Người dân Litva quyên góp tiền mua máy bay không người lái quân sự cho Ukraine
Hàng trăm người Litva đã cùng nhau mua một máy bay không người lái quân sự tiên tiến cho Ukraine để dùng trong cuộc chiến chống Nga.
Một máy bay chiến đấu không người lái Bayraktar Akinci được trưng bày tại lễ hội hàng không và công nghệ Teknofest ở Baku, Azerbaijan ngày 27/5. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, số tiền mục tiêu 5 triệu euro đã được huy động chỉ trong 3 ngày rưỡi, chủ yếu là các số tiền nhỏ. Số tiền này sẽ được dùng để mua một máy bay không người lái quân sự Byraktar TB2. Laisves TV – đài truyền hình internet Litva – đã phát động sáng kiến quyên góp tiền này.
Agne Belickaite, 32 tuổi, người đã gửi 100 euro ngay sau khi đài truyền hình Laisves TV phát động gây quỹ ngày 25/5, nói: “Trước khi cuộc chiến này bắt đầu, không ai trong chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ mua vũ khí. Nhưng đó là một điều bình thường bây giờ… Tôi đã quyên góp để mua vũ khí cho Ukraine trong một thời gian”.
Máy bay không người lái đã chứng tỏ hiệu quả trong những năm gần đây trong các cuộc xung đột. Bộ Quốc phòng Litva đang điều phối việc mua máy bay không người lái Byraktar TB2 và cho biết đã lên kế hoạch ký ý định thư để mua máy bay không người lái này từ Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới.
Ukraine đã mua hơn 20 máy bay không người lái Bayraktar TB2 từ công ty Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây và đặt hàng thêm 16 chiếc vào ngày 27/1. Lô hàng đó đã được giao vào đầu tháng 3.
Ông Beshta Petro, Đại sứ Ukraine tại Litva, nói với Laisves TV: “Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử khi người dân thường quyên tiền để mua một thứ như Bayraktar. Điều này chưa từng có, thật không thể tin được”.
Hầu hết vũ khí hạng nặng mà các nước NATO gửi đến Ukraine cho đến nay là vũ khí do Liên Xô chế tạo vẫn còn trong kho của các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu, nhưng một số nước gần đây đã bắt đầu cung cấp cho Ukraine xe tăng phương Tây chế tạo.
Video đang HOT
Mới đây, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận gửi các hệ thống tên lửa dẫn đường phóng loạt tới Ukraine. Các hệ thống được đề cập có thể là M31 GMLRS. Việc chuyển giao M31 GMLRS (thuộc gói vũ khí gần 40 tỉ USD viện trợ cho Ukraine) sẽ được công bố vào tuần tới. M31 GMLRS có tầm bắn từ 70 km đến 500 km tùy theo loại đạn. Hệ thống này có thể được trang bị tên lửa dẫn đường bằng vệ tinh.
M31 GMLRS được đặt trên một loại xe bánh xích. Ngoài ra, gói vũ khí mới của Mỹ có thể bao gồm Hệ thống Pháo phản lực Cơ động Cao đặt trên xe bánh lốp, còn gọi là HIMARS.
Phản ứng trước thông tin này, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo nguy cơ leo thang xung đột ở Ukraine sẽ tăng lên đáng kể nếu Mỹ cung cấp cho Kiev hệ thống tên lửa dẫn đường phóng loạt. Đại sứ Nga bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ không thực hiện bước đi khiêu khích như vậy. Ông Antonov cũng nói thêm ông và các đồng nghiệp từ Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần cảnh báo giới chức Mỹ rằng động thái bơm vũ khí cho Ukraine có thể làm tăng nguy cơ leo thang xung đột.
Ông Antonov tuyên bố với việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, Mỹ sẽ hủy hoại triển vọng hòa bình ở quốc gia Đông Âu này. Ông cũng lưu ý rằng Washington đang ngày càng can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột, có thể gây ra những hậu quả khó lường đối với an ninh toàn cầu.
Trong khi đó, tại cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) ngày 24/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định Các lực lượng vũ trang liên bang Nga sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, bất chấp sức ép và sự hỗ trợ mà Kiev nhận được từ các nước phương Tây.
Bộ trưởng Shoigu tuyên bố Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt cho đến khi hoàn thành tất cả các nhiệm vụ. Theo ông Shoigu, lực lượng NATO đang tiến gần hơn đến biên giới Nga, mở rộng hơn nữa về phía Đông – điều Nga luôn phản đối lo ngại đây là mối đe dọa đối với an ninh nước này.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cho rằng nước phương Tây đang cố tình làm suy yếu các mối quan hệ đồng minh giữa các nước thành viên CSTO. Ông Shogui cho biết Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ cần thiết cho các đồng minh để vô hiệu hóa các mối đe dọa đang nổi lên và giữ vững chủ quyền.
Kết thúc chiến tranh ở Ukraine: Khi nào và bằng cách nào?
Các đồng minh phương Tây bắt đầu có sự rạn nứt về điều kiện để đạt được thỏa thuận hòa bình giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Binh sĩ Ukraine với tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp đóng trú ở miền Đông Ukraine. Ảnh: Reuters
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng chiến thắng phải là kết cục trên chiến trường, nhưng chiến tranh chỉ chấm dứt thông qua đàm phán. Vậy khi nào giao tranh mới kết thúc và dựa vào những điều khoản nào? Phương Tây tuyên bố điều này do chính Ukraine quyết định. Khi cuộc chiến bước sang tháng thứ 4, các nước phương Tây bắt đầu có sự chia rẽ quan điểm về cách thức chấm dứt xung đột.
Theo Ivan Krastev, chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược Tự do (CLS) có trụ sở ở Sofia, Bulgaria, hiện tồn tại hai trường phái. Một là "phái hòa bình", mong muốn kết thúc chiến tranh và khởi động đàm phán sớm nhất có thể. Bên còn lại là "phái công lý", số cho rằng cần buộc Nga phải trả mức giá đắt cho hành vi can thiệp quân sự ở Ukraine.
Bất đồng giữa hai phái này thể hiện rõ nét và trước hết ở vấn đề lãnh thổ: Để Nga chiếm giữ phần lãnh thổ đã kiểm soát, xác lập lại đường ranh giới như trước thời điểm 24/2, hay tìm cách đầy lui Nga tới đường biên giới quốc tế, thu phục Crimea, bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014 nhưng không được Kiev và phương Tây công nhận? Tiếp đến có thể là một số chủ đề khác, về tổn thất chiến tranh, vị trí của Nga trong trật tự châu Âu.
"Phái hòa bình" đang tăng tốc, tập hợp lực lượng. Đức đã lên tiếng kêu gọi ngừng bắn, Italy đưa ra kế hoạch hòa bình bốn điểm để đạt được một thỏa thuận chính trị. Pháp bắt đầu nói về một thỏa thuận hòa bình trong tương lai mà ở đó Nga không bị "mất mặt". Ở phía đối lập, Ba La, Anh và các nước vùng Baltic lên tiếng phản đối.
Quan điểm của Mỹ ra sao? Là bên hậu thuẫn mạnh nhất cho Ukraine, Mỹ chưa đưa ra mục tiêu rõ ràng ngoài động thái tăng cường sức mạnh cho Ukraine, giúp Kiev có được vị thế mạnh hơn trong mặc cả với Nga. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 14 tỷ USD, Quốc hội Mỹ cũng vừa thông qua khoản trợ cấp bổ sung trị giá 40 tỷ USD. Mỹ cũng đứng ra vận động trợ giúp quân sự cho Kiev, với sự tham gia của 40 nước. Nhưng hỗ trợ này không phải là vô tận. Mỹ chuyển giao cho Ukraine hệ thống pháo lựu, nhưng không cấp hệ thống tên lửa tầm xa mà Kiev yêu cầu.
Hành xử của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Lloyd Austin cũng làm tăng thêm tính chất "mù mờ" trong cách tiếp cận của Washington. Trong chuyến thăm Kiev hồi tháng 4, ông Austin đứng về "phái công lý", khi nói rằng phương Tây cần giúp Ukraine "chiến thắng" và làm Nga "suy yếu". Nhưng ba tuần sau đó, ông dường như lại chuyển sang "phái hòa bình", khi lên tiếng kêu gọi thiết lập "lệnh ngừng bắn tức thời" sau cuộc điện đàm với đồng cấp người Nga Sergei Shoigu. Về phần mình, Lầu Năm góc vẫn khẳng định không có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ.
"Phe công lý" dường như cũng đối mặt với một số bước lùi. Tờ New York Times đăng bài xã luận cho rằng đánh bại Nga là điều phi thực tế và nguy hiểm. Tiếp đó, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger tuyên bố cần khởi động đàm phán trong vòng hai tháng tới để tránh kết cục "căng thẳng, đối đầu không dễ vượt qua".
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ ngày 23/5, ông Kissinger nhìn nhận lý tưởng nhất là khôi phục lại đường phân giới nguyên trạng như trước cuộc chiến. Ông cũng cho rằng Nga đóng vai trò quan trọng trong cân bằng quyền lực ở châu Âu và không nên đẩy Nga đi tới "liên minh thường trực" với Trung Quốc.
Ở thời điểm hiện tại, những rạn nứt trong lòng nội bộ phương Tây vẫn được che chắn bởi câu tuyên ngôn "tương lai là do người Ukraine quyết định". Thế nhưng lựa chọn của Kiev lại được định hình dựa trên mức độ hậu thuẫn của phương Tây. Phát biểu trước cử tọa có mặt ở Davos, ông Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ chiến đấu cho tới khi thu hồi lại toàn bộ lãnh thổ. Nhưng dường như ông cũng để ngỏ khả năng thỏa hiệp, khi nói rằng Kiev có thể thúc đẩy đàm phán với Moskva một khi Nga rút quân về đường ranh giới như trước thời điểm nổ ra xung đột.
Mỹ, châu Âu và Ukrain phải liên tục điều chỉnh quan điểm theo những gì mà một bên nghĩ rằng bên còn lại sẽ chấp nhận. "Ukraine đang đàm phán tích cực với các đối tác phương Tây, thậm chí còn nhiều hơn là đàm phán với Nga", Olga Oliker, chuyên gia thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) bình luận.
Tình thế chập chờn này cũng phản chiếu những bất ổn định của cuộc chiến. Có phải Ukraine đang chiến thắng, bởi lẽ họ đã bảo vệ được Kiev và đẩy lui quân Nga khỏi Kharkov? Hay là Ukraine đang thua trận, khi mà Nga đã chiếm được Mariupol và sắp tới có thể là bao vây toàn bộ thành phố Severodonetsk?
"Phái hòa bình" lo ngại giao tranh càng kéo dài, tổn thất về người và kinh tế đối với Ukraine và phần còn lại của thế giới ngày một lớn. "Phái công lý" lại viện dẫn luận điểm trừng phạt Nga bắt đầu gây ra những tác động đau đớn. Chiến sự kéo dài, Ukraine được cung cấp vũ khí mạnh mạnh sẽ giúp Kiev chiến thắng.
Hiện tại, Ukraine có lý do để lạc quan. Kiev đã đẩy lui cuộc chinh phạt mà Nga tưởng là sẽ dễ dàng. Nhiều vũ khí của phương Tây cũng đã đến tiền tuyến. Nhưng phát biểu từ Phủ Tổng thống ở Kiev, ông Mykhailo Podolyak, trưởng đoàn đàm phán Ukraine, nói rằng ông lo ngại dấu hiệu "mệt mỏi" đến từ một số nước châu Âu.
"Họ không nói trực tiếp. Nhưng có vẻ như đó là một nỗ lực buộc chúng tôi phải đầu hàng. Lệnh ngừng bắn nào cũng chỉ là một cuộc xung đột đóng băng", ông Podolyak nói. Quan chức này cũng phàn nạn về sự "trì trệ" tại Washington: Số lượng vũ khí Mỹ chuyển cho Ukraine không theo đúng số lượng mà Kiev yêu cầu.
Điều ít biết về vũ khí không người lái bí ẩn Mỹ gửi tới Ukraine Cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài hơn 3 tháng qua, đã chứng kiến việc áp dụng công nghệ vũ khí không người lái nhiều hơn so với bất cứ cuộc chiến nào trước đây. Phần lớn các cuộc thảo luận đều nói đến máy bay không người lái (UAV) mà ít ai biết rằng sự góp mặt của tàu không người lái vận hành...