Người đàn ông hy vọng có tiền ghép lại hộp sọ
Nước da đen sạm, một bên đầu hõm sâu, người đàn ông ngồi một mình trên chiếc võng trước hiên nhà, lặng lẽ đưa từng thìa cơm khó nhọc. Vừa ăn xong, anh cầm vội tập vé số bắt đầu 1 ngày mưu sinh với hy vọng dành tiền ghép lại hộp sọ!
Người đàn ông mang cái tên rất đẹp – Trần Việt Nam không ngờ cuộc đời anh lại gian nan đến thế!
Anh là Trần Việt Nam – một cái tên rất đẹp nhưng cuộc đời của anh thì lắm nỗi gian nan. Hai vợ chồng lấy nhau được 2 năm, chuẩn bị có con thì tai họa ập đến. Anh ngã xe, bị chấn thương sọ não và mọi dự tính đã vụt tắt. Rất may anh Nam được cứu sống, nhưng vợ anh đã dứt áo ra đi sau khi anh được xuất viện! Hiện tại, anh sống một mình trong căn nhà tình thương tại tổ 5, ấp 8 xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ. Hàng ngày anh Nam đi bán vé số nuôi thân.
Cha mẹ ruột đã hết sức!
Gặp chúng tôi, anh như trút được nỗi lòng. Anh bắt đầu câu chuyện bằng ký ức những tháng ngày hạnh phúc của hai vợ chồng hồi còn ở đầu kênh 8, sống bằng nghề buôn bán tạp hóa. Nhưng rồi sau tai nạn, gia đình đổ vỡ, nợ nần, bệnh tật,… anh như mất tất cả.
Ông Trần Văn Còn (60 tuổi) – cha ruột anh Nam kể lại: “Khoảng cuối tháng 8/2009, trong khi đi lấy hàng về bán, Nam đã bị ngã xe đập đầu xuống đất. Gia đình đứa Nam xuống bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để cấp cứu, các bác sĩ yêu cầu người nhà cam kết và phẫu thuật ngay sau đó. Rất may Nam được cứu sống và càng may hơn là các dây thần kinh vận động không bị tổn thương nặng. Nhờ vậy, Nam đi đứng bình thường như hôm nay, tuy chậm một chút.”
Được biết, trước đây vợ chồng anh Nam thuộc hộ nghèo, không đất sản xuất nên cuộc sống của hai vợ chồng chỉ phụ thuộc vào tiền làm công của anh Nam và tiền lời từ tiệm tạp hóa do vợ anh buôn bán. Mặc dù 2 vợ chồng cần mẫn nhất trong xóm nhưng sau 2 năm cũng chỉ tích cóp được 1 chỉ vàng. Khi anh gặp nạn, toàn bộ số tiền chữa trị cho anh Nam hơn 70 triệu đồng phải nhờ đến ông Còn cầm cố 10 công đất để lo.
“Đến ngày ghép sọ lâu rồi, nhưng vợ chồng tui không xoay đâu ra số tiền 20.000.000 đồng, đành hẹn lần hẹn lữa với bác sĩ ở Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM (Bộ môn Mô phối – Di truyền – Giải phẫu bệnh) cho tới nay. Vì hiện tại gia đình tui chẳng còn thứ gì để cầm cố mà lo cho nó. Nợ trước chưa trả, nay mình hỏi nữa thì ai dám cho!” Ông Còn nhìn anh Nam rồi thở một hơi dài nghe chát đắng.
Video đang HOT
Tìm hiểu về hoàn cảnh của ông Còn chúng tôi được biết, sau khi cầm cố hết đất để lo chữa trị cho anh Nam thì hiện tại ông và vợ đang sống tại căn nhà lá đầu kênh ấp 8 (căn nhà trước đây của vợ chồng anh Nam) rồi mở một tiệm tạp hóa nhỏ buôn bán kiếm sống sống qua ngày. “Vợ chồng tui thì già hết rồi, có ai mà giám mướn làm gì nên cuộc sống chỉ phụ thuộc vào cái tiệm tạp hóa nhỏ này. Một ngày buôn bán được nhất thì cũng kiếm được từ 20.000 – 30.000 đồng, với số tiền này thì không biết đến khi nào vợ chồng tui mới có đủ tiền ghép sọ cho Nam?! Bà Lê Thị Biết (58 tuổi) – mẹ anh Nam chia sẻ.
Đi bán vé số nuôi thân và dành tiền ghép sọ
Trong lúc chúng tôi trò chuyện, anh Nam lần lượt mở lại cuốn album và chỉ cho chúng tôi xem hình cưới của hai vợ chồng anh. Anh Nam nói: “Vợ em nói gạt em là đi về bên mẹ vợ hỏi tiền để mua thuốc cho em uống, nhưng vợ em đã đi luôn. Suốt 1 năm nay, em vẫn chờ vợ em về! Nếu ghép lại được hộp sọ em có thể đi làm lại bình thường, có thể lo cho gia đình được!” . Nghe những lời anh nói mà chúng tôi thấy nghẹn ngào, xót xa.
Sau khi được xuất viện, anh Nam về nhà nghỉ dưỡng được 6 tháng. Sau đó, anh thấy mình đi lại được, cha mẹ cũng khó khăn, bệnh tật nên anh xin về ở riêng tại căn nhà tổ 5, ấp 8 do nhà nước xây cho vợ chồng anh. Hàng ngày, anh Nam lãnh 30 tờ vé số đi bán nếu bán hết thì cũng kiếm được 30.000 đồng. Số tiền này anh chia ra làm hai, một nửa lo chuyện cơm thuốc, một nửa anh để dành để ghép sọ. Xúc động trước tình cảnh của anh nên ai thấy cũng mua giúp để anh về nhà sớm, vì mọi người cũng lo sợ anh bị té ngã thì vô phương cứu chữa.
Theo anh Nguyễn Thành Bé – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Thới Hưng cho biết: “Khi biết anh Nam gặp nạn, địa phương đã vận động bà con hỗ trợ cho anh được một ít tiền, hỗ trợ thêm thuốc thang cho cháu Nam. Với tình cảnh của anh và cha mẹ ruột như vậy thì không biết đến khi nào gia đình mới có số tiền 20.000.000 đồng để ghép sọ cho cháu Nam. Nhưng hôm nay thấy báo Dân trí đến tìm hiểu hoàn cảnh của cháu Nam thì địa phương rất hy vọng cháu Nam sẽ được bạn đọc Dân trí cứu sống lần thứ 2!”
Trước khi ra về, chúng tôi đi một vòng căn nhà của anh Nam mà không khỏi chạnh lòng. Căn nhà trống trơ, chẳng một vật dụng nào đáng giá. Anh Nam nắm tay chúng tôi thật lâu nói như cầu cứu: “Mấy anh gắng giúp em được ghép sọ lại, khi đó em sẽ khỏe mạnh và đi làm mướn trả dần số tiền đó cho các anh!” Nói xong, anh Nam lấy cái nón kết đội lên đầu rồi cầm tập vé số bước vội ra sân bắt đầu một ngày mưu sinh.
Nhìn theo từng bước chân của anh trên con đường lởm chởm những đá và những vật nhọn khác nhô lên, chúng tôi liên tưởng ngay đến phần đầu không có hộp sọ che chắn não bộ! Chúng tôi thấy lo lắng: Nếu chẳng mayanh ngã xuống đường thì liệu anh có phần phước được các bác sĩ cứu sống như lần tai nạn trước không?!
Theo Dân Trí
Người lao động nhập cư oằn vai với tết
Họ xa chồng con, có người nhiều năm chưa về ăn tết, tảo tần và nuôi hy vọng một ngày con cái họ cũng xa quê nhưng để học hành, làm việc chứ không phải để gánh trên vai những gánh hàng rong.
Từ 20 tết, Sài Gòn sẽ vắng những gánh hàng rong. Họ sẽ về với gia đình ăn tết sau một năm vật lộn mưu sinh. Những niềm mơ ước và hy vọng về tương lai con cái đã mang họ đến và giữ chân họ ở đất Sài Gòn. Và cũng có những đứa trẻ trưởng thành và thành đạt từ những đồng tiền chắt chiu của cha mẹ chúng trong hàng vạn gánh hàng rong đó.
Chị Bạch Cúc với gánh hàng rong. Ảnh: Q.VIỆT
Mong tết để được gặp con
Anh Nguyễn Bé Tư 30 tuổi, quê ở xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang, bán dừa tươi trước cổng Hội trường Thống Nhất cho biết hai đứa con anh đang trông chờ ngày 29 tết cha sẽ về, mang theo quần áo mới và bánh mứt cho chúng. Trước đây anh làm phụ hồ nhưng sau một lần bị té giàn giáo, anh không còn làm việc nặng được. Có người bạn cùng quê rủ anh gánh dừa đi bán. Giờ quen việc, cũng kiếm được 200.000 đồng/ngày. Trừ tiền thuê nhà, ăn uống, một tháng anh tiết kiệm được chừng 3 triệu đồng gửi về nuôi vợ con. "Gần tết, định ít hôm nữa ra chợ Tân Bình mua vài bộ đồ gửi về cho tụi nhỏ mừng" - anh Tư tâm sự.
Chị Trần Thị Bạch Cúc (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) tâm sự rằng ở quê chị, những phụ nữ có tuổi, không có nghề bỏ làng vào Sài Gòn bán hàng rong như chị nhiều lắm. Mọi năm cứ đến ngày đưa ông Táo là chị ra Bến xe Miền Đông đi xe dù cỡ 350.000 đồng để về quê. Năm nay không rõ giá vé có tăng lên hay không, chị thấy lo lo.
Mỗi ngày chị thức dậy từ 5 giờ sáng, ra chợ tranh thủ mua hàng đi bán rong. Chi tiêu tằn tiện, mỗi tháng chị gửi 2 triệu đồng về nhà để chồng nuôi hai đứa con. Mấy chị em cùng phòng trọ hùn nhau mua cái điện thoại rẻ tiền rồi cùng nhau nạp tiền, thỉnh thoảng gọi về thăm con cho đỡ nhớ. "Con gái tui năm nay 15 tuổi. Nhìn mấy đứa nhỏ ở Sài Gòn ăn mặc đẹp vào mua hàng, hỏi bộ đồ bao nhiêu tiền, mấy cháu trả lời khoảng hơn 1 triệu đồng, tui không dám hỏi nữa. Đi bán ngang mấy cái chợ, thấy người ta đổ quần áo bán giảm giá, tranh thủ vào lựa. Mỗi ngày mua một món cho đỡ xót, ngày này mua cho đứa này, hôm sau mua cho đứa khác. Giờ tui đã mua xong quần áo cho sắp nhỏ và hai cái áo cho chồng rồi" - chị Cúc tâm sự.
Cô Lương Thị Thanh không thể về quê với số tiền ít ỏi kiếm được từ việc bán báo mỗi ngày. Ảnh: Khắc Huy.
Tảo tần với niềm hy vọng
Cô Lương Thị Thanh 58 tuổi, quê Quảng Nam, bán báo trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 đã gần 10 năm trời kể từ khi cùng người con gái duy nhất vào Sài Gòn. Hai bàn tay trắng, cô cố gắng làm việc nuôi con ăn học, hết phổ thông rồi lên đại học. Sạp báo của cô chỉ là một vài tấm giấy cứng trải ra trên dải phân cách rồi đặt báo lên trên . "Con gái tui nửa ngày đi học, nửa ngày phụ mẹ bán báo. Nhà nhèo nhưng cũng tạ ơn trời vì đứa con gái biết nghe lời, chăm chỉ học hành. Nhiều khi thấy con đến trường, bàn tay còn lấm lem mà tội nghiệp". 10 năm nay, cô chỉ về quê được bốn lần. "Về quê ngày tết thì ai mà chẳng muốn nhưng riêng tiền xe đã hơn cả triệu rồi. Dành dụm cả năm, về xong vào lại trắng tay. Chỉ mong sao hai mẹ con không bệnh tật, có sức khỏe mà đi làm tự nuôi mình là được rồi".
Chị Tôn Nữ Huỳnh Cẩm từ Huế vào Sài Gòn được hai năm. gánh hàng của chị hôm là mì, bún gạo xào, hôm thì bánh bèo, bánh đúc. Chị kể: " Năm rồi tui không có tiền về quê, giá vé cao quá. Tết năm nay tui phải về vì nhớ con quá, chỉ nghe chúng nó nói chuyện qua điện thoại, giọng nói cũng khang khác, chắc do con mình trổ mã. Nghe chồng nói con lớn và cao lắm. Tui chỉ mong đến tết để về chơi với con, động viên con cái cố gắng học hành, dù mình có cực nhọc thế nào cũng được".
Những người không biết tết
Anh Lê Minh Tài 40 tuổi, quê ở Tây Ninh nhưng anh em bỏ vào Sài Gòn sống từ bé. Thời đó, anh hay đi bốc vác mướn ở chợ Cầu Muối. Sau này chợ dời đi, thế là anh thất nghiệp rồi đi học nghề vá xe, dán keo xe, dán cửa nhà. Chỗ ngồi của anh là lề đường ngay ngã ba Sương Nguyệt Anh - Cách Mạng Tháng Tám. Không vợ con, anh Minh sống với anh chị và các cháu. 15 năm rồi anh không biết tết. với anh, tết là dịp kiếm thêm tiền vì người ta muốn dán cánh cửa mới, chiếc xe mới. Đó là dịp để anh kiếm tiền phòng những lúc đau ốm hay những ngày ế khách.
Hai mẹ con chị Lương Thị Tài trên đường mưu sinh.
Ảnh: Khắc Huy.
Theo Phapluat
Số phận cay đắng của người đàn ông mù bán vé số bị cướp Màn đêm đặc quánh, người đàn ông dáng gầy còm, trên hai vai khoác hai ba lô, tay cầm gậy dò dẫm tìm đường, bước chân nặng chịch, liêu xiêu... Quăng quật một kiếp người Người đàn ông ấy có tên là Thành. Cụ bảo cứ gọi cụ bằng "lão Thành", vì đến giờ tên tuổi của cụ cũng chỉ còn là ký...