Người dân Kiev nhẹ nhõm khi Nga rút quân giảm leo thang với Ukraine
Nhiều người dân sống tại thủ đô Kiev vẫn hoài nghi về cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine, bất chấp hàng loạt các quốc gia kêu gọi công dân rời khỏi nước này.
Thành phố Kiev, Ukraine yên bình hôm 15/2. Ảnh: Reuters
Theo trang The Guardian (Anh), anh Andriy, nhân viên ngân hàng 34 tuổi sống tại Kiev, đã thở phào nhẹ nhõm khi quân đội Nga tuyên bố bắt đầu rút quân gần biên giới Ukraine hôm 15/2. Đối với Andriy, động thái này dường như làm giảm mối đe doạ về cái gọi là một cuộc tấn công tổng lực của Nga nhằm vào Ukraine. Với tuyên bố này, Andriy cũng rất vui mừng vì thắng vụ cá cược với chị gái mình.
“Chị gái tôi cùng các con đã lên máy bay đến Ba Lan từ cuối tuần trước khi đọc được những mối đe doạ chiến tranh có thể xảy ra. Nhưng tôi không tin vào điều đó. Tôi vẫn muốn ở lại đất nước”, Andriy chia sẻ khi đi dạo dưới ánh nắng Mặt Trời trên con phố trung tâm Khreshchatyk vào chiều hôm 15/2.
Trong những ngày gần đây, nhiều người dân Kiev đã lo lắng về việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở gần biên giới Ukraine. Một số vẫn hoài nghi về cảnh báo của phương Tây rằng cuộc sống của họ sẽ bị gián đoạn bởi hành động quân sự từ phía Nga. Hơn nữa, thông tin đại sứ quán Mỹ ở Kiev hủy thiết bị, tài liệu trước khi đóng cửa để chuyển nhân viên đến Lviv, khiến người dân liên tưởng đến những cuộc sơ tán khỏi các thành phố đang trên bờ vực chiến tranh. Điều này đã khiến bầu không khí yên bình ở thủ đô của Ukraine trở nên tĩnh lặng lơn.
Tuy nhiên, cuộc sống của hầu hết người dân địa phương vẫn tiếp diễn như bình thường. Vào tối 14/2, các quán bar và nhà hàng vẫn chật kín các cặp đôi đến hẹn hò trong Ngày lễ tình nhân. Hôm 15/2, đường phố vẫn tấp nập người qua lại với công việc kinh doanh hàng ngày của họ.
Người đi bộ qua lối vào của một nhà ga cáp treo ở Kiev, Ukraine. Ảnh: Getty Images
“Kiev vẫn bình yên. Đồng tiền quốc gia ổn định. Nhà hàng và siêu thị vẫn đầy đủ hàng hoá. Sự vắng mặt của các nhà ngoại giao đã rời đi được bù lại bởi lượng nhà báo đông đảo”, Olexander Scherba, một cựu nhà ngoại giao Ukraine, viết trên Twitter.
Giới truyền thông từ khắp nơi thế giới đã đổ về Kiev trong những tuần gần đây, trong bối cảnh Mỹ liên tục cáo buộc Nga chuẩn bị “xâm lược” Ukraine. Song thông báo rút quân của Nga hôm 15/2 dường như cho thấy Moskva ít có khả năng hành động quân sự như những gì phương Tây đã cảnh báo, dù Chính phủ Ukraine vẫn khá cảnh giác.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết trên Twitter: “Ukraine có một quy tắc: chúng tôi không tin những gì chúng tôi nghe, chúng tôi chỉ tin những gì chúng tôi thấy. Nếu Nga thực sự rút quân như những tuyên bố này, chúng tôi sẽ tin vào khởi đầu của sự giảm leo thang thực sự”.
Nhưng ngay cả khi Nga đang triển khai rút quân, tin tức về cuộc tấn công mạng nhằm vào một số ngân hàng Ukraine và trang web của Bộ Quốc phòng tối 15/2 cũng khiến nhiều người lo ngại. Giới chức Ukraine luôn tin rằng kiểu tấn công mạng từng phần này có khả năng xảy ra cao hơn so với kịch bản chiến tranh tổng lực mà Nhà Trắng đã đưa ra.
Người dân đi dọc con phố ở trung tâm Lviv, Ukraine. Ảnh: Reuters
Bên trong sự bình yên ở thủ đô Kiev những ngày gần đây, nhiều người đã lên kế hoạch dự phòng tình huống khẩn cấp khi truyền thông địa phương đưa tin về khả năng hành động quân sự của Nga. Thị trưởng Kiev Vitaly Klitschko hôm 14/2 cho biết thành phố đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung điện, hệ thống sưởi và nước để không bị gián đoạn trong trường hợp một vụ tấn công xảy ra.
Chính quyền của ông đã công bố bản đồ cho thấy 4.500 hầm trú bom có thể được sử dụng trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào Kiev. Những hầm trú ẩn này được đặt tại các cửa hàng, quán bar, ga tàu điện ngầm. Tất cả đều hứa hẹn sẽ bảo vệ mọi người trong trường hợp xảy ra các cuộc không kích. Một số người đã mua nước và thực phẩm dự trữ để đề phòng trường hợp bị mắc kẹt ở nhà trong nhiều ngày.
Trong khi nhiều nhà ngoại giao nước ngoài đã được đưa về nước hoặc sơ tán đến Lviv, ở phía tây Ukraine, nhiều người nước ngoài đã phớt lờ những lời cảnh báo về “ngày tận thế” cần rời khỏi Ukraine ngay lập tức từ các đại sứ quán.
Bryan, một doanh nhân 48 tuổi người Mỹ, đã sống ở Kiev trong 4 năm qua, cho biết: “Bây giờ tôi vẫn ở đây. Đây là một thành phố lớn, ngay cả khi người Nga bắt đầu làm gì đó, tôi cũng không cho rằng ở lại đây quá nguy hiểm. Tôi thấy hơi lạ khi các nhà ngoại giao của chúng tôi rời đi nhanh như vậy. Tòa đại sứ đó giống như một pháo đài, chắc chắn họ có một nơi nào đó an toàn để ở đó”.
Ngày 15/2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo một số lực lượng mà nước này triển khai gần biên giới Ukraine đã bắt đầu rút về các căn cứ. Động thái này đã được các đại diện của Ukraine và NATO ủng hộ. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba nói với các nhà báo: “Ngoại giao đang tiếp tục phát huy tác dụng”. Tuy nhiên, ông Kuleba nhấn mạnh rằng căng thẳng vẫn ở mức cao và Ukraine vẫn đang chờ Nga rút lực lượng còn lại.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhận xét tổ chức này lạc quan thận trọng về các tín hiệu từ Nga, nhưng cho biết ông chưa nhận thấy dấu hiệu thực sự của việc giảm leo thang xung quanh Ukraine.
Trong khi đó, các quan chức Nga coi tuyên bố rút quân là bằng chứng cho thấy phương Tây đã sai lầm khi đồn đoán về cuộc tấn công quân sự. Trong một tuyên bố ngày 15/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói: “Ngày 15/2/2022 sẽ đi vào lịch sử với tư cách là ngày tuyên truyền chiến tranh của phương Tây thất bại”. Bà nói thêm rằng phương Tây đã bị làm cho xấu hổ và bị tiêu diệt mà không cần một phát súng nào.
Đằng sau động thái Nga rút quân khỏi khu vực biên giới gần Ukraine
Giữa lúc phương Tây cảnh báo rằng Nga có thể sắp tấn công Ukraine thì Nga lại thông báo rút một số binh sĩ khỏi khu vực gần biên giới với Ukraine. Động thái này đã gây "bão" trên truyền thông thế giới.
Theo đài RT, ngày 15/2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo một số lực lượng mà nước này triển khai gần biên giới Ukraine đã bắt đầu rút về các căn cứ. Câu hỏi đặt ra là động thái rút lui này có phải là dấu hiệu cho thấy căng thẳng nhiều tháng qua giữa Nga và phương Tây đang giảm hay không.
Đồn đoán của phương Tây
Thông tin Mỹ cáo buộc Nga có kế hoạch tấn công Ukraine lần đầu tiên lan truyền vào tháng 1/2021. Bất chấp Nga liên tục bác bỏ, nhưng lo ngại về một cuộc "xâm lược" (như cách gọi của phương Tây) Ukraine tiếp tục nóng lên và gây sốt trong những ngày gần đây.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng. Ảnh: AFP/TTXVN
Một phần là do phía Mỹ cung cấp nhỏ giọt thông tin tình báo, một phần là do Anh cáo buộc Nga có kế hoạch hành động quân sự và thay đổi chế độ ở Ukraine, cũng dựa trên thông tin tình báo.
Các nhà phân tích cũng dẫn báo cáo về việc Nga điều trên 100.000 binh sĩ tới gần biên giới với Ukraine và việc triển khai thêm quân đến nước láng giềng Belarus để tham gia các cuộc tập trận chung quy mô lớn. Hai động thái này khiến một số quan chức phương Tây cảnh báo có thể là để chuẩn bị cho cuộc tấn công từ hai mũi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng ông sẽ không điều lực lượng Mỹ đến để chống Nga trong trường hợp xảy ra chiến tranh, nhưng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đe dọa trừng phạt kinh tế khốc liệt đối với Nga nếu nước này tấn công Ukraine.
Gần đây nhất, vào cuối tuần trước, Anh tuyên bố rằng họ đã biết về kế hoạch Nga sử dụng cơ quan an ninh để thực hiện các cuộc đảo chính ở các thành phố lớn của Ukraine sau khi xảy ra xung đột toàn diện. Còn ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, nói với CNN rằng Nga có thể thực hiện hành động quân sự lớn bất kỳ ngày nào từ bây giờ.
Chính phủ Ukraine đã nhận được hàng trăm triệu USD viện trợ và hỗ trợ quân sự từ phương Tây trong thời gian này, nhưng nền kinh tế đã bị ảnh hưởng trước dự báo về cuộc xung đột.
Trong suốt thời gian bế tắc về vấn đề Ukraine, Moskva vẫn khẳng định họ không bao giờ có kế hoạch tấn công Ukraine và Nga có quyền di chuyển binh sĩ trong lãnh thổ của mình khi thấy phù hợp. Các quan chức Nga đã chỉ trích các báo cáo tình báo phương Tây và phản ứng của phương tiện truyền thông là hỗn loạn và sai lệch.
Tổng thống Vladimir Putin đã bày tỏ lo ngại về cấu trúc an ninh quy mô lớn của châu Âu, và cảnh báo thực hiện các biện pháp quân sự-kỹ thuật nếu các yêu cầu của Nga không được đáp ứng.
Vào tháng 12/2021, Nga đã gửi một danh sách đề xuất tới Mỹ và NATO, yêu cầu đảm bảo bằng văn bản rằng NATO sẽ không mở rộng sang Ukraine hoặc Gruzia. Các quan chức của hai bên đã gặp nhau trong một loạt cuộc đàm phán vào tháng 1 và đầu tháng này. Mỹ đã đưa ra phản ứng chính thức với Nga, bác bỏ yêu cầu về việc mở rộng NATO nhưng đề xuất các biện pháp giảm leo thang ở châu Âu.
Nga giải thích động thái rút quân
Ngày 15/2, ônh Igor Konashenkov, người phát ngôn chính của Bộ Quốc phòng Nga, đã công bố một đoạn video thông báo một số binh lính và thiết bị của Nga tham gia cuộc tập trận chung ở Belarus gần biên giới Ukraine sẽ rút về căn cứ ở Nga.
Ông Konashenkov nói: "Các sư đoàn của Quân khu miền Nam và miền Tây đã hoàn thành nhiệm vụ".
Video binh sĩ, vũ khí Nga tại Belarus rút một phần về nước (nguồn: RT)
Các cuộc tập trận dự kiến kéo dài đến ngày 20/2 và các lực lượng Nga vẫn ở gần Ukraine, nhưng thông báo trên là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Nga giảm hiện diện quân sự đáng kể kể từ khi có thông tin đồn đoán về cuộc xâm lược vào năm ngoái.
Động thái này đã được các đại diện của Ukraine và NATO ủng hộ. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba nói với các nhà báo: "Ngoại giao đang tiếp tục phát huy tác dụng". Tuy nhiên, ông Kuleba nhấn mạnh rằng căng thẳng vẫn ở mức cao và Ukraine vẫn đang chờ Nga rút lực lượng còn lại.
Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhận xét tổ chức này lạc quan thận trọng về các tín hiệu từ Nga, nhưng cho biết ông chưa nhận thấy dấu hiệu thực sự của việc giảm leo thang xung quanh Ukraine.
Trong khi đó, các quan chức Nga coi tuyên bố rút quân là bằng chứng cho thấy phương Tây đã sai lầm khi đồn đoán về cuộc tấn công quân sự. Trong một tuyên bố ngày 15/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói: "Ngày 15/2/2022 sẽ đi vào lịch sử với tư cách là ngày tuyên truyền chiến tranh của phương Tây thất bại". Bà nói thêm rằng phương Tây đã bị làm cho xấu hổ và bị tiêu diệt mà không cần bắn một phát súng nào.
Ngoại trưởng Lavrov cũng phát biểu trong một cuộc họp báo cùng ngày, nói rằng việc rút quân của Nga chỉ đơn giản là tiến hành theo đúng lịch trình. Ông nói: "Điều này diễn ra hoàn toàn độc lập với những điều mà mọi người đang nghĩ. Nhưng mọi người lại cứ ồn ào về động thái đó".
Theo CNN, khi Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko gặp nhau trong tuần này, dư luận có thể biết khi nào tập trận ở Belarus chấm dứt và khi nào các binh sĩ Nga ở đó sẽ về nước.
30 năm quan hệ thăng trầm Nga-Ukraine: Triển vọng nối lại quan hệ vẫn rộng cửa Đại biện lâm thời Nga tại Ukraine Alexander Lukashik cho biết Moskva đã nhiều lần ra tuyên bố ở các cấp độ khác nhau về việc sẵn sàng nối lại đối thoại để khôi phục quan hệ toàn diện với Kiev. Quan hệ song phương Nga - Ukraine được thiết lập cách đây 30 năm, vào ngày 14/2/1992. Sự hợp tác chặt chẽ...