Người dân lúng túng ứng phó động đất
Đóng ghe, mua áo phao, lương thực và thuốc men, chuyển sang nhà sàn ở… là những kiểu ứng phó của người dân sống gần thuỷ điện Sông Tranh 2 trước nỗi lo vỡ đập trong những ngày động đất dồn dập vừa qua.
Học sinh trường THCS Lê Hồng Phong, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My được thầy, cô giáo hướng dẫn lẩn trốn dưới gầm bàn mỗi khi xảy ra động đất. Ảnh: Trí Tín.
Trưa và tối 9/9, hai trận động đất lại xảy ra khiến người dân huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) và một số khu vực lân cận càng thêm hoang mang, lo sợ. Có mặt để khảo sát tại đây, TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện vật lý địa cầu cho biết các trận động đất này diễn ra với cường độ nhỏ, khoảng dưới 3,5 độ ritcher.
Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng tập huấn, hướng dẫn thì nhiều hộ dân đã loay hoay, lần mò tìm cách ứng phó với động đất để bảo toàn tính mạng gia đình. Anh Triều ở xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My kể, mỗi khi động đất xảy ra trong đêm là anh lại hô lớn các con thức dậy chui xuống gầm giường, gầm phản. “Nếu chạy ra sân không kịp thì lấy gối mềm nhồi bông che đầu chạy đến đứng ở góc tường, để lỡ có sập nhà thì tránh được thương vong”, anh này nói.
Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Hậu ở xã Trà Sơn cũng vừa đóng hoàn tất chiếc ghe máy công suất hơn 20 CV. Ông Hậu cho biết, gia đình mình ở dưới hạ lưu cách chân đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa đầy 10 km nên động đất xảy ra dày đặc khiến cả nhà lo sợ. Nghe bạn bè ở dưới đồng bằng thúc giục, vợ chồng ông đã mua phao cứu sinh, thuê thợ về nhà đóng chiếc ghe máy.
“Trước là để đánh cá ven sông cải thiện bữa ăn hàng ngày, sau là làm phương tiện cho cả gia đình chạy nạn nếu đập thủy điện Sông Tranh 2 bị động đất mạnh phá vỡ, nước tràn về dâng cao gây ngập nhà”, ông Hậu bộc bạch.
Video đang HOT
Nhiều hộ dân ở các khu tái định cư tại xã Trà Bui, Trà Đốc… (huyện Bắc Trà My) rời qua nhà sàn sinh sống đề phòng nguy hiểm mỗi khi động đất xảy ra. Ảnh: Trí Tín.
Còn tại các khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 ở các xã Trà Đốc, Trà Bui… bà con đã dựng nhà sàn sát bên căn nhà xây do nhà nước hỗ trợ. Mấy trận động đất vừa qua khiến những căn nhà xây bị nứt tường, hư hỏng nặng nên người dân phải chuyển mọi sinh hoạt, nấu ăn của gia đình sang ở bên nhà sàn để phòng tránh nguy hiểm.
“Mặt đất cứ nổ, rung miết làm dân làng sợ chết khiếp. Mỗi lần như vậy là tụi trẻ con của làng khóc ré, ôm riết chân người lớn”, già làng Đinh Văn Chót (87 tuổi, ở thôn 3, xã Trà Đốc) bày tỏ âu lo.
Tương tự, động đất bất thường xảy ra liên tiếp đang trở thành nỗi ám ảnh và gây xáo trộn cuộc sống của các hộ dân sống lân cận thủy điện Sông Tranh 2. Người thì tính chuyện gửi con về quê cho ông bà, người thì tính sang nhượng đất, bán nhà để chuyển nơi ở đi nơi khác. Nhiều trường học cũng đang lo “sốt vó” sợ giáo viên giao động sẽ chuyển trường về xuôi hoặc bỏ nghề, chuyển công tác gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trước tình hình này nhà trường căn dặn học sinh phải khẩn trương lẩn trốn dưới gầm bàn nếu thấy dư chấn, giáo viên thì tự tìm cách ứng phó tùy theo hoàn cảnh, sao cho đảm bảo an toàn tính mạng. “Mỗi lần xảy ra động đất là tôi lao vội ra sân trường, không biết trốn tránh ở đâu cả”, một cô giáo cho biết.
Nhiều lần thót tim vì động đất nối tiếp nhau cả tuần qua, vợ chồng chị Hồng ở thị trấn Bắc Trà My đã quyết định bán nhà, cũng là cửa tiệm đang ăn nên làm ra để vào Nam sống cùng các con. Chị bảo, ngôi nhà ở khu “đất vàng” của anh chị bình thường có giá đến gần cả tỷ, nhưng bây giờ chị chỉ rao bán với giá khoảng 700 triệu đồng. “Trong túi xách của mọi người lúc nào cũng có quần áo, vật dụng cá nhân, lương thực khô, vài chai nước tinh khiết… để chủ động chạy trốn động đất giữa đêm khuya”, chị này cho biết.
Động đất xảy ra dồn dập khiến người già, trẻ em sinh sống gần khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My sợ hãi. Ảnh: Trí Tín.
Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cũng thừa nhận nỗi lo lắng trước những trận động đất xảy ra với mật độ dày đặc. “Vợ chồng tôi đã bàn bạc, thống nhất về những vị trí có thể ẩn trú trong nhà mỗi khi động đất xảy ra. Chúng tôi đã mua sắm đèn pin, vật dụng, thuốc men để ứng phó với động đất xảy ra trong đêm”, ông Phong chia sẻ.
Theo ông Phong, “dù muốn dù không” thì huyện Bắc Trà My cũng lập phương án ứng phó động đất, tổ chức diễn tập trong tình huống vỡ đập Sông Tranh 2 nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Dự kiến trong tuần tới, huyện Bắc Trà My sẽ mở đợt tập huấn, hướng dẫn cách thức ứng phó động đất qui mô lớn cho lãnh đạo các phòng ban, UBND xã, nhà trường… Từ lực lượng cán bộ nòng cốt này, họ sẽ phổ biến cách ứng phó động đất cho đông đảo người dân, học sinh trên địa bàn huyện.
Theo VNE
Người dân Quảng Nam được phổ biến cách ứng phó động đất
Sau khi những trận động đất liên tục xảy ra trên địa bàn huyện Bắc Trà My gây hoang mang dư luận, người dân tỉnh Quảng Nam đã được hướng dẫn một số kiến thức và biện pháp ứng phó với động đất.
Theo đó, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Ban chỉ huy PCLB & TKCN các huyện, thành phố của tỉnh để phổ biến một số kiến thức và biện pháp ứng phó với động đất.
Những trận động đất gần đây tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 gây lo lắng cho người dân
Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó trưởng Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Quảng Nam - cho biết, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Trà My, Nam Trà My và một số địa phương lân cận đã xảy ra hơn 40 trận động đất, trong đó đặc biệt vào tối ngày 3/9 vừa qua xuất hiện trận động đất với cường độ khoảng 4,2 độ richter, gây rung chuyển nhiều nhà dân và trụ sở cơ quan ở các địa phương trên.
Nhằm đối phó với động đất có thể còn tiếp tục xảy ra tại các địa phương trên, căn cứ sổ tay hướng dẫn phòng, tránh thiên tai của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương ban hành, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh Quảng Nam phổ biến một số kiến thức và biện pháp ứng phó với động đất cho người dân trên địa bàn.
Theo đó, động đất là sự rung động của mặt đất, được tạo ra bởi các dịch chuyển đột ngột của các khối địa chất trong lòng đất, các vụ nổ núi lửa, các vụ trượt lở đất, sụp đổ hang động...
Về nguyên nhân, có 3 nhóm nguyên nhân gây ra các trận động đất: Do hiện tượng sụt lở các lỗ rỗng trong vỏ quả đất do núi lửa phun trào do các vận động bên trong trái đất làm tích tụ năng lượng tại vùng phát sinh động đất và được gọi là động đất kiến tạo. Trên 90% các trận động đất quan trắc được đều thuộc loại động đất kiến tạo.
Cường độ của động đất (M) thường được xác định bằng độ richter. Có thể sơ bộ đánh giá cường độ của động đất qua hiện tượng như sau: Từ 1-2 độ richter không nhận biết được từ 2-4 độ richter có thể nhận biết nhưng thường không gây thiệt hại từ 4-5 độ richter mặt đất rung chuyển, nghe tiếng nổ, thiệt hại không đáng kể từ 5-6 độ richter nhà cửa rung chuyển, một số công trình có hiện tượng nứt từ 6-7 độ richter nhà cửa bị hư hại nhẹ từ 7-8 độ richter động đất mạnh phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, có vết nứt lớn hoặc lún sụt trên mặt đất từ 8-9 độ richter nhà cửa đổ nát, nền đất bị lún sâu đến 1m, sụp đổ lớn ở núi kèm theo thay đổi địa hình trên diện rộng từ 9 độ richter rất hiếm khi xảy ra.
Người dân cho rằng thủy điện Sông Tranh 2 đang tích nước sau sửa chữa sự cố rò rỉ là nguyên nhân gây ra động đất
Để ứng phó với động đất, trước khi xảy ra động đất người dân nên dự trữ nước uống, đồ ăn đóng hộp, đèn pin, pin, radio, bông băng, thuốc chữa bệnh thông thường, thay đổi khi hết hạn sử dụng không đặt các vật nặng lên giá đỡ cao không đặt giường ngủ sát cửa kính những vật dụng trong nhà dễ ngã đổ, rơi xuống, nên được gắn chặt vào tường nhà để khi lung lay cũng không rơi xuống đất gây thương tích các đồ đạc nặng như kệ sách, tủ, chén bát.... nên đặt xa khỏi các cửa ra vào, các nơi thường lui tới để khi ngã đổ vẫn không chắn lối ra và nên gắn chặt vào tường nhà những người sống ở chung cư nắm vững lối thoát hiểm theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.
Khi xảy ra động đất, nếu động đất xảy ra khi đang ở trong nhà thì ngay lập tức chui xuống gầm bàn hay gầm giường để tránh các vật rơi xuống đầu và nếu nhà sập vẫn có không khí để thở. Nếu không có gầm bàn thì chạy đến góc phòng đứng, không chạy ra khỏi nhà khi có chấn động do động đất gây ra. Sau khi chấn động ngừng mới rời khỏi phòng, nhà nếu cần.
Khi di chuyển ra khỏi nhà cao tầng không chạy vào thang máy, đề phòng mất điện bất ngờ, đồng thời lấy các vật che lên đầu như gối, cặp sách, cặp tài liệu. Nếu động đất xảy ra khi đang ở ngoài đường, phải lánh nạn ở những bãi đất trống, chạy tránh xa các tòa nhà cao ốc, tường cao, cây to và đường dây điện để tránh sập đổ
Nếu động đất xảy ra khi đang ở gần bờ biển phải đề phòng sóng thần sau chấn động đầu tiên thường có thời gian yên tĩnh, sau đó mới có chấn động mới, do đó không nên hoảng sợ. Chấn động mới có thể xảy ra sau vài phút, vài giờ, thậm chí sau vài ngày tùy thuộc động đất mạnh hay yếu.
Theo Dantri
Hơn 2.300 người diễn tập ứng phó với sóng thần Hôm nay 29/8, hơn 2.300 người dân Quảng Ngãi sẽ tham gia diễn tập ứng phó sóng thần và tìm kiếm cứu nạn. Cuộc diễn tập sẽ diễn ra tại xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Ngoài người dân còn có sự tham gia của lực lượng vũ trang, chính quyền các cấp cùng với các trang thiết bị hiện đại. Tàu Hải...