Người dân lo tiền điện tăng…theo mùa
Mặc dù Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri khẳng định EVN không có bất cứ đề xuất nào về việc xin điều chỉnh giá điện trong năm 2016. Thế nhưng, người dân vẫn lo ngay ngáy có thể phải trả nhiều tiền điện hơn cho những tháng tới bởi hai nguyên nhân là “mùa” và “vùng”.
Giá điện theo mùa
Trong đề án điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia vừa được Chính phủ phê duyệt, ngoài điều chỉnh theo sự thay đổi của giá nhiên liệu, tỉ giá hối đoái, cơ cấu sản lượng điện phát, giảm bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các miền…, biểu giá bán điện được đề xuất tới đây sẽ được thực hiện theo “mùa” và “vùng”.
Cơ cấu giá điện ảnh hưởng lớn đến nguồn phát, vì vậy mà đề án thay đổi giá theo mùa được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là hợp lý. Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, GS. Viện sĩ Trần Đình Long cũng đã đăng đàn cho biết: “Mùa mưa, nhiều nước, thủy điện chiếm phần lớn trong cơ cấu điện phát, giá điện có thể thấp. Mùa kiệt (mùa khô) ngành điện phải chạy điện than, khí, dầu nhiều, giá thành điện sẽ cao hơn. Do vậy tính giá bán điện theo mùa vụ là tính sát với thực tế”.
Tăng giá điện theo mùa như thế nào? Câu hỏi đó chưa có lời giải đáp bởi, đến thời điểm này, EVN vẫn chưa đề xuất phương án biểu giá điện mới và cũng chưa biết lúc nào áp dụng giá điện theo mùa. Tuy nhiên, trước những dự định đó, ở góc độ người tiêu dùng, người dân bắt đầu lo ngại hóa đơn tiền điện sẽ đội lên mỗi khi vào mùa nắng nóng.
Anh Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Công ty THHH Toàn Lộc (quận Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ lo ngại: “Công ty mình mọi máy móc chạy điện, hàng tháng, đặc biệt những tháng mùa hè tiền điện lên tới hàng chục triệu đồng. Giờ nếu giá điện được áp dụng mùa hè cao hơn mùa đông thì mình lo hóa đơn điện sẽ vọt tới mức nào”.
EVN Hà Nội cảnh báo tiền điện những tháng mùa hè sẽ tăng cao. Ảnh: Chí Cường Q. Thành
Trước những thông tin tăng giá điện theo mùa trên, ông Hồ Quang Hòa, một cán bộ về hưu cho biết: “Giá điện tính theo mùa là hợp lý. Một số nước đã áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, nhiều năm qua tôi thấy ngành điện thường có những “scandan”; nào là lỗi ghi số điện, nào là giá điện tăng đột biến… Rồi cơ cấu giá điện 6 bậc như hiện này cũng bị phản đối nhiều. Cho nên, ngành điện làm gì thì cũng phải cân bằng lợi ích, không thể cứ lỗ là tăng giá, kiểu “trăm dâu đổ đầu dân”.
Video đang HOT
Dân lo vì EVN Hà Nội bất ngờ… “cảnh báo”!?
Nguyên do thứ 2 khiến người dân lo sẽ phải nộp tiền điện nhiều hơn là bởi Tổng công ty Điện lực Hà Nội cảnh báo mức tiêu thụ tháng 4 sẽ tăng. Mới đây, EVN Hà Nội đã gửi Bộ Công Thương báo cáo về tình hình cung ứng điện trong tháng 4.
Theo đó, EVN Hà Nội cảnh báo: Mức tiêu thụ điện tháng 4 ở Hà Nội sẽ tăng, điều đó đồng nghĩa với việc hoá đơn tiền điện chi trả sẽ cao hơn. Cụ thể, theo EVN Hà Nội, thời tiết nắng nóng đầu hè năm nay được cơ quan dự báo thời tiết dự báo sẽ ở mức gay gắt hơn và kéo dài hơn so với trung bình các năm trước do tác động của hiện tượng El Nino. Điều này dẫn đến mức tiêu thụ điện năng của các hộ gia đình sẽ cao hơn và hoá đơn trả tiền điện sẽ cao hơn các tháng trước.
“Theo dự báo của cơ quan dự báo thời tiết, năm nay, có 4 đợt nắng nóng đỉnh điểm: Đợt 1 từ 9-10/4 và 27/4-1/5/2016; đợt 2 từ 10/5-21/5/2016, đợt 3 trong khoảng 10 ngày đầu và 10 ngày cuối tháng 6 và đợt 4 có thể cuối tháng 7. Nhiệt độ cao nhất trong các đợt có thể lên đến trên 40 độ C nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản lượng tiêu thụ điện và hoá đơn tiền điện”, EVN Hà Nội cho biết.
Cũng theo EVN Hà Nội, tương tự, hóa đơn tiền điện trong các tháng 5, 6 và 7, số ngày sử dụng điện các tháng này nằm trọn trong giai đoạn nắng nóng, dự báo hóa đơn tiền điện tháng 5, 6 và 7 tăng cao do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát tăng cao.
Nhiều người dân được hỏi cho rằng, việc EVN Hà Nội cảnh báo để người dân tiết kiệm điện có thể là động thái “giảm sốc” từ trước để nếu khách hàng có nhận được hóa đơn điện với giá điện tăng cao cũng đỡ… bất ngờ?!
Ông Hồ Quang Hòa cũng cho biết: “Trời nóng, nhiều thiết bị tiêu thụ điện hoạt động, đội giá điện lên cao là đúng. Tuy nhiên, vào mùa nóng năm ngoái đã có ý kiến về giá điện tăng cao gấp mấy lần một cách bất thường. Giờ đọc cảnh báo này, tôi lại thấy lo”.
Biểu giá điện vẫn chưa được thay đổi Trong các tháng hè 4-5-6 năm 2015, sau khi có nhiều ý kiến người dân phản ánh hoá đơn tiền điện tăng cao theo biểu giá điện mới, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực phối hợp với EVN điều chỉnh lại bảng giá điện. Theo đó, các cơ quan này đã xây dựng 3 phương án điều chỉnh biểu giá điện để trình lãnh đạo Bộ Công Thương phê duyệt vào cuối năm 2015 và sau đó trình Chính phủ cho ý kiến. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa rõ phương án nào được lựa chọn để phê duyệt, áp dụng.
Hướng dẫn dân giám sát việc ghi số điện Hóa đơn điện thanh toán tháng 4/2015, EVN Hà Nội đã in thêm thông tin hướng dẫn khách hàng cài đặt nhận hóa đơn tiền điện qua SMS và hướng dẫn truy cập web để nhận hóa đơn điện tử cũng như giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Kèm với hóa đơn tiền điện là thông tin về đội quản lý điện, địa chỉ, số điện thoại cơ quan, số điện thoại đội trưởng, đội phó và công nhân trực tiếp quản lý địa bàn. “Khách hàng có bất cứ công tác dịch vụ gì về điện khi liên lạc, phía điện lực sẽ có người hoặc trực tiếp hoặc qua điện thoại giải đáp mọi thắc mắc”, anh Nguyễn Duy Đăng, Đội trưởng đội quản lý điện 6, Thanh Trì, Hà Nội cho biết.
Theo_Eva
Chỉ số điện tăng gấp đôi, giá điện lên gấp ba?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho biết, sản lượng điện tiêu thụ toàn hệ thống tăng mạnh thời gian gần đây. Trước thông tin này, nhiều người dân lo lắng hóa đơn tiền điện tháng 7 sẽ tiếp tục tăng bởi biểu giá của "nhà đèn".
Theo báo cáo của EVN, chỉ tính riêng ngày 2/7 vừa qua, sản lượng điện tiêu thụ toàn hệ thống đạt kỷ lục với 535 triệu kWh. Trong đó, sản lượng điện tiêu thụ ở TP Hà Nội là 64,6 triệu kWh, vượt TPHCM - khu vực trước đây thường xuyên dẫn đầu cả nước về lượng tiêu thụ điện. Cũng như nhiều lần lý giải trước đó, nguyên nhân khiến những hóa đơn điện tăng đột biến là do nắng nóng kéo dài và diễn ra trên diện rộng.
Trước những "cảnh báo" về việc hóa đơn điện có thể tăng cao hơn nữa trong tháng 7 này, rất nhiều người dân đã phản ứng về cách tính tiền điện, đáng nói nhất là biểu giá. Trên thực tế, giá điện tăng vọt không chỉ đợt điều chỉnh giá điện vào tháng 3/2015 đã tăng tới 7,5% mà còn dobiểu giá điện lũy tiến có độ cách biệt khá lớn về giá.
Anh Nguyễn Văn Bình, nhân viên Công ty Cung cấp dụng cụ thể thao Tâm Chính (đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội) bức xúc: "Hiện nay, biểu giá điện mới từ 7 bậc rút lại chỉ còn 6 bậc, thêm vào đó, lượng điện giá rẻ bị khống chế thấp xuống chỉ còn 50kWh thay vì 100kWh như trước đây. Khoảng cách tính giá cao cũng được nới rộng ra và tính lũy tiến. Nói đơn giản, nếu gia đình tôi dùng một lượng điện như trước đây thì vẫn phải trả tiền nhiều hơn trước".
Đúng như anh Bình phản ánh, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành chia làm 6 bậc thang. Trong đó: Bậc 1 cho từ 0-50 kWh giá 1.484 đồng/kWh; bậc 2 từ 51-100 kWh là 1.533 đồng/kWh; bậc 3 từ 101-200 kWh là 1.786 đồng/kWh; bậc 4 từ 201-300 kWh là 2.242 đồng/kWh; bậc 5 từ 301-400 kWh là 2.503 đồng/kWh; bậc 6 từ 401 kWh trở lên giá 2.587 đồng/kWh.
Nhiều "cảnh báo" được đưa ra, giá điện tháng 7 sẽ tăng vọt. Ảnh: H.Phương
Ông Hồ Đức Hiền, cán bộ hưu trí ở khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa nhẩm tính với mức luỹ tiến hiện nay của EVN, từ số điện 401 trở lên, người dân sẽ phải trả mức giá điện sinh hoạt ở bậc thang cao nhất là 2.587 đồng/kWh. "Sẽ xảy ra trường hợp chỉ số điện năng có thể tăng gấp đôi nhưng số tiền điện người dân phải trả có thể tăng gấp 3, thậm chí 4 lần. Vấn đề là biểu giá này đã phù hợp với thực tế đời sống người dân hay chưa? Chúng tôi lo rằng EVN tự đưa ra biểu giá thì phần thiệt sẽ chỉ có người dân phải chịu", ông Hiền phân tích.
Trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cũng cho rằng, cách tính giá điện như ở Việt Nam hiện chỉ áp dụng cho các nước đang thiếu điện.
Nhiều bất cập
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thừa nhận, hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt là do biểu giá lũy tiến đang áp dụng hiện nay. Người dân sử dụng điện nhiều thì đơn giá bị đội lên cao. "Biểu giá lũy tiến chúng ta đã áp dụng từ lâu và phổ biến với các mặt hàng mà cung lớn hơn cầu, không chỉ với mặt hàng điện mà với cả nước sinh hoạt. Tiền điện tăng cao do nắng nóng, người dân sử dụng nhiều nên theo biểu giá điện lũy tiến, số tiền phải trả tăng lên", bà Nga nói
Bà Nga cũng khẳng định rằng: "Nếu có sai sót kỹ thuật trong việc ghi chỉ số điện thì ngành điện phải kiểm tra và xử lý. Còn nếu cách tính giá điện theo lũy kế bậc thang có vấn đề bất hợp lý thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét để sửa đổi trong biểu giá điện thời gian tới".
Liên quan đến biểu tính giá điện lũy tiến do Bộ Công Thương ban hành, ông Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, biểu tính giá này được đưa ra và căn cứ trên quy định pháp luật, cũng như chủ trương chính sách của Bộ Công Thương.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến cho rằng, EVN chỉ nên có một chức năng ưu đãi là chức năng điều tiết điện. Các chức năng khác phải đưa được thông tin công khai mới thúc đẩy được quá trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, mang lại giá điện rẻ cho người tiêu dùng.
Theo lộ trình, từ năm nay sẽ thực hiện thí điểm bán buôn điện cạnh tranh, tiến tới thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh từ năm 2017- 2021. Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu biểu giá điện mới, dự kiến trong năm 2015 sẽ trình Chính phủ. Phương án biểu giá điện mới theo đó sẽ giảm số bậc thang tính giá thay vì 6 bậc như hiện nay. Tuy nhiên, mức thang 50 KWh đầu vẫn được giữ nguyên để hỗ trợ cho người dân nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Điều đó cho thấy EVN vẫn đang vướng mắc giữa vai trò xã hội và kinh doanh.
Nhiều chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng, lý do đó làm chậm lộ trình bán buôn điện cạnh tranh. Khi EVN khoác vai trò bảo đảm an sinh xã hội, dù là doanh nghiệp nhà nước, trong thời điểm hiện nay là không phù hợp. Thay vì nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, doanh nghiệp lại phải vay tiền hoặc tăng giá điện lấy tiền đầu tư hạ tầng, phát triển lưới điện ở vùng sâu, vùng xa. Cuối cùng, lợi ích của số đông người tiêu dùng không được bảo đảm. Cho nên nếu chỉ số công tơ của khách hàng tháng 7 này tăng gấp đôi thậm chí gấp 3 là điều không ngạc nhiên.
Theo_Eva
Hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường: Xin lỗi chưa đủ! Tiền điện tăng cao bất thường khiến người dân bất bình, nghi ngại. Ngành điện dù có xin lỗi cả trăm lần nhưng còn thiếu minh bạch, rõ ràng, còn để dân bất bình vì tiền điện tăng đột biến là có vấn đề. Thông tin mới cập nhật, sau nhiều lần hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường, EVN Hà Nội...