Người dân ‘like mạnh’ hình thức phạt lao động công ích khi vi phạm giao thông
Đề xuất xử phạt vi phạm giao thông bằng hình thức lao động công ích được đăng tải trên VTC News đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng thuận, có bạn đọc còn dùng từ “like mạnh” cho vấn đề này. Từ đầu tháng 8/2016, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ được áp dụng. Trong đó, sẽ tăng mức phạt 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm luật giao thông so với Nghị định 171, 107 được ban hành và áp dụng trước đó.
Nghị định này lập tức nhận được những ý kiến phản hồi trái chiều từ người dân, đặc biệt là những tranh cãi quanh việc tăng mức xử phạt.
Sau khi Báo điện tử VTC News đăng tải bài phỏng vấn chuyên gia giao thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – ông Bùi Danh Liên về vấn đề này thì ông có đưa ra quan điểm và đề xuất là: “Thay vì cứ đè cổ người dân ra phạt tiền thì nên có thêm hình thức phạt lao động công ích đối với người vi phạm những lỗi ý thức như vượt đèn đỏ, vàng, đi sai làn, không chấp hành biển báo…”
Nhiều người đồng tình với đề xuất phạt lao động công ích vì chỉ phạt tiền thì một bộ phận người có tiền sẵn sàng chịu phạt để “nhờn luật”.
Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ độc giả.
Độc giả Đức Dân bình luận: “Tôi rất ủng hộ quan điểm này, cứ vi phạm những lỗi ý thức thì phải đi lao động công ích. Kẻ cậy lắm tiền nếu vi phạm cứ móc ví nộp rồi lại được đi, như thế họ sẽ coi thường pháp luật. Vì vài trăm nghìn có đáng gì với những người có tiền đâu. Có tăng nữa thì họ cũng chẳng sợ, nhưng nếu vi phạm phải ra đi lao động công ích thì sẽ xấu hổ lắm, lần sau đảm bảo chẳng dám vi phạm.”
Độc giả Lê Anh Tuấn cũng cho rằng: “Rất đồng ý với đề xuất. Việc tăng nặng mức xử phạt gây nhiều ức chế cho người vi phạm và nếu thực hiện không tốt thì phát sinh nhiều tiêu cực tinh vi hơn…”.
Anh Bùi Thắng (TP.HCM) cho biết: “Tôi ủng hộ hình thức phạt này, vừa không tiêu cực vừa mang tính giáo dục cao, chắc chắn sẽ có hiệu quả. Một yếu tố nữa là các cơ quan chức năng đã làm là làm đến nơi đến chốn, chứ làm kiểu đánh chống bỏ dùi thì có làm kiểu gì thì ý thức người dân cũng vẫn thế thôi.
Thực tế cho thấy đợt ra quân nào cũng báo cáo đẹp nhưng rồi 1 thời gian sau tình trạng vi phạm lại tái diễn. Sao không là cả năm ra quân, ngày nào cũng là ngày ra quân có phải tốt hơn không. Tóm lại, người thi hành pháp luật phải nghiêm minh, trách nhiệm thì mới mong thay đổi được ý thức người dân.”
Video đang HOT
Nhiều người chỉ ra rằng, đây không phải lần đầu nhà chức trách nâng mức xử phạt đối với vi phạm giao thông. Song có thể thấy, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận lớn người dân vẫn không được nâng cao, nếu không muốn nói là xuống cấp trầm trọng.
Tình trạng vượt đèn đỏ ở các ngã tư nếu không có CSGT đứng chốt vẫn thường xuyên xảy ra, giờ cao điểm xe lao lên cả vỉa hè, đi sai làn đường… xảy ra phổ biến. Hệ lụy nhãn tiền có thể thấy hằng ngày, hàng tháng đó là những vụ tai nạn tàn khốc mà nguyên nhân tai nạn vẫn lại là câu chuyện ý thức người tham gia giao thông.
Vì thế, việc đánh vào ý thức người dân chứ không phải túi tiền mà Chủ tịch HHVT Hà Nội đưa ra được người dân rất kỳ vọng sẽ làm thay đổi, nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Thực tế, một số nước trên thế giới cũng đã áp dụng hình thức này từ rất lâu, đơn cử như “hàng xóm” nước ta là Trung Quốc.
Cũng có ý kiến cho rằng khó thực thi việc phạt lao động công ích: “Bố trí việc cho người vi phạm làm, rồi phải có cán bộ giám sát, quản lý họ sẽ mất nhiều thời gian và nhân lực lắm. Với tình trạng vi phạm như cơm bữa ở ta thì lấy đâu đủ người để giám sát người vi phạm bị phạt. Ý kiến rất tốt nhưng không khả thi đâu, cứ phạt nặng tiền, tịch thu xe, tiêu hủy xe là khiếp sợ hết” – độc giả Trương Đình Lam nêu quan điểm.
Theo VTC
Đèn vàng sinh ra để làm gì?
Từ ngày mai 1-8, theo nghị định 46 của Chính phủ, người chạy xe vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau: với xe hơi lên tới 2 triệu đồng và xe máy là 400.000 đồng.
Ôtô và xe máy vượt đèn vàng tại giao lộ đường Bến Vân Đồn và đường Vĩnh Khánh (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: HỮU KHOA
Tuy nhiên, mức phạt không làm cho người dân quan tâm bằng việc: phạt lỗi đèn vàng hợp lý hay không; đèn vàng sinh ra để làm gì?
Đã lấy ý kiến cả 3 miền
Tại sao có mức phạt vượt đèn vàng ngang bằng đèn đỏ? Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thế Tùng - phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), thành viên ban soạn thảo nghị định 46/2016/NĐ-CP - để hiểu thêm.
Ông Tùng dẫn luật: khoản 3 điều 10 Luật giao thông đường bộ quy định: "Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường".
Ông Hoàng Thế Tùng
Và ông giải thích: triển khai thực hiện Luật giao thông đường bộ, tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trước đây, đối với nội dung quy định về chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông thì đều quy định xử phạt chung một hành vi vi phạm là "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông".
Tại nghị định 171/2013/NĐ-CP, hành vi vượt đèn vàng và đèn đỏ có mức phạt khác nhau. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mức phạt khác nhau dẫn đến tình trạng người lái xe có xu hướng tăng tốc độ khi gần đến đèn giao lộ (thay vì giảm tốc độ), vì cho rằng nếu có đèn đỏ thì sẽ phanh xe lại để chỉ bị xử phạt ở mức thấp hơn (là vượt đèn vàng) (?).
Ngoài ra, việc tách thành hai hành vi với hai mức phạt khác nhau cũng gây khó khăn hơn cho lực lượng chức năng trong việc xác định hành vi vi phạm bị xử phạt ở mức cao hay thấp (!).
Vì vậy, đáp ứng yêu cầu của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tại nghị định 46/2016/NĐ-CP đã gộp hai hành vi này lại thành một hành vi là "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông".
Quá trình xây dựng nghị định cũng được làm rất kỹ, các nội dung dự thảo được đưa ra để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân và các bộ, ngành, địa phương; tổ chức hội thảo lấy ý kiến ở cả ba miền rồi mới tổng hợp để có đề xuất phù hợp nhất, trình lên Chính phủ.
Không hợp lý
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng đèn tín hiệu giao thông xuất hiện trên nửa thế kỷ rồi. Có người thấy đèn vàng thì chủ động dừng, có người đang đà đi hay có gì đó vội vàng nên thấy đèn vàng vẫn đi lên một đoạn.
Trước đây mức phạt vượt đèn vàng thấp hơn vượt đèn đỏ. Tăng phạt đèn vàng có thể hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông nhưng nói về luật là sai, nói về tâm lý con người là không công bằng khi phủ nhận giai đoạn chuyển biến từ đèn xanh sang đèn đỏ cho người lái xe chuẩn bị.
Đèn vàng chính là giai đoạn chuẩn bị về tâm lý để người ta có thể dừng ngay khi đèn đỏ. Nhưng có trường hợp đèn xanh vừa tắt người ta đã chồm tới thì lúc đó lùi xe rất khó nên trường hợp đó dùng đèn vàng để cho phép.
TS Nguyễn Xuân Thủy nói: "Tôi nghĩ nên để mức phạt vượt đèn vàng như cũ, không nên tăng mức phạt. Phạt vượt đèn vàng cũng như phạt vượt đèn đỏ là không đúng với tâm lý con người. Chuyện quy định phạt vượt đèn vàng và đèn đỏ như nhau là không hợp lý và không đúng luật. Nếu quy định như vậy thì đèn vàng không còn tác dụng nữa. Chỉ trừ trường hợp đèn vàng đã sát mình rồi mà vẫn cố nhô lên vượt qua thì lúc đó là phạm luật phạt theo quy định vượt đèn vàng trước đây."
Theo TS Thủy, nhà nước tuyên truyền giáo dục nhiều mà ý thức giao thông của người dân vẫn chưa được tiến bộ bao nhiêu vì còn phụ thuộc vào hạ tầng. Nếu đường rộng thì văn hóa giao thông tốt, còn đường chật thì vẫn có tình trạng đi lên vỉa hè, vượt đèn đỏ.
Ý thức con người không chỉ chủ quan mà trong bài toán giao thông còn có yếu tố khách quan như khi anh chen lấn, tôi không chen lấn nhưng tôi không bắt anh đừng chen lấn được.
Ở các nước muốn làm điều đó người ta phải qua hàng nhiều thập kỷ để hình thành nền tảng văn hóa, để hình thành ý thức, tính kỷ luật trong đi lại. Chúng ta muốn ngày một ngày hai thì chưa làm được.
Làm gì thì mục đích cuối cùng cũng là tạo thuận lợi cho cuộc sống người dân. Cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa nhưng chúng tôi cũng góp ý trong bài toán về vấn đề giao thông chú ý cả an sinh, cả vấn đề nhân văn chứ không chỉ đạt mục đích mà làm bằng mọi giá.
Bài toán giao thông là bài toán động, nghĩa là anh làm mọi cách để đảm bảo an toàn giao thông, giảm tai nạn nhưng vẫn phải để dòng giao thông hoạt động.
Theo Tuổi Trẻ
Những quy định nổi bật có hiệu lực từ 1/8 Tăng mức xử phạt của gần 100 hành vi vi phạm giao thông, tăng 8% lương hưu... sẽ bắt đầu được áp dụng từ hôm nay. Từ 1/8, tăng mức tiền xử phạt hành chính với nhiều hành vi phạm giao thông. Ảnh minh hoạ: Bá Đô Tăng mức xử phạt 100 hành vi vi phạm giao thông Từ ngày 1/8, Nghị định...