Người dân liều mình qua cầu ‘tử thần’
Mỗi khi có phương tiện qua lại, cây cầu gần 40 tuổi ở Quảng Xương (Thanh Hóa) lại rung lên bần bật.
Cầu Bè bắc qua sông Lý nằm ở xã Quảng Hợp (Quảng Xương, Thanh Hóa). Được xây dựng từ năm 1979, cầu dài hơn 60 m, rộng gần 2 m.
Mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện ở các xã Quảng Hợp, Quảng Đức qua cây cầu này.
Cầu không có lan can lại nhỏ hẹp nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Người dân địa phương gọi là cây cầu “tử thần”.
Trải qua thời gian, cầu Bè đã xuống cấp, các mối ráp nối bằng sắt đứt gãy được người dân gia cố bằng gỗ.
Video đang HOT
Những thanh tà vẹt bằng sắt đã hoen gỉ, rất yếu ớt.
Hai mố cầu giáp bờ sông chỉ đắp bằng đất. Hiện nhiều trụ cầu gãy, xiêu vẹo, khiến cây cầu rung lắc mỗi khi có người qua lại. Mặt cầu và phần mố được kê kích sơ sài bằng vài hòn đá vôi hay các thanh gỗ tạm bợ.
Vào giờ cao điểm, hàng trăm công nhân, người dân, máy móc, trâu bò nối nhau qua cầu. Những đứa trẻ đi học chỉ cần va chạm nhẹ trên cầu là cả người và xe rơi xuống dòng sông sâu và chảy xiết. Năm 2015, hai trẻ nhỏ đã thiệt mạng trên đường đi học về vì rơi xuống sông.
Ông Trần Văn Đại (50 tuổi) nhà ngay sát cầu cho biết, đã ứng cứu nhiều vụ tai nạn cả người và xe rơi từ trên cầu xuống sông. “Mới đây nhất chiều 14/2, đang dọn dẹp sau nhà, nghe tiếng kêu cứu, tôi vội chạy ra thì phát hiện 2 cháu Trần Thị Yến (lớp 9) và Nguyễn Thị Vân Anh (lớp 5) đi học về bằng xe đạp điện bị rơi từ trên cầu xuống sông. May nước sông cạn nên các cháu được dân làng cứu sống”, ông Đại nói.
Chị Lê Thị Thu (47 tuổi, ở xã Quảng Hợp) cho hay, hai năm trước, mẹ con chị kéo xe lúa qua cầu thì bị lật, rơi xuống sông. Kể từ đó chị không dám chạy xe máy hay xe đạp qua cầu, mỗi lần qua lại đều phải xuống dắt bộ. Nhiều năm nay, cuộc họp tiếp xúc cử tri nào dân làng cũng đề nghị các cấp quan tâm đầu tư cho cây cầu nhưng chưa được đáp ứng.
Ông Bùi Xuân Hồng, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp cho biết, dù cây cầu đã quá cũ nhưng địa phương không thể bố trí được ngân sách để xây mới. “Chúng tôi thường xuyên cảnh báo người dân khi qua cầu, thay thế các chân cầu đã gãy để lưu thông tạm”, ông Hồng nói.
Lê Hoàng
Theo VNE
Thanh Hóa: Cả làng "đánh cược" mạng sống đi qua cây cầu cũ nát
Tồn tại hơn 30 năm, cầu Hợp Giang (thôn Hợp Giang, Quảng Hợp, Quảng Xương, Thanh Hóa) phục vụ nhu cầu đi lại của người dân các xã Quảng Hợp, Quảng Phong, Quảng Đức đến nay đã cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng.
Cầu Hợp Giang được xây dựng từ năm 1982, do nhu cầu đi lại bức thiết của người dân trong vùng nên dân làng tự làm cây cầu bằng bê tông cốt thép, tuy nhiên không có lan can. Sau nhiều năm sử dụng nhưng không được tu sửa nên cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn, người dân phải sử dụng luồng, gỗ để chống đỡ thân cầu.
Cây cầu không có lan can, hàng ngày người dân phải "liều mình" băng qua cầu.
Cây cầu dài khoảng 60m, chỗ rộng nhất 2m, có chỗ do lâu năm hư hỏng, bê tông bong tróc chỉ còn khoảng 1,8m, không có lan can. Đã có nhiều vụ rơi xuống sông chết người, mất tài sản, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.
Bà Nguyễn Thị Uyên (47 tuổi, thôn Hợp Giang) cho biết: "Cây cầu đã cũ nát, xuống cấp từ nhiều năm nay. Nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên chính quyền nhưng vẫn không được giải quyết. Biết là nguy hiểm nhưng toàn bộ ruộng nương của hơn 150 hộ thôn Hợp Giang ở phía bên kia sông, nên hàng ngày chúng tôi vẫn "liều mình" băng qua cầu để đi làm".
Nhiều đoạn người dân phải lấy các cây gỗ chống tạm bợ.
Theo bà, 3 năm trở lại đây, nhu cầu đi lại ngày càng tăng, không chỉ người dân trong xã Quảng Hợp, mà các xã như: Quảng Phong, Quảng Đức (Quảng Xương, Thanh Hóa) cũng cần đi qua cây cầu này để đi chợ, làm công nhân.
Ông Trần Văn Đại (50 tuổi, ngụ thôn Hợp Giang) nhà ngay sát cầu cho biết: "Hơn 20 năm nay, tôi đã cứu hơn 10 vụ cả người, cả xe rơi xuống sông. Có hôm tôi đang ở sau nhà dọn dẹp thì nghe tiếng kêu cứu, chạy vội ra thì phát hiện cháu Trần Thị Yến (học sinh lớp 9) và cháu Nguyễn Thị Vân Anh (học sinh lớp 5, cả 2 nhà cùng xóm ông Đại) đi học về bằng xe đạp điện bị rơi từ trên cầu xuống sông. Tôi liền hô hoán mọi người và nhảy xuống cứu vớt. May mắn thời điểm đó nước sông cạn nên các cháu được đưa lên bờ an toàn. Đã có 2 vụ là 2 thanh niên bị rơi xuống cầu chết vì nước sông sâu hơn 2m, chảy xiết nên không ai cứu được".
Ông Trần Văn Đại chỉ hai đầu cầu trụ bằng nên đất bị sụt lún rất nguy hiểm.
Tuy cây cầu được làm bằng bê tông nhưng hai đầu cầu không có nền, đắp tạm bằng đất lâu ngày đã bị sụt lún. Nhiều trụ cầu đã bị gãy, xiêu vẹo được người dân khắc phục rất sơ sài bằng cách dùng các cây gỗ để chằng chống, đi xe máy trên cầu cũng cảm thấy rung lắc.
Ông Bùi Xuân Hồng - Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, cho hay, cầu Hợp Giang mất an toàn nghiêm trọng từ nhiều năm nay nhưng địa phương không đủ sức để làm cầu, chỉ đề nghị với các cấp quan tâm, giúp đỡ.
"Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở người dân khi qua cầu phải cảnh giác, cẩn thận, tổ chức thay thế các chân cầu đã gãy. Nguy hiểm nhất là về mùa mưa, bèo tây, rác từ thường nguồn đổ về, có thời điểm dồn mắc vào chân cầu dày đến vài mét, dễ làm sập cầu, năm nào xã cũng tổ chức 3-4 đợt khơi thông dòng chảy, vớt bỏ bèo tây", ông Hồng nói.
Theo Danviet
Cầu 40 tuổi xuống cấp 'oằn lưng' cõng xe tải Được xây dựng cách đây 40 năm và đã xuống cấp, nhưng hàng ngày cầu Chiếc ở Hà Nội vẫn phải "cõng" hàng trăm lượt phương tiện, trong đó có nhiều xe tải. Cầu Chiếc thuộc địa phận xã Hiền Giang (Thường Tín, Hà Nội) được xây dựng cách đây gần 40 năm, nối hai bờ sông Nhuệ, gần đây đã xuống cấp,...