp tránh đâm vào, cướp đi sinh mạng của cả hai chị em.
“Từ giây phút đó, tôi nguyện với lòng mình phải nhặt hết đinh trên đường mới thôi”, Nguyễn Văn Thành nhớ lại. Nghĩ là làm, kể từ đó khi đi nhặt ve chai, biết đoạn đường nào xuất hiện đinh tặc, anh đều đến tận nơi để dùng nam châm hút cho bằng sạch.
Nhưng suốt 6 năm anh cần mẫn ở Đồng Nai, đinh vẫn được rải từ chỗ này đến chỗ khác, không thể dứt điểm. “Lúc đầu tui nghĩ mình chỉ cần cố gắng một thời gian sẽ hết, nhưng không ngờ vẫn kéo dài đến hôm nay”, anh tâm sự.
Bị anh Thành ngăn trở, những kẻ rải đinh vô cùng tức tối. Thời còn ở Đồng Nai, đã không ít lần anh bị chúng tấn công dằn mặt bằng cách ép xe, xô ngã xuống đường và thậm chí dùng dao đuổi chém. Có lần, đám đinh tặc dùng axit loãng tạt vào mặt khiến anh phải vào bệnh viện để rửa mắt. Cứ sau mỗi lần như vậy, anh lại tạm ngưng hút đinh một thời gian. Nhưng vụ tai nạn của hai nữ sinh cứ ám ảnh, vậy là anh lại tiếp tục cầm cục nam châm ra đường, bất chấp nguy hiểm.
Năm 2018, Nguyễn Văn Thành rời đất Đồng Nai lên Sài Gòn kiếm sống mang theo cả “nghiệp hút đinh”. Không áo phản quang, không nón rộng vành, người đàn ông làm nghề ve chai chỉ biết chống nóng bằng cách mặc một bộ đồ rộng thùng thình, cúi mặt nhìn xuống mặt đường nóng hầm hập, cố gắng không để sót mảnh đinh nào. “Để tránh nguy hiểm, tôi thường làm việc này vào giữa trưa bởi lượng xe cộ ít hơn”, anh cho biết.
Chỉ một đoạn đường ngắn khoảng 100m, anh thu được gần 200 mảnh đinh hình thoi được cắt đều tăm tắp. Ảnh: Diệp Phan.
Video đang HOT
Tết năm 2019, thấy đoạn quốc lộ qua huyện Bình Tân đinh rải nhiều, anh Thành quyết định không về quê mà ở lại Sài Gòn để nhặt đinh đến tận mùng 3 Tết bởi đây là thời điểm người dân về quê nhiều nên bọn chúng rải nhiều đinh hơn ngày thường.
Sau lần “ăn Tết với đinh” đó, anh Nguyễn Văn Thành bị bệnh nặng phải về quê chữa trị. Thấy con lúc ốm đau chẳng có đồng nào trong người, bà Dương Thị Mười (64 tuổi), mẹ của anh tìm mọi cách khuyên con “chú tâm làm ăn” nhưng anh không nghe. “Nó bảo nhặt một cái đinh là cứu một mạng người nên tôi cũng đành tùy nó quyết định”, bà Mười kể.
Tháng 6/2019, khi vừa khỏi bệnh, xem ti vi thấy trên đoạn đường Tô Ngọc Vân, quận 12 xuất hiện đinh tặc, anh Thành lại mượn cô em gái 100 nghìn đồng, bắt xe lên Sài Gòn để tiếp tục nhặt đinh.
“Nghề nhặt ve chai của tui đơn giản, chịu khó đi một ngày cũng kiếm đủ tiền cơm”, anh cười nói.
Chị Thọ, chủ vựa ve chai ở quận 12 nơi anh Thành thường bán những gì mình nhặt được nói: “Nhiều lần tôi ngỏ ý muốn Thành đến làm việc cố định với mức lương 7 triệu đồng một nhưng nó từ chối, bảo là làm tự do mới có thời gian hút đinh”.
Giải thích cho lời từ chối của mình, anh Thành bảo: “Nhặt được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, làm tự do mới hút đinh được, làm cho người ta gò bó lắm. Ngày nào nhiều tiền thì ăn cơm thịt, ngày nào ít thì ăn cơm chay, 10 nghìn đã có đĩa cơm rồi”.
Công việc nhặt ve chai mang đến cho anh 80 – 130 nghìn mỗi ngày. Ảnh: Diệp Phan.
Suốt tám năm đi nhặt đinh trên quốc lộ, niềm vui của anh Thành là khi được những người qua đường gửi cho chai nước mát, hay đơn giản chỉ là những lời cám ơn. “Cũng không ít lần thấy buồn khi bị người ta chửi là “khùng” vì cho rằng tôi cản trở họ lưu thông”, anh Thành kể.
Hỏi đến chuyện lập gia đình, anh Thành bảo mình “không dám thương ai”, phần vì không có tiền, phần thì sợ nếu có vợ con anh sẽ không còn thời gian để thực hiện tâm nguyện “nhặt hết đinh mới thôi” của mình.
“Nếu một ngày nào đó có phiên tòa xét xử những kẻ rải đinh nhất định tôi sẽ tham gia, đinh tặc được xử lý tôi mới “giải nghệ”, còn bây giờ cứ hễ thấy đinh là tôi hút”, người đàn ông nói rồi nhấn pê-đan chiếc xe đạp hòa vào dòng xe trên đường bắt đầu tấp nập.
*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại
Diệp Phan (Vnexpress)
Theo danviet.vn
Nữ công nhân 20 năm bám trụ Sài thành với đôi chân "chấm phẩy"
20 năm bươn trải, vất vả bám trụ tại TP.HCM, chị Thanh vượt lên nỗi cô đơn, mặc cảm để làm việc, tự nuôi sống bản thân với đôi chân không được lành lặn như bao người.
Người phụ nữ giàu nghị lực ấy là chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1977), quê Nghệ An, đang làm việc tại Công Ty TNHH Sản suất Upgain (VN) Manufacturing ở Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức, TP.HCM).
Người dân ở khu trọ công nhân gần chân cầu vượt Linh Xuân, trên quốc lộ 1K hướng về Bình Dương đã quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé trên chiếc xe 3 bánh, lăng lẽ sớm đi tối về một mình
Trong căn phòng nhỏ bài trí đơn giản và ngăn nắp, chị Thanh có vài ba bộ quần áo đi làm, mặc ở nhà và đi chơi, một chiếc giường, chiếc tivi nhỏ và đồ dùng nhà bếp... Bữa tối của chị cũng chỉ có chút trứng với rau cải thảo xào. Chị Thanh bảo, chị thích nấu ăn nhưng cuộc sống một mình nên nhiều khi qua loa cho xong bữa.
Chị Nguyễn Thị Thanh sống một mình trong căn nhà trọ với đôi chân teo tóp.
Chị chẳng thích kể lể về những khó khăn, bất hạnh trong cuộc đời. Dường như 20 năm đi làm với bên chân bị tật, tự nuôi mình trải qua bao vất vả của cuộc sống, rất khó để ai đó có thể khiến chị mở lòng, dốc bầu tâm sự.
Chị Thanh bảo, bây giờ rất nhiều người trẻ tìm đến TP.HCM như một miền đất hứa để lập nghiệp, để theo đuổi ước mơ, nhưng với chị đó đơn thuần là một lựa chọn bắt buộc.
Sinh trong gia đình thuần nông có đông anh chị em, từ nhỏ, chị Thanh đã phụ gia đình làm đồng áng. Trong một lần đi làm đồng, chị gặp tai nạn lúc cắt cỏ khiến chân bị teo, chân cao chân thấp. Bạn bè nhiều người vô tâm còn trêu chọc, hễ nhìn thấy từ xa là hét lên "chấm phẩy, chấm phẩy!" khiến bao lần chị ứa nước mắt. Cũng như bao thanh niên trong xã thời đó, hơn 20 tuổi, chị bắt tàu vào Nam, bắt đầu cuộc sống mưu sinh một mình.
Xa quê, bươn trải ở thành phố lớn, 20 năm qua chị Thanh đều tự lập trong mọi việc.
Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng với một người con gái xa quê, không có bằng cấp lại tật nguyền. Tiền mang theo chỉ đủ để có một chỗ ngả lưng rách nát ở thành phố, chuỗi ngày chân cao chân thấp đi bộ tìm việc khó khăn vô cùng. Có thời điểm buồn quá, nhớ nhà, nhớ anh em nên chị về quê.
"Định rằng không đi nữa, ở nhà khoảng 1 năm, sau đó nghĩ ở nhà không làm ra tiền mà chân của mình như thế, ai nuôi nổi, tôi quyết định vào TP.HCM lần nữa. Lần này, tôi xin vào làm công nhân cho một công ty may tư nhân. Làm được khoảng 3 năm thì công ty phá sản, tôi thất nghiệp. Cuộc sống khó khăn vô cùng", chị Thanh nhớ lại.
Được một người quen giới thiệu việc làm tại khu chế xuất, chị Thanh mừng lắm. Lúc đó không có xe, trong người còn 3 triệu đồng, chị quyết định thuê một phòng trọ khoảng 900.000 đồng, một cái giá khá đắt bởi nơi này gần, chị có thể đi bộ đi làm. Nhưng thời gian đó, chị mất giấy tờ gốc, về quê làm lại rất mất thời gian mà kinh tế đang khó khăn. May thay em gái chị đã làm đơn bảo lãnh, kể rõ hoàn cảnh khó khăn của chị..., cuối cùng chị Thanh được công ty nhận vào làm từ giữa năm 2006.
6 năm nỗ lực, chăm chỉ làm việc với đôi chân tật nguyền, dành dụm được hơn 20 triệu đồng, chị Thanh quyết định mua xe máy và nhờ người gắn thêm hai bánh để chị có thể tự chạy. Tưởng rằng mọi việc sẽ dễ dàng hơn, nhưng bất hạnh lại ập đến khi tai nạn tới, cú ngã xe khiến chị gãy hẳn một bên xương vai. Chị buộc phải về quê tại Nghệ An để vợ chồng anh trai chăm sóc.
"Khi tôi bị ngã, gãy xương đòn, anh trai tôi mắng. Mặc dù biết anh trai rất thương mình nhưng tôi không muốn phụ thuộc vào người thân, huống hồ anh trai tôi còn gia đình, vợ con và các cháu. Cho nên, sau 1 tháng cơ thể đã bình phục, tôi tiếp tục quay trở lại TP.HCM để làm việc", chị Thanh kể.
Buổi tối, sau khi đã làm xong hết mọi việc, chị Thanh thường sử dụng điện thoại để đọc tin tức.
Nhắc đến chuyện tình cảm, chị Thanh trầm hẳn. Bao nhiêu năm độc thân, một mình chị cũng cần tìm kiếm hạnh phúc và được quan tâm, chăm sóc.
Tôi hỏi chị có từng thích ai không, hay muốn có gia đình nhỏ của mình trong những năm tháng sau này, chị Thanh buồn bã nói: "Làm gì mình có quyền thích ai hả em. Mình như thế, ai thương. Chẳng ai muốn gắn bó cuộc đời với người không lành lặn cả".
Ngừng một lúc rồi chị nói tiếp: "Nhiều lúc nghĩ có ai góa vợ, hoặc chung hoàn cảnh với mình để mà cùng nhau nương tựa, chăm sóc nhau lúc ốm đau, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Một mình cũng được, nhưng những lúc ốm đau tủi lắm".
Như bao người phụ nữ, chị Thanh mong hạnh phúc đến với mình. Khát khao giản dị của chị chỉ đơn giản là có một cuộc sống bình thường như bao người khác. Những ngày lễ trong năm, chị Thanh mong muốn nhận được một lời chúc hay bông hoa để biết mình được yêu thương, trân trọng.
Cuộc sống vất vả, khó khăn không làm chị đánh mất hi vọng. Chị chia sẻ, bản thân đã mạnh mẽ hơn, ai đó có trêu chân chị "chấm phẩy", chị vẫn có thể nở nụ cười chứ không "mít ướt" như ngày trước. Mỗi ngày, niềm vui và động lực sống của chị là công việc, là sau những ngày dài trong xưởng, trở về nhà được ngắm những đứa trẻ, cứ tíu tít chạy sang chơi mỗi khi thấy cửa mở.
Chị Thanh có ước mơ về hạnh phúc giản dị như bao người phụ nữ bình thường.
Sống ở thành phố tấp nập, khi mặt trời chiếu ánh nắng xuyên qua những tòa nhà cao tầng cũng là lúc người phụ nữ nhỏ bé hòa vào dòng người hối hả ngược xuôi đến công ty cho kịp giờ làm việc. Dù còn đó nhiều nỗi niềm, nhiều khó khăn nhưng chị Thanh vẫn tin cuộc sống còn nhiều niềm vui. Nếu có một món quà cho ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chị chỉ mong ông trời cho mình sức khoẻ để đi làm và có vốn dành dụm sau này.
Theo danviet.vn
Bác bảo vệ nhặt túi xách chứa 100 triệu: "Ai cũng làm thế thôi" Nói về hành động tìm chủ nhân trao trả lại túi xách bên trong chứa 100 triệu đồng cùng tài sản có giá trị, bác bảo vệ ở tỉnh Bình Định cho rằng, trả lại tài sản cho người đánh mất là việc nên làm. Ngày 17/2, tin từ Công an tỉnh Bình Định cho hay, Chi nhánh Công ty Cổ phần Dịch...