Người đàn ông biến rác thành vàng
Mostafa Hemdan kiếm sống bằng việc biến rác thải thành vàng, nhưng con đường tới thành công của anh đầy chông gai.
Doanh nhân Mostafa Hemda. Ảnh: BBC
Theo BBC, Hemdan, 25 tuổi, là người sáng lập ra công ty Recyclobekia ở Ai Cập, một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở khu vực Trung Đông tái chế rác thải điện tử.
Anh bắt đầu sự nghiệp của mình cách đây 5 năm, tại nhà để xe của bố mẹ ở Tanta, thành phố cách thủ đô Cairo 90 km về phía bắc. Lúc đó Hemdan là một sinh viên ngành kỹ thuật và cùng với 19 sinh viên cùng trường, anh tham gia cuộc thi kinh doanh có tên Injaz Egypt.
Giải thưởng cho người chiến thắng là 10.000 USD để khởi nghiệp. Hemdan phải nghĩ ra đề xuất kinh doanh của chính mình và ý tưởng đã tới trong một lần anh xem tivi.
“Tôi đang xem một bộ phim tài liệu nói về tái chế đồ điện tử và nhận ra rằng có rất nhiều tiềm năng trong việc chiết xuất kim loại từ bo mạch chủ như vàng, bạc, đồng và bạch kim. Đây là một nền công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ nhưng chưa có ai ở Trung Đông làm vậy”.
Đó là lúc mà ý tưởng về Recyclobekia ra đời và Hemdan đã bắt tay vào thực hiện để chiến thắng cuộc thi.
Tên của công ty xuất phát từ tiếng Arab ở Ai Cập “roba bekya” có nghĩa là “đồ cũ”, từ này thường xuyên xuất hiện trên đường phố ở Cairo, nơi những người bán hàng cũ thu mua đồ dùng gia dụng bỏ đi.
Hiện doanh nhân người Ai Cập này có 20 nhân viên làm việc tại 4 nhà kho và bán được 2,4 triệu USD rác điện tử mỗi năm.
Trên đường tới thành công, Hemdan đã phải vượt qua nhiều trở ngại, bao gồm việc không hoàn thành đơn hàng, tự gây áp lực cho bản thân và bối cảnh biến động chính trị và bất ổn xã hội ở Ai Cập kể từ sau mùa xuân Arab.
Đơn hàng đầu tiên
Khởi nghiệp năm 2011, Hemdan bước chân vào kinh doanh khi đặt quảng cáo trên trang web thương mại điện tử toàn cầu Alibaba. Đơn hàng đầu tiên của Recyclobekia là của một khách hàng ở Hong Kong đặt 10 tấn đĩa cứng.
“Lúc ấy tôi thậm chí còn không biết mình gom ở đâu cho đủ số lượng ấy, nhưng tôi đã đồng ý”, Hemdan nói.
Để tìm nguyên liệu tái chế, anh đã chuyển tới Cairo, nơi có 17 triệu dân với 15.000 tấn rác mỗi ngày.
Hầu hết rác thải thành phố được xử lý bởi Zabbaleen, một cộng đồng những người nhặt rác theo đạo Thiên Chúa sống ở Mokattam, đông nam Cairo và được phân loại các thành phần một cách tỉ mỉ để bán lại nhựa, giấy và kim loại.
Cộng đồng Zabbaleen sống nhờ thu mua rác thải ở Cairo. Ảnh: BBC
Tuy nhiên, những người Zabbaleen không thu nhặt rác điện tử như máy tính cũ hoặc máy in. Bởi vậy, Recyclobekia gom những loại rác như vậy về công ty. Để hoàn thành đơn hàng đầu tiên từ Hong Kong, Hemdan nhận ra rằng anh phải có được trong tay 15.000 USD nhưng đó là trước khi anh thắng giải Injaz Egypt. Thay vào đó, để đảm bảo số tiền cần có, Hemdan đã xoay xở để thuyết phục một giảng viên đại học cho anh vay tiền, đổi lấy 40% lợi nhuận từ đơn hàng đầu tiên. Bốn tháng sau, việc giao hàng đã được hoàn tất.
Trở ngại
Việc chiến thắng cuộc thi kinh doanh đã giúp cho Recyclobekia đảm bảo được vốn đầu tư để mở rộng kinh doanh, bao gồm 120.000 USD từ hai nhà đầu tư nổi tiếng người Ai Cập, Khaled Ismail và Hussein el Sheikh. Hai người này đang nằm trong hội đồng quản trị của công ty.
Tuy nhiên, việc đầu tư ngay từ ban đầu đã trở nên bất ổn.
“Đây là lúc vấn đề bắt đầu”, Hemdan nhớ lại, nhấn mạnh “làm việc với những ông lớn trong khi bạn không biết làm thế nào để điều hành một công ty” có thể dẫn tới sai lầm.
Sai lầm của Hemdan là mở rộng kinh doanh quá nhanh và đánh giá nhầm số lượng rác có thể thu gom. Mặc dù đã hợp tác với nhiều công ty để mua lại rác nhưng số lượng rác họ bán ra thấp hơn nhiều so với dự kiến của Recyclobekia, trong 6 tháng chỉ thu được 6 tấn, quá thấp so với dự định. Để khắc phục tình trạng này, Hemdan đã nhận ra rằng anh cần phải nhanh chóng cải thiện kiến thức của anh về một nền công nghiệp đang trong giai đoạn trứng nước ở Ai Cập.
Video đang HOT
Bởi vậy, anh đã bay tới Hong Kong để học hỏi một công ty tái chế ở đây. Chuyến đi đã khiến cho Hemdan nhận ra rằng anh phải thay đổi mô hình kinh doanh của Recyclobekia. Ở thời điểm đó, công việc của công ty anh đó là thu gom những đồ điện tử cũ và gửi chúng tới người mua ở Hong Kong. Sau đó họ sẽ đập vỡ rác, phân loại nguyên liệu rồi bán chúng cho những công ty khác để đun chảy và chiết xuất kim loại.
Hemdan nhận ra rằng Recyclobekia có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn nếu cắt bớt được bước trung gian và tự làm công việc tháo rỡ. Giá rác có thể sẽ được cải thiện nếu được đập vỡ và phân loại sẵn.
Sau đó, anh chấm dứt đơn hàng với Hong Kong và ký kết với một công ty chiết xuất ở Đức. Điều này cũng làm giảm chi phí vận chuyển hàng cho Recyclobekia.
Bất ổn xã hội
Nhưng khi Hemdan đang chuẩn bị bay chuyến đầu tiên tới châu Âu thì anh gặp phải một chướng ngại vật khác.
“Nghĩa vụ quân sự là trở ngại lớn nhất cho việc xây dựng kinh doanh của tôi”, Hemdan nói. Ở Ai Cập, tất cả đàn ông ở độ tuổi 18 – 30 đều phải nhập ngũ từ 1-3 năm.
Trong khi những sinh viên như Hemdan có thể trì hoãn cho tới khi học xong thì họ lại không được phép đi ra nước ngoài nếu không có sự cho phép đặc biệt của Bộ Quốc phòng.
“Theo luật thì tôi chỉ được phép đi ra nước ngoài trong kỳ đầu tiên của mỗi năm học, nghĩa là tôi phải trì hoãn các chuyến bay và đợi hết tháng”.
Tháng 6/2013, Recyclobekia sắp sửa hoàn thành thoả thuận với một công ty đầu tư ở Đức nhưng một tháng sau, công việc bị đình trệ khi quân đội Ai Cập đã lật đổ cựu Tổng thống Mohamed Morsi.
“Báo chí nói rằng mọi con đường đều đã bị quân đội đóng cửa và những kẻ khủng bố thì đầy trên đường. Đó là một thảm hoạ đối với chúng tôi. Tới cuối năm 2013, chúng tôi đã mất gần hết vốn đầu tư mà mình đã nhận được”, Hemdan nhớ lại.
Tái chế rác thải điện tử là lĩnh vực kinh doanh của Recyclobekia. Ảnh: BBC
Cuộc đảo chính cùng với những biến động trong giá vàng đã đưa công ty đến bờ vực phá sản, nhưng các doanh nghiệp đã vượt qua bão tố bằng cách tìm kiếm các đối tác thay thế ở bên kia Đại Tây Dương, nơi cung cấp điều kiện thanh toán tốt hơn.
Hemdan đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh ra khắp Trung Đông. Doanh nhân này cũng đã gia nhập lực lượng với nhà bán lẻ trực tuyến châu Phi Jumia để cho phép người sử dụng đổi rác điện tử của họ lấy voucher mua sản phẩm khác.
Con O’Donnell, một nhà đầu tư chuyên cung cấp vốn cho các ý tưởng khởi nghiệp, đồng sáng lập sự kiện kinh doanh hàng đầu của Ai Cập, RiseUp Summit, nói: “Hemdan đã phạm phải sai lầm mà rất nhiều doanh nhân trẻ mắc phải. Nhưng anh ấy không thất bại mà học hỏi từ đó”.
Duyên Nguyễn
Theo VNE
"Nữ hoàng rác thải" quyến rũ gốc Việt sở hữu đế chế rác 7 triệu USD
Doanh nhân Le Ho, 36 tuổi, người phụ nữ Australia gốc Việt, đã xây dựng được một đế chế rác thải trị giá hàng triệu USD từ hai bàn tay trắng.
Thoạt nhìn, không ai có thể nghĩ rằng người phụ nữ xinh đẹp, mảnh mai với tên gọi Le Ho là bà chủ của một "Đế chế rác" trị giá 10 triệu AUD (tương đương với khoảng 7 triệu USD) - Công ty Quản lý Chất thải Thủ đô (Capital City Waste Services - CCWS) có trụ sở tại thành phố cảng Sydney, Australia.
Doanh nhân Le Ho, 36 tuổi- chủ sỡ hữu của CCWS. (ảnh: DM).
Theo lời kể của cô Le Ho, cô có một tuổi thơ vất vả hơn nhiều người khác. Gia đình cô đến Australia mà không có bất cứ của cải gì trong tay. Bố mẹ Le Ho đã phải trải qua những năm tháng lăn lộn làm việc ở Australia để nuôi dạy cô trưởng thành.
Năm 21 tuổi, cô Le Ho mở cửa hàng kinh doanh đầu tiên với mặt hàng áo cưới và giày, dép. Sáu năm sau đó, cô tiếp quản và điều hành CCWS, đưa CCWS từ một doanh nghiệp thua lỗ trở thành một nơi cung cấp dịch vụ thu gom rác thải uy tín như hiện nay.
Để có được sự nghiệp trong mơ như bây giờ, nữ doanh nhân 36 tuổi tiết lộ, có nhiều thách thức mà cô phải đối mặt để có chỗ đứng trong một ngành kinh doanh mà hầu hết do nam giới thống trị.
Quyết định táo bạo, thành công lớn
Ở tuổi 21, Le Ho bước chân vào ngành kinh doanh bán lẻ. Cô mở công ty mang tên Honey Bee chuyên về mặt hàng giày cưới và áo cưới. Chỉ trong vòng 6 năm, Honey Bee đã mở ra được 6 cửa hàng ở Australia.
Cửa hàng thời trang váy cưới Honey Bee của Le Ho. (ảnh: DM).
"Tôi luôn luôn có sẵn máu đam mê kinh doanh ở trong mình", cô Le Ho cho biết. "Dẫu vậy, tôi biết các cửa hàng bán lẻ sẽ không bao giờ thực hiện được giấc mơ lớn của tôi, nhưng nó đã giúp tôi xây dựng nền tảng để điều hành một doanh nghiệp lớn hơn sau này".
Cô Le Ho nói thêm: "Doanh nghiệp nhỏ sẽ đối mặt với những nguy cơ nhỏ, vì vậy tôi có thể rút ra được bài học và không lặp lại sai lầm tương tự khi kinh doanh ở quy mô lớn hơn".
Năm Le Ho 27 tuổi, con đường sự nghiệp của cô đã hoàn toàn thay đổi khi mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến với mọi nhà. "Mua sắm trực tuyến đã quá phổ biến vì sự tiện lợi của nó, giờ đây người dân Australia có thể ngồi ở nhà mua đồ và nhận đồ ở tận cửa, điều này đã thay đổi phương thức mua sắm", cô Le Ho cho hay.
Doanh nhân Le Ho nhấn mạnh: "Bởi thế, tôi muốn phát triển một doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, không phụ thuộc vào điều kiện kinh doanh, một doanh nghiệp mà mọi người dân sẽ luôn luôn cần đến dịch vụ của nó".
Cô Le Ho năm 21 tuổi, khi bắt đầu kinh doanh. (ảnh: DM).
Năm 2010, Le Ho quyết định rẽ ngang bằng cách tiếp quản CCWS- lúc bấy giờ đang bị thua lỗ nặng nề khoảng 20.000 AUD trong mỗi tháng. Dẫu vậy, Le Ho vẫn quyết định mua lại công ty với giá 50.000 AUD.
"Tôi đã làm việc với CCWS trong 12 tháng trước khi tôi quyết định mua lại. Thách thức lớn nhất đối với tôi là làm sao xoay chuyển một doanh nghiệp thất bại trở nên thành công, nhưng tôi đã quyết định để có một bước nhảy vọt.
Tự mình làm cả công việc chở rác
Tại thời điểm bấy giờ, để tối giản chi phí cho công ty, Le Ho đảm nhiệm hầu hết tất cả các vai trò của CCWS sau khi cắt giảm gần hết nhân viên của bộ máy cũ, bao gồm cả giám đốc, nhân viên bán hàng, kế toán thậm chí cả tài xế xe tải.
"Cha mẹ tôi đã nghĩ rằng tôi bị điên vào thời điểm đó. Họ đến từ một nền văn hóa châu Á, nơi xem ngành nghề thu gom rác thải là một nghề nghiệp không có nhiều triển vọng", cô Le Ho chia sẻ.
Trong năm đầu tiên, chính bản thân nữ doanh nhân phải tự mình lái xe đi chở rác. Mỗi ngày từ 6h sáng, cô lái xe đi thu gom rác thải, sau đó cô lại nhanh chóng thay quần áo để tham dự vào các cuộc họp vào buổi tối.
Trong năm đầu tiên, chính bản thân nữ doanh nhân Le Ho phải tự mình lái xe đi chở rác. (ảnh: DM).
Cô Le Ho kể lại: "Tôi nhớ lần đầu tiên khi tôi leo lên một chiếc xe chở rác, một vài lái xe rác chạy ngang qua đã ngạc nhiên ngoảnh lại nhìn tôi để xem có đúng là một cô gái đang lái xe hay chỉ là một người đàn ông với mái tóc dài".
"Tôi thường phải tận tay kéo toàn bộ đống rác từ thùng chứa rác xuống nơi tập trung rác. Nhưng có một lần, một gã say xỉn đã đi tè vào thùng chứa, khiến cho tôi phải lãnh đủ toàn bộ nước tiểu của gã khi đang dọn thùng chứa".
Tuy nhiên, những khó khăn của Le Ho đã được đền đáp khi công việc kinh doanh của cô khởi sắc với tăng trưởng gấp đôi trong 12 tháng đầu tiên.
"Tôi như ở trên mặt trăng. Tôi đã chứng minh được rằng bất chấp nghịch cảnh, những khó khăn của tôi và đồng nghiệp đã được đền đáp.... Trong 12 tháng tiếp theo, doanh thu của chúng tôi đã tăng gấp đôi một lần nữa. Tôi nhận thấy rằng CCWS đang dần trở thành một công ty có chỗ đứng và được tôn trọng trong ngành công nghiệp quản lý rác thải".
"Giờ đây, tôi cảm thấy vô cùng tự hào đi bộ qua khu trung tâm Sydney và nhìn thấy những thùng rác của CCWS được đặt ở đó. Tôi tin rằng tôi đã giúp thay đổi nhận thức về một &'chủ doanh nghiệp quản lý rác thải' phải như thế nào. Chúng ta có thể là phụ nữ, chúng ta có thể có nguồn gốc châu Á, nhưng chúng ta cũng có thể mặc được bộ quần áo trong ngành công nghiệp này", cô Le Ho chia sẻ.
Không bao giờ nói "không"
Mặc dù CCWS có một cú "chuyển mình" đáng kinh ngạc để trở thành công ty trị giá 10 triệu AUD trong 5 năm, cô Le Ho thừa nhận ngành công nghiệp dành cho "giới mày râu"đã khiến cô gặp không ít khó khăn.
Bà chủ mạnh mẽ của CCWS đã quyết định không bao giờ nói "không" với bất kỳ yêu cầu nào từ khách hàng. (ảnh: DM).
"Hầu hết các đồng nghiệp của tôi trong ngành này đã làm việc trong nhiều thập kỷ qua. Vì vậy, khi một người phụ nữ châu Á 30 tuổi đột nghiên bước vào và giành lấy các hợp đồng của họ, lôi kéo khách hàng của họ, họ sẽ cảm thấy không vui".
"Có nhiều người đã nghĩ rằng CCWS sẽ là một trong những công ty chỉ tồn tại được trong ngày một ngày hai và sẽ biến mất".
"Vì độ tuổi của tôi và xuất thân là người châu Á, cũng khá khó khăn để nhiều người tin rằng tôi là chủ sở hữu của CCWS. Tôi thường bị nhầm lẫn là đại diện hay trợ lý bán hàng và do đó gây khó khăn cho tôi khi tôi tìm kiếm sự tin tưởng và ủng hộ từ người khác", cô Le Ho chia sẻ.
Để có được sự tôn trọng từ các đồng nghiệp của mình, bà chủ mạnh mẽ của CCWS đã quyết định không bao giờ nói "không" với bất kỳ yêu cầu nào từ khách hàng.
"Tôi sẽ luôn luôn nói có", cô Le Ho khẳng định. Cô Le Ho cho biết, một khi công ty đã hứa bất cứ điều gì với khách hàng, công ty sẽ luôn luôn đi theo lời hứa đó, chấp nhận cả việc làm thêm giờ. Việc thực hiện đúng lời hứa đã khiến doanh nghiệp của cô có được uy tín, sự tin tưởng và tôn trọng của khách hàng cũng như các công ty khác trong ngành quản lý rác thải.
Luôn suy nghĩ tích cực
Cô Le Ho tin tưởng, chính những lời chỉ trích mà cô gặp phải trong quá trình làm việc chính là động lực thúc đẩy kinh doanh thành công.
"Tôi muốn khẳng định rằng, bất cứ công việc gì đàn ông có thể làm được, phụ nữ cũng có thể làm được. Nếu chúng ta không có cơ hội, hãy tự tạo cơ hội cho chính mình", cô Le Ho nói
Cô Le Ho nói thêm rằng khi mọi viêc trở nên quá khó khăn, chính sự hỗ trợ tích cực từ gia đình, bạn bè đã giúp cô không nản chí.
Chính sự hỗ trợ tích cực từ gia đình, bạn bè đã giúp cô Le Ho thành công. (ảnh: DM).
"Tôi luôn cố gắng tập trung vào những mặt tích cực hơn là lãng phí thời gian với con quỷ hút cạn năng lượng và đẩy tôi gục ngã" cô nói.
"Khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp, các đồng nghiệp của tôi không muốn làm việc với tôi vì tôi là nữ nhưng tôi đã tập trung vào những người ủng hộ mình trên cuộc hành trình này"
"Tôi rất may mắn vì có được sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và những người cố vấn, họ đã giúp tôi gây dựng nên công ty như ngày hôm nay".
Khi nói về việc khởi nghiệp, cô Le Ho khuyên các doanh nhân trẻ rằng hãy "luôn luôn làm theo đam mê của bạn" và "luôn luôn nhìn vào mặt tích cực" của vấn đề.
"Nếu bạn thất bại, bạn đã có một bài học giá trị để không lặp lại sai lầm. Nếu bạn thành công, đây sẽ là bàn đạp để bạn làm tất cả mọi việc sau đó được tốt hơn".
"Các bạn trẻ cần tìm cho mình một người cố vấn giàu kinh nghiệm, những người sẽ hướng dẫn cho các bạn kinh doanh. Họ đã từng đi qua con đường mà các bạn đã đi, họ sẽ cho bạn lời khuyên, cái nhìn sâu sắc và giúp bạn cắt ngắn thời gian".
"Hãy suy nghĩ về những gì đã đạt được và những gì có thể học được từ sai lầm. Đừng lo lắng về việc mắc sai lầm. Gia đình tôi và tôi đến đây mà chẳng có gì. Vậy nên khi bạn chẳng có gì để bắt đầu, bạn cũng không có gì để mất", cô Le Ho cho hay./.
Phương Chi Theo Daily Mail
Theo_VOV
Li Băng chìm trong khủng hoảng rác Theo AFP ngày 23.8, hàng ngàn người tập trung ở quảng trường Riad al-Solh tại thủ đô Beirut của Li Băng để phản đối cuộc khủng hoảng rác kéo dài đã hơn 1 tháng. Người biểu tình đốt thùng rác tại Beirut - Ảnh: Reuters Những người quá khích ném chai lọ và tấn công cảnh sát, khiến lực lượng an ninh dùng...