Người đàn ông 30 năm đỡ đẻ miễn phí cho phụ nữ ở vùng cao Thanh Hóa
Không kể nắng mưa, sáng tối, nhận được điện thoại là ông Hà Văn Sằng ở bản Tân Hương, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa lại xách đồ nghề lên đường đỡ đẻ cho thai phụ.
Đi bộ hơn 100km học sơ cấp y
Ông Sằng năm nay 58 tuổi, nhưng rất nhanh nhẹn. Bản Tân Hương cách trung tâm xã gần 10km, nếu không liên hệ trước thì rất khó có thể gặp ông. Bởi, ngày nào ông Sằng cũng lên nương làm rẫy, nếu không thì đi đỡ đẻ hay tuyên truyền, tư vấn sức khỏe cho nhân dân.
Tân Hương là bản người Thái. Trước kia, đường vào bản rất khó khăn, để ra được trung tâm xã có khi phải đi bộ mất cả ngày. Chính vì vậy, người dân ở đây gần như sống biệt lập.
Một góc xã Tam Chung. Ảnh: Lê Dương
Ông Sằng ngày đó chỉ mới học hết lớp 4 là phải nghỉ để theo bố mẹ làm rẫy. “Ngày đó mình thích đi học lắm, nhưng vì nhà nghèo, còn phải lo từng bữa. Thức ăn chủ yếu là muối trắng và rau rừng, nên buộc phải nghỉ học sớm”, ông Sằng nhớ lại.
Mặc dù không theo học nữa, nhưng ông Sằng thường xuyên được già làng, trưởng bản nhờ đọc, viết các giấy tờ trong những buổi sinh hoạt ở địa phương.
Nói về cơ duyên đến với nghề y, ông Sằng cho biết, giữa năm 1987, địa phương có chương trình cử người tham gia khóa đào tạo sơ cấp y tá ở Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Ông được bà con giới thiệu đi học. Lúc đó, ông mới 12 tuổi.
“Lúc giới thiệu, bản thân tôi có biết gì về y đâu. Có người còn bảo học y khó lắm. Họ bảo rất cần có y tế thôn, bản để mỗi khi ốm đau, bệnh tật còn có người thăm khám, chữa trị. Thấy bà con đặt niềm tin vào mình, tôi mạnh dạn tham gia với mong muốn sau này sẽ giúp mọi người vơi bớt phần nào khó khăn”, ông Sằng nói.
Ông Sằng chuẩn bị đồ nghề để đi thăm khám. Ảnh: Lê Dương
Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa cách nhà ông hơn 100km. 9 tháng tham gia khóa học sơ cấp y tế là khoảng thời gian quá vất vả với ông lúc bấy giờ. Không có phương tiện đi lại, đường sá khó khăn nên mỗi lần đi học, ông đều phải đi bộ. Mỗi chuyến đi, ông không quên cõng theo gạo, cơm nắm ăn dọc đường.
Video đang HOT
Xong khóa học, ông Sằng về bản sinh sống và thăm, khám cho người dân những bệnh thông thường như cảm cúm, đau bụng.
30 năm đỡ đẻ không công
Theo ông Sằng, ngày đó do đường xá đi lại khó khăn, nên khi người dân đau ốm chỉ nằm ở nhà uống nước lá cây rừng, gọi thầy cúng. Đặc biệt, chuyện phụ nữ sinh con tại nhà là phổ biến.
“Năm 1995, tôi bắt đầu trở thành “cô đỡ thôn bản” khi tự tay đỡ đẻ được cho một phụ nữ sinh con tại nhà. Lúc đó, trong bản có một sản phụ chuyển dạ sinh con vào đêm, giữa tình thế cấp bách, gia đình đến nhờ, tôi lập tức mang dụng cụ y tế đến.
Bộ dụng cụ, đồ nghề đơn sơ. Ảnh: Lê Dương
Lần đầu đỡ đẻ, tôi loay hoay mãi. Tôi phải trấn an và nhớ lại những kiến thức đã học rồi thực hiện theo từng bước. Lúc bấy giờ dụng cụ y tế sơ sài, sau khi bé chào đời, tôi phải dùng thanh nứa để cắt dây rốn, dùng dây gai thắt rốn cho cháu. Khi ca đỡ đẻ thành công, mẹ tròn con vuông, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, ông nhớ lại.
Theo ông Sằng, từ khi đỡ đẻ thành công, trong làng cứ phụ nữ nào sinh con lại gọi đến ông. Nhiều hôm sản phụ chuyển dạ vào nửa đêm, gia đình đến gọi, ông lại cấp tốc lên đường. Gia đình đang đi làm trên nương, có người sinh con, ông cũng chạy lên tận nơi…
Ông đã làm công việc này 30 năm qua, đỡ đẻ được cho gần 100 sản phụ trong bản và các bản lân cận.
Điều đặc biệt, trong suốt những năm làm “cô đỡ thôn bản”, ông Sằng không lấy một đồng tiền công nào. Ông coi đó là công việc của mình, phải giúp đỡ bà con. Ông bảo, cứ sau mỗi ca đỡ đẻ thành công là ông vui rồi.
Sau mỗi ca đỡ đẻ, ông Sằng đều cẩn thận ghi vào sổ theo dõi. Ảnh: Lê Dương
Nói về chuyện đỡ đẻ, ông Sằng bảo ông chưa đỡ hỏng cho ai bao giờ, nhưng đỡ cho vợ mình, ông lại làm mất một đứa con. Đó là năm 1996, vợ ông mang thai đứa thứ 5. Hai vợ chồng đang làm trong rẫy thì vợ đau bụng chuyển dạ. Đưa về nhà không kịp, vợ ông sinh con giữa đường.
Do không có dụng cụ y tế nên đứa con đã qua đời sau một tháng, do nhiễm trùng cuống rốn.
“Bây giờ đường sá thuận tiện, phụ nữ sinh đẻ có thể đến trạm y tế, bệnh viện, không còn việc đẻ tự nhiên ở nhà nữa, nên công việc của tôi cũng đỡ bận hơn. Dù ở thời điểm nào, cứ có ai gọi là tôi sẵn sàng đến đỡ đẻ ngay.
Công việc hiện tại của tôi bây giờ, ngoài lúc lên nương làm rẫy thì đến từng nhà dân để tư vấn sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, vận động sản phụ tham khảo thêm kiến thức sinh sản… Với mức phụ cấp khoảng 1 triệu đồng/tháng, dù lương thấp nhưng tôi rất thích công việc của mình”, ông Sằng chia sẻ.
Người tài xế 'chở ấm no' tới đồng bào vùng cao
Bên cạnh công việc là một tài xế taxi, anh Nguyễn Thái Ngọc hằng ngày vẫn bận rộn với những chuyến xe chở nhu yếu phẩm hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại vùng cao tỉnh Thanh Hóa.
Anh Nguyễn Thái Ngọc, Chủ nhiệm CLB Thiện nguyện Thanh Hóa. (Ảnh: NVCC)
Anh Nguyễn Thái Ngọc (45 tuổi ở TP Thanh Hóa) hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thiện nguyện Thanh Hóa. Trong gần 6 năm hoạt động, CLB đã tổ chức nhiều chuyến thiện nguyện tới các xã, bản miền núi trong tỉnh, hỗ trợ bà con Nhân dân và đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn những đồ dùng thiết yếu như quần áo ấm, sách vở, máy lọc nước...
Người tài xế với cơ duyên làm thiện nguyện
Là người con của mảnh đất Yên Cát (Như Xuân), anh Ngọc thấm thía những vất vả, thiếu thốn của những người dân miền núi, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Với công việc chính là tài xế taxi, anh đã chứng kiến những khó khăn, vất vả của bà con ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Đó cũng chính là động lực thôi thúc người tài xế này tham gia vào các hoạt động thiện nguyện.
Vào năm 2017, trong một lần hữu duyên công tác tại chùa Thiên Thanh (Triệu Sơn), anh Ngọc cùng sư trụ trì và các Phật tử thành lập CLB Thiện nguyện chùa Thiên Thanh. Tuy CLB chỉ hoạt động trong 1 năm, nhưng đó là tiền đề sau này anh thành lập CLB thiện nguyện của riêng mình.
Sau chuyến thiện nguyện giúp đỡ đồng bào tại bản Sa Ná (Na Mèo, Quan Sơn) trong trận lụt lịch sử năm 2019, anh quyết định thành lập CLB Thiện nguyện Thanh Hóa với mục đích tổ chức thường xuyên các chuyến thiện nguyện để giúp đỡ được nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ.
Anh Ngọc chia sẻ, những ngày đầu thành lập, CLB gặp không ít khó khăn bởi chưa nhận được sự tin tưởng từ cộng đồng. Đồng thời, bản thân các thành viên trong CLB cũng là những cá nhân có điều kiện kinh tế cơ bản, vì yêu thích việc làm thiện nguyện nên chung tay cùng anh xây dựng CLB. Có thể nói, tài chính là một trong những bài toán lớn được đặt ra của CLB Thiện nguyện Thanh Hóa tại thời điểm đó.
Đối với cá nhân anh Ngọc, những ngày đầu làm thiện nguyện, anh nhận về không ít sự phản đối từ bạn bè, người thân. Ngay cả vợ anh khi ấy cũng không ủng hộ. Tuy nhiên, sau khi nhìn thấy những việc làm có ích cho xã hội của anh được công nhận, chị không chỉ ủng hộ mà còn trực tiếp tham gia vào những chuyến thiện nguyện cùng chồng.
Một chuyến thiện nguyện của CLB Thiện nguyện Thanh Hóa. (Ảnh: NVCC)
Chia sẻ với những hoàn cảnh đặc biệt
Sau 5 năm chính thức đi vào hoạt động, CLB Tình nguyện Thanh Hóa đã có 40 thành viên đến từ khắp nơi trên địa bàn tỉnh.
"Nhận được sự ghi nhận của địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh, đến nay CLB đã tổ chức được gần 50 chương trình thiện nguyện, chủ yếu hỗ trợ và giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn tại vùng cao, đặc biệt là các trường tiểu học tại các xã, bản miền núi Thanh Hóa. Mỗi chương trình được tổ chức với kinh phí từ 40 - 50 triệu đồng", anh Ngọc cho biết.
CLB hỗ trợ bà con kinh phí, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu như quần áo, chăn ấm... và đặc biệt là hỗ trợ máy lọc nước cho các trường tiểu học vùng cao. Kinh phí tổ chức các chương trình thiện nguyện do anh và các tình nguyện viên vận động, quyên góp từ cộng đồng, các nhà hảo tâm và từ chính các thành viên của CLB.
Anh kể lại một chuyến đi khiến anh nhớ nhất, đó là lần CLB tổ chức thiện nguyện vào mùa đông tại bản Nà Đang (xã Lâm Phú, Lang Chánh) vào năm 2021. Khi đó, trên đường lên bản Nà Đang, xe chở vật phẩm quyên góp bỗng tụt dốc. Các thành viên cùng một số người dân bản liền đẩy xe lên dốc và vác hàng hóa đi bộ lên bản để có thể tiếp tục chuyến thiện nguyện. Hình ảnh các thành viên với gương mặt lấm lem khói đen nhưng trên môi vẫn nở nụ cười chính là hình ảnh anh không thể nào quên được trong suốt hành trình làm thiện nguyện của mình.
Không chỉ tổ chức các chuyến thiện nguyện trên địa bàn vùng cao, anh còn thường xuyên giúp đỡ những hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xung quanh mình. Gần đây nhất là trường hợp của chị Nguyễn Thị Thoa (46 tuổi ở xã Quảng Minh, TP Sầm Sơn).
Chị Thoa bị tai biến 4 năm nay, đã mất hoàn toàn khả năng lao động, hiện sống cùng mẹ là bà Bùi Thị Ban (73 tuổi) và có một con gái 4 tháng tuổi. Toàn bộ chi phí sinh hoạt của gia đình đều trông chờ vào khoản trợ cấp cựu thanh niên xung phong ít ỏi của bà Ban.
Theo chân anh Ngọc đến thăm và động viên gia đình chị Thoa, ủng hộ chị những bộ quần áo cho em bé, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ cho chị Thoa, mới thấy rằng anh tâm huyết với công việc thiện nguyện này đến nhường nào.
Anh Thái Ngọc cùng CLB Thiện nguyện Thanh Hóa tổ chức chuyến thiện nguyện tại bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát. (Ảnh: NVCC )
Chia sẻ những mục tiêu trong tương lai của CLB, anh Ngọc cho biết thêm: Thời gian tới CLB sẽ cố gắng tổ chức ít nhất 4 chương trình tình nguyện trong 1 năm. Đồng thời, nỗ lực đưa CLB Thiện nguyện Thanh Hóa ngày càng phát triển nhằm duy trì đều đặn các hoạt động và tổ chức kịp thời, có hiệu quả những chuyến thiện nguyện hướng về cộng đồng.
Bị cáo buộc chuyện nhạy cảm và thái độ của Quỳnh Alee Hot TikToker Quỳnh Alee khéo léo, đối mặt tự tin trước tin đồn thất thiệt. Sau một thời gian tạm bình yên, Quỳnh Alee - cô nàng hot girl, streamer nổi tiếng lại đang trải qua một đợt drama, sóng gió. Cụ thể, người đẹp bất ngờ bị cuốn vào những cáo buộc liên quan đến việc làm nghề nhạy cảm từ một...