Người đàn ông bị bắt vì ăn sáng cùng phụ nữ ở Arab Saudi
Nhà chức trách Arab Saudi bắt một công dân Ai Cập sau khi video anh này ăn sáng cùng nữ đồng nghiệp lan truyền trên mạng.
Nam nhân viên khách sạn ăn sáng cùng đồng nghiệp nữ. Ảnh: Guardian.
“Bộ Lao động đã bắt một người nước ngoài ở Jeddah xuất hiện trong video phản cảm”, chính quyền Arab Saudi hôm qua thông báo, theo Guardian.
Báo chí Arab Saudi xác định người bị bắt là công dân Ai Cập làm nhân viên tại một khách sạn ở nước này. Trong video do nam nhân viên này quay và đăng lên mạng xã hội, anh ta cùng một nữ đồng nghiệp tại khách sạn dùng chung bữa sáng tại bàn và trêu đùa nhau.
Người phụ nữ mặc áo trùm kín niqab Hồi giáo, vẫy tay chào trước camera và ăn sáng. Điều khiến người dùng mạng xã hội ở đất nước bảo thủ này phẫn nộ nhất là 30 giây của video, khi cô này đút cho nam đồng nghiệp ăn.
Luật pháp Arab Saudi quy định ngặt nghèo khoảng cách giữa nam và nữ. Tại nơi làm việc và nhà hàng, phụ nữ và đàn ông không có quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân phải ngồi xa nhau. Phụ nữ cũng không được phép tham gia nhiều hoạt động bên ngoài nếu không có thành viên nam trong gia đình đi kèm.
Bộ Lao động nước này cho hay chủ khách sạn đã bị triệu tập vì không tuân thủ các quy định về tách biệt giới tính trong không gian làm việc.
Phản ứng dữ dội của công chúng nhấn mạnh những thách thức mà Thái tử Mohammed bin Salman phải đối mặt, khi ông tìm cách hiện đại hóa đất nước bảo thủ này. Thái tử đã bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe, mở cửa lại rạp chiếu phim sau 35 năm, cho phép một số buổi hòa nhạc có cả nam lẫn nữ tới xem.
Video đang HOT
Hồi tháng 4, các quan chức ngành thể thao Arab Saudi đã đóng cửa một trung tâm thể dục dành cho phụ nữ ở Riyadh vì video quảng cáo một cô gái mặc đồ thể thao bó chặt gây tranh cãi. Vào tháng 6, chính quyền tiếp tục sa thải quan chức phụ trách ngành giải trí, khi người dùng mạng phản đối một rạp xiếc cho phép một diễn viên biểu diễn trong trạng phục bó sát.
Hồng Hạnh
Theo Vnexpress
Hơn 2 triệu người Hồi giáo hành hương về thánh địa Mecca
Tín đồ Hồi giáo từ khắp thế giới hôm qua bắt đầu cuộc hành hương về thánh địa Mecca ở Arab Saudi để thực hiện bổn phận mà họ phải làm ít nhất một lần trong đời.
Dự kiến có 2,5 triệu người Hồi giáo đổ về thành phố Mecca trong cuộc hành hương được gọi là haji. Haji diễn ra từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 12 của Dhu al-Hijjah, tháng thứ 12 và là tháng cuối cùng trong lịch Hồi giáo hàng năm.
Haji là một trong những cuộc hành hương lớn nhất thế giới, là một trong năm cột trụ của Hồi giáo và là bổn phận mà các tín đồ phải thực hiện ít nhất một lần trong đời nếu họ có khả năng đến Arab Saudi.
"Tôi từng đến đây thực hiện umrah (lễ hành hương nhỏ diễn ra bất kỳ lúc nào) vào năm 2007 và hôm nay, sau 10 năm đăng ký và chờ đợi, tôi đã được quay lại đây", Reuters dẫn lời ông Najwa, 59 tuổi, từ Tunisia, nói. "Tôi không thể mô tả cảm giác này. Ngày nào tôi cũng khóc".
Tại Đại Thánh đường ở Mecca, các tín đồ sẽ đi vòng quanh cấu trúc đá Ka'bah, nơi linh thiêng nhất. Họ xếp hàng và đi 7 vòng ngược chiều kim đồng hồ, lần lượt chạm tay lên mặt đá để cầu nguyện.
Từ những ngày trước khi haji diễn ra, rất đông tín đồ đã đổ về Mecca và tham gia các buổi cầu nguyện. Những người hành hương hầu hết mặc áo choàng trắng, không đeo trang sức và dùng nước hoa để thể hiện sự bình đẳng trước Chúa trời, bất kể giàu nghèo.
Những người hành hương đến từ nhiều nước khác nhau trên khắp thế giới và đủ mọi lứa tuổi. Để thực hiện haji, nhiều tín đồ có khi phải tiết kiệm tiền cả đời bởi chi phí đi lại, ăn ở rất tốn kém.
Nayef Ahmed, 37 tuổi, kể rằng để có tiền đến Mecca, anh đã phải bán đi một mảnh đất ở Yemen, nơi mắc kẹt suốt 3 năm nay trong cuộc chiến tranh giữa Arab Saudi và Iran. "Vì chiến tranh nên giá cả rất đắt đỏ. Nhưng ở đây, tôi cảm thấy bình an và cầu xin Chúa trời cho chiến tranh kết thúc", anh nói.
Một người hành hương thăm núi Jabal al-Nour, "ngọn núi ánh sáng", nơi các tín đồ Hồi giáo tin rằng nhà tiên tri Mohammad đã tiếp nhận những câu chữ đầu tiên của kinh Quran trong hang Hiraa.
Một nhân viên an ninh canh gác khi các tín đồ rạp người cầu nguyện. Bộ Nội vụ Arab Saudi cho biết đã tiến hành nhiều biện pháp để đối phó với các nguy cơ an ninh từ phiến quân lẫn người biểu tình chính trị, nhưng hiện không phát hiện mối đe dọa cụ thể nào.
Một phiên dịch viên giúp người hành hương tìm thông tin trên tấm áp phích giới thiệu các ứng dụng di động phục vụ haji.
Năm nay, Arab Saudi tăng cường ứng dụng công nghệ để quản lý dòng người hành hương đông đúc ở Mecca, trong đó có vòng tay nhận dạng điện tử, được kết nối GPS, lịch trình các hoạt động được đăng tải trực tuyến. Hơn 18.000 xe buýt kết nối đến một hệ thống quản lý chung cũng được triển khai.
Dịch vụ "khách sạn con nhộng" ở Mecca với giá thành phải chăng, tiết kiệm không gian cũng là giải pháp mới để hiện đại hóa nghi lễ có truyền thống hàng thế kỷ này.
Cuộc hành hương về Mecca hàng năm mang lại hàng triệu đôla cho Arab Saudi nhờ doanh thu từ các dịch vụ ăn ở, đi lại, chi phí, quà tặng. Giới chức nước này đặt mục tiêu tăng số lượng người hành hương umrah và haji lên lần lượt 15 triệu và 5 triệu vào năm 2020.
Theo Vnexpress
Mẹ buồn khi mơ thấy con gái lấy chồng Đang ngồi ăn sáng, mẹ quay sang than thở với con gái: - Hôm qua mẹ mơ mày có người yêu, rồi lấy chồng. Mẹ buồn mãi. - Con ở với mẹ cả đời mà! - cô con gái an ủi - Mẹ yên tâm, con không lấy ai cả! Bà mẹ nghe vậy liền nổi cáu, quát: - Mày dở người à?...