Người đàn ông 8 năm chăm chồng cũ của vợ
Biết chồng cũ của vợ bị tai nạn chấn thương sọ não, phải nằm liệt giường suốt đời, anh Kiên quyết định đón người đàn ông này về chăm sóc suốt 8 năm nay.
11h trưa, trên xe chỉ còn lại vài mớ rau, anh Nguyễn Văn Kiên nhẩm tính buổi chợ này đã lãi hơn 100.000 đồng nên quyết định ra về. Tới nhà, anh vội vã rửa mặt mũi, chân tay rồi vào bếp xới chén cơm, cắt mấy miếng thịt heo mang đến bên giường một người đang nằm co quắp, đánh tiếng: “Dậy ăn cơm ông ơi”. Vừa đút, Kiên vừa cho người này uống nước tránh nghẹn.
“Đó là chồng cũ của vợ tôi. Ổng bị tai nạn nằm liệt nên vợ chồng tôi đón ổng về chăm”, người đàn ông 31 tuổi ở ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc giới thiệu về người nằm trên giường. Người này tên Nguyễn Văn Bé Hai, 44 tuổi, bị chấn thương sọ não sau một vụ tai nạn giao thông tám năm trước.
Hàng ngày anh Kiên đều đút cơm, tắm rửa cho anh Bé Hai – chồng cũ của người vợ hiện tại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Bé Hai bị liệt tứ chi, hỏng một bên mắt, chỉ nằm một chỗ nhưng rất may là vẫn tỉnh táo, nói chuyện bình thường. Bản thân anh cũng không hiểu được vì sao anh Kiên lại tốt với mình đến thế. “Nhiều lúc ảnh khóc nói với tôi, thằng Kiên tốt như bố mẹ mình vậy. Không có nó chắc ảnh chết rồi”, chị Nguyễn Thị Bích Tiền, 34 tuổi, vợ Kiên nói.
Anh Kiên là người gốc Kiên Giang, mẹ bỏ đi, một mình bố “gà trống nuôi con” nên ba anh em phải đi làm thuê từ nhỏ. Lớn lên, theo người làng đi làm ăn, anh đến Sóc Trăng làm thợ hàn.
Tại đây, Kiên quen với chị Tiền, người phụ nữ quê An Giang ở cùng dãy trọ, đã ly hôn và đang nuôi con nhỏ. Thấy hai mẹ con chị Tiền vất vả, anh thuyết phục sang nấu ăn chung. Mỗi ngày chị Tiền gửi 50.000 đồng tiền ăn, cuối tháng Kiên trả lại chị với lý do “giữ lấy nuôi con”. Một lần cô hàng xóm ốm nặng, sốt cao, chàng thanh niên bỏ làm đưa chị đến viện cấp cứu rồi ở lại chăm sóc suốt ba ngày ba đêm. Thời gian trôi qua, tình cảm đặc biệt với người phụ nữ đơn thân lớn dần trong anh.
Video đang HOT
Nhận ra tình cảm từ “cậu em hàng xóm”, chị Tiền hiểu nhưng cố tình lờ đi. Người mẹ một con nghĩ Kiên còn trẻ, sẽ gặp được đối tượng xứng tầm hơn. Một lần ngà ngà say, chàng trai sang gõ cửa phòng, thổ lộ tình cảm nhưng chị Tiền “mắng” luôn: “Khùng à, đáng tuổi em tui, yêu đương cái gì”. Bị dội gáo nước lạnh nhưng anh không từ bỏ. Hôm sau, khi đã tỉnh rượu anh Kiên một lần nữa khẳng định có tình cảm với chị. Rồi anh kể hoàn cảnh mình, bố làm ăn xa, từ bé chỉ có bà nội chăm sóc nhưng nay bà đã mất. Từ khi gặp Tiền, được chị quan tâm, anh thấy mình cần có một mái ấm.
Vào ngày sinh nhật chị Tiền 8 năm trước, anh Kiên chuẩn bị một chiếc bánh kem to kèm cặp nhẫn cưới. Anh quỳ xuống cầu hôn, chứng thực tình cảm bằng cách cắt máu ăn thề. Thấy Kiên thực lòng, Tiền gật đầu đồng ý. Hai hôm sau họ đăng ký kết hôn, chính thức về chung một nhà.
Sống với nhau được 5 ngày, một đêm mưa gió Tiền nhận được tin chồng cũ là anh Bé Hai bị tai nạn chấn thương sọ não phải cấp cứu ở viện tỉnh. Bé Hai vốn là trẻ mồ côi, sau ly hôn vẫn sống tại ngôi nhà cũ mà bố mẹ chị Tiền để lại. Bệnh viện gọi chị Tiền bởi anh Bé Hai sẽ phải phẫu thuật não nhưng người đàn ông này chẳng có ai thân thích để ký giấy.
Nhận tin dữ, Tiền vội thu xếp quần áo về quê. Chị nói với anh Kiên, dù chị và chồng cũ đã ly hôn, hai người không còn tình cảm gì nhưng không thể bỏ anh ấy trong hoàn cảnh khốn cùng. “Em đi đâu anh theo đó”, Kiên khẳng định, kể cả vợ gợi ý nếu anh không muốn vướng vào mối quan hệ “tay ba” phức tạp này, anh có thể ly hôn.
Trong viện, hai vợ chồng Kiên thay nhau chăm sóc anh Bé Hai. Tiền có bệnh tim, làm gì cũng nhanh mệt nên Kiên đảm nhận luôn việc tắm rửa, ăn uống cho người đàn ông xa lạ. Có lần, bác sĩ hỏi về mối quan hệ, anh đáp: “Anh ruột tôi”. Cứ như vậy, mọi việc tắm giặt, cơm nước cho Bé Hai đa phần do Kiên đảm nhận suốt tám năm nay.
Khi chưa được mạnh thường quân giúp đỡ, anh Kiên chị Tiền tắm cho anh Bé Hai trên chiếc xe đẩy được cải tạo lại thành giường nằm. Ảnh: Huỳnh Hoàng Thảo.
Ở lại An Giang cùng vợ, người chồng trẻ không đi làm xa được. Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, anh làm phụ hồ, bắt cá, bán nước nhưng mấy tháng nay ít việc, chuyển sang bán rau dạo. Chị Tiền trước đây phụ chồng bằng nghề bán vé số, nay bụng bầu sắp sinh cũng chỉ ở nhà nhặt lựa rau để hôm sau anh đi bán sớm.
Dù là trụ cột kinh tế gia đình năm miệng ăn, nhưng hễ về nhà là người đàn ông này lại “tranh việc” của vợ. Chị bầu con thứ ba, nghén nhiều nên anh không muốn vợ làm quá sức. Hàng ngày, cứ 4 giờ sáng Kiên ngủ dậy, dọn nhà, giặt giũ rồi đi bán rau. Giữa buổi anh lại về đút cơm cho anh Bé Hai ăn. Chiều lại đi lấy rau, tắm rửa vệ sinh cho chồng cũ của vợ. Chị Tiền chỉ phụ vài việc lặt vặt và chăm sóc hai cậu con trai, một đứa 14 tuổi con chồng cũ, một đứa 5 tuổi con chồng mới.
“Nhiều lúc thấy ảnh cực, vẫn hỏi sao thương em thế. Ảnh chỉ nói không thương vợ thì biết thương ai”, chị Tiền kể. Người phụ nữ còn tự hào khoe thường được bà con chòm xóm kéo lại hỏi bí quyết làm sao lấy được người chồng đảm đang như vậy.
Ông Nguyễn Văn Ngài, 75 tuổi, bố ruột chị Tiền sống bên cạnh chia sẻ, do tuổi cao nhiều bệnh, ông từng phải đi cấp cứu vài lần. “Lần nào thằng Kiên cũng đưa đi rồi còn mua thuốc cho uống”. Người đàn ông ở cái tuổi xưa nay hiếm nhớ 8 năm trước khi hai con quyết định đưa Bé Hai về chăm sóc, gia đình ai cũng lo lắng, sợ “một bà hai ông” khó sống được với nhau. Đến giờ thấy ba người vẫn vui vẻ, đầm ấm gia đình ai cũng thương.
Trưởng ấp Vĩnh Khánh 1, ông Trịnh Giang Sơn xác nhận, chị Tiền và anh Kiên có quan hệ vợ chồng hợp pháp. Còn anh Bé Hai, về mặt pháp luật không có quan hệ với vợ chồng chị Tiền. “Hàng xóm xung quanh mọi người đều thương hoàn cảnh gia đình họ, nên ai có gì cũng thường đem cho”, vị trưởng ấp nói.
Vừa qua, hoàn cảnh gia đình “hai ông một bà” được một số mạnh thường quân biết tới. Họ ủng hộ tiền tu sửa nhà mới khang trang hơn, có phòng vệ sinh và bếp khép kín, anh Bé Hai cũng được nằm giường riêng thay vì co quắp trên chiếc xe đẩy hàn bằng sắt được cải tạo lại. Việc tắm rửa cho người đàn ông nặng trên 70kg vì thế cũng đỡ vất vả phần nào.
Tám năm trước do không có tiền nên cặp vợ chồng này không tổ chức đám cưới, cũng chẳng chụp tấm ảnh chung nào. Giờ nhà mới được sơn sửa, Kiên chỉ mong có được bức ảnh hai vợ chồng treo tường, như nhiều gia đình khác. Anh tính tiết kiệm đến khi nào được khoảng 2 triệu đồng đưa vợ đến một studio chụp vài tấm. Tiền tích chưa đủ thì chị Tiền lại mang bầu.
“Đợi đứa bé này sinh ra, cả gia đình sẽ chụp chung một tấm làm kỷ niệm”, Kiên nói với vợ. Anh đưa tay tính toán vị trí đặt bức ảnh trên tường và hình dung khuôn mặt mỗi thành viên gia đình trong ảnh, trong đó không thể thiếu anh Bé Hai.
'Chuỗi lây nhiễm huyện Đông Anh được kiểm soát'
Chuỗi lây nhiễm chợ cửa hàng mới, huyện Đông Anh có tốc độ lây lan nhanh, xong cơ bản đã được kiểm soát, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, cho biết trong vòng chưa đầy một tuần, chuỗi lây nhiễm tại huyện Đông Anh ghi nhận 14 ca Covid-19. Người đầu tiên là một phụ nữ 45 tuổi, ở tổ 17 thị trấn Đông Anh, bán rau tại chợ Cửa hàng mới. Hiện, cơ quan chức năng vẫn chưa rõ nguồn lây cho ca này.
Điều tra dịch tễ ban đầu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội ngày 7/6, người này đã nghỉ bán rau 2 ngày, đến 30/5 bắt đầu ho, sốt, đau họng, mua thuốc tại quầy thuốc Thu Hằng. Từ ngày 30/5 đến ngày 4/6, bà ở nhà tự điều trị. Chiều 4/6, bà đến phòng khám sàng lọc của Bệnh viện Bắc Thăng Long, chụp X-quang tim phổi, điều trị khoa Nội tổng hợp tại phòng cách ly tạm thời với chẩn đoán viêm phế quản phổi. Khi vào viện, bà tỉnh táo, sốt 37,8 độ C, ho đờm đục, tức ngực khi ho.
Bà được lấy mẫu xét nghiệm sáng 5/6, kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với nCoV, tối 6/6. Hiện, bà đã được chuyển sang khu cách ly điều trị F0 khoa Truyền Nhiễm.
Chỉ trong vòng 5 ngày, chuỗi lây nhiễm từ chợ Cửa hàng mới đã ghi nhận 14 ca dương tính, trong đó 13 ca tại huyện Đông Anh và một tại huyện Sóc Sơn. Ông Tuấn nhận định, chùm ca này có tốc độ lây lan nhanh bởi lịch sử buôn bán, tiếp xúc của các bệnh nhân rất phức tạp. Tuy nhiên, khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên cho đến nay, cơ quan chức năng đã khẩn trương khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc toàn bộ người dân sống tại ba khu phố xung quanh chợ Cửa hàng mới để đánh giá nguy cơ.
Ông cho rằng thời gian tới khả năng tiếp tục xuất hiện ca nhiễm mới, tuy nhiên nguy cơ của ổ dịch về cơ bản đã được kiểm soát. Các khu vực liên quan đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Ca nhiễm cũng chủ yếu tập trung tại thị trấn Đông Anh với tâm điểm là khu chợ nên không ảnh hưởng nhiều đến các quận, huyện khác và không ảnh hưởng đến vấn đề nới lỏng một số hoạt động thiết yếu, ổn định đời sống người dân.
Một khu vực tại phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, bị phong tỏa do liên quan hai ca nhiễm ngày 12/5. Ảnh: Ngọc Thành
Toàn thành phố ghi nhận 246 ca nhiễm, liên quan đến 12 chùm ca bệnh, tính từ 24/4 đến nay. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Hà Nội sáng 10/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhận định, thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch. Hiện còn 18 điểm phong tỏa, rải rác ở 10 quận, huyện. Thành phố đang kiểm soát tốt tình hình để chuẩn bị lộ trình có thể nới lỏng một số hoạt động, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng của dịch liên quan đến đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống người dân.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết thành phố vẫn đang kiên định với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và bước đầu có những hiệu quả. Sở Y tế và các đơn vị liên quan bảo đảm an toàn tuyệt đối tại tất cả các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường xét nghiệm sàng lọc tại những nơi có nguy cơ.
Trước mắt, thành phố có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới xuất hiện trong cộng đồng. Ngành y tế cần tăng cường vai trò các tổ Covid-19 cộng đồng, rà soát để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm các đơn vị, nhà thuốc, đơn vị tư nhân cung cấp dịch vụ y tế chưa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bất ngờ đối mặt cá sấu, người đàn ông Sài Gòn leo lên cây gọi... ứng cứu Vừa đẩy xuồng xuống kênh, con cá sấu nặng hơn 80kg bất ngờ xuất hiện làm anh Tuấn Anh hốt hoảng leo ngay lên cây tràm cao hơn 4m để lẩn trốn và gọi điện cho người thân đến ứng cứu. Cá sấu "khủng" nhảy lên xuồng của người đánh cá ở Sài Gòn Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan...