Người dân Nghệ An bán rẻ tôm, di chuyển cá chạy bão số 4 vào
Nhiều đầm tôm, cá ở Diễn Châu, Hưng Hòa ( Thành phố Vinh), Đô Lương mặc dù chưa đến kỳ thu hoạch, nhưng bà con chấp nhận thua lỗ để thu hoạch chạy bão số 4.
Anh Đậu Ngọc Mỹ ở xóm 4, xã Diễn Trung (Diễn Châu) có 2 đầm tôm với diện tích 4.500 m2 đã nuôi thả được 4 tháng, trọng lượng tôm đạt 60 con/kg. Mặc dù chưa đến kỳ thu hoạch, nhưng do bão số 4 đổ bộ vào Nghệ An, nên anh Mỹ phải bán chạy, chấp nhận giá thấp 120.000 đồng/kg.
Thu hoạch tôm chạy bão ở trại tôm của ông Đậu Ngọc Mỹ, xóm 4, xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Xuân Hoàng
Từ chiều 28 đến sáng 29/8 anh Mỹ đã bán được 1 tấn tôm. Hiện anh Mỹ đang chờ thương lái đến để tiếp tục thu hoạch.Anh Mỹ chia sẻ: Nếu không có bão vào, anh sẽ nuôi 20 ngày nữa mới xuất bán. Khi đó tôm sẽ đạt 45 con/kg, không bị ép giá.
Ngoài bán chạy tôm, người dân Diễn Trung còn tập trung che chắn những đầm tôm vừa mới thả tôm giống ở khu vực ngoài đê. Ông Nguyễn Văn Đồng ở xóm 6, xã Diễn Trung có 1 đầm tôm 2.000 m2 ở vùng ngoài đê, vừa thả con giống được 20 ngày. Anh Đồng cho hay, anh đã chuẩn bị hơn 100 m lưới để vây xung quanh đầm, phòng nước biển dâng gây ngập ao đầm. Hiện anh Đồng đang huy động nhân lực thu gom máy móc, sửa chữa máy nổ, đề phòng mất điện để chạy máy sục trong ao đầm.
Mặc dù trọng lượng tôm đạt 60 con/kg nhưng giá bán chỉ có 130.000 đồng/kg. Ảnh: Quang An
Ông Đậu Ngọc Hòa – Giám đốc HTX Chăn nuôi Diễn Trung cho biết: Trên địa bàn xã Diễn Trung có 16 đầm tôm khu vực ngoài đê phải bán chạy do bão số 4. Bà con chấp nhận giá thấp để thu hoạch, nhằm tránh thiệt hại khi bão đổ bộ vào. Với giá bán 130.000 đồng/kg là người nuôi tôm thua lỗ. Bình thường, giá tôm nay phải trên 160.000 đồng/kg.
Video đang HOT
Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Đối với nuôi trồng thủy sản, huyện Diễn Châu chỉ đạo các địa phương trọng điểm nuôi tôm: Diễn Trung, Diễn Thịnh tuyên truyền vận động người dân sử dụng lưới che chắn 10 ha tôm mới thả con giống ở vùng ngoài đê. Đối với những đầm tôm có thể thu hoạch được thì vận động bà con thu hoạch trước bão đổ bộ vào.
Tuy nhiên lượng tôm bán ra còn phụ thuộc vào thương lái đặt hàng. Ảnh: Quang An
Tại xã Hưng Hòa, vùng trọng điểm nuôi tôm của TP. Vinh hiện bà con cũng đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch trước khi bão vào. Toàn xã có 110 ha tôm vụ 2 đang cho thu hoạch, hiện đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích. Mặc dù bán chạy nhưng giá tôm tại Hưng Hòa vẫn nhỉnh hơn so với các địa phương khác, hiện dao động từ 140.000 – 150.000 đồng/kg.
Ông Dương Xuân Thám – Cán bộ nông nghiệp xã Hưng Hòa cho biết: Giá tôm ổn định là do thị trường tôm Hưng Hòa được tiêu thụ chủ yếu tại TP.Vinh, luôn hết hàng trong ngày chứ không bán liên tỉnh như các địa phương khác. Hiện chúng tôi đang kêu gọi bà con nhanh chóng thu hoạch diện tích còn lại tránh thiệt hại.
Đô Lương chuyển cá đến vùng an toàn
Tránh thiệt hại do cơn bão số 4 gây ra, sáng ngày 29/8, bà con nông dân nuôi cá nước ngọt trên địa bàn huyện Đô Lương đã triển khai quây lưới, be bờ, chuyển cá đến những vùng ao hồ an toàn.
Bà con nông dân huyện Đô Lương bắt cá để chuyển đến vùng an toàn. Ảnh: Ngọc Phương
Hiện nay, toàn huyện Đô Lương có 1.400 ha mặt nước thả cá. Trong đó có 647,5 ha được nuôi trên hồ chứa, hồ thủy lợi; 538,8 ha nuôi ở các ao hồ, số diện tích còn lại nuôi trên diện tích cá lúa vụ 1, vụ 2 và vụ 3.
Tại các khu vực nuôi cá trên ruộng lúa, bà con nông dân đã triển khai kéo lưới vận chuyển cá giống đến những nơi tránh ngập tràn nước. Đối với cá giống, số lượng cá kéo lên nếu trọng lượng lớn sẽ được xuất bán, giá 50 ngàn đồng/kg. Đối với cá có trọng lượng từ 0,5 kg trở xuống được gom giữ, chuyển đến nơi an toàn để làm cá giống vụ 3.
Theo Baonghean
Người phụ nữ bán bún ngày nào cũng đến chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ
"Các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, tôi tự nguyện đến chăm sóc ở nghĩa trang liệt sĩ mong muốn góp phần làm cho nơi yên nghỉ của các anh, các chị thêm phần sạch đẹp", đó là tâm sự của bà Võ Thị Bảy (52 tuổi) ở xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Mỗi buổi chiều, tại nghĩa trang liệt sĩ xã Diễn Liên, người dân thường thấy một phụ nữ lụi cụi quét dọn, tưới cây... Người phụ nữ đó là bà Võ Thị Bảy. Bà Bảy cho biết, cách đây mấy năm, trong một lần đến thắp hương ở nghĩa trang, bà đã nán lại làm vệ sinh, quét dọn, nhổ cỏ... và rồi công việc này gắn bó với bà từ đó.
Bà Võ Thị Bảy - người tự nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ.
Lúc đầu, thấy bà Bảy nhiệt tình đến dọn dẹp ở nghĩa trang liệt sĩ, nhiều người dân ngạc nhiên và dần dà, họ hiểu rõ ý nghĩa công việc mà bà đang làm. Mặc dù bận rộn việc nhà, bán bún kiếm kế sinh nhai nhưng hàng ngày, bà Bảy vẫn dành khoảng thời gian nhất định đến quét dọn, xới đất, trồng hoa, nhổ cỏ, tưới nước, lau chùi bia mộ... ở nghĩa trang.
Mỗi chiều, bà Bảy lại đến nghĩa trang xã Diễn Liên bắt đầu công việc quen thuộc của mình.
Nghĩa trang xã Diễn Liên được xây dựng năm 2003, là nơi yên nghỉ của 110 liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ. Trong khuôn viên rộng có nhiều công trình như nhà bia, đài tưởng niệm, phần mộ, cây cảnh... Vườn hoa trong nghĩa trang được bà Bảy chăm chút khá cẩn thận. Bà dùng xe rùa chở đất màu từ ruộng về đắp lên những luống hoa, tích cực sưu tầm các loại hoa đẹp, dễ sống đưa về trồng.
Giữa lúc mùa màng bận bịu, người dân địa phương vẫn thấy bà Bảy đến nghĩa trang làm công việc quen thuộc, thậm chí cả dưới ánh đèn đêm. Hè đến, nắng nóng kéo dài, bà lại hì hục kéo những chuyến xe tay, chở nước sạch từ nhà ra nghĩa trang để tưới cây. Thời gian gần đây, xã Diễn Liên đã mua một chiếc máy bơm cùng hệ thống vòi tưới nên công việc của bà đỡ vất vả.
Bà Bảy đã gắn bó với công việc trồng hoa, nhổ cỏ, tưới cây quét dọn... tại nghĩa trang liệt sĩ xã từ mấy năm nay .
Những năm qua, nhờ bàn tay chăm sóc của bà Bảy, khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ của xã Diễn Liên đã khác trước rất nhiều, sạch đẹp hơn.
Bà Bảy tâm sự: "Các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì quê hương đất nước, nằm lại ở nghĩa trang. Tôi đến nghĩa trang dọn dẹp với mong muốn góp phần làm cho nơi yên nghỉ của các anh, các chị ngày càng sạch đẹp. Đây là công việc mà tôi hoàn toàn tự nguyện".
Gia đình bà Bảy có 3 người con, các con đã lớn và đều được dựng vợ gả chồng, chồng bà Bảy làm nghề thợ xây. Là người nhiệt tình, năng nổ, bà Bảy không chỉ đảm đang việc nhà, mà còn là Tổ phó tổ dân cư số 1 (xóm 4) gương mẫu, tích cực. Bà là người đi tiên phong trong việc trồng hoa làm đẹp đường làng và xuất giống hoa cho nhiều chị em phụ nữ trong xã, làm lan tỏa phong trào trồng hoa ở địa phương. Việc bà tự nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ được gia đình hoàn toàn ủng hộ.
Ông Nguyễn Quốc Phó (55 tuổi) - chồng bà Bảy cho biết: "Con cái đã trưởng thành, hai vợ chồng sống với nhau, bà ấy tranh thủ làm được việc gì tốt thì cứ làm. Chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ hay làm đẹp đường làng đều là những việc có ích cả, tôi luôn tán đồng".
Thời gian gần đây, xã đã sắm một chiếc máy bơm cùng hệ thống vòi tưới nên công việc của bà đỡ phần vất vả hơn.
Chia sẻ với Dân Việt về việc làm của bà Bảy, ông Võ Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Diễn Liên cho biết: "Bà Võ Thị Bảy đã tự nguyện chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ xã từ mấy năm nay, người nhiệt tình với công việc tập thể như bà Bảy ở địa phương quả là hiếm. Chính quyền địa phương ghi nhận và khen ngợi sự đóng góp của bà Bảy trong công tác đền ơn đáp nghĩa".
Theo Danviet
Bất ngờ sự thật vụ '3 cháu bé bị bắt cóc' ở Nghệ An Ba cháu bé tự ý đi chơi vì sợ ba mẹ đánh đòn nên không dám về nhà, cứ đạp xe trên đường dẫn đến bị lạc. Khi cảnh sát tìm thấy các cháu đã đói và kiệt sức, được chăm sóc tỉnh dậy ban đầu, lo sợ nên các cháu "bịa chuyện" bị bắt cóc. Ba cháu bé đi lạc hoảng sợ...