Người dân ở TP.HCM mừng khi nhận tiền hỗ trợ Covid-19 đợt 3: Đợi 20 phút ‘tiền đến tay’
Chiều nay (1.10), nhiều người dân ở P.12 (Q.5, TP.HCM), người ở trọ đã vui vẻ đến 6 điểm để nhận tiền TP.HCM hỗ trợ đợt 3, mức 1 triệu đồng/người. Cầm sấp tiền hỗ trợ kịp thời trên tay, ai cũng không giấu được niềm vui.
Bà Hà Kim xúc động nhận tiền từ cán bộ phường. Ảnh CAO AN BIÊN
Cả nhà ai cũng mừng
Được thông báo 13 giờ 30 phút đến một trường tiểu học trên đường Hồng Bàng (Q.5) gần nhà để nhận tiền hỗ trợ, nhưng mới 13 giờ anh Lý Quốc Bửu (41 tuổi) cùng vợ và con gái đã đến đây để chờ. Những đợt trước, gia đình anh đều chưa nhận tiền hỗ trợ nên lần này, khi nhận được thông báo từ tổ trưởng dân phố và cảnh sát khu vực rằng cả gia đình anh 7 người đều được nhận tiền, ai cũng mừng không ngủ được.
Trong lúc ngồi chờ, anh tâm sự mình làm tài xế công nghệ, suốt nhiều tháng nay vẫn chưa thể đi làm trở lại. Cả gia đình 7 người của anh, có ba mẹ già đã ngoài 80 không thể lao động được, vợ làm nội trợ. Trong khi đó, 3 đứa con nhỏ, đứa học lớp 8, đứa lớp 4 đứa vừa mới học mầm non nay vừa vào năm học mới nên bao nhiêu gánh nặng lại đè lên vai người trụ cột gia đình như anh Bửu.
Người dân đến nhận hỗ trợ tại một trường tiểu học trên đường Hồng Bàng (Q.5) chiều nay (1.10). Ảnh CAO AN BIÊN
Người đến nhận tiền mang theo CMND, sổ hộ khẩu. Ảnh CAO AN BIÊN
“Mấy tháng qua không làm ra đồng nào, cả nhà sống bằng tiền dành dụm được, bằng sự hỗ trợ của chính quyền, mạnh thường quân và hàng xóm láng giềng. May sao nhà là của mình chứ không phải nhà thuê, nếu không chắc cũng không trụ nổi”, anh kể.
Sau khi tới lượt mình, anh cùng các thành viên trong gia đình xuất trình giấy CMND và sổ hộ khẩu để cán bộ rà soát thông tin, sau đó sẽ được cung cấp một số thứ tự. Sau khi được gọi tên, anh Bửu nhanh chóng tiến lên phía trước ký xác nhận, rồi nhận tiền.
Video đang HOT
Anh Bửu vui mừng vì cả nhà 7 người ai cũng được tiền. Ảnh AN BIÊN
Vì nhà có 7 người, nên anh lần lượt đọc tên và thông tin cá nhân của các thành viên trong gia đình để cán bộ tại đây kiểm tra, đến tên ai cán bộ lại đếm đúng 1 triệu để gửi cho anh để tránh nhầm lẫn. Cầm trên tay 7 triệu đồng, anh đếm lại cẩn thận rồi cảm ơn cán bộ phường và cung cả gia đình trở về nhà.
Anh Bửu nhận tiền cho 7 thành viên trong gia đình. Ảnh CAO AN BIÊN
Nhìn vào số tiền vừa nhận được, anh xúc động nói với nhiều người nó không nhiều, tuy nhiên lại là một tài sản lớn với gia đình anh lúc này. Anh dự tính ngoài việc trang trải các chi phí trong nhà anh cũng sẽ dùng nó để đầu tư cho việc học của 3 đứa con nhỏ.
“Mong sao thời gian tới tôi cũng sớm đi làm lại để có tiền nuôi gia đình. Hồi trước dịch, ngày tôi chạy hơn 12 tiếng để kiếm tiền đó, vì ba mẹ, vợ con mình phải cố gắng thôi chứ sao”, anh bùi ngùi.
Bà Thơm đếm lại số tiền cẩn thận. Ảnh CAO AN BIÊN
Lát sau, mẹ con bà Nguyễn Thị Thơm (65 tuổi) cũng đã nhanh chóng nhận được tiền hỗ trợ. Bà nói vì mình đến sớm nên thời gian chờ đợi không quá lâu, chừng 20 phút là “tiền tới tay”. Nhà có 3 người, anh Bành Phong Ngọc Bá (38 tuổi, con trai bà Thơm) làm trong một quán ăn để nuôi cha mẹ già, dịch Covid-19 anh thất nghiệp nhiều tháng trời nên gặp khó khăn.
“2 đợt trước tôi cũng không nhận được tiền, đợt này cả nhà 3 người nhận được thì quá mừng luôn chứ sao. Số tiền không phải quá lớn, nhưng có bao nhiêu thì mình mừng bấy nhiêu. Mong sắp tới sớm đi làm lại để còn trang trải”, anh hy vọng.
Để tiền đến tay người dân, người ở trọ sớm nhất
Ông Lâm Tắc Trung – Phó Chủ tịch UBND P.12, Q.5 cho biết trong đợt 3 này, theo danh sách phường hỗ trợ cho 5.765 người. Trong danh sách này có hơn 300 người là người ngoại tỉnh, lưu trú trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu dân cư nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn, trong thời gian TP giãn cách và đang có mặt tại địa bàn. Ngày đầu tiên, phường đã trao cho khoảng 30 người thuộc nhóm người này.
Để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân cũng như đảm bảo giãn cách, phường đã tổ chức 6 điểm để người dân đến nhận hỗ trợ.
Ông Trung thông tin thêm, trong ngày đầu tiên (1.10), phường sẽ chi hỗ trợ cho 1451 trường hợp. Riêng điểm này trong hôm nay sẽ hỗ trợ cho 400 – 500 người, trong buổi sáng đã có hơn 200 người nhận được hỗ trợ.
Với gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3, TP.HCM sẽ dừng ứng dụng (app) “SafeID Delivery” để chi trả cho dân. Ảnh CAO AN BIÊN
Cán bộ phường 12, Q.5 kiểm tra thông tin người đến nhận trợ cấp cẩn thận, tránh để sái sót. Ảnh CAO AN BIÊN
Để nhận được tiền, người dân chỉ cần mang CMND, sổ hộ khẩu hoặc giấy khai sinh. Trường hợp các em còn nhỏ hoặc các cụ già lớn tuổi không đến nhận được, phường sẽ đến tận nhà để trao.
“Dù vậy, chúng tôi cố gắng hết sức để gói hỗ trợ đến tay người dân kịp thời, mong họ có thể trang trải trong những ngày “bình thường mới” sắp tới”, ông Trung nhấn mạnh.
Như Thanh Niên đã thông tin, gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3 tại TP.HCM dự kiến sẽ hỗ trợ cho khoảng 7,3 triệu người (hơn 80% so với dân số của TP.HCM tại thời điểm Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019), mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/lần với 5 nhóm đối tượng thụ hưởng, gồm:
Nhóm thứ nhất gồm thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng đang gặp khó khăn. Nhóm thứ hai gồm người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (gọi tắt địa bàn). Nhóm thứ ba là người phụ thuộc của đối tượng nêu trên gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ đang có mặt trên địa bàn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách. Nhóm thứ tư gồm cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ của người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, NLĐ đang tham gia BHXH, NLĐ được doanh nghiệp trả lương của tháng 8.2021 có hoàn cảnh thật sự khó khăn, đang có mặt trên địa bàn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách. Nhóm thứ năm là người lưu trú trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu dân cư nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn, trong thời gian TP giãn cách và đang có mặt tại địa bàn.
Người dân cạn tiền, năn nỉ xin được về quê ở các chốt kiểm soát cửa ngõ TP.HCM
Sau khi TP.HCM gỡ các chốt nội đô, hàng ngàn người dân đã kéo về miền Tây từ tối qua (30/9) khiến cửa ngõ ở TP.HCM bị ùn ứ.
Đến sáng nay, thành phố đã có chủ trương đưa đón những người dân có nhu cầu về các tỉnh bằng xe khách song tại nhiều trạm CSGT đang xảy ra ùn ứ do lượng người có nhu cầu về quê quá đông, chưa thể giải quyết cho bà con ngay trong sáng nay.
Trưa nay, tại trạm Quốc lộ 1, đoạn qua khu vực thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, hướng về huyện Bến Lức, tỉnh Long An, người dân vẫn đang tập trung đông để chờ được bố trí, sắp xếp về quê. Hiện, đội CSGT Tân Túc đang giải quyết cho người dân về các tỉnh miền Tây nên đoạn đường bị ùn ứ, chưa bố trí giãn các phương tiện, xe vẫn chưa thể lưu thông.
Hàng ngàn người dân di chuyển bằng xe máy đến chốt kiểm soát giữa Long An và Tiền Giang.
Thiếu tá Bùi Tiến Lợi, Phó Trạm trưởng đội CSGT Tân Túc cho biết: "Tạm thời chúng tôi đang di dời người dân về quê vì người dân tập trung rất đông, chưa biết giờ nào mới giãn ra được nên vẫn đang bố trí, sắp xếp từ từ".
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM, hiện nay khi các xí nghiệp, doanh nghiệp đang từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, sẽ rất cần nhân lực. Hơn nữa tỷ lệ tiêm vaccine ở TP.HCM khá cao, hầu hết người dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, đây là nhân tố quan trọng trong việc vừa phục hồi kinh tế vừa phòng chống dịch.
Di chuyển từ đêm qua đến sáng nay mới tới Long An nên ai cũng mệt mỏi.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đang dần mở cửa lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, người dân nếu chưa nhận được gói hỗ trợ có thể đăng ký nhận gói an sinh. Đặc biệt với các trường hợp quá cấp thiết phải về quê, thì những người này nên đăng ký với chính quyền địa phương, Sở Giao thông vận tải để làm việc với các địa phương, bố trí, sắp xếp người dân về một cách an toàn.
Ông Lê Minh Tấn cho biết: "Riêng đối tượng trong độ tuổi làm công nhân, thì bà con nên ở lại để cùng thành phố khi các doanh nghiệp mở ra phục hồi sản xuất. Thành phố hiện giờ đang thu hút các lao động từ các tỉnh về làm việc và đang tính toán để các lao động vào thành phố làm việc với các doanh nghiệp, phục hồi sản xuất".
Còn tại tỉnh Long An, từ sáng sớm nay (1/10), hàng ngàn người dân từ TP.HCM và các địa phương lân cận di chuyển bằng xe máy đang đứng chờ để qua chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên Quốc lộ 1, khu vực giáp ranh tỉnh Tiền Giang. Phần lớn trong số đó là công nhân, lao động tự do qua thời gian giãn cách xã hội, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, không thể tiếp tục bám trụ nên buộc phải về quê. Họ xuất phát từ TP.HCM ngay chiều ngày hôm qua, nhưng đến chốt kiểm soát dịch thuộc địa phận huyện Bình Chánh, TP.HCM thì bị kẹt lại, đến rạng sáng nay mới qua đến Long An.
Vợ chồng anh Nguyễn Thành Thuận cùng 2 con nhỏ quê ở An Giang lên TP.HCM làm phụ hồ và mất việc trong nhiều tháng qua nên buộc phải về quê. Từ 12h đêm qua đến sáng nay vợ chồng anh mới đến địa phận Long An.
"Tôi lên TP đi làm phụ hồ mà vừa lên chưa tới 1 tháng thì dịch tới, rồi ở TP hơn 3 tháng không có tiền bạc gì hết. Giờ hai vợ chồng và hai đứa con phải về thôi, tôi đi từ 12h đêm tới giờ", anh Thuận chia sẻ.
Chính quyền tỉnh Long An đã liên hệ với các địa phương nơi đến để tổ chức tiếp nhận người dân. Sau khi thống nhất, lực lượng chức năng tại chốt sẽ giải quyết cho người dân đi qua. Địa phương nơi đến sẽ bố trí lực lượng chức năng đón tại địa phận của mình, tổ chức đưa người dân đi cách ly theo quy định. Nhiều người dân thuộc các tỉnh như Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng... được lập danh sách, kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy xét nghiệm, chứng nhận tiêm vaccine để giải quyết cho qua chốt.
Người từ Bình Dương về quê không được cho qua các chốt.
Còn tại Bình Dương, đến sáng nay, mặc dù đã nới lỏng giãn cách nhưng Bình Dương vẫn chưa cho phép người dân tự túc về quê. Trên các tuyến đường chính chốt kiểm soát dịch COVID-19 chưa được gỡ bỏ, người dân ra vào phải có lí do chính đáng. Do đó, khi người dân mang ba lô, đi xe máy đến các chốt đều được động viên và yêu cầu quay trở về nơi cư trú. Nhiều người khi được tuyên truyền thì quay đầu xe nhưng cũng có người đứng ở các chốt năn nỉ xin được về quê. Bởi, theo người dân suốt nhiều tháng qua đã cạn tiền để chi tiêu nếu ở lại mà không có việc làm, không được hỗ trợ sẽ rất khó khăn.
Trường hợp gia đình ông Lý Khánh Vĩnh (quê Bình Định) là một điển hình, gia đình vào Bình Dương được 8 tháng thì mất 4 tháng phải ở nhà vì dịch bệnh. Giờ đây, tiền tiết kiệm được cũng cạn mà mỗi tháng phải lo tiền trọ, tiền ăn, lo lắng đủ điều.
"Chúng tôi luôn sẵn sàng chấp nhận, thuận theo chủ trương của Đảng, Nhà nước ở lại Bình Dương nhưng hiện không có việc làm, sinh kế quá khó khăn nên mong địa phương khi vận động bà con ở lại phải tạo sinh kế, tạo công việc để làm kiếm sống", ông Lý Khánh Vĩnh cho biết.
Bình Dương kiểm soát để người dân không tự ý ra khỏi tỉnh.
Ở TP.HCM và các tỉnh có đông công nhân, người lao động như Long An, Bình Dương, Đồng Nai sau nới lỏng giãn cách, phần lớn người dân lao động đang mong muốn được về quê. Tuy nhiên, việc này có nguy cơ gây ra dịch bệnh tại địa phương, quá tải hệ thống y tế nên các tỉnh, thành khuyến khích người dân ở lại nơi đang tạm trú vì các doanh nghiệp sẽ cần người lao động. Các tỉnh thành cũng lưu ý người dân phải di chuyển phải theo tổ chức và không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác. Hiện các cửa ngõ về miền Tây được kiểm soát rất chặt, chính vì vậy người dân muốn di chuyển về quê nên đăng ký với chính quyền địa phương để có thể bố trí di chuyển hợp lý và an toàn./.
Nhiều tỉnh miền Tây đến cửa ngõ TP.HCM đón dân về Hiện tại các chốt chặn trên quốc lộ 1 về miền Tây đã phần nào thông thoáng trở lại khi nhiều tỉnh cùng chung tay đón người dân về quê. Dòng người ùn ứ tại khu vực cửa ngõ Tiền Giang trên quốc lộ 1 được hỗ trợ nước uống trong khi chờ kiểm tra tình trạng sức khỏe để qua chốt -...