Người dân Hàn Quốc ghét Thủ tướng Nhật Bản hơn Triều Tiên?
Mặc dù Seoul vẫn đang trong giai đoạn ‘chiến tranh lạnh’ với Bình Nhưỡng nhưng trên thực tế do tác động của yếu tố lịch sử, người dân Hàn Quốc lại ‘ghét’ nhà lãnh đạo Nhật Bản Shinzo Abe hơn là ông Kim Jong-un.
Đây là kết quả khảo sát về mức độ yêu mến các nhà lãnh đạo thế giới được tiến hành trên 1.000 người dân Hàn Quốc hồi năm ngoái do Viện Nghiên cứu Chính sách châu Á tại Seoul tiến hành. Kết quả cho thấy, mức độ yêu mến mà người dân Hàn Quốc dành cho lãnh đạo Triều Tiên và Nhật Bản lần lượt là 1,3 và 1,1 điểm.
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, trong tâm trí của nhiều thế hệ người dân Hàn Quốc, thời kỳ lịch sử đen tối nhất của nước nhà là giai đoạn 1910 – 1945, thời kỳ bán đảo Triều Tiên nằm dưới sự đô hộ của Nhật Bản. Trong đó, ông của Thủ tướng Abe là Nobosuke Kishi từng là thành viên nội các Nhật Bản trong thời chiến và bị người dân Hàn Quốc coi là tội phạm chiến tranh “hạng A”.
Người dân Hàn Quốc “ghét” Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) hơn là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ngoài ra, những phát ngôn của Thủ tướng Abe về các sự kiện lịch sử cũng không mấy khi nhận được sự tán thành của người dân Hàn Quốc. Cụ thể là chủ đề “nô lệ tình dục trong chiến tranh” liên quan tới hơn 200.000 phụ nữ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và khắp Châu Á từng bị bắt ép trở thành nô lệ tình dục trong giai đoạn Thế chiến thứ Hai. Những phụ nữ này đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người lớn nhất trong thế kỷ 20.
Hồi tháng Tư, phát biểu trước Quốc hội Mỹ về Thế chiến thứ Hai, ông Abe nhấn mạnh ông “tiếc thương” cho số phận những nạn nhân của nạn “buôn người” trong thời chiến.
Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu phụ nữ đã tình nguyện và bao nhiêu người bị ép phục vụ trong các nhà chứa và ai là người điều hành các nhà chứa này? Điều đáng nói, Thủ tướng Abe cố tình né tránh nhắc tới việc binh sĩ Nhật Bản là “khách hàng lớn” trong các nhà chứa, đã gây bức xúc và phẫn nỗ đối với nhiều người dân Hàn Quốc.
“Các cựu Thủ tướng Nhật Bản từng gửi lời xin lỗi nhưng Thủ tướng Abe lại phủ nhận thực tế. Đây là vấn đề nghiêm trọng khi Nhật Bản không thừa nhận tội ác trong Thế chiến thứ Hai và chúng tôi không còn niềm tin với ông Abe”, ông Kim Yong-hwan, người đứng đầu Trung tâm Pháp lý và Niềm tin lịch sử nói.
Ngoài ra, không ít người dân Hàn Quốc nghi ngờ rằng động thái của Thủ tướng Abe về việc thay đổi chính sách hậu chiến cũng như tạo điều kiện cho các lực lượng phòng vệ mở rộng hoạt động và tham chiến ở nước ngoài, sẽ một lần nữa tái khôi phục chủ nghĩa quân phiệt ở Nhật Bản.
Video đang HOT
“Tôi cho rằng người dân Hàn Quốc không có cái nhìn thiếu thiện cảm với người dân Nhật Bản. Nhưng họ lại so sánh ông Abe với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản dưới thời chiến là ông Hideki Tojo”, Tổng biên tập nhật báo Korea Times, ông Oh Young-jin nhận định.
Chính Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng đã nhiều lần yêu cầu Nhật Bản lên tiếng xin lỗi và bồi thường cho những phụ nữ còn sống và từng làm “nô lệ tình dục trong thời chiến”. Bản thân bà Park cũng tỏ ra không ưa gì người đồng cấp Abe.
Điển hình, trước cuộc họp thượng đỉnh song phương hồi tuần trước, bà Park đã một mực từ chối gặp riêng nhà lãnh đạo Nhật Bản. Và trong phiên họp đầu tiên trong 3 năm qua giữa Nhật Bản – Hàn Quốc – Trung Quốc ở Seoul, Thủ tướng Abe và đại sứ Nhật Bản ở Hàn Quốc cũng không được mời ăn tối ở nhà hàng Seoul. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lại được phía Hàn Quốc mời quốc yến.
Tuy nhiên, dù Hàn Quốc và Trung Quốc nhiều lần lên tiếng phản đối bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ của Thủ tướng Abe hồi tháng Tư, giới chính trị Mỹ lại có phần nghiêng về ủng hộ nhà lãnh đạo Nhật Bản.
Bởi lâu nay, ông Abe là một trong những chính trị gia ở châu Á ủng hộ mạnh mẽ nhất các chính sách của Mỹ. Ngoài ra, động thái Tokyo tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực trước mối đe dọa từ Triều Tiên và Trung Quốc, cũng được Washington hoan nghênh.
Việc Tổng thống Park xuất hiện trong buổi lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ Hai được tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng Chín, cũng khiến không ít người dân Hàn Quốc lo ngại đồng minh quân sự Washington vốn muốn thiết lập mặt trận 3 bên Mỹ – Nhật – Hàn, sẽ chuyển sang thắt chặt quan hệ với Tokyo hơn Seoul.
“Thủ tướng Abe hiểu rằng chính phủ Mỹ cần Nhật Bản là đồng minh quân sự để kiểm soát sức mạnh của Trung Quốc. Mỹ quan tâm tới việc thiết lập mạng lưới đồng minh và gây dựng tầm ảnh hưởng trong khu vực nhiều hơn là các yếu tố lịch sử”, tờ Chosun Ilbo nhấn mạnh.
Trong khi đó, phần lớn lịch sử gia cho rằng trong thời chiến, Trung Quốc mới là nạn nhân chính của Nhật Bản với khoảng 15 triệu người chết.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tờ báo tiếng Anh đầu tiên của Hồng Kông được Tập đoàn SCMP phát hành.
Minh Thu (Lược dịch)
Theo Infonet
Vì sao ông Kim Jong-un không dự lễ duyệt binh ở Bắc Kinh?
Quyết định không tới dự lễ diễu binh quy mô lớn kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ Hai tại Bắc Kinh và 70 năm chiến thắng phát xít ở Moscow cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang có xu hướng ngày càng tách biệt Triều Tiên với thế giới.
Thư ký biên tập tạp chí The Diplomat, ông Alexandre Dor nhận định buổi lễ kỷ niệm lần thứ 70 kết thúc Thế chiến thứ Hai tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh được kỳ vọng là chuyến thăm đầu tiên ra nước ngoài của ông Kim Jong-un với tư cách nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Kim đã quyết định không tới Bắc Kinh bởi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chối ngồi cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên trên lễ đài.
Theo bản tin Night Watch của hãng KGS (Mỹ) phát sóng hôm 1/9, "Triều Tiên nhấn mạnh nhà lãnh đạo của họ là quan khách danh dự cấp cao nhất và cần được xếp chỗ ngồi ngay bên tay phải của ông Tập Cận Bình".
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang thi hành chính sách ngày càng tách biệt Triều Tiên với thế giới bên ngoài.
Do đó, khi nhận thông báo từ phía Trung Quốc về việc ông Kim được xếp ngồi phía cuối lễ đài, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã quyết định hủy chuyến thăm tới Bắc Kinh. Thay thế ông Kim tới Bắc Kinh, Bình Nhưỡng cử Tướng Choe Ryong-hae, Thư ký Ủy ban Trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên.
Trong khi phái đoàn Triều Tiên dường như bị gạt ra rìa, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye lại được xếp chỗ ngồi ngang hàng với ông Tập Cận Bình. Đây là vị trí gần nhà lãnh đạo Trung Quốc hơn bất cứ nguyên thủ quốc gia nào ngoại trừ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều này thể hiện rõ quan điểm, Trung Quốc đang xích lại gần hơn với Hàn Quốc khi mà Triều Tiên vẫn kiên quyết đối đầu với thế giới.
Kể từ sau chuyến thăm chính thức đầu tiên trên cương vị nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Hàn Quốc hồi năm 2013, ông Tập đã gặp mặt và nhóm họp với Tổng thống Park 6 lần. Trước thời điểm ông Kim Jong-il qua đời, cựu lãnh đạo Triều Tiên cũng đã tới thăm Trung Quốc 4 lần trong giai đoạn từ năm 2010 - 2011.
Trái lại, nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un lại chưa từng tới thăm quốc gia láng giềng quan trọng hay gặp gỡ người đứng đầu Trung Quốc. Nói cách khác, ông Kim Jong-un đang dần phá vỡ mối quan hệ thân tình từng được nhận xét là "như răng với môi" suốt 60 năm giữa Trung - Triều.
Hồi đầu năm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã từ chối lời mời tới dự buổi lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít được Nga tổ chức vào tháng Năm. Theo giới quan sát, thái độ lạnh nhạt với hai đồng minh thân cận nhất trong lịch sử cho thấy trong những chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên, ông Kim không muốn chia sẻ khu vực lễ đài với các nhà lãnh đạo nước ngoài tới dự lễ diễu binh tại Trung Quốc và Nga.
Ngoài ra, quyết định không tới Trung Quốc và Nga còn thể hiện sự "tự tôn dân tộc sâu sắc" mà Triều Tiên đưa ra trong các chương trình tuyên truyền trong nước lâu nay. Thậm chí, hồi tháng 1/2014, ông Kim sẵn sàng đón tiếp cựu tuyển thủ bóng rổ giải nhà nghề NBA của Mỹ Dennis Rodman mà không đếm xỉa tới phái đoàn ngoại giao Trung Quốc được cử sang Bình Nhưỡng chỉ một tháng sau đó.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat, tác giả Adam Cathcart từng khẳng định: "Các quan chức trong Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã xây dựng sẵn một chiến lược cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc".
Tuy nhiên, theo ông Aidan Foster-Carter, chuyên gia phân tích các vấn đề liên quan tới Triều Tiên, "Nhiều người vẫn lo ngại ông Kim Jong-un sẽ có những hành động hấp tấp mà không cần suy tính tới hậu quả". "Cuộc khủng hoảng hồi tháng Tám" giữa hai miền Triều Tiên đã minh chứng cho thấy sự hấp tấp có thể nhanh chóng đẩy hai nước vào nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột tổng lực.
Hồi đầu tháng Tám, Bình Nhưỡng bị cáo buộc là thủ phạm bí mật đặt mìn ở khu vực biên giới, làm hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng. Về phần mình, Triều Tiên đã phủ nhận lời buộc tội trên.
Căng thẳng leo thang tới đỉnh điểm hôm 20/8, khi Triều Tiên được cho đã bắn 4 quả đạn pháo về phía lãnh thổ Hàn Quốc. Triều Tiên khẳng định quốc gia này không phải là thủ phạm bắn phát súng khơi mào căng thẳng đầu tiên đồng thời đặt khu vực tiền tuyến vào "tình trạng chiến tranh" và ban bố tối hậu thư yêu cầu Seoul ngừng chương trình phát thanh chống Bình Nhưỡng. Hạn chót của tối hậu thư kết thúc vào ngày 22/8.
Tới ngày 25/8, Hàn Quốc và Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng, chấm dứt nguy cơ bùng nổ xung đột ở khu vực biên giới hai nước.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
MINH THU (lược dịch)
Theo Vietnam
Máy bay Nga rơi: Bác bỏ yếu tố "ngoại lực" Một lãnh đạo hãng hàng không Kogalymavia khẳng định chỉ có yếu tố ngoại lực mới khiến chiếc máy bay xấu số nổ tung. Tuy nhiên, quan chức cấp cao hàng không Nga bác bỏ nhận xét "vô căn cứ" này. Ông James Clapper, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ cho rằng dù không có bằng chứng vụ rơi máy bay do...