Người dân nô nức ra bờ biển vui chơi đầu Xuân mới
Tại huyện Diễn Châu ( Nghệ An), theo thông lệ hằng năm, từ ngày mùng 2 Tết, cùng với việc đi lễ chùa cầu may, người dân nhất là ở các làng ven biển chọn ngày, giờ và dành nhiều thời gian để ra bờ biển vui chơi, dã ngoại, du lịch như một hoạt động đầu tiên khởi động cho một năm mới.
Địa điểm du lịch Hòn Câu (xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, Nghệ An) tuy còn hoang sơ, ít dịch vụ nhưng dịp sau Tết luôn thu hút đông đảo du khách đến vui chơi, dã ngoại.
Nhiều ngày qua, nhiều bãi biển trên địa bàn các xã Diễn Thành, Diễn Thịnh, Diễn An, Diễn Kim, Diễn Hải và cửa biển Lạch Vạn… trở nên sôi động, nhộn nhịp bởi lượng người đổ về tăng đột biến. Việc chọn hướng “xuất hành” ra bờ biển là dịp để mỗi người dân cân bằng lại nhịp sống, tâm hồn sau những tất bật, vội vã trước, trong dịp Tết; cầu mong những điều bình an, may mắn trong cuộc sống; đồng thời dành thời gian cho các những người yêu thương nhiều hơn, gắn kết hơn nữa tình cảm, sự đoàn kết, thân thiết trong gia đình, bè bạn.
Huyện Diễn Châu có hơn 20 km đường bờ biển trải dài qua 8 xã ven biển, bãi ngang, tạo nên những điểm vui chơi, dã ngoại thu hút người dân tìm đến trong dịp nghỉ Tết như bãi biển Cửa Hiền (xã Diễn Trung), bãi biển các xã Diễn Thành, Diễn Thịnh, Diễn Kim, Hòn Câu (xã Diễn Hải), cửa biển Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc)… Các bãi biển này tuy còn hoang sơ, ít dịch vụ nhưng do hội tụ được các yếu tố tự nhiên, thiên nhiên ưu đãi, như: Bờ biển dài, thoải và nông, có nhiều sóng; không gian thoáng đãng; những rừng phi lao xanh tốt tạo khí hậu mát lành; nhiều bãi đá nổi mang dáng vóc, hình hài độc đáo của quá trình kiến tạo hàng ngàn năm cùng với sự đa dạng sinh học, môi trường sinh cảnh đa dạng, giàu tiềm năng phát triển du lịch đã trở thành sự lựa chọn của đông đảo du khách trong dịp nghỉ Tết.
Tại các điểm vui chơi, bãi biển thuộc các xã ven biển, bãi ngang của huyện Diễn Châu, nhiều ngày qua luôn tấp nập người dân đến vui chơi, dã ngoại. Từng dòng xe cộ đổ về từ sáng sớm đến chiều muộn. Năm nay, người dân đi du xuân, xuất hành ra bờ biển khá thuận lợi bởi sau ngày 1 Tết, thời tiết nắng ấm, khô ráo, lại trùng với chu kỳ thủy triều xuống thấp vào ban ngày nên các hoạt động vui chơi, dã ngoại, trải nghiệm trên bờ biển diễn ra dễ dàng hơn.
Bãi biển Hòn Câu (xã Diễn Hải) mỗi ngày thu hút hàng ngàn lượt người dân trong và ngoài tỉnh đến dã ngoại, trải nghiệm. Sở hữu dải đá vôi trải dài với hàng trăm khối đá kích thước lớn, nhỏ khác nhau trên bờ biển, cùng với khung cảnh hài hòa giữa mây trời, sóng nước, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân neo đậu, rặng phi lao xanh mướt chạy dài ngút mắt, bãi biển Hòn Câu luôn là địa điểm được ưu tiên trong hành trình du xuân, vui chơi của nhiều người.
Video đang HOT
Thủy triều xuống, dãy núi đá vôi Hòn Câu (xã Diễn Hải) lộ diện toàn bộ trên bờ biển, thu hút đông đảo du khách đến vui chơi trong dịp nghỉ Tết.
Những hoạt động của người dân, du khách tại bãi biển Hòn Câu cũng rất đa dạng như: Tản bộ trên bờ biển, nô đùa với những con sóng nhỏ và tận hưởng không khí trong lành; chụp ảnh không gian biển; trải nghiệm nhịp sống sinh hoạt của ngư dân làng biển; tham gia khai thác hải sản gần bờ đầu năm lấy may; khám phá sự đa dạng sinh học của hệ động, thực vật thủy sinh quanh dải đá vôi.
Nhiều bạn trẻ lại thích viết những ước mơ, mong muốn, dự định trong năm mới lên bờ cát rồi để sóng biển xóa đi. Các hoạt động vui nhộn, hoạt náo như thu lượm vỏ sò, ốc biển, hái dây hoa muống biển để xếp các hình thù ngộ nghĩnh trên bờ cát, xây lâu đài cát… cũng được nhiều nhóm người thực hiện.
Trong khi đó, nhiều ngư dân ở các làng biển thì chăm chút lại phương tiện khai thác còn neo đậu, rồi tản bộ trên bờ biển, dõi mắt về biển cả để nắm bắt “nhịp thở” của biển, đoán định ngày giờ, chọn ngày thực hiện tục lệ “nhúng giã”, “mở cửa biển” lấy may. Cùng với đó là hoạt động thắp hương chiêm bái, cầu may tại các ngôi mộ chôn cất xác cá Ông dọc chân đê ngăn mặn chạy qua các xã Diễn Kim, Diễn Hải, Diễn Hùng…
Theo nhiều người dân, ngoài sự cầu may, sức khỏe, công việc trong năm mới thuận lợi, hanh thông thì lý do để lựa chọn bãi biển, hướng biển trong hành trình du xuân, xuất hành đầu năm là muốn tìm đến môi trường thoáng đãng, ít sự ồn ào, vội vã để lấy lại cân bằng trong cuộc sống, tĩnh lặng cho tâm hồn sau những tất bật, vội vã. Đồng thời, đây cũng là dịp để người dân dành thời gian bên gia đình nhiều hơn, gắn kết hơn nữa mối quan hệ gia đình, bè bạn, người thân.
Em Nguyễn Thị Huyền Giang (xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu) chia sẻ, em và các bạn thân trong nhóm đến bãi biển Hòn Câu để vui chơi, thắt chặt hơn tình cảm bạn bè. “Trong chuyến du xuân này, chúng em đã chụp ảnh lưu niệm cùng nhau để lưu giữ những kỷ niệm đẹp, cầu chúc cho nhau những điều may mắn trong cuộc sống. Chúng em rất vui, phấn chấn, sau chuyến du xuân này, mọi người sẽ có thêm năng lượng tích cực, hăng say học tập để đạt kết quả cao hơn”, Giang cho biết.
Chiều muộn, lượng du khách trên bờ biển vẫn đông vui, nhộn nhịp.
Anh Thái Văn Hải (ngư dân xóm Thái Thịnh, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu) cho biết, ngư dân làng biển, quanh năm suốt tháng gắn bó với con thuyền, bè mảng, biển cả nên việc nghỉ dài ngày cũng khiến anh nhớ biển, nhớ thuyền và nhớ công việc khai thác, đánh bắt hải sản. Sáng mùng 2 Tết, anh và nhiều ngư dân trong làng đã sắp xếp công việc nhà để dọn dẹp lại bè mảng, thắp hương ở các mộ cá Ông, cầu mong một mùa khai thác ruốc biển thuận lợi, bội thu.
Quê gốc ở xã miền biển Diễn Hải (huyện Diễn Châu), lấy vợ và định cư ở huyện miền núi Đô Lương, năm nay anh Nguyễn Xuân Kỳ và vợ con đón Tết ở quê nội. Chiều mùng 3 Tết, anh Kỳ đưa vợ và 2 con nhỏ ra biển Hòn Câu vui chơi, du lịch. Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết: Việc ra bãi biển dịp nghỉ Tết để vui chơi trong không gian bao la của biển đã tạo cảm giác thích thú, thoải mái cho các thành viên trong gia đình. Các con có dịp để củng cố kiến thức, hiểu biết hơn về biển, về nghề khai thác, đánh bắt của ông nội, các chú, bác. Từ đó, các cháu biết trân trọng sức lao động, thêm yêu quê hương. Chuyến du lịch “0 đồng” nhưng giá trị mang lại rất lớn, rất có ý nghĩa.
Anh Lê Đăng Hoàn, quê gốc ở Nghệ An, làm việc, lấy vợ và định cư ở Lâm Đồng chia sẻ: Năm nào về quê nội ăn Tết, anh cũng sắp xếp đưa các thành viên trong đình ra bãi biển chơi. Những ngày tháng xa quê, mỗi dịp Tết đến, Xuân về là anh lại háo hức, mong chờ được về quê để cảm nhận sự đổi thay của quê hương miền biển, để hòa mình vào những buổi chợ đầu năm trên bãi biển, tận hưởng những ngọn gió đượm mùi biển cả. Để khi quay lại cuộc sống nơi phương xa, anh sẽ đỡ nhớ quê nhà.
Trong những ngày nghỉ Tết, chính quyền các địa phương đã cắt cử, phân công nhân sự trực tại các điểm vui chơi trên bờ biển để chấn chỉnh những hành vi gây mất an ninh trật tự, gây tổn hại đến môi trường tự nhiên của biển; tuyên truyền về bỏ rác đúng nơi quy định, không làm hư hỏng phương tiện của ngư dân. Đồng thời, lực lượng chức năng cắm biển báo để khuyến cáo người dân không đến những khu vực nước sâu, nguy hiểm, có đá ngầm trơn trượt…
"Cú huých" của du lịch Bình Thuận
Được lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023, Bình Thuận đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực để quảng bá, giới thiệu về thế mạnh du lịch địa phương gắn liền những sản phẩm du lịch đặc sắc.
Là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Bình Thuận sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng với lợi thế đường bờ biển dài hơn 190km cùng hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa đa dạng, các lễ hội truyền thống giàu bản sắc như lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Katê, rước đèn trung thu...
Theo Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, đây chính là nguồn tài nguyên giàu có, dồi dào để Bình Thuận phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch như: Du lịch nghỉ dưỡng, tham quan dã ngoại, du lịch thể thao giải trí trên biển, trên đồi cát, du lịch mạo hiểm, thám hiểm hang động, thực vật dưới biển, du lịch văn hóa, tín ngưỡng... Những năm qua, tận dụng thế mạnh từ tài nguyên, du lịch Bình Thuận đã có những bước tiến dài với tốc độ tăng trưởng bình quân 22,4%/năm, đóng góp vào tổng sản phẩm nội tỉnh trên 9% và đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Nhờ du lịch, diện mạo Bình Thuận đã dần thay đổi với sự xuất hiện của các dự án, khu phức hợp nghỉ dưỡng được quy hoạch bài bản, tích hợp nhiều tiện ích cao cấp, nhiều nơi trở thành những điểm đến nổi tiếng, được yêu thích của đông đảo du khách trong nước, quốc tế. Năm 2019, tỉnh Bình Thuận đã đón trên 6,4 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 15.200 tỷ đồng. Năm 2022, sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, Bình Thuận ước đón hơn 5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 12.800 tỷ đồng.
Với chủ đề "Bình Thuận-Hội tụ xanh", Năm Du lịch quốc gia 2023 hướng đến xây dựng những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe, bảo đảm phát triển du lịch bền vững.
Trên cơ sở phát huy những lợi thế du lịch sẵn có, nhằm đưa Năm Du lịch quốc gia trở thành động lực đẩy nhanh tốc độ phục hồi, bứt phá du lịch, thu hút các nguồn lực để phát triển, Bình Thuận đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để giới thiệu với du khách trong nước, quốc tế về những sản phẩm du lịch mới được xác định sẽ trở thành hướng đi chủ lực của du lịch địa phương. Với chủ đề "Bình Thuận-Hội tụ xanh", Năm Du lịch quốc gia 2023 hướng đến xây dựng những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe, bảo đảm phát triển du lịch bền vững.
Bên cạnh Lễ khai mạc và bế mạc được tổ chức công phu, hoạt động mang tính điểm nhấn là Lễ Công bố Năm Du lịch quốc gia 2023 gắn với lễ hội đếm ngược dự kiến diễn ra ngày 31/12/2022 tại thành phố Phan Thiết và lễ trao giải chung kết Cuộc thi "Khát vọng Việt Nam: Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE và Wellness hàng đầu thế giới năm 2045", dự kiến tổ chức tháng 9/2023 tại thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
Du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe là loại hình quan trọng được ngành du lịch Việt Nam định hướng phát triển sau đại dịch. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh, nội dung phát triển du lịch MICE và du lịch chăm sóc sức khỏe đã được Bình Thuận đưa vào quy hoạch phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những bước đi mang tính dài hạn. Bình Thuận cũng có chủ trương thu hút đầu tư cho các dự án lớn, bài bản ở những loại hình du lịch này.
Du lịch thể thao cũng là sản phẩm chủ lực mà tỉnh Bình Thuận hướng đến thời gian tới. Năm Du lịch quốc gia 2023 sẽ có hàng loạt sự kiện thể thao được tổ chức, như: Giải Marathon và cự ly dài giải Báo Tiền Phong; giải Bi-da vô địch Cúp câu lạc bộ quốc gia; giải Đua thuyền Rowing và Canoeing câu lạc bộ toàn quốc; giải vô địch các câu lạc bộ lân sư rồng quốc gia; giải đua xe đạp đường trường và địa hình trẻ quốc gia...
Bên cạnh đó là Tuần lễ Vàng du lịch Bình Thuận gắn liền lễ hội nước mắm, lễ hội thanh long, các sản phẩm OCOP của Bình Thuận; và các sự kiện quốc tế được kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo khách quốc tế như: Lễ hội ẩm thực quốc tế, Festival Nghệ thuật biểu diễn thế giới; Liên hoan các ban nhạc quốc tế... Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định: Chủ đề "Hội tụ xanh" của Năm Du lịch quốc gia-Bình Thuận 2023 sẽ tạo điểm nhấn cả về chủ trương và dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam và Bình Thuận, hướng tới liên kết các ngành, địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch xanh, bền vững.
Với việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023, Bình Thuận đặt mục tiêu đón 6,5 triệu lượt khách.
Năm Du lịch quốc gia 2023-Bình Thuận-Hội tụ xanh có 208 sự kiện, hoạt động; trong đó có 13 hoạt động tầm quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức; 31 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch có quy mô liên tỉnh, quốc gia và quốc tế do tỉnh Bình Thuận chủ trì tổ chức diễn ra xuyên suốt năm 2023; và 164 sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hưởng ứng do 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức.
Về miền di sản Tuy An Chúng tôi đến Tuy An, một huyện có địa hình với nét đặc thù riêng - thấp dần từ tây sang đông, núi đồi thấp, đồng bằng hẹp xen lẫn với sông và đầm. Bờ biển dài 42km từ cửa sông Đồng Nai ra đến cửa biển Bình Bá, khi thì bờ cát trắng trải dài, lúc lại cong như vầng trăng khuyết....