“Người dân nghe về đô thị thông minh đã nhiều, giờ cần hành động khẩn trương!”
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đã tiếp xúc doanh nghiệp, học tập nước ngoài để xây dựng đô thị thông minh và bây giờ là lúc hành động. “Người dân thành phố nghe nói về đô thị thông minh rất nhiều, bây giờ phải khẩn trương hành động để phục vụ người dân tốt hơn”, ông Phong nói.
Ngày 15/9, Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM chủ trì hội nghị “TPHCM mời gọi đầu tư xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh và trung tâm mô phỏng, dự báo kinh tế – xã hội”.
TPHCM mời gọi đầu tư xây dựng đô thị thông minh
Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, mục tiêu của đề án xây dựng thành phố thông minh là góp phần giải quyết những thách thức, tắc nghẽn mà thành phố đang gặp phải, gây bức xúc cho người dân như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… Qua đó, giúp thành phố phát triển kinh tế bền vững, tăng cường khả năng tương tác của chính quyền với người dân.
Theo ông Tuyến, TPHCM cần xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn cho toàn thành phố; xây dựng một trung tâm an ninh thông tin thu hút các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này; xây dựng 2 trung tâm giúp thành phố điều hành thông minh các vấn đề về an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn, giải quyết an ninh trật tự xã hội từ xa và giúp thành phố mô phỏng, dự báo kinh tế, xã hội.
Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TPHCM là một trong những địa phương công bố đề án đô thị thông minh sớm nhất cả nước sau khi lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một hội thảo quốc tế về đô thị thông minh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị
Theo Bí thư Nhân, hiện thành phố có một số lĩnh vực phát triển không bền vững, nguồn nhân lực chưa được tận dụng khai thác tốt. Các vấn đề dân số, hạ tầng, y tế, giáo dục, môi trường… đặt ra nhiều thách thức.
Thành phố có hơn 9 triệu dân, dự báo cứ 5 năm là tăng thêm 1 triệu người, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong 15 năm nữa. Thành phố chiếm 0,6% diện tích cả nước nhưng dân số chiếm tới 10%, mật độ dân số cao kéo theo đó là nhu cầu y tế, giáo dục cao trong khi hạ tầng giao thông phát triển chưa kịp gây ùn tắc giao thông. Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng tình trạng sụt lún (mỗi năm từ 1-2cm) nên nguy cơ ngập lụt thành phố là không thể tránh khỏi.
Cũng theo Bí thư Nhân, kinh tế thành phố cũng gặp những khó khăn như tốc độ tăng trưởng giảm dần so với cả nước. Nếu như năm 2012, kinh tế tăng trưởng gấp 1,74 lần mức tăng trưởng chung cả nước thì năm 2017 chỉ còn gấp 1,23 lần. Về xuất khẩu, năm 2000, tỷ trọng xuất khẩu của thành phố chiếm 56% thì đến năm 2017 chỉ chiếm 15% cả nước…
“Bài toán đặt ra là làm thế nào để vừa phát huy lợi thế vừa khắc phục các khó khăn thách thức, tiếp tục duy trì phát triển kinh tế, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế đất nước, nâng cao mức sống của người dân, chính quyền phục vụ người dân tốt hơn…”, ông Nhân nói.
Video đang HOT
Theo Bí thư Nhân, đô thị thông minh có 4 chủ thể gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, người dân và tất cả các chủ thể này phải là những chủ thể thông minh. Trong đó, sự tương tác của 4 chủ thể được thực hiện qua 3 môi trường là môi trường thực. không gian mạng, internet, viễn thông, con người tương tác với các thiết bị xung quanh mình.
Xây dựng đô thị thông minh, theo ông Nhân, trước hết là trách nhiệm của chính quyền, đó là chính quyền trách nhiệm, chính quyền thông minh, làm việc hiệu quả. Thứ hai là xây dựng môi trường để thực hiện sự tương tác giữa các chủ thể. Thứ ba là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo để góp phần làm cho quá trình tiếp nhận thông tin, lưu trữ thông tin, xử lý thông tin ngày càng hiệu quả cao.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước làm sáng tỏ những nội dung cần thiết để thành phố xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh và trung tâm mô phỏng, dự báo kinh tế – xã hội.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân (giữa), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tham quan triển lãm công nghệ
Trong một ngày diễn ra, hội nghị đã lắng nghe 15 bài tham luận của các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, để xây dựng đô thị thông minh, thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo, tiếp xúc doanh nghiệp, đi tham quan học tập ở nước ngoài, nhiệm vụ trọng tâm 2018 cũng đã triển khai.
“Thành phố phải hành động quyết liệt, khẩn trương. Người dân thành phố nghe nói về xây dựng đô thị thông minh rất nhiều, giờ cần hành động để phục vụ người dân tốt hơn”, ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố đề nghị Sở Thông tin – Truyền thông nhanh chóng công bố triển khai các nhiệm vụ. Theo ông, không thể chậm trễ, chờ đợi học tập vì học tập là cả quá trình dài, trong quá trình triển khai sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp.
“Không có mô hình chung nào cho thành phố thông minh mà căn cứ theo điều kiện của mỗi thành phố mà triển khai cho phù hợp. Người dân đang trông đợi và thành phố hãy chứng minh bằng hành động thực tế để xây dựng đô thị thông minh”, ông Phong nhấn mạnh.
Quốc Anh
Theo Dantri
Xây dựng đô thị thông minh nên "liệu cơm gắp mắm"
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng TPHCM không nên xây dựng đô thị thông minh giống mô hình có sẵn nào vì điều kiện khác xa nhau. Thay vào đó, thành phố nên xuất phát từ thực tiễn nhu cầu quản lý, phù hợp với khả năng và tình hình tài chính.
Chiều 18/4, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo UBND TPHCM đã có cuộc gặp gỡ với cộng đồng công nghệ thông tin - viễn thông để chung sức xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.
Ông Phạm Đức Long - Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)
Tại đây, ông Phạm Đức Long - Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - cho rằng TPHCM muốn triển khai đề án đô thị thông minh nhanh chóng, hiệu quả thì phải huy động nguồn lực nhiều doanh nghiệp tham gia.
Theo ông Long, triển khai đô thị thông minh là quá trình dài, do vậy thành phố cần thống nhất kế hoạch tổng thể. Từng dự án phải xác định cụ thể cái gì cần làm trước vì thực tế có những quốc gia đã triển khai đô thị thông minh một thời gian nhưng chưa có kết quả. Ngoài ra, thành phố nên tận dụng việc được thí điểm cơ chế chính sách đặc thù để triển khai đề án.
Trong khi đó, ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội tin học TPHCM - mong muốn chính quyền thành phố có chính sách, cơ chế cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào các đơn hàng của thành phố khi xây dựng đô thị thông minh.
TS Đinh Đức Anh Vũ - Trưởng Ban Đại học, ĐHQG TPHCM
TS Đinh Đức Anh Vũ - Trưởng Ban Đại học, ĐHQG TPHCM - cho biết hiện nay Việt Nam đang và sẽ thiếu đội ngũ kỹ sư làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Do đó, cần có sự phối hợp giữa các trường đại học với doanh nghiệp và Nhà nước để đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Trước lo ngại về đội ngũ nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng một trong những hạn chế hiện nay chính là thành phố chưa thống kê được năng suất lao động trong lĩnh vực này.
Theo Bí thư Nhân, hiện nay thành phố có khoảng 80.000 người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, chiếm 1,86% lao động của thành phố. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu phần cứng và phần mềm khoảng 9 tỷ USD, chiếm 25% giá trị xuất khẩu của thành phố. Đây là tín hiệu vui nhưng ngành công nghệ thông tin thành phố cần cố gắng, phát huy hơn nữa vì vẫn còn tiềm năng.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM đề nghị các đơn vị chức năng sớm thống kê cụ thể, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu bên lề buổi gặp gỡ
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, Bí thư Nhân cho biết thành phố rất hoan nghênh. Theo ông, nếu doanh nghiệp có năng lực thì có thể hợp tác với thành phố trong nhiều lĩnh vực. Thành phố có thể đặt hàng hoặc tổ chức đấu thầu.
"Doanh nghiệp TP có khả năng thì tham gia cùng thành phố xây dựng đô thị thông minh, nhiều đơn vị thì tổ chức đấu thầu. Chúng ta cố gắng học tập kinh nghiệm nước ngoài nhưng phải là sản phẩm người Việt", ông Nhân nói.
Trong một số hạng mục trụ cột của mô hình đô thị thông minh, Bí thư Nhân cho biết thành phố sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM xây dựng mô hình mô phỏng về kẹt xe, ngập nước...
Theo Bí thư Nhân, khu vực đô thị sáng tạo được thành lập từ 3 quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 sẽ là đô thị thông minh đầu tiên của TPHCM với nhiều lợi thế về hạ tầng, nhân lực, nền tảng công nghệ thông tin.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết TPHCM xây dựng đô thị thông minh phù hợp điều kiện và tình hình tài chính của thành phố
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, một số quốc gia xây dựng đô thị thông minh có lời khuyên rằng TPHCM không nên áp dụng theo một mô hình nào bởi vì có nhiều sự khác xa nhau.
Theo ông Tuyến, một số quốc gia giàu có và hệ thống hạ tầng đã hoàn chỉnh nên rất thuận lợi xây dựng đô thị thông minh. Trong khi đó, TPHCM chưa hoàn chỉnh về hạ tầng nên không thể làm giống mô hình quốc tế.
"Kinh nghiệm chung là phải xuất phát từ thực tiễn nhu cầu quản lý của thành phố, xây dựng những tiêu chí để trở thành đô thị thông minh, phù hợp với khả năng của mình vì tài chính thành phố có giới hạn", ông Tuyến nói.
Bên cạnh đó, ông Tuyến cho biết đang bàn bạc với ngành giáo dục để đưa nội dung xây dựng đô thị thông minh vào chương trình ngoại khóa của học sinh để thế hệ trẻ có nhận thức và hành động sớm, phục vụ cho phát triển đô thị thông minh của thành phố.
Quốc Anh
Theo Dantri
Khát vốn ODA, TPHCM "gồng gánh" tiền làm metro Gặp khó khăn về nguồn vốn ODA, UBND TPHCM đã tạm ứng gần 3.300 tỷ đồng để thanh toán tiền thi công dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, tuyến metro số 1 đã hoàn thành khối lượng công việc khoảng 56%. Trong đó, gói thầu CP1a (đoạn...