Người dân mòn mỏi chờ kết luận vụ hàng tấn cá chết hàng loạt
Một số hộ dân là chủ thầu nuôi cá tại hồ Đình Tràng, xã Lam Hạ, TP. Phủ Lý, Hà Nam vô cùng xót xa trước hàng tấn cá chết trắng hồ. Ngay sau khi phát hiện cá chết người dân đã “đệ” đơn lên cơ quan chức năng nhưng đã hơn một tuần trôi qua mà vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
“Nín thở” vì mùi cá chết
Từ ngày 7 đến 10/8 tại hồ Đình Tràng, xã Lam Hạ, TP. Phủ Lý hiện tượng cá chết hàng loạt khiến người dân mất trắng hàng chục tấn cá, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Những hộ chủ cá tại hồ này chỉ biết đứng nhìn cá chết mà không biết làm gì được để vớt vát chút vốn đã bỏ ra.
Thế nhưng, không chỉ mất của mà nhiều ngày qua các chủ hộ nuôi cá ở hồ Đình Tràng, lẫn người dân sống quanh khu vực còn phải “nín thở” từng ngày vì mùi hôi thối khó chịu của xác cá chết.
Cá chết hàng loạt tại hồ Đình Tràng từ ngày 7 – 10/8
Video đang HOT
Xót xa trước hàng chục tấn cá bị chết, ông Nguyễn Văn Kiên, một hộ nuôi cá bị thiêt hại than thở: “Chưa có bao giờ mà tôi thấy đau như vụ này, cá chết trắng hết rồi, thế là bao nhiêu tiền của, vốn liếng tích cóp, vay mượn để nuôi thả cá giờ đã ra đi sạch, thế là lại trở về với tay trắng.
Hiện tại còn phải sống chung với mùi hôi thối của xác cá, mặc dù tôi đã cố vớt rất nhiều, nhưng vớt không xuể vì lượng cá chết quá nhiều. Ngoài ra số ba ba tôi thả dưới đó không biết sống chết thế nào nữa? Vì nếu ba ba chết thì nó không nổi lên, còn xuống xem thì mùi hôi xác cá đứng trên bờ còn không chịu nổi chứ đừng nói gì xuống đó”.
Không chỉ có chủ hộ thả cá phải sống trong mùi hôi thối mà còn có các hộ dân sống xung quanh hồ và người đi đường cũng phải chịu cùng chung cảnh ngộ. Ông Nguyễn Văn Gan sống cạnh khu vực hồ Đình Tràng lo lắng: “Từ ngày cá chết tới giờ, gia đình tôi không tài nào chịu được bởi mùi hôi tanh của xác cá. Mỗi khi có gió nồm thổi lên thì mùi hôi thối bay xộc vào nhà, khiến gia đình tôi phải sơ tán, cứ tình trạng như thế này còn kèo dài thì sức khỏe mọi người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Ông Kiên thẫn thờ nhìn hàng tấn cá chết mà chưa rõ nguyên nhân
Trao đổi với chúng tôi về biện pháp để giải quyết vấn đề nêu trên, ông Phạm Văn Tiệm, cán bộ môi trường UBND xã Lam Hạ cho biết: “Sau khi nhận được tin báo chúng tôi đã tiến hành kiểm tra hiện trạng và yêu cầu, đôn đốc các chủ hộ thu vớt số lượng cá chết lên để đảm bảo môi trường. Còn việc kiểm tra xác định rõ nguyên nhân như thế nào thì còn phải chờ đợi cấp trên vào cuộc”.
Mỏi cổ chờ kết luận
Trước sự việc trên người dân đã có đơn trình báo lên các sở ban, ngành tỉnh Hà Nam nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân cá chết. Hiện tượng cá chết tại hồ Đình Tràng các cơ quan vẫn chưa nắm rõ cụ thể vấn đề.
Khi trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Anh Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thủy sản, thuộc Sở NN&PTNT Hà Nam cho hay: “Diện tích hồ Đình Tràng do các hộ nuôi tự phát, không nằm trong diện tích đất nuôi trồng thủy sản, khi cá chết người dân cũng không báo cho chính quyền các cấp.
Nhưng theo nhận định chủ quan của tôi là do ô nhiễm nguồn nước từ sông Nhuệ chảy về, điều nữa là do cá bị ảnh hưởng không nhỏ của môi trường, thời tiết…”.
Hợp đồng đấu thầu hồ Đình Tràng của các hộ dân với UBND xã Lam Hạ
Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi, các hộ gia đình thầu hồ, gồm 4 hộ dân là ông Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Văn Lợi, Vũ Ngọc Đước, Nguễn Văn Oai lại cho rằng: “Diện tích hồ cá Đình Tràng là 15ha, được sử dụng từ những năm 90, trước đó chúng tôi thả cá tự nhiên, sau đó thì xã Lam Hạ đã cho thầu với thời hạn 3 – 5 năm. Từ năm 2005 xã đã gia hạn cho chúng tôi thầu 19 năm để nuôi trồng thủy sản, mỗi năm chúng tôi phải đóng 16,5 triệu /năm cho xã…”.
Ông Kiên cho biết, đây là mô hình trang trại đầu tiên được các cơ quan trong tỉnh quan tâm, nó còn là mô hình điểm của Hội cựu chiến binh tỉnh Hà Nam. Ông đã dốc hết công sức, đầu tư để có thể làm gương cho mô hình trong tỉnh, nào ngờ giờ cá lại bị chết hàng loạt như thế này.
Theo ông Kiên thì nguyên nhân cá chết có thể là do nước thải từ mương A48 chảy từ KCN Đồng Văn về. Thế nhưng khi ông có ý kiến yêu cầu phía cơ quan chức năng kiểm tra mẫu nước thì họ nói nhà nước không cấp tiền để xét nghiệm, nghiên cứu mẫu nước!?
Ông Trịnh Xuân Lành, Phó chủ tịch UBND xã Lam Hạ cho biết: “Khu vực hồ Đình Tràng có tổng diện tích là 12ha, phía Bắc nối tiếp với cống A48 dẫn nước từ huyện Duy Tiên về. Đây là diện tích chúng tôi cho người dân thầu với thời hạn từ 3 – 5 năm, năm 2005 cho các hộ thầu lên 19 năm. Mới đây UBND tỉnh Hà Nam lại có quy định mới chỉ cho thầu thời hạn ngắn là 5 năm.
Ông Trịnh Xuân Lành, Phó chủ tịch UBND xã Lam Hạ trao đổi sự việc với phóng viên
Nhưng nếu mức độ ô nhiễm nguồn nước nặng, các hộ có thể chấm dứt hợp đồng thầu nuôi thả cá ngay lúc này. Rất mong là các sở ban ngành nên tiến hành kiểm tra nguồn nước để sớm có kết luận cho người dân biết để họ tiếp tục ổn định sản xuất, tạo điều kiện, giúp đỡ các hộ khác…”.
Cũng theo ông Lành, khi chưa có KCN Đồng Văn nước rất trong sạch, người dân có thể dùng để sinh hoạt, tắm rửa. Nhưng một vài năm trở lại đây nước đã chuyển màu đen, người dân không dám sinh hoạt nữa.
Hữu Lê
Theo Infonet