Người dân lân cận phản đối mua vé qua trạm BOT Hòa Bình
Nhiều lái xe cá nhân và doanh nghiệp vận tải tại thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình) đã phản đối mua vé và đề nghị giảm phí qua trạm BOT Hòa Bình.
Liên tiếp các ngày 20-21/10, nhiều chủ phương tiện sống xung quanh trạm thu phí tại km 42 730 quốc lộ 6 (thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình) đã đỗ xe tại 4 làn đường cạnh cabin, không chịu mua vé qua trạm. Một số còn chống đối, kích động chủ phương tiện khác không mua vé, thậm chí đâm xe vào barie làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, ách tắc giao thông. Sự việc chỉ được giải quyết khi lực lượng chức năng địa phương can thiệp.
Trạm thu phí trên quốc lộ 6. Ảnh: Vietnam plus.
Theo Công ty TNHH BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình, cao điểm là chiều 20/10, khoảng 50 chủ phương tiện tại thị trấn Lương Sơn đã đến trạm thu phí đề nghị Công ty BOT miễn hoặc giảm giá vé đối với các xe đăng ký và người dân hộ khẩu tại thị trấn Lương Sơn với bán kính 5 km.
Các ngày sau đó, doanh nghiệp BOT và chính quyền đã tổ chức đối thoại với các hộ dân có xe ôtô, chủ phương tiện. Mặc dù doanh nghiệp giải thích cơ sở mức phí, nghĩa vụ của người tham gia giao thông qua trạm… nhưng chủ phương tiện tiếp tục yêu cầu Công ty BOT phải giảm giá vé hoặc miễn phí. Lý do được đưa ra là những hộ dân này hàng ngày chỉ đi tối đa 5 km trên tuyến quốc lộ 6.
Một số lái xe cho rằng, tuyến đường này độc đạo qua thị trấn Lương Sơn nên bắt buộc phải qua trạm thu phí. Nhiều người chỉ đưa đón con đi học cũng mua vé qua trạm thu phí, mức thấp nhất cho xe 4 chỗ là 25.000 đồng.
Theo ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình, để đảm bảo an ninh trật tự cũng như theo nguyện vọng của các lái xe, doanh nghiệp kiến nghị Bộ Giao thông, Bộ Tài chính xem xét có cơ chế đặc thù giảm giá đối với các hộ dân có xe ôtô, các doanh nghiệp vận tải đang sinh sống và kinh doanh trên địa bàn thị trấn Lương Sơn.
Video đang HOT
Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết chưa nhận được văn bản kiến nghị của Công ty TNHH BOT quốc lộ 6 nên chưa có ý kiến phản hồi. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định việc giảm giá vé qua trạm thu phí đối với các hộ dân sống lân cận. Chủ phương tiện thường xuyên đi qua trạm thu phí có thể mua vé tháng với mức giảm hơn so với vé lượt.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình theo hình thức BOT đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ 30/4/2015. Giữa tháng 10, Bộ Giao thông Vận tải có quyết định cho phép thu phí tại km 42 730 quốc lộ 6 để hoàn vốn cho dự án này này, thời điểm thu phí từ 20/11/2015.
Đoàn Loan
Theo VNE
Bị "ép", doanh nghiệp vận tải "rục rịch" giảm cước
Sau khi cơ quan điều hành liên tục lên tiếng về tình trạng "neo giữ" giá cước của các doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh thì các hãng cũng bắt đầu "rục rịch" giảm giá cước.
Chiều 11/9, có gần 200 doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội "buộc" phải ký cam kết kê khai giá cước vận tải với Sở Giao thông Vận tải.
Doanh nghiệp "rục rịch" giảm giá cước
Trong bối cảnh giá xăng dầu giảm liên tiếp 7 lần nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn "chây ỳ" không giảm giá cước, mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh giảm giá cước trước ngày 11/9/2015.
Tính đến chiều 11/9, gần 200 doanh nghiệp trong tổng số 300 doanh nghiệp vận tại tại Hà Nội "buộc" phải ký cam kết kê khai giá cước vận tải theo quy định mới phù hợp với giá nguyên liệu với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.
Theo đó, các đơn vị kê khai giá nhưng chi phí nhiên liệu trong cấu thành giá cước cao hơn chi phí nhiên liệu trên thị trường hiện nay sẽ cam kết thực hiện kê khai giảm giá cước phù hợp với mức giá nhiên liệu giảm.
Hiện tại có khoảng 70% doanh nghiệp đơn vị vận tải nộp hồ sơ kê khai giá cước, trong đó có 25 doanh nghiệp đã thực hiện giảm giá cước. Hạn cuối để các doanh nghiệp đã ký cam kết giảm giá cước là ngày 16/9, sau thời điểm này nếu doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị xử lý nghiêm.
Trước đó, tại các địa phương như TPHCM, Đà Nẵng... nhiều hãng taxi cũng bắt đầu giảm giá cước. Trong đó, tại TPHCM, hãng taxi như Vinasun hay Mai Linh giảm giá cước khoảng 300-500 đồng/km cho từng loại xe, áp dụng từ ngày 11/9. Một số doanh nghiệp vận tải xe tuyến cố định cũng giảm cước từ 3-5%.
Như vậy, sau khi cơ quan điều hành liên tục lên tiếng về tình trạng "neo giữ" giá cước của các doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh thì các hãng cũng bắt đầu "rục rịch" giảm giá cước. Tuy nhiên, con số doanh nghiệp vận tải đã giảm cước tính tới thời điểm hiện tại vẫn hết sức khiêm tốn so với tổng số hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành.
Vì sao phải "ép" mới giảm?
Lý giải về nguyên nhân chậm điều chỉnh giá cước vận tải, đại diện Sở Tài chính TPHCM trả lời trong một buổi họp cách đây vài hôm: "Đối với giá cước cũng có nhiều nguyên nhân, ví dụ chi phí doanh nghiệp cũng tăng, tiền lương điều chỉnh hàng năm từ 5-10%. Trong khi đó, hoạt động vận tải cạnh tranh rất dữ dội, trước đó khi giá xăng tăng cao, không đơn vị nào dám tăng giá cước mạnh vì sợ mất khách".
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), hành lang pháp lý quản lý Nhà nước về giá cước là đầy đủ nhưng không loại trừ khả năng các doanh nghiệp vận tải đang nhìn nhau, cùng không thay đổi giá để hưởng lợi.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, với 38 năm kinh nghiệm làm trong ngành, ông hiểu trong 2 tháng qua khi giá xăng dầu giảm mạnh mà giá cước vận tải không giảm là "rất vô lý" và "không thể chấp nhận được".
"Nguyên nhân không giảm cước là do cấu trúc thị trường. Ở vận tải ô tô, rơi vào thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Có những doanh nghiệp lãnh đạo giá ở đây. Khi doanh nghiệp lớn chiếm thị phần lớn không giảm giá thì các doanh nghiệp con cũng không tội gì giảm giá", ông Thoả nói thêm.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến chuyên gia cho rằng, việc các doanh nghiệp vận tải không giảm cước không phải là "chây ỳ" hay "bất hợp lý". Theo lý giải, không giống giá xăng dầu dễ dàng điều chỉnh, mỗi khi doanh nghiệp điều chỉnh cước lại tốn thêm hàng loạt chi phí điều chỉnh khác.
Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp khẳng định, cước vận tải không thể "chạy theo" giá xăng dầu bởi chi phí nguyên liệu tuy là thành phần cấu tạo nhưng chỉ chiếm khoảng 20-30% trong cơ cấu giá thành. Doanh nghiệp kinh doanh còn phải chịu thêm nhiều loại chi phí khác, bao gồm cả những loại chi phí "ngầm".
Phương Dung
Theo Dantri
Hà Nội ùn tắc do xe cá nhân tăng mạnh "Trung bình mỗi tháng có 19.000 phương tiện mới hoạt động, gây áp lực cho giao thông đô thị. Hà Nội như cái áo rất chật", Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, nói. Theo Phòng cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội, trên địa bàn thành phố đang có 25 công trình...