Người dân huyện miền núi Hà Tĩnh “gượng dậy” sau lũ
Hai trận lũ liên tiếp xảy ra vào cuối tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho người dân Hà Tĩnh nói chung và người dân huyện Vũ Quang nói riêng. Ngay sau khi nước rút, người dân đã tập trung khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Người dân xã Đức Lĩnh dùng túi bọc làm “áo giáp” bảo vệ cho cam.
Nhìn vườn cam 4 ha rụng trắng gốc, bà Nguyễn Thị Hằng (SN 1960, thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh) không khỏi xót xa. Dù đã tính toán kỹ phương án thoát nước cho vườn cam nhưng mưa lũ kéo dài nên gia đình bà “trở tay không kịp”, đành bất lực nhìn vườn cam bị hư hại.
Bà Hằng chia sẻ: “ Lũ lụt đã khiến vườn cam của gia đình tôi rụng hơn 5 tấn. Để hạn chế thiệt hại, gia đình đã huy động nhân lực thu hoạch sớm và chủ động liên hệ với thương lái để xuất bán. Sau 2 ngày thu hái, gia đình tôi đã xuất bán được gần 6 tấn cam, với giá bán 25 nghìn đồng/kg, thu về 150 triệu đồng. Đối với những quả còn non thì dùng túi bọc để bảo vệ”.
Người dân thôn Hội Trung, xã Đức Liên đã tập trung làm đất, vét rãnh…
Tại xã Đức Liên, ngay sau khi nước lũ rút, người dân cũng đã tập trung ra đồng vét rãnh tiêu nước, gieo trỉa bổ sung những diện tích ngô bị đổ gãy, hư hại.
Bà Nguyễn Thị Mến (SN 1954, thôn Hội Trung, xã Đức Liên) cho biết: “Mưa lũ đã khiến hàng chục ha ngô và các loại hoa màu khác trên địa bàn thôn bị vùi lấp trong bùn đất, riêng gia đình tôi thiệt hại hơn 2 ha ngô. Ngay sau khi nước rút, tôi đã khẩn trương ra đồng vét rãnh tiêu nước, tập trung làm lại đất để sớm phủ xanh những ha ngô bị hư hại”.
Video đang HOT
Cũng theo bà Mến, sau lũ, bà con mong muốn sớm được địa phương hỗ trợ giống ngô, rau để khôi phục sản xuất, đảm bảo nguồn lương thực cho vụ tới.
Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Vũ Quang cũng đã khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho đàn lợn như: phun hóa chất khử trùng, rắc vôi bột…
Người dân chủ động phun tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực nuôi sau khi lũ rút. Trong ảnh: Anh Hoàng Văn Nam (SN 1972, thôn 2, xã Đức Bồng) tập trung bảo vệ đàn lợn sau mưa lũ.
Ông Hoàng Văn Nam (SN 1972, thôn 2, xã Đức Bồng) cho biết: “Ngay khi nước lũ rút, tôi đã dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chủ động phun hóa chất để tẩy uế. Đặc biệt, tôi cập nhật thông tin, tình hình dịch bệnh thường xuyên và tuân thủ các biện pháp mà cán bộ thú y hướng dẫn để đàn lợn được khỏe mạnh”.
Cũng theo ông Nam, thời tiết mưa lũ diễn biến thất thường khiến đàn lợn dễ mắc các bệnh như: tụ huyết trùng, tiêu chảy… và dễ bùng phát nếu không được kiểm soát tốt.
Công tác vệ sinh chuồng trại sau lũ được người dân xã Đức Bồng chú trọng.
Ông Nguyễn Minh Vinh – Chủ tịch UBND xã Đức Giang cho biết: “Cùng với chỉ đạo hướng dẫn người dân rắc vôi bột, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại và xung quanh chuồng trại ít nhất mỗi ngày 2 lần, xã đã tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các trang trại, hộ nuôi siết chặt quy trình khử trùng vào ra tại khu vực nuôi. Khi phát hiện lợn ốm, chết bất thường phải báo ngay chính quyền địa phương để có phương án xử lý. Đồng thời, chúng tôi cũng vận động các hộ thực hiện nghiêm túc “5 không” trong phòng chống dịch”.
Hiện nay, huyện Vũ Quang đang ra sức vận động, hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau lũ. Người dân Vũ Quang với ý chí kiên cường, tinh thần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau cũng đã và đang cùng nhau “gượng dậy”, để gây dựng lại hoạt động sản xuất, chăn nuôi sau lũ.
Bão lũ tại miền Trung làm 242 người chết và mất tích, thiệt hại gần 29.000 tỷ đồng
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, bão lũ trong tháng 9, 10/2020 đã gây thiệt hại tới 28.800 tỷ đồng ở các tỉnh miền Trung.
Liên tiếp 5 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới dội vào miền Trung
Tại cuộc họp bàn tái thiết sản xuất sau mưa lũ cho các tỉnh miền Trung vào chiều qua, 5/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã liên hệ với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng chung tay hỗ trợ người dân miền Trung sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, bão lũ trong tháng 9, 10/2020 đã gây thiệt hại tới 28.800 tỷ đồng ở các tỉnh miền Trung.
Báo cáo từ Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cho thấy, từ cuối tháng 9, đặc biệt trong tháng 10/2020, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã phải chịu ảnh hưởng liên tiếp của 5 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới (chưa kể cơn bão số 10 đang vào Nam Trung bộ).
Đặc biệt, cơn bão số 9 mạnh nhất gần 20 năm qua đổ bộ vào đất liền (tâm bão tại Quảng Ngãi) với sức gió cấp 11-12 giật cấp 14-15. Mưa lớn đã gây ngập lụt trên diện rộng, lúc cao điểm tới 1,2 triệu người bị ảnh hưởng ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam. Đây là đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt, khi bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, vượt lịch sử.
Vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế đến nay vẫn chưa tìm thấy các nạn nhân mất tích
Đến nay, bão, mưa, lũ sạt lở đất trong tháng 9, 10/2020 đã làm 242 người chết và mất tích, trên 200.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng, phải mất rất nhiều thời gian, nguồn lực mới phục hồi, tái thiết lại được. Tổng thiệt hại kinh tế do bão lũ trong thời gian qua gần 28.800 tỷ đồng.
9 tỉnh miền Trung cần hỗ trợ khẩn cấp 9.500 tỷ đồng
Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cho biết, trước mắt, cần hỗ trợ khẩn cấp cho 9 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để khắc phục hậu quả thiệt hại do bão, mưa lũ, sạt lở đất: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, với tổng kinh phí gần 9.500 tỷ đồng.
Trong đó, sẽ tập trung vào nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ gia đình có người bị chết, mất tích, di dời dân cư khẩn cấp; khắc phục nhà bị sập, trôi, hư hỏng nặng do bão, mưa lũ, sạt lở đất. Hỗ trợ gạo cứu đói, giống cây trồng, cơ số thuốc, hóa chất lọc nước, vắc-xin, hóa chất khử trùng phòng, chống dịch trong chăn nuôi, thủy sản...
Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, Bộ đã huy động được nguồn hỗ trợ từ các đơn vị cho người dân các tỉnh miền Trung giống cây trồng vật nuôi, thủy sản, thuốc, thức ăn chăn nuôi... ước tính khoảng 100 tỷ đồng.
Tại các tỉnh ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ như Quảng Trị, Quảng Bình, Huế, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quân khu IV và V sẽ được hỗ trợ để khôi phục sản xuất, đặc biệt nhanh chóng khôi phục chăn nuôi gia cầm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ đã huy động được trên 1,1 triệu con giống gia cầm, 300 nghìn tấn thức ăn chăn nuôi và vắc-xin, thuốc thú y... để hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất.
Về chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, các địa phương phải khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh thì mới tái chăn nuôi, tránh thiệt hại. Cục sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng mô hình nuôi gia cầm để tuyên truyền, phổ biến tại các địa phương.
Hiện, Bộ NN&PTNT đang tổng hợp trình Thủ tướng về công tác hỗ trợ các tỉnh miền Trung. Theo đề xuất ban đầu, để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ, các tỉnh miền Trung đang cần 20.500 tấn gạo hỗ trợ cứu đói; hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn giống ngô, 44,2 tấn hạt rau giống; trong đó đã cấp phát hỗ trợ 18 tấn giống ngô, 10,8 tấn hạt rau giống. Về vaccine và hóa chất khử trùng, tổng nhu cầu các địa phương là 560.000 liều vaccine, 140.000 lít và 105 tấn hóa chất khử trùng.
Hà Tĩnh: Chạy đua thời vụ khôi phục sản xuất sau lũ Ngoài sản xuất rau củ đảm bảo tự cung, tự cấp, nông dân Hà Tĩnh đang chạy đua thời vụ, xuống giống các loại rau ngắn ngày để cung cấp cho thị trường trước tết. Những ngày hậu lũ lịch sử, thời tiết tuy còn âm u nhưng khu vực đất cát ven biển huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... khô ráo...