Người đàn ông cứu sống hơn 2 triệu trẻ em trong 60 năm
Kháng thể đặc biệt trong máu của ông đã được dùng để sản xuất ra loại vắc xin cứu sống rất nhiều trẻ sơ sinh.
Kháng thể đặc biệt trong máu của Harrison đã giúp cứu sống hơn 2 triệu trẻ em
James Harrison, được biết đến với cái tên “Người đàn ông có cánh tay vàng”, đã hiến máu gần như mỗi tuần một lần trong 60 năm. Sau tất cả những đóng góp đó, người đàn ông 81 tuổi người Úc đã “nghỉ hưu” hôm 21/12 năm ngoái, đánh dấu sự kết thúc của một “sự nghiệp vĩ đại”.
Theo Dịch vụ hiến máu của Hội Chữ thập đỏ Australia (ARCBS), Harrison đã giúp cứu sống hơn 2,4 triệu trẻ em nước này.
Kháng thể độc đáo
Máu của Harrison chứa các kháng thể độc đáo có khả năng chống lại bệnh tật, Kháng thể này được sử dụng để phát triển một loại thuốc tiêm có tên Anti-D, giúp chống lại bệnh Rhesus.
Rhesus, còn gọi là bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh, là một biến chứng có thể xảy ra khi một phụ nữ có thai mang Rh-âm sản xuất kháng thể chống lại các tế bào hồng cầu có Rh-dương của em bé. Trong những trường hợp xấu nhất, nó có thể gây ra tổn thương não, hoặc khiến các em bé tử vong.
Bệnh Rhesus có thể được ngăn chặn khi người mẹ mang Rh-âm được tiêm một hợp chất đặc biệt gọi là kháng thể Anti-D, trong vòng 72 giờ sau khi sinh em bé.
Harrison đã tạo nên sự khác biệt như thế nào?
Harrison đã trải qua một cuộc phẫu thuật ngực rất nguy hiểm khi mới 14 tuổi, ARCBS cho biết.
Nhờ được hiến tặng máu, người đàn ông này đã được cứu mạng, vì vậy ông đã tự nguyện trở thành người hiến máu.
Vài năm sau, các bác sĩ phát hiện ra máu của người đàn ông này chứa kháng thể có khả năng được sử dụng để tạo ra thuốc tiêm Anti-D, vì vậy Harrison đã chuyển sang hiến huyết tương để giúp đỡ được nhiều người nhất có thể.
Video đang HOT
Các bác sĩ chưa biết chính xác tại sao máu của Harrison có kháng thể hiếm này, nhưng họ nghĩ rằng có thể là do lượng máu mà ông được hiến sau khi phẫu thuật năm 14 tuổi. Ông là một trong số không quá 50 người Australia có kháng thể này.
“Mỗi túi máu đều quý giá, nhưng máu của Harrison đặc biệt phi thường. Máu của ông được dùng như một loại thuốc cứu người. Nhiều liều vắc xin Anti-D đã được tạo ra từ máu của Harrison”. Jemma Falkenmire của ARCBS nói với CNN năm 2015.
“Hơn 17% phụ nữ Australia có nguy cơ mắc Rhesus, vì vậy James đã giúp cứu rất nhiều mạng sống”, Falkenmire nói thêm.
Anh hùng của quốc gia
Ở Australia, cho đến năm 1967, có hàng ngàn trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm nhưng các bác sĩ không biết nguyên nhân. Nhiều phụ nữ bị sảy thai và vô số các em bé bị tổn thương não, Falkenmire cho biết.
Nếu không có huyết tương được hiến bởi Harrison, bệnh Rhesus có lẽ đã cướp đi hơn 2 triệu sinh mạng trẻ em. Do đó, Harrison được coi là anh hùng của quốc gia, theo ARCBS.
Người đàn ông này đã được trao nhiều giải thưởng vì lòng tốt của mình, bao gồm Huân chương Australia, một trong những danh hiệu cao quý nhất của đất nước.
“Đó là điều tôi có thể làm. Hiến máu là một trong những “tài năng” của tôi, có lẽ là tài năng duy nhất”, Harrison nói.
Harrison đã hiến máu lần cuối tháng 12 năm ngoái (ở Australia, bạn không thể hiến máu khi quá 81 tuổi). Falkenmire và đồng nghiệp ở ARCBS hy vọng những người có kháng thể tương tự sẽ hiến tặng huyết tương để sản xuất vắc xin Anti-D.
“Tất cả những gì chúng ta có thể làm là hy vọng sẽ có những người khác đủ tốt bụng để làm điều đó một cách không vụ lợi như Harrison đã làm”, cô nói.
Theo Danviet
Bé gái 4 tuổi dũng cảm hiến tủy xương cứu em
Skye (hiện 6 tuổi) đã tự tay nhấn nút khởi động máy bơm tế bào tủy xương được lấy từ cơ thể bé truyền vào cơ thể em trai bé và ngồi bên giường bệnh của em trai suốt 4 giờ đồng hồ cấy ghép.
Cách đây 2 năm, chị Jazzmyn Saunders (26 tuổi) và anh James Saunders (28 tuổi) đến từ Rickmansworth, giáo phận Hertfordshire, Anh, như sụp đổ khi phát hiện cậu con trai 2 tuổi Frankie mắc căn bệnh ung thư máu hiếm gặp.
2 năm đầu đời, Frankie hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, vào tháng 10.2016, cậu bé đột nhiên trở nên lờ đờ, mệt mỏi, sốt cao. Ban đầu, bé được kê thuốc kháng sinh. Nhưng khoảng 4 tuần sau đó, người bé bắt đầu phát ban.
Kể từ khi Frankie ốm, cả gia đình chị Jazzmyn và anh James phải dành phần lớn thời gian trong bệnh viện.
Chị Jazzmyn nhớ lại: "Khi chúng tôi đi khám lại, bác sĩ chỉ nói đó là phát ban do virus và kê cho con nhiều thuốc kháng sinh hơn. Tuy nhiên, con vẫn tiếp tục sốt cao và phát ban khắp cơ thể".
Sau đó, Frankie được kiểm tra lại một lần nữa và được kết luận phát ban do viêm màng não, đồng thời được yêu cầu chuyển đến Bệnh viện đa khoa Watford để thử máu.
Hành trình kỳ diệu của bé sinh cực non 600g sau 9 tuần
Ngày 23.12.2016, khi quay trở lại bệnh viện nhận kết quả sau quãng thời gian dài chờ đợi, chị Jazzmyn và anh James như chết lặng khi được thông báo, Frankie không phải mắc bệnh viêm màng não, mà bé mắc ung thư. Cùng vào đêm Giáng sinh năm đó, trong khi các gia đình khác quay quần trong nhà, gia đình chị Jazzmyn và anh James lại cùng nhau ở trong bệnh viện để sắp xếp việc điều trị cho Frankie.
Vì phải chăm sóc Frankie, cha mẹ thường gửi Skye cho ông bà. Bé chỉ thi thoảng được vào viện chơi cùng em.
Nhớ lại đêm đó, chị Jazzmyn kể: "Chúng tôi không chắc liệu chúng tôi có cần phải dành cả đêm Giáng sinh trong bệnh viện hay không, vì vậy chúng tôi đã gửi con gái Skye (khi đó mới 4 tuổi) đến nhà ông bà ở Portsmouth. Tôi tự nhẩm: "Mong rằng con vẫn sẽ có một ngày lễ tuyệt vời". May mắn thay , cuối cùng, chúng tôi được phép về nhà vào đêm Giáng sinh, vì vậy chúng tôi đã đến đón Skye.
Trong tâm trí tôi khi đó, tôi cảm thấy thật khủng khiếp trước kết quả chẩn đoán của Frankie. Đó là một thế giới xa vời hoàn toàn với những gì chúng tôi đã lên kế hoạch cùng nhau".
Vào ngày 27.12.2016, Frankie được chuyển đến Bệnh viện Great Ormond Street, nơi bé được xác định mắc bệnh bạch cầu mãn tính myelomonocytic, một dạng ung thư máu cực kỳ hiếm gặp với tỷ lệ mắc 1/1 triệu. Cách chữa trị duy nhất cho căn bệnh này là ghép tủy. Vì vậy, các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra người thân của Frankie để tìm ra người phù hợp để hiến tủy cho bé. Kết quả, Skye chính là người duy nhất có thể cứu mạng Frankie, em trai bé.
Tuy nhiên, con đường đi đến ca cấy ghép không hề dễ dàng. Trước khi ghép tủy, bệnh tình của Frankie trở nên xấu đi nhanh hơn so với dự kiến. Để bé đủ sức khỏe cho ca cấy ghép, các bác sĩ đã điều trị hóa trị liệu chuyên sâu cho bé.
Trước ca ghép tủy, cha mẹ cố gắng giải thích cho Skye về tình trạng của Frankie rằng, máu của em xấu và em cần máu tốt hơn để khỏe lại.
Nói về quá trình này, chị Jazzmyn chia sẻ: "Frankie đã phải chịu đựng rất nhiều các tác dụng phụ và loét hết miệng. Bé vẫn còn quá nhỏ để có thể diễn tả được những gì mình phải chịu đựng. Bé được cấp rất nhiều thuốc giảm đau và nhiều loại thuốc khác nữa, đó đều không phải là thứ mà bạn muốn đưa vào cơ thể con mình. Nhưng chúng tôi biết chúng giúp bé trở nên khỏe hơn".
Chưa dừng lại ở đó, việc cấy ghép tiếp tục bị lùi lại đến tận tháng 5.2017 vì Skye mắc thủy đậu.
Vào ngày cấy ghép, sau một giờ đồng hồ lấy tủy xương, Skye không nằm nghỉ mà quyết định đến bên giường bệnh của em trai, tự tay nhấn nút khởi động máy bơm tế bào tủy của bé vào cơ thể em trai Frankie. Không những thế, cô bé đã ngồi cạnh em trai trong suốt 4 giờ cấy ghép.
Giờ Skye đã ý thức được điều bé làm cho em trai của mình tuyệt vời đến thế nào.
Chị Jazzmyn tiết lộ: "Skye gần như không được sống cùng vợ chồng tôi kể từ khi Frankie phải ở trong bệnh viện điều trị. Khi biết tin tủy của Skye phù hợp với Frankie, James và tôi đã ngồi xuống cùng Skye và nói chuyện với con rằng, máu của Frankie rất xấu và em cần máu tốt hơn để khỏe hơn. Chúng tôi và các bác sĩ tại Bệnh viện Great Ormond Street ở London đã làm tất cả những gì có thể để Skye hiểu những gì đang xảy ra.
Bây giờ khi nhắc về chuyện đó, Skye luôn tự vào vì hành động tuyệt vời của mình. Con còn nói đùa về việc đó và thường nói với Frankie rằng: "Chị đã cứu mạng em, vì vậy mạng sống của em là của chị nhé". Mọi người đều gọi Skye là siêu anh hùng".
Chỉ 1 tháng sau khi được ghép tủy, Frankie đã được xuất viện. Vài tháng sau đó, bé được tháo ống thông tĩnh mạch trung tâm giúp bác sĩ dễ dàng tiến hành xét nghiệm máu thường xuyên và điều trị kháng sinh khi cần thiết. Tháng 12.2017, Frankie cuối cùng cũng có thể rung chiếc chuông đặc biệt báo hiệu kết thúc quá trình điều trị của mình. Đến nay, bé đã hoàn toàn khỏe mạnh.
Theo Danviet
Bê bối vắc-xin giả rúng động Trung Quốc : Trò "ma" bị lật tẩy Thủ đoạn bất chính của Công ty Trường Sinh: Mua các lô vắc-xin cũ của những công ty cấp thấp khác về rồi dán nhãn mới và tung ra thị trường Truyền thông Trung Quốc dẫn nguồn tin từ các điều tra viên cho biết chẳng những mua vắc-xin cũ, quá hạn về gắn nhãn mới vào đem đi tiêu thụ, Công ty...