Người đàn ông gần 20 năm săn rắn, bắt chuột ở Sài Gòn
Với chiếc cuốc, lọp sắt và xe máy cà tàng, ông Võ Văn Dũng (54 tuổi) rong ruổi khắp các cánh đồng ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận để săn rắn, bắt chuột.
5h sáng hàng ngày, sau khi uống cà phê để tỉnh táo, ông Võ Văn Dũng (ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM) bắt đầu chạy xe ra đồng để săn rắn, bắt chuột. “Có ngày, tôi chạy 60-70 cây số, cứ đi hết xã này đến xã khác để bắt chuột với rắn”, ông Dũng kể.
Công việc chính của ông Dũng là bắt chuột con để bán cho người nuôi chim cảnh. Ông cho biết, có ngày may mắn đặt lọp bẫy được rắn sẽ bán được với giá cao. “Tôi làm nghề gần 20 năm, trước đây chủ yếu bắt rắn, nhưng bữa nay rắn hiếm lắm vì nhiều người đặt lọp nên giờ chủ yếu bắt chuột, mỗi ngày cũng kiếm được 300.000 – 600.000 đồng”, ông bộc bạch.
Ông Dũng cặm cụi tìm hang chuột trên cánh đồng xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi.
Theo ông Dũng, để nhận dạng hang chuột đòi hỏi phải có kinh nghiệm. “Chuột đồng thường chỉ trú trong hang gần ruộng lúa chín nên cứ men theo đó là có”, ông tiết lộ.
“Hang chuột nhiều ngóc ngách lắm nên người bắt chuột cũng phải khỏe và kiên nhẫn đào bới”, ông Dũng nói.
Một ổ chuột đồng được ông Dũng phát hiện. Theo ông Dũng, giá bán mỗi chuột con hiện nay là 3.000 đồng.
Video đang HOT
“Có ngày, nhiều người gọi điện đặt 200-300 con nhưng nghề này cũng vô chừng vì có ngày bắt được nhiều, ngày ít”, ông giãi bày.
Gần 20 năm hành nghề, ông Dũng tâm sự không thể nhớ hết đã đi qua bao nhiêu cánh đồng. “Có nhiều bữa, tôi xách xe rồi cuốc bộ để săn rắn, chuột ở biên giới Tây Ninh với Campuchia”.
Chuyện ăn uống của ông Dũng cũng thất thường. “Thường 8-9h sáng tôi mới ăn lót dạ, rồi tiếp tục công việc”, ông nói.
Ông Dũng cầm trên tay con rắn hổ hành được bẫy bằng lọp sắt sáng 14/3. Theo ông Dũng, bẫy rắn thường dùng chuột làm mồi nhử, sau đó đặt lọp ở những nơi có bụi rậm gần bờ ao và cánh đồng. “Đặt lọp ít thì 1-2 tuần thu một lần, còn đặt 50-60 lọp một lúc, người ta có thể thu lại trong ngày để tránh bị mất bẫy”, ông Dũng nói.
Ông Dũng nhẩm tính con rắn hổ hành bẫy được có giá khoảng 300.000 đồng.
“Thông thường, cứ 10h trưa tôi đi bắt chuột về, ăn uống rồi mang võng ra ven đường nằm ngủ cho mát, đến chiều thì vào nhà coi phim”, ông Dũng nói.
Ông Dũng ngồi chơi với cháu ngoại, trong lúc vợ ông lo việc nội trợ gia đình. Ông Dũng chia sẻ, hiện có 5 cô con gái, trong đó 4 người đã lấy chồng và có việc làm ổn định. “Ở tuổi này, tôi chỉ mong lúc nào cũng khỏe mạnh để làm nghề, vừa quây quần với gia đình là vui”, ông tâm sự.
Thành Nguyễn
Theo VNE
Nông dân ngoại ô Sài Gòn tất bật thu hoạch dưa gang
Những ngày này, nông dân ở huyện Củ Chi, TP HCM tất bật thu hoạch dưa gang, loại trái cây giải nhiệt phổ biến vào mùa nắng nóng.
Trên cánh đồng các ấp Trung Hiệp Thạnh, Lào Táo Thượng (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) nhộn nhịp nông dân ra đồng thu hoạch dưa gang. "Mùa dưa bắt đầu từ đầu tháng 3 và đang là thời điểm thu hoạch rộ nhất", ông Vũ Viết Phương, nông dân trồng dưa ở ấp Lào Táo Trung, cho biết.
Ông Phương lựa những trái dưa chín để cắt. "So với trồng lúa, nghề trồng dưa gang cho thu nhập khá và nhàn hơn chút đỉnh. Gia đình tôi trồng một mẫu dưa, mỗi vụ thu được hơn 30 tấn", ông Phương nói.
Loại dưa được trồng ở xã Trung Lập Thượng có đặc điểm to và dài, trung bình mỗi trái nặng 3-9 kg. "Tính từ lúc trồng tới thu hoạch trái khoảng 55 ngày, dưa chín tự nhiên nên khách du lịch vẫn thường ghé mua vào dịp cuối tuần", chị Kiều Trang, bán dưa dọc tỉnh lộ 7, nói.
Bà Nguyễn Thị Thi (ấp Trung Hiệp Thạnh) cặm cụi thu hoạch những trái dưa chín trên ruộng. Bà cho biết đã trồng dưa được 3 năm nay, trung bình mỗi vụ thu khoảng 6 tấn dưa một sào.
Việc vận chuyển dưa từ ruộng lên bờ đòi hỏi có sự tham gia của các thanh niên trai tráng ở địa phương.
Anh Đạt cho biết vào mùa dưa, mỗi ngày anh được trả 130.000 đồng tiền công để khuân vác, vận chuyển dưa bằng xe đẩy lên bờ.
Những trái dưa gang chín đều được ông Lê Văn Ký trực tiếp lựa và vận chuyển lên bờ để bán cho thương lái.
"Đây là năm đầu tiên tôi thử trồng dưa gang. Hơn một mẫu ruộng chưa thu hoạch hết nhưng tôi rất phấn khởi vì thấy nhiều trái bự", ông nói
Giá dưa gang bán tại ruộng chỉ từ 3.000-5.000 đồng một kg.
Chị Vũ Thị Phương Hồng bán trái dưa gang 5.000 đồng cho một tài xế trên tỉnh lộ 7. "Hàng ngày, xe khách và xe tải chạy qua đây đều ghé mua dưa gang để giải khát", chị Hồng nói.
Tiểu thương xếp dưa gang lên xe ba gác để chở tiêu thụ trong nội thành TP HCM.
Chị Nguyễn Thị Hiền, tiểu thương thu mua dưa gang nhiều năm tại Củ Chi cho biết, trung bình mỗi tiểu thương có thể thu mua khoảng 3-6 tấn dưa một ngày. "So với năm ngoái, vụ dưa năm nay ít hơn. Dưa được đem đi tiêu thụ tại các nơi khác ở TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu và thậm chí cả Campuchia", chị Hiền nói.
Dưa gang được trồng phổ biến ở Việt Nam, thuộc họ bầu bí. Quả dưa gang có hình trụ với nhiều sọc dọc, màu xanh lục hoặc màu vàng, khi còn sống thì cứng giòn, khi chín thì mềm bở có vị nhạt. Dưa chín ăn với đường cát hoặc xay sinh tố.
Thành Nguyễn
Theo VNE
"Đệ nhất cao thủ" bắt chuột dừa Ở hầu hết vườn dừa xưa nay, dừa chưa đến lứa thu hoạch, thì chuột đã cắn phá, trái rụng đầy vườn. Vậy là dân xứ dừa Bến Tre sinh ra nghề bắt chuột dừa. Nhắc đến bắt chuột, bà con địa phương ai nấy đều biết ơn "cao thủ" Ba Non, vì nhờ có ông mà chuột dừa ở nơi này đã...