Người đàn ông hơn 50 lần hiến máu
Cầm những tờ tiền nhàu nát trong lần đầu bán máu lấy tiền mua sữa cho con, ông Nguyễn Ngọc Giao chợt lặng người, vội tìm cách trả lại cho bệnh nhân.
Ông Giao (64 tuổi, ở phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) mở đầu dòng hồi ức về lần đầu tiên đi bán máu, năm 1983. Khi ấy, con gái ông Giao mới chào đời, công việc chạy xe ôm, bốc vác ở bến xe của ông không đủ nuôi sống gia đình. Nghe có người gọi đi bán máu, ông Giao thoáng chút lo sợ vì không biết khi lấy máu như thế nào, nhưng rồi tặc lưỡi: “Bán kiếm tiền mua sữa cho con”. Lần đó, ông được người môi giới trả công một xấp tiền lẻ nhàu nhĩ.
Ông Nguyễn Ngọc Giao đã hơn 50 lần hiến máu tình nguyện. Ảnh: Phạm Linh.
Cầm những tờ tiền trên tay, ông Giao sực tỉnh khi hình dung số tiền này chắc bệnh nhân phải vất vả chắt chiu hay vay mượn người khác. “Con mình thiếu sữa có thể uống nước cơm thay thế, chứ người bệnh đang giữa lằn ranh sự sống và cái chết rất vất vả, thiếu thốn”, ông Giao nghĩ bụng rồi tìm người nhà bệnh nhân trả lại tiền.
Sau lần ấy, ông Giao thấy lòng mình thanh thản, nhưng cứ trăn trở về những mảnh đời nghèo khó nơi hành lang bệnh viện. Ngoài giờ chạy xe ôm lo cơm áo gia đình, ông thường lên bệnh viện tìm những bệnh nhân đang cần cho máu. Ông Giao trở thành “gương mặt thân quen” với các bác sỹ, y tá Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi lúc nào không hay.
Trái với suy nghĩ ban đầu, việc cho máu không làm sức khỏe ông suy giảm mà ngày càng khỏe mạnh. Vợ ông cũng vui lây vì chồng không còn căng thẳng hay cáu bẳn do vất vả mưu sinh như trước.
Lần hiến máu đầu tiên ấy gắn chặt ông vào công việc thiện nguyện. Những năm sau, ông tham gia vào đội tình nguyện viên Hội chữ thập đỏ TP Quảng Ngãi và của tỉnh trong các hoạt động giúp người nghèo, ủng hộ đồng bào bị bão lụt, thiên tai, trao học bổng cho học sinh vượt khó…
Đến năm 2005, ông vận động những đồng nghiệp xe ôm của mình tham gia Đội xe ôm tự quản sơ cấp cứu với 60 thành viên. Với sự hỗ trợ của Hội chữ thập đỏ TP Quảng Ngãi, các tài xế được trang bị kiến thức sơ cứu người bị tai nạn giao thông và hỗ trợ họ đi cấp cứu. Đến nay tổ đã giúp nhiều trường hợp bị tai nạn trên đường ở những thời điểm đêm khuya vắng người.
Video đang HOT
Ông Giao lưu giữ những giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Ảnh: Phạm Linh.
Hành động làm việc thiện của ông Giao lan tỏa tới các thành viên gia đình. Từ năm 2007, 4 người con, dâu và rể của ông đều tình nguyện hiến máu. Đến nay, ông Giao đã hơn 50 lần hiến máu, trong đó có hàng chục lần hiến tiểu cầu. Cả nhà ông cộng lại hơn 100 lần hiến máu. Những tờ giấy chứng nhận hiến máu được ông lưu giữ cẩn thận. Cũng như lần đầu, ông chỉ lẳng lặng đến hiến mà không để lại địa chỉ nhà, điện thoại vì không muốn người bệnh phải vất vả trả ơn.
Bốn năm qua, ông Giao đã qua tuổi để hiến máu, nhưng công việc thiện nguyện vẫn theo ông. Hai năm nay, ông cùng nhóm tình nguyện viên của Hội chữ thập đỏ TP Quảng Ngãi tổ chức nấu mỗi tuần 1.500 suất cháo cho bệnh nhân nghèo ở bệnh viện tỉnh. Kinh phí được nhiều nhà hảo tâm ủng hộ, mọi khoản hỗ trợ ông đều công khai trên mạng xã hội. Hiện, ông lên kế hoạch vận động 1.000 suất quà tặng cho người nghèo ăn Tết.
Ông Đỗ Thanh Hải, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Quảng Ngãi cho biết, ông Giao là đội trưởng đội tình nguyện viên, luôn đi đầu trong các phong trào thiện nguyện, tận tâm với những hoàn cảnh khó khăn. Ông Giao luôn là người tiên phong trong các đợt hiến máu tình nguyện và vận động người thân tham gia.
Vì những cống hiến bền bỉ, ông Giao được trao gần 20 bằng khen, giấy khen của Bộ Y tế, Trung ương Hội chữ thập đỏ và UBND Quảng Ngãi. Cuối 2020, ông được vinh danh tại lễ tuyên dương Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Lần đầu tiên Chủ nhật Đỏ đến với trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải
Dù đang trong những ngày thi cuối kỳ, nhưng lần đầu được tham gia chương trình Chủ nhật Đỏ - ngày hội hiến máu tình nguyện, đông đảo sinh viên trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải rất háo hức.
Sáng nay, 7/1, Báo Tiền Phong phối hợp cùng trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải tổ chức Chủ nhật Đỏ ngay tại khuôn viên trường.
Từ sớm, đã có rất đông sinh viên ngồi đợi để đến lượt hiến máu. Nguyễn Huy Bắc, lớp 68, trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, dù đã tham gia hiến máu gần 10 lần nhưng đây là lần đầu tiên tham gia chương trình Chủ nhật Đỏ.
Ông Nguyễn Huy Lộc, Ủy viên Ban Biên tập, báo Tiền Phong phát biểu tại chương trình.
Theo Bắc, đây là một hoạt động ý nghĩa để giúp các bệnh nhân, nhất là những người bệnh cần phải truyền máu liên tục. Vì thế với Bắc, hiến máu là việc làm đương nhiên. Không chỉ tham gia hiến máu, Bắc còn là thành viên đội máu của trường nên em thường xuyên tuyên truyền để các bạn trong lớp cùng tham gia. Hiện nay, đã có khoảng 20% bạn học cùng lớp với Bắc tham gia hiến máu.
Tạ Thị Mai, sinh viên năm thứ nhất cho biết, đây là lần đầu tiên tham gia hiến máu. Khi còn học phổ thông, Mai đã quan tâm tới việc hiến máu cứu người. Chính vì vậy, lên ĐH, có cơ hội, Mai tham gia luôn. Sau lần này, Mai cho biết em tiếp tục tham gia hoạt động nhân văn này.
Sinh viên Tạ Thị Mai
Phát biểu tại ngày hội, Nhà báo Nguyễn Huy Lộc, Ủy viên Ban biên tập báo Tiền Phong đã kể lại quá trình mà Chủ nhật đỏ đã đi qua trong 11 năm qua. Từ năm đầu tiên triển khai, 2009, với 96 đơn vị máu thu được tại Hà Nội, đến nay, Chủ nhật đỏ đã lan tỏa đến hơn 40 tỉnh thành của cả nước với gần 50 đơn vị máu thu được trong năm 2019.
Năm 2020 do tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát sau Tết Nguyên đán và kéo dài, nhiều tỉnh thành và đơn vị đã không thể tổ chức được chương trình Chủ nhật Đỏ như dự kiến. Nhưng với sự nỗ lực của Ban Tổ chức, số lượng máu tiếp nhận vẫn đạt chỉ tiêu đề ra là 46.999 đơn vị máu.
Năm 2021, Chủ nhật Đỏ sẽ được triển khai ở 80 điểm với 43 tỉnh thành trên cả nước. Tính đến hết ngày 6/1, đã có 16 điểm hiến máu được tổ chức với gần 11.272 đơn vị máu được hiến tặng. Cũng theo ông Nguyễn Huy Lộc, ban tổ chức phấn đấu đến hết tháng 3/2021, tiếp nhận được khoảng 50.000 đơn vị máu để cung cấp cho các bệnh viện, cơ sở y tế đang rất cần máu trong dịp Tết nguyên đán sắp tới.
Lần đầu tổ chức tại trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Huy Lộc cho rằng đây là mong muốn lan tỏa chương trình Chủ nhật Đỏ ngày càng sâu hơn, rộng hơn. Để không những người dân mà cả giới trẻ biết được tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người.
Đồng thời, mục tiêu của ban tổ chức là mở rộng quy mô năm sau, chương trình phủ sóng hết được tất cả các tỉnh thành với mong muốn để hiến máu trở thành thói quen tự giác trong mỗi người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết tập thể sư phạm nhà trường vốn có truyền thống nhân ái tốt đẹp và hiến máu cứu người là hành động, nghĩa cử cao đẹp thể hiện rõ nét truyền thống nhân ái đó.
Trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện của tuổi trẻ nhà trường đã đạt được một số kết quả đáng phấn khởi, góp phần tích cực trong việc chủ động nguồn máu sạch kịp thời phục vụ trong cấp cứ và điều trị bệnh cho nhân dân.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, phối hợp với ban tổ chức Chủ Nhật Đỏ để tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện rộng hơn với quy mô là điểm của Chủ nhật đỏ cho thấy phong trào hiến máu của trường đã và đang từng bước phát triển mạnh.
Ông Hùng cũng đề nghị Đoàn trường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ban tổ chức Chủ nhật Đỏ để tích cực vận động, tuyên truyền sâu rộng trên các thông tin đại chúng cũng như trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên, sinh viên và nhân dân tích cực tham gia phong trào thiện nguyện này.
Quảng Bình: "Tuần lễ hồng EVN" thu về hơn 400 đơn vị máu giúp đỡ bệnh nhân nghèo Ngày 19/12, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Quảng Bình phối hợp với Công ty Điện lực Quảng Bình tổ chức chương trình "Tuần lễ hồng EVN" lần thứ VI năm 2020. Tình nguyện viên hiến máu Chương trình đã thu hút sự tham gia của 550 cán bộ, đoàn viên thanh niên của Công ty Điện lực Quảng...