Người dân ngại tố cáo tham nhũng vì ở thế đơn độc trong cuộc chiến
Dù pháp luật phòng chống tham nhũng đã cho phép người dân tố cáo tiêu cực tham nhũng bằng đơn thư, email, đường dây nóng… nhưng cơ chế “bảo vệ nguồn tin” vẫn chưa thật sự mạnh mẽ. Người dân hiện vẫn rất ngại vì ở thế đơn độc trong cuộc chiến của mình…
Chiều 20/5, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tọa đàm về vai trò của người dân trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nhắc lại việc phanh phui vụ “nhânbản xét nghiệm” tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội), y tá Hoàng Thị Nguyệt vẫn không nén được nước mắt. Cố gắng nhiều lần để bình tĩnh lại, chị Nguyệt mới thuật lại được những khó khăn đã vượt qua.
Ban đầu nhóm tố cáo của chị có 5 chị em thống nhất cùng lên tiếng về hành vi vi phạm của lãnh đạo bệnh viện. Nhưng đơn thư vừa bung ra, cả nhóm lập tức vấp phải những “đòn thù” của người bị tố cáo. Không chịu được áp lực, một số chị em đã phải rút đơn tố cáo ít lâu sau.
“Chúng tôi vấp nhiều lắm, vấp đầu tiên là sự thờ ơ của những cơ quan nhận đơn, thái độ vô cảm của những nhân viên trẻ, thiếu kinh nghiệm, mới vào nghề khi tiếp nhận thông tin tố cáo. Những ngày đầu vào cuộc, chúng tôi đã rất nản” – chị Nguyệt nghẹn giọng, đưa tay gạt vội nước mắt.
Nữ y tá Hoàng Thị Nguyệt được tôn vinh trong việc phanh phui vụ nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức.
Hi vọng mở ra khi nhóm 3 người còn lại của chị Nguyệt, chị Oanh tiếp cận được với cơ quan điều tra. Lực lượng này đã nhiệt tình, lập tức vào cuộc, thậm chí ăn bữa trưa ngày hôm đó cũng rất vội vàng để cùng người tố cáo đến cơ sở. Dù vậy, đến 2 tháng sau, sự việc lại rơi vào im lặng.
Chị Nguyệt nhớ lại: “Chỉ còn lại 3 chị em, chúng tôi thực sự rất áp lực, rất cô đơn giữa cơ quan khi đối tượng mình tố cáo, đối tượng tham nhũng, vụ lợi đều là cấp trên, là người có quyền chức, có quan hệ tác động được với nhiều cơ quan khác. Khi đó, bản thân tôi rất hoang mang lo lắng”.
Sự việc chỉ thực sự có hướng mở khi báo chí vào cuộc. Từng bài báo lần lượt xuất bản trong “một biển” những áp lực, tác động. “Tôi biết có những cuộc điện thoại xưng danh ở cấp này nọ gọi điện cho các phóng viên tác động, can thiệp nhưng các phóng viên vẫn kiên quyết bám đuổi vụ việc” – chị Nguyệt lại bật khóc khi kể. Từ đó, nhóm 3 người đứng ra tố cáo nhận được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận xã hội. Vụ nhân bản cuối cùng đã được đưa ra ánh sáng, đã được xét xử.
Video đang HOT
Dường như cảm thấy vẫn chưa đủ để người nghe tin vào câu chuyện đấu tranh chống tham nhũng của mình, chị Nguyệt cố phân trần trong nước mắt: “Chúng tôi đều là những cán bộ đã hơn 20 năm công tác tại bệnh viện, qua 5 đời giám đốc bệnh viện, hiện vẫn giữ quan hệ rất tốt với các lãnh đạo cũ chứ không phải phần tử quái dị gì. Chúng tôi chỉ thấy hành vi nhân bản xét nghiệm như này quá táng tận lương tâm nên kiên quyết đấu tranh để làm sáng tỏ”.
Sau khi đứng ra tố cáo hành vi sai phạm, chị Nguyệt khái quát, bản thân chị và đồng nghiệp phải sống trong rất nhiều những áp lực, kỳ thị. Nữ y tá kết thúc những chia sẻ, tâm sự đầy xúc cảm trong tiếng vỗ tay không dứt của hội trường.
Cũng trong chiều 20/5, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã trao giải cho 19 sáng kiến phòng chống tham nhũng (VACI) năm 2014.
Chia sẻ thêm về câu chuyện của chị Hoàng Thị Nguyệt, phóng viên báo Tuổi trẻ Lê Thanh Hà nhận xét, đây không phải lần đầu chị chứng kiến những giọt nước mắt của chị Nguyệt mà bản thân đã nhiều lần phải rơi nước mắt cùng những người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng. Có những lần bất lực nhìn người đưa đơn thư phải đầu hàng, phải rút lui, xin rút đơn. Khi đó, báo chí với những nguyên tắc về bảo vệ nguồn tin, bảo vệ nhân chứng chính là một động lực để hỗ trợ, động viên người tố cáo tham nhũng.
Chị Hà khẳng định, người dân tìm đến báo chí có thể vì không biết tìm đến “cửa” nào khác, thông tin với báo chí, người tố cáo cũng đỡ lo sợ bị lộ, có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm, gia đình, bản thân… Vì vậy, nguyên tắc bảo vệ nguồn tin là điểm rất quan trọng để báo chí nhận được sự ủng hộ, đồng hành của người dân trong cuộc đấu tranh của mình.
“Người đi tố cáo cần có một cơ chế bảo vệ thỏa đáng. Khi được bảo vệ, họ sẽ rất yên tâm và kiên tâm để tham gia cuộc đấu tranh của toàn xã hội” – chị Hà khuyến cáo.
Tán thành ý kiến các cá nhân điển hình đưa ra, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ Ngô Mạnh Hùng – phân tích, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh “muốn chống tham nhũng hiệu quả phải dựa vào dân”.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều người dân hiện vẫn rất e ngại, không muốn, không dám tham gia đấu tranh chống tham nhũng vì cảm giác bị cô lập, bị trù dập, đơn độc trong cuộc chiến của mình.
Vấn đề của cơ quan nhà nước là cần chủ động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật phòng chống tham nhũng, để người dân hiểu sâu sắc về những hệ quả đối với xã hội, với chính cuộc sống của bản thân, gia đình và thế hệ tương lai của việc không dũng cảm tuyên chiến với tham nhũng. “Làm lơ” cũng là một biểu hiện của việc tự đánh mất những quyền công dân cơ bản của mỗi người.
Dẫn chứng quy định của luật phòng chống tham nhũng hiện hành, ông Hùng khẳng định, quy định về việc tố cáo hiện rất thông thoáng, người dân có thể thực hiện qua đơn thư, hòm thư điện tử, đường dây nóng… Pháp luật cũng có cơ chế để khuyến khích, bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham nhũng… Tuy nhiên, cơ chế bảo vệ mạnh hơn với người tố cáo tiêu cực tham nhũng được xác nhận là một vấn đề cần “gia cố”.
P.Thảo
Theo Dantri
"Ngáo đá", trai đất Cảng khống chế nữ công nhân làm con tin
Lăm lăm chiếc kéo sắc nhọn, Cường ghì chặt nữ công nhân rồi cố thủ trong góc nhà kho.
Sự việc trên xảy ra chiều 19-5, tại công ty Đ, ở khu tập thể Nông Trường, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Sau khoảng 1 giờ vừa thương thuyết, vừa tìm cách tiếp cận, lực lượng công an đã khống chế được Phạm Văn Cường (SN 1991, ở xã An Tiến, huyện An Lão, TP Hải Phòng), đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con tin.
CAH Hoài Đức làm việc với Phạm Văn Cường
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hải - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, CAH Hoài Đức, sau khi được đưa về trụ sở cơ quan công an, Phạm Văn Cường vẫn còn những biểu hiện của người sử dụng ma túy. Còn người phụ nữ bị Cường khống chế, dọa giết thì vô cùng hoang mang, lo sợ. Công ty dệt len đã cho bị hại nghỉ phép để ổn định tinh thần.
Sau cơn ảo giác vì ma tuý, Phạm Văn Cường sẽ đối mặt với hình phạt của pháp luật
Trước đó, Phạm Văn Cường đi xe máy đến chợ M1 thì bị ảo giác, cho rằng có người đuổi đánh nên vứt lại lại xe máy, rồi trèo qua tường rào vào khu vực nhà kho công ty Đ. Tại đây, Cường đã lấy chiếc kéo trên bàn làm việc công nhân rồi khống chế, đe dọa chị Nguyễn Thị H (SN 1981, ở Vân Côn, Hoài Đức).
Dí kéo vào cổ và lôi chị H đi quanh xưởng, Cường uy hiếp: "Hôm nay số chị đen. Một là chị chết, hai là em chết". Thấy đối tượng xăm trổ, manh động, những công nhân còn lại đã bỏ chạy ra khỏi nhà kho. Bảo vệ công ty và một số người làm việc tại công trình xây dựng gần đó đã khuyên can, nhưng nam thanh niên "ngáo đá" không nghe, đuổi tất cả ra ngoài.
Cường khống chế bị hại, cố thủ trong góc nhà kho (ảnh do cơ quan công an cung cấp)
Nhận được tin báo về vụ việc, Đồn Công an Nam Hoài Đức, Đội Cảnh sát hình sự và công an xã An Khánh đã có mặt tại hiện trường tổ chức giải thích, động viên và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ yêu cầu Cường thả chị H. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ thương thuyết, Cường đã vứt bỏ hung khí, đồng ý trả tự do cho con tin. Lúc này, lực lượng công an nhanh chóng khống chế, bắt giữ đối tượng về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
Cơ quan CSĐT - CAH Hoài Đức đang tạm giữ hình sự Phạm Văn Cường để điều tra, lập hồ sơ xử lý.
Theo ANTD
Trộm không lục được tài sản, trải chăn xuống gầm giường ngủ Tên trộm nửa đêm ghé thăm nhà anh H, nhưng do không lục lọi được tài sản nên trải chăn xuống gầm giường ngủ Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam Nguyễn Xuân Hải (SN 1989, ở Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội) về hành vi trộm cắp tài sản....