Người dân “lách luật”, người áp dụng pháp luật cũng “lách luật”
Những văn bản luật bị vô hiệu hóa trên thực tế đã không còn là vấn đề mới nhưng vẫn tạo độ nóng trong dư luận thời gian qua.
Để nhìn nhận một cách khách quan và chân thực về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Minh nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Nhiều văn bản dưới luật “đè” luật
- Thời gian qua, nhiều văn bản pháp luật sau khi ban hành đã không được thực thi một cách nghiêm chỉnh trong cuộc sống. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?
Cá nhân tôi cho rằng, khi nói đến luật đi vào cuộc sống, có rất nhiều mối quan tâm. Nội dung của luật ban hành phải phù hợp với nhu cầu thực tiễn và phản ánh được sự vận động của đời sống xã hội. Quan trọng nhất là đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước và bảo vệ quyền lợi của đối tượng mà luật điều chỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình làm, có thể, vì nhiều lý do khác nhau, nên một số quy định của luật có những nội dung chưa thật cụ thể, chi tiết. Nhiều văn bản luật chỉ dừng lại ở các quy định mang tính nguyên tắc nên khó đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn về cả hai phương diện đã nói trên.
Người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm (Ảnh chụp ở đường Thanh Niên)
- Vậy theo ông, nguyên nhân của vấn đề xuất phát từ đâu?
Thời gian vừa qua, chúng ta đã cố gắng khắc phục từng bước để luật ngày càng được cụ thể hơn khi đi vào cuộc sống. Thực tế, khi luật ban hành áp dụng sẽ chịu sự tác động của các văn bản dưới luật, khiến mọi chuyện phức tạp hơn. Có khi, nó được triển khai khác hẳn với nội dung của luật.
Mặt khác, quy trình ban hành các văn bản dưới luật chưa có sự thống nhất với luật. Luật ban hành có văn bản quy định rồi nhưng việc chấp hành không nghiêm. Do đó, chúng ta phải có sự khắc phục từ khâu triển khai luật. Ví dụ như, luật quy định những vấn đề liên quan đến lợi ích, quyền, nghĩa vụ của công dân thì dứt khoát các văn bản dưới luật không được quy định mà phải được điều chỉnh bằng luật.
Video đang HOT
Về nguyên tắc, với những văn bản hướng dẫn, chỉ hướng dẫn những điều mà đạo luật đó yêu cầu hướng dẫn, còn các nội dung khác không yêu cầu thì thôi. Bởi vì, sự ủy quyền của Quốc hội đối với cơ quan Nhà nước là ban hành các văn bản dưới luật có giới hạn về nội dung. Nhưng trong thực tiễn, chúng ta lại không thực hiện như vậy, dẫn đến nhiều quy định không phù hợp với luật. Khi đã không phù hợp thì tất nhiên không đáp ứng được yêu cầu của đạo luật đó, làm cho giá trị của nó bị hạn chế, thậm chí, nó có thể không đúng với tinh thần của luật.
Mâu thuẫn giữa việc ban hành luật và các văn bản dưới luật là vấn đề không mới. Vì sao, chúng ta vẫn chưa có cách khắc phục, thưa ông?
Rõ ràng, trên thực tế có nhiều văn bản có những quy định chưa thực sự phù hợp. Ví dụ, gần đây nổi cộm những tranh cãi gay gắt về tính diện tích nhà ở. Luật Xây dựng quy định nhà chung cư tính theo thông thủy. Nhưng văn bản dưới luật thì hướng dẫn người dân tính theo hai cách, thông thủy hoặc tim tường. Điều đáng nói là sự giải thích theo hai cách cũng không khác nhau là mấy. Như vậy, đặc điểm của hệ thống pháp luật nói chung ở nước ta hiện nay là luật đã quy định nhưng điều chỉnh các hành vi trong đời sống xã hội lại chịu sự tác động trực tiếp của các văn bản dưới luật, Nghị định, Thông tư… Chính cung cách làm việc này làm cho các quy định của luật bị méo mó, vô hiệu trong cuộc sống.
Không chỉ người dân “lách luật”
- Vậy theo ông, để khắc phục tình trạng văn bản luật “đè” luật như đã nói trên, điều quan trọng nhất là gì?
Vấn đề đặt ra ở đây là phải trở về quy trình lập pháp ban đầu. Đạo luật có thể thông qua do xây dựng, khảo sát, tìm hiểu, hoặc những lý do khách quan khác. Có những quy định khi ra cuộc sống thấy quá trình áp dụng gặp vướng mắc, trở ngại với lợi ích hợp pháp của công dân thì đương nhiên phải điều chỉnh. Luật cũng là cuộc sống. Người làm luật cũng phải sống trong chính đời sống xã hội đó. Bởi vậy, đề xuất để sửa luật cho phù hợp là việc nên làm. Nếu xây dựng được nề nếp đó sẽ làm cho luật của chúng ta giàu sức sống. Và tạo một thói quen, trong đời sống xã hội mọi việc phải thực hiện theo luật.
Điều đáng buồn nhất hiện nay là nhiều khi luật quy định thế này nhưng các văn bản dưới luật hướng dẫn khác. Như vậy, người “làm luật” bảo theo luật nhưng người áp dụng pháp luật lại bảo không. Nhiều vị quan chức đương nhiệm vẫn nặng giải quyết công việc theo kiểu, Thông tư của bộ tôi, của ngành tôi là thế này, tức là theo lĩnh vực của bộ mình quản lý và dứt khoát là theo như thế. Đó là tính không tuân thủ nguyên tắc pháp quyền Nhà nước XHCN.
Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, không chỉ người dân mà ngay cả người áp dụng pháp luật cũng “lách luật” (ảnh minh họa)
- Có nhận định cho rằng, luật của chúng ta hiện nay vẫn ở “trên trời”. Ông có suy nghĩ như thế nào?
Thực ra nói luật bị vô hiệu hóa cũng chưa thật chính xác nhưng trong thực tế có một số quy định chậm đi vào cuộc sống hoặc khi đi vào cuộc sống gặp những vướng mắc, trở ngại. Qua theo dõi, tôi thấy hạn chế chủ yếu nằm ở các văn bản dưới luật, còn các đạo luật ban hành đều đúng. Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế này thì cần phải có thời gian. Hơn nữa, theo đúng nguyên lý thì luật không thể cao hơn điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định và còn phụ thuộc vào nhận thức của người dân. Dù vậy, nói luật quy định trên trời là hơi quá. Có một thực tế, hiện nay, một vài Thông tư không phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn và tinh thần của luật. Đôi khi, vì nhu cầu của ngành đó, nhu cầu quản lý của lĩnh vực đó mà nhà quản lý đưa ra những quy định làm lợi cho mình. Có nhiều quy định, hướng dẫn thực hiện pháp luật thậm chí gây thêm phiền hà tới người dân.
- Xin ông cho biết quan điểm của ông về công tác thực tiễn áp dụng luật ở Việt Nam?
So với những năm trước đây, kết quả chúng ta đạt được là tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh, tác động tích cực tới quản lý Nhà nước cũng như quản lý các mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật còn hạn chế. Một là khi thực hiện, nhà quản lý không áp dụng đúng theo luật, mà dựa vào các văn bản dưới luật, văn bản hướng dẫn hoặc thậm chí coi văn bản hướng dẫn như là quy phạm pháp luật. Khi người dân thắc mắc không được giải thích đến nơi đến chốn. Thứ hai, chúng ta áp dụng một cách máy móc khi giải quyết nhu cầu của người dân. Thứ ba là sự lợi dụng kẽ hở của pháp luật để “lách luật”. Không chỉ riêng dân “lách luật”, mà người áp dụng pháp luật cũng “lách luật”. Về nguyên tắc là giải thích pháp luật có lợi cho dân nhưng họ không làm thế, không làm lợi cho dân, cho chính cơ quan quản lý và lợi cho cá nhân thực thi công việc đó. Cũng có thể, một bộ phận người làm công tác đó nghiên cứu chưa đầy đủ về các văn bản luật.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Đời sống Pháp luật
Văn bản luật "vô hiệu" trong thực tế: "Vũ khí pháp lý" làm cảnh?
Hiện nay, nhiều văn bản luật ban hành khi đi vào thực tế gần như bị cuộc sống vô hiệu vì các nội dung văn bản xa rời so với thực tế.
Hay có những trường hợp, luật đã có quy định cụ thể, thiết thực nhưng công tác thực thi pháp luật lại không thể áp dụng được trên thực tế. Nguyên nhân được các chuyên gia mổ xẻ từ nhiều góc cạnh...
Tại sao luật đã cấm nhưng không thể áp dụng được!?
Không khó để chỉ ra nhiều văn bản luật ban hành đã trở nên lạc lõng với đời sống thực tế. Như Thông tư số 26/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định danh mục 77 công việc phụ nữ không được làm. Theo nhiều người đánh giá, kết quả của cách "làm luật" nặng về lý thuyết mà thiếu sự khảo sát trên thực tế. Hay như Luật Bảo vệ người tiêu dùng ban hành nhưng nhiều quy định trong luật đã không thể đi vào đời sống như quy định "đơn vị bảo hành phải đưa sản phẩm thay thế cho khách hàng sử dụng tạm trong quá trình chờ bảo hành". Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp không áp dụng quy định này và cơ quan chức năng cũng không có hướng để xử lý. Tại TP.HCM, người ta đưa ra số liệu là trong hai năm, Hội Bảo vệ người tiêu dùng thành phố chỉ tiếp nhận 150 đơn thư - một con số ít ỏi so với thực tế quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm.
Người dân không thực thi pháp luật cũng được coi là một nguyên nhân khiến luật vô hiệu trên trong đời sống (ảnh minh họa)
Cũng như Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh được ban hành và có hiệu lực được kỳ vọng là vũ khí hữu hiệu chống lại hiện tượng thoả hiệp về giá giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện bốn hãng sữa lớn nhất ở Việt Nam gồm Vinamilk của nội địa, và ba hãng nước ngoài Mead Johnson Nutrition, Nestlé Việt Nam, Friesland Campina cùng "rủ nhau" tăng giá sữa cho trẻ dưới sáu tuổi khiến người dân rất bức xúc và đang đặt ra vấn đề có hay không bốn doanh nghiệp trên thoả hiệp về giá.
Trong lúc, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra để tìm ra sự thật bốn "ông lớn" của ngành sữa đồng loạt tăng giá, thì nhiều người liên tưởng đến kết quả thanh tra của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) về việc cả ba nhà mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel, đồng loạt tăng giá cước 3G là không có dấu hiệu thoả thuận "bắt tay" làm giá. Và còn cho rằng, đó là kết quả thực hiện chủ trương, định hướng điều chỉnh giá cước viễn thông. Nhiều người cho rằng, ở góc độ đối chiếu quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 11, Luật Cạnh tranh, xác định có dấu hiệu cho thấy nhóm ba doanh nghiệp viễn thông và bốn công ty sữa trên là nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường và có dấu hiệu thoả hiệp về giá.
Vẫn là sản phẩm của ... lý thuyết
Phân tích về hiện tượng nhiều văn bản luật bị vô hiệu trong đời sống, các chuyên gia cho rằng, mỗi văn bản thường xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau trong đó, nguyên nhân chủ yếu là hiện tượng các nhà "làm luật" nặng về lý thuyết và thiếu tính thực tiễn.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Chiêu, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bạc Liêu, nguyên Giám đốc sở Tư pháp Vĩnh Long cho rằng: "Quá trình "làm luật" của chúng ta, tuy có khâu lấy ý kiến đóng góp của người dân nhưng đây là khâu yếu nhất trong quy trình "làm luật" hiện nay. Thông thường những nhà "làm luật" ở Việt Nam ít khảo sát thực tế, họ chú tâm đi sâu vào nghiên cứu lý thuyết nên nhiều quy định vênh hẳn với đời sống. Những nhà soạn thảo luật đa phần là những nhà nghiên cứu, kiến thức về luật của họ rất sâu, làm việc tại các trường đại học, học viện. Tuy nhiên, đây lại là những người ít có kinh nghiệm thực tế. Họ chỉ dựa vào lý thuyết hay tham khảo luật của một số nước rồi đem áp dụng vào Việt Nam. Chính vì lẽ đó, nhiều văn bản luật ban hành có nội dung rất nhân văn, tiến bộ nhưng khi đi vào thực tế thì không thể áp dụng và bị vô hiệu".
Cũng theo ông Huỳnh Chiêu, quy định 77 nghề cấm, phụ nữ không được phép làm là điển hình cho cách làm luật nặng về lý thuyết. Đáng lẽ, trước khi ban hành Thông tư trên, các nhà soạn thảo luật phải xuống tận các doanh nghiệp, những nơi có nữ công nhân đang làm việc để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng; Khảo sát xem những nghề đó có phù hợp với phụ nữ hay không? Ban hành quy định thiếu thực tế như vậy, khiến nhiều phụ nữ đột nhiên bị thất nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập. Thậm chí, nhiều nơi không áp dụng được, vì nếu thi hành thì nghiễm nhiên, nhiều công nhân cống hiến lâu năm sẽ bị sa thải.
Những quy định mang tính "gác cổng"
Trong một phát biểu gần đây với báo giới, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã chỉ ra rằng, đối với một số luật như Luật Bảo vệ môi trường, không được chấp hành nghiêm trên thực tế là do người thực thi công vụ không nghiêm. Trong Luật Bảo vệ môi trường thì báo cáo đánh giá tác động môi trường là cái barie quan trọng đầu tiên để bảo vệ môi trường mà các dự án phải vượt qua.
Nhưng trên thực tế đã có rất nhiều bản báo cáo, đánh giá về tác động môi trường chất lượng kém, mang tính đối phó, không đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật, thậm chí còn được copy, cắt dán cho nhiều dự án khác nhau, thay đổi địa chỉ một cách lộ liễu bởi không thay hết. Sau khi được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư, nhất là các dự án thủy điện đã không thực hiện đúng và đủ những cam kết trong tác động môi trường về đảm bảo an toàn hồ đập, xử lý sự cố môi trường, trồng rừng thay thế. Đáng lưu ý hơn, Nhà nước chưa hề quy trách nhiệm của người lập, người thẩm định, phê duyệt, kiểm tra, giám sát thực hiện các cam kết trong tác động môi trường nên để xảy ra tình trạng trên. Như thế, sự buông lỏng quản lý và không quy trách nhiệm chính là nguyên nhân làm vô hiệu hóa trên thực tế quy định về tác động môi trường.
Theo Đời sống Pháp luật
Cảnh sát vô hiệu hóa camera, đột kích tụ điểm ma túy Ập vào 3 phòng trong chung cư mini ở Hà Nội, trinh sát phát hiện gần chục người có biểu hiện sử dụng ma túy. Khám xét, cảnh sát thu ma túy các loại, gần 100 triệu đồng. Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa bắt giữ Nguyễn Ngọc Bích (biệt danh 'Ngọc chập', 44 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội)...