Người đàn ông bại liệt trong căn nhà khoá cửa sẽ vào Viện Dưỡng lão
Trong thời gian tới, để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình và đảm bảo cho việc dưỡng bệnh, ông Đàm Quang Anh sẽ được đưa vào Viện dưỡng lão của thành phố Hà Nội.
Thông tin về một người đàn ông 60 tuổi, bị bệnh bại liệt trong căn nhà khóa kín cửa tại phường Chương Dương – Hà Nội được Dân trí phản ánh đã nhận được nhiều sự chia sẻ, phản hồi của bạn đọc. Nhiều ngày qua, căn nhà số 26 – nơi ở của người đàn ông khốn khổ này luôn có nhiều nhóm tình nguyện tìm đến giúp đỡ.
Bản thân bà Loan và con gái cũng đã quay trở lại căn nhà ba tầng để tiện chăm sóc ông Quang Anh. Tiếp chúng tôi trong dáng vẻ mệt mỏi vì thiếu ngủ, bà Loan cho biết vừa thuê người làm vệ sinh, tắm rửa cho ông Anh. Mấy ngày qua, áp lực dư luận cùng với những mâu thuẫn gia đình khiến cho bà bị sốc và suy sụp nặng về tinh thần. Con gái bà Loan là Đ.T.P cũng rơi vào trạng thái trầm cảm và phải nghỉ làm vì quá mệt mỏi.
“Bỏ mặc ông Anh là do sự rối trí nhất thời”
Nghẹn ngào nước mắt bà Loan cho rằng nguyên nhân “để mặc” ông Quang Anh trong căn nhà khóa kín cửa là do sự từ chối, bất hợp tác và không muốn giúp đỡ của chính ông Anh: “Để đến cơ sự này tôi cũng đã rơi vào bế tắc. Tôi không hề muốn để ông ấy sống một mình nhưng quả thật chúng tôi cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Bản thân tôi bị bệnh sốt huyết dạ dày nên mỗi lần ngửi thấy mùi này là đều nôn thốc, nôn tháo chính vì thế tôi buộc phải chuyển ra ngoài ở để đảm bảo sức khỏe. Nguyên nhân sâu xa nhất của vấn đề là do ông Quang Anh luôn đe dọa và có những lời lẽ xúc phạm đến tôi cũng như con gái. Phía đằng nội nhà ông Anh “chối bỏ” không quan tâm, giúp đỡ gì lại luôn đặt điều tiếng không hay cho tôi”.
Bình thường, mỗi ngày bà Loan đều tranh thủ mang thức ăn về cho ông Anh nhưng hai tuần gần đây, sức khỏe yếu nên cách ngày bà mới về tiếp tế. Việc vệ sinh cho ông Quang Anh cũng không được thường xuyên do không có tiền thuê người giúp việc. Theo bà Loan cuộc hôn nhân giữa bà và ông Anh không được hạnh phúc, trong nhiều năm, bà chưa bao giờ được đối xử như một người vợ đúng nghĩa. Bản thân ông Anh bị bệnh bại liệt từ năm 2007 do di chứng của căn bệnh viêm tủy sống, gia đình đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi.
Kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, gánh nặng đè lên vai bà Loan do những khoản nợ tiền chạy chữa cho chồng ngày càng nhiều lên. Việc để “mặc” ông Anh trong căn nhà khóa kín cửa để tự xoay sở, theo bà Loan là sự “rối trí nhất thời” và bế tắc do không tìm được cách giải quyết sự việc một cách thỏa đáng: “Mâu thuẫn gia đình tích tụ từ lâu và ngày một lớn, phía đằng nội hắt hủi, không quan tâm nên tôi đã chuyển ra ngoài để tránh sự mệt mỏi, áp lực cho gia đình”.
Gặp lại chúng tôi, tình hình sức khỏe của ông Quang Anh đã khá hơn nhiều, ông Anh vui vẻ cho biết vừa được tắm rửa và thay ga đệm mới. Khi được hỏi về mong muốn của mình, ông Anh ngập ngừng cho biết muốn được chuyển đến trung tâm bảo trợ xã hội sống nốt quãng đời còn lại vì không muốn làm phiền đến mọi người xung quanh. Hiện tại do nằm quá lâu một chỗ nên phần thịt ở lưng ông Anh đã thối rữa một mảng lớn, rụng dần và liên tục rỉ nước vàng. Nếu không được chữa trị và chăm sóc kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Bi kịch của một gia đình
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Chi Linh – phó chủ tịch phường Chương Dương cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí, lãnh đạo phường đã có mặt, triệu tập người thân của ông Đàm Quang Anh để tìm hiểu rõ sự việc: “Ngay trong tối ngày 18/10/2013 đích thân tôi đã xuống làm việc với bà Tạ Thị Bích Loan – vợ của ông Quang Anh. Chính quyền địa phương cũng đã cử cán bộ Y tế xuống kiểm tra tình hình sức khỏe cũng như hướng dẫn bà Loan cách chăm sóc, làm vệ sinh cho ông Quang Anh. Đúng là hai tháng gần đây bà Loan và con gái chuyển ra ngoài, không ở cùng ông Quang Anh. Tuy nhiên, việc bỏ đói thì chưa chính xác vì bà Loan vẫn về tiếp tế đồ ăn cho ông Anh. Trước hoàn cảnh éo le, khó khăn của gia đình, chúng tôi cũng đã quyết định trợ giúp đột xuất cho gia đình ông Anh hai triệu đồng…”.
Video đang HOT
Cũng theo ông Linh, trong buổi làm việc với gia đình, chính quyền địa phương đã yêu cầu phía nội nhà ông Anh có mặt để cùng giải quyết sự việc nhưng nhận được sự bất hợp tác: “Chúng tôi đã yêu cầu bà Loan phải chuyển về chăm sóc ông Anh, có mặt ở nhà nhiều nhất có thể chứ không thể để một người ốm đau, bại liệt phải tự vật lộn chăm sóc mình như thế được…”.
Về nguyên nhân khiến ông Quang Anh “bị bỏ mặc” không ai chăm sóc theo ông Linh xuất phát từ nhiều phía, sâu xa do hoàn cảnh kinh tế khó khăn và những mâu thuẫn nội bộ trong gia đình tích tụ từ lâu. Bản thân ông Anh lại không hợp tác và luôn chửi mắng vợ con nên khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lớn.
Tuy không ở cùng nhưng hàng ngày bà Loan vẫn tiếp tế bánh, sữa và đồ ăn cho ông Quang Anh đầy đủ. “Mọi vấn đề phải nhìn từ nhiều khía cạnh, theo tôi trong chuyện này tất cả mọi người đều có một phần lỗi. Giá như ông Quang không có những lời lẽ xúc phạm vợ con và bà Loan bình tĩnh giải quyết thì có lẽ mọi chuyện cũng không trầm trọng đến mức độ này”.
Ông Linh cũng cho rằng dư luận nên có những phán xét khách quan, công bằng và không nên có những bình luận ác ý đối với vợ con ông Anh bởi suy cho cùng họ cũng là những người đáng thương hơn là đáng giận: “Bà Loan là một phụ nữ nhẫn nhịn, cam chịu. Tuy nhiên sự chịu đựng của ai cũng có giới hạn, bản thân bà phải sống trước nhiều áp lực của gia đình nên có những suy nghĩ tiêu cực cũng là điều dễ hiểu. Ngay bản thân con gái của ông Anh cũng đã phải nỗ lực rất nhiều để thoát khỏi sự trầm cảm do những mâu thuẫn gia đình trước đây…”.
Ông Linh cũng cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sắp tới chính quyền sẽ làm thủ tục để chuyển ông Anh vào trung tâm bảo trợ xã hội. Đây cũng là nguyện vọng của gia đình cũng như bản thân ông Đàm Quang Anh mong muốn.
Xuân Ngọc – Hà Trang
Theo Dantri
Hà Nội: Người đàn ông bại liệt bị bỏ mặc trong ngôi nhà khóa cửa
Sự việc xảy ra tại khu phố 8, phường Chương Dương (Hà Nội) từ nhiều tháng nay. Nhiều người muốn vào giúp đỡ vì thấy người đàn ông này có dấu hiệu bị bỏ đói nhưng đành bó tay bất lực vì ngôi nhà đã khóa trái cửa.
Một người hàng xóm gần nhà ông Anh cho biết, mấy ngày nay họ nghe thấy những tiếng kêu yếu ớt phát ra từ trong căn nhà 3 tầng. Nhiều người đến gần thì nghe thấy những tiếng kêu cứu và kêu đói của một người đàn ông từ trên tầng 2 căn nhà vọng xuống. Nhiều người muốn vào giúp đỡ nhưng đành bất lực vì cửa ngoài đã khóa.
Theo bà T.H.M, một người dân sống tại khu vực này, ông Quang Anh bị bại liệt phải nằm một chỗ gần chục năm nay. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải trông chờ vào người khác. Thế nhưng, hai tháng trước vợ con ông bỗng nhiên chuyển đi chỗ khác "bỏ mặc" ông Anh còm cõi tự xoay sở một mình. Căn nhà 3 tầng luôn khóa cửa im ỉm. Thỉnh thoảng người vợ có về dọn dẹp mang ít bánh mỳ và nước uống tiếp tế cho người đàn ông khốn khổ nhưng chỉ trong chốc lại rồi lại đi luôn. Do không được ai dọn dẹp nên căn nhà thường xuyên bốc mùi hôi thối, rất khó chịu.
"Ông ấy bị bại liệt nên đi vệ sinh tại chỗ, nước phân lênh láng, rỏ rớt cả xuống phía dưới. Chúng tôi đã phải kiến nghị Tổ trưởng tổ dân phố. Chuyện ông ấy ốm đau không ai chăm sóc người dân ở đây không ai là không biết nhưng là chuyện gia đình nên chúng tôi không thể can thiệp", bà M. bức xúc cho biết.
Nhiều ngày nay, người dân nghe thấy những tiếng kêu yếu ớt của ông Quang Anh
Gần một tháng nay, nhiều nhóm tình nguyện ở Hà Nội đã đến giúp đỡ, mang đồ ăn cho người đàn ông khốn khổ này. Chị N.T.N - thành viên một nhóm tình nguyện - chia sẻ, cách đây một tháng chị nhận được điện thoại của một người tên Hằng nhờ giúp đỡ một người đàn ông bại liệt bị vợ con bỏ mặc: "Khi tôi mang đồ ăn đến thì căn nhà ba tầng của bác bị khóa trái cửa. Tôi có gọi điện cho bác, một lúc lâu sau thấy một cái dây được thả xuống. Nhưng vì bác quá yếu nên khi tôi bỏ 3 hộp sữa tươi vào thì bác ấy chỉ kéo được một đoạn là rơi tuột xuống. Cuối cùng tôi chỉ gửi được cho bác một hộp sữa và một cái bánh mỳ nhưng cũng phải mất gần một giờ đồng hồ hì hụi...". Mấy hôm nay, dây kéo mang thức ăn bị đứt nên chị N. và nhóm bạn của mình không có cách nào chuyển đồ ăn vào bên trong được.
Có mặt ở khu dân cư số 8, vừa hỏi thăm về trường hợp một người đàn ông bại liệt bị vợ con bỏ mặc nhiều người dân đã tỏ ra bất bình, sốt sắng dẫn đường cho PV tìm đến căn nhà được cho là nơi đang "giam lỏng" người đàn ông khốn khổ này. Rất may, lúc này bà Loan vợ ông Quang Anh cũng có mặt tại đó. Khi PV đề nghị được tiếp xúc với ông Anh, ban đầu bà Loan tỏ ra e dè nhưng sau đó cũng đồng ý dẫn chúng tôi lên gặp.
Thoi thóp thở trên đống xú uế
Khi cánh cửa tầng 2 vừa được kéo sang, một mùi xú uế bốc lên nồng nặc khiến bất cứ ai có mặt cũng phải bịt mũi, nín thở. Đập vào mắt chúng tôi là một căn phòng rộng chừng gần 10m2, tối om rác rưởi vung vãi khắp nơi bởi đã lâu không có bàn tay con người dọn dẹp. Trên sàn nhà, phân người lênh láng khắp nơi, vương vãi cả vào những chiếc chăn màn xung quanh. Thấy động, đám ruồi bọ bay tứ tung khắp phòng.
Nhưng ám ảnh nhất có lẽ là hình ảnh một người đàn ông chừng 60 tuổi nằm thoi thóp thở, bất động trên chiếc giường ọp ẹp. Cả khuôn mặt xạm đen, đôi mắt lồi hẳn ra ầng ậc nước. Hai chiếc chân teo nhỏ lại, một mảng lưng bị lở loét, rỉ nước vàng tanh hôi. Ngay gần chỗ ông nằm là một bãi phân thải bị bàn chân ông chà đi chà lại. Toàn thân người đàn ông chỉ còn một lớp da mỏng bao bọc lấy bộ xương gầy guộc.
Nơi ông Quang Anh nằm sát bên cạnh khu vệ sinh, tắm rửa
Trông thấy người lạ, người đàn ông này mếu máo cho biết hàng tháng nay không biết mùi vị của hạt cơm như thế nào: "Mỗi buổi trưa khi mùi thức ăn nhà hàng xóm bốc lên là tôi lại thèm đến ứa nước bọt. Cuộc sống của tôi chẳng khác gì tù nhân, chẳng có ai ngó ngàng gì đến chăm sóc cả...". Ông cũng cho biết hai tháng nay chưa được tắm rửa một lần nên những vết lở loét trên người ông lan rộng, nhức nhối vô cùng khó chịu. Nói đến đây, ông cố trườn người, giơ bàn tay với những chiếc móng dài, cáu đen để minh chứng.
Nhắc đến vợ và con gái, ông Anh quay mặt đi nói ngắt quãng: "Thỉnh thoảng vợ tôi có đến và mang cho tôi mấy cái bánh mỳ hoặc gói mỳ tôm nhưng toàn đồ khô với ăn sẵn tôi nuốt không nổi. Có bận 2, 3 hôm mới có người mang đến nên có đói cũng chỉ biết nhịn. Khổ lắm, đói lắm...". Khi được hỏi về mong muốn của mình, người đàn ông khốn khổ nghẹn ngào cho biết: "Tôi chỉ thèm được một bát phở nóng lúc này, lâu lắm rồi tôi không biết mùi vị của nó thế nào nữa...".
Theo những lời chia sẻ của ông lão khốn khổ này thì trước đây, anh em họ hàng bên nội có thuê người giúp việc chăm sóc, tắm rửa, bôi thuốc cho ông nhưng hai tháng nay kinh tế khó khăn, hết tiền nên người giúp việc nghỉ, ông đành nằm co quắp tự vật lộn chăm sóc bản thân.
"Không có chuyện tôi bỏ đói chồng"!
Trao đổi với PV Dân trí, bà Loan - vợ ông Quang Anh - bức xúc trước những thông tin cho rằng mình bỏ đói người chồng đau yếu, bệnh tật: "Mỗi tuần tôi đều đến thăm và tiếp tế lương thực cho ông ấy. Trên danh nghĩa chúng tôi là vợ chồng nhưng từ lâu đã sống ly thân, giờ gia đình bên nội bỏ mặc ông ấy nghĩ đến cái nghĩa, cái tình tôi mới qua chăm sóc...".
Cũng theo bà Loan, vì bị bệnh dạ dày nên mỗi lần ngửi thấy mùi xú uế của ông Quang Anh là bà lại nôn thốc nôn tháo, cho nên thỉnh thoảng chỉ thuê người đến dọn dẹp, tắm rửa cho chồng. Bà Loan cho rằng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân bà không có việc làm ổn định nên không có điều kiện chăm sóc cho chồng được tốt: "Mua cơm hộp hay phở thì cũng không phải là vấn đề với tôi nhưng ông ấy bị bệnh, ăn những thứ ấy vào khó tiêu, lại đi vệ sinh một chỗ thì sẽ bốc mùi khó chịu nên tôi chỉ mua bánh mỳ, bánh ngọt hoặc mỳ tôm cho ông ấy để dễ tiêu hơn".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Cẩm (tổ trưởng tổ dân phố 18, Chương Dương, Hà Nội) cho biết: Trường hợp ông Đàm Quang Anh bị bệnh bại liệt phải nằm một chỗ là có thật nhưng thông tin ông ấy bị bỏ đói là chưa chính xác hoàn toàn. Mỗi tuần bà Loan có đến tiếp tế lương thực và nước uống cho nhưng không ở cùng nên cửa nhà lúc nào cũng bị khóa trái. Ông Cầm cũng xác nhận, gần một tháng nay có một nhóm các bạn trẻ tình nguyện thường đến giúp đỡ và mua đồ ăn cho ông: "Hôm qua, bản thân tôi còn đích thân cho các cháu ấy mượn thang gỗ để đưa thức ăn vào nhà cho ông ấy ăn nhưng không được...".
Trước tình hình bi đát của ông Đàm Quang Anh, chính quyền địa phương đã nhiều lần yêu cầu gia đình phải có biện pháp chăm sóc hoặc gửi đi Viện Dưỡng lão nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Nguyễn Văn Đố - trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 8 - phường Chương Dương cho biết, tháng 8/2013, gia đình bà Loan cũng có họp gia đình để bàn cách chăm sóc ông Anh cho phù hợp, chính quyền địa phương cũng có mặt. Bà Loan đã có ý định giao chìa khóa nhà cho gia đình bên nội nhưng không có ai đứng ra nhận việc chăm sóc ông Đàm Quang Anh.... Ông Đố cũng cho rằng bản thân ông, không đồng tình trước việc để một người bại liệt, ốm đau tự chăm sóc bản thân: "Người già như một đốm lửa trước gió, đằng này ông ấy lại bị bại liệt, việc ở một mình quá nguy hiểm. Đến lúc trái gió trở trời không có ai chăm sóc, ăn uống, vệ sinh phải tự phục vụ... Nghĩ đến cái tình tôi cũng thấy chua xót quá. Sắp tới, chính quyền sẽ phối hợp cùng gia đình giải quyết dứt điểm vụ việc, để ông Anh được chăm sóc trong một môi trường tốt hơn...".
Được biết, trong buổi làm việc với đại diện Công an phường Chương Dương trong ngày 17/10, bà Loan cũng cam kết, sắp tới sẽ họp gia đình yêu cầu anh em bên nội có trách nhiệm chăm sóc ông Đàm Quang Anh nếu không sẽ gửi ông đi Viện Dưỡng lão.
Hà Trang - Xuân Ngọc
Theo Dantri
Cháu bé 3 tháng tuổi bị "bố" dầm mưa dãi nắng để xin tiền Cháu bé chỉ khoảng 3 tháng tuổi được người "bố" bế ẵm ngửa trên tay, được mặc độc nhất một chiếc áo mỏng, nằm giữa phố xin tiền... ảnh minh họa Theo phản ánh của nhiều người dân, gần một tuần nay tại ngã tư Cửa Nam (Hà Nội) xuất hiện một người đàn ông ăn xin, bế trên tay một bé trai...