Người dân Hà Nội lo ngại chất lượng không khí
Liên tục trong những ngày gần đây, hệ thống cảnh báo chất lượng không khí của Hà Nội hiển thị ở mức “kém”, “xấu”. Chỉ số bụi mịn PM 2.5 AQI cũng hiển thị ở mức ảnh hưởng đến những người nhạy cảm về sức khỏe như trẻ em, người già và mắc các bệnh hô hấp.
Theo hệ thống Quan trắc tự động cập nhật tại Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội, lúc 11g ngày 15-12, chỉ số chất lượng không khí toàn TP trung bình là AQI=132 (mức cảnh báo chất lượng “kém”, màu cam-có ảnh hưởng đến những người nhạy cảm về sức khỏe). Tại Công viên Hòa Bình, chỉ số AQI=152, mức “xấu” với màu đỏ, ảnh hưởng đến sức khỏe những người bình thường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người nhạy cảm về sức khỏe.
Đặc biệt, theo hệ thống cảnh báo của ứng dụng Air Visual thì chất lượng không khí tại Hà Nội còn chạm ngưỡng “rất xấu” và “nguy hại”. Cụ thể, vào 6g ngày 12-12, ứng dụng Air Visual ghi nhận mức chỉ số AQI tại Hà Nội lên tới ngưỡng 246 (mức màu tím-nguy hại cho sức khỏe con người). Đến 6g15 ngày 13-12, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội đã chuyển sang khung màu nâu (mức cực nguy hại) với AQI = 361.
“Sa Pa trong lòng Hà Nội” lúc 7g ngày 14-12 tại đường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: V.H
Trong các ngày 13 đến 15-12, người dân khi đi ngoài đường cũng cảm nhận được mức độ bao phủ dày đặc của bụi mịn khiến toàn TP như được bao phủ trong màn sương mù mờ ảo. Nhiều người ví von cảnh tượng đó như thể “Sa Pa giữa lòng Hà Nội” và cũng không khỏi lo lắng cho sức khỏe của gia đình.
Chị Hoàng Linh ở Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, nhà có con nhỏ nên chị đã phải mua ngay một máy lọc không khí đặt trong nhà với hi vọng ngăn được những “thảm” bụi mịn tấn công vào đường hô hấp của con. Chị cho rằng, những gia đình có trẻ nhỏ hay ốm, mắc bệnh hô hấp, đặc biệt người bệnh hen thì nên dùng máy lọc không khí để lọc cả các loại khói bụi khác.
Buổi sáng anh Tuấn ở quận Nam Từ Liêm có thói quen dậy sớm chạy bộ tập thể dục. Tuy nhiên, từ khi có cảnh báo chất lượng không khí ô nhiễm anh đành bỏ thói quen này. “Chạy bộ ngoài trời, hít thở không khí dễ chịu hơn nhưng không khí ô nhiễm thế này cũng đành chịu”, lời anh Tuấn.
Trước thực tế trên, Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cùng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam xây dựng, hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí.
Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ TN&MT, Sở TN&MT các tỉnh, TP.
Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt); Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ…
Đồng thời, mọi người cần thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống; hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga; trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần lưu ý: Thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn, hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời; tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
Vân Hà
Video đang HOT
Theo phapluatxahoi
Ô nhiễm không khí trầm trọng, phụ huynh yêu cầu lắp máy lọc không khí trong lớp học để bảo vệ sức khỏe học sinh
Chỉ số ô nhiễm không khí nghiêm trọng với mức độ bụi mịn PM 2.5 cao có thể gây nhiều căn bệnh về đường hô hấp.
Ô nhiễm không khí đang là vấn đề nhức nhối tại nhiều quốc gia. Đối với các em nhỏ, đây là điều vô cùng nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sức đề kháng.
Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong môi trường khói bụi thì mới đây chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học phải lắp các máy lọc không khí có hệ thống thông gió. Điều này nhằm thanh lọc không khí và ngăn chặn carbon dioxide tập trung trong lớp học.
Vào những ngày mật độ khói bụi ở mức trung bình, các trường cần đóng kín cửa sổ. Nếu tình trạng ô nhiễm ở mức cao, các trường học nên dừng toàn bộ hoạt động ngoài trời.
Trung Quốc yêu cầu các trường học lắp máy lọc không khí để đảm bảo sức khỏe người dân.
Các yêu cầu này nằm trong "Hướng dẫn đối phó với ô nhiễm không khí" được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ban hành hôm 13/12.
Các hướng dẫn của ủy ban cũng cho biết người dân cần tự bảo vệ mình khỏi khói bụi như sử dụng các thiết bị chống ô nhiễm và có các biện pháp giảm thiểu tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
Ủy ban Y tế kêu gọi người dân cắt giảm than đốt, hạn chế sử dụng xe hơi và các hoạt động gây khói như nướng thịt, đốt rác,...
Doreen Lin, một bà mẹ có con trai học lớp 3 ở thành phố Thượng Hải cho biết, cô sẽ đóng góp tiền cho nhà trường mua máy lọc không khí để bảo vệ sức khỏe con em. Tuy nhiên, cô khá lo ngại về tiêu chuẩn cũng như việc duy trì, bảo dưỡng máy móc.
Thượng Hải hiện đang đối mặt với ô nhiễm không khi khủng khiếp.
Cô Lin cho biết, bản thân kiểm tra chỉ số ô nhiễm không khí hàng ngày và luôn dùng máy lọc không khí vào những ngày ô nhiễm cao.
"Máy lọc không khí đã bảo vệ gia đình tôi suốt 2 năm qua. Trước đây mỗi lần vào mùa sương mù, tôi cảm thấy như có bùn trong miệng, khó thở. Thậm chí tôi từng nghĩ đến việc rời Thượng Hải, chuyển đến sống ở thành phố nhỏ, đỡ ô nhiễm hơn", cô Lin chia sẻ.
Trước tình hình ô nhiễm hiện tại ở Trung Quốc, các trường học quốc tế với hệ thống lọc không khí tốt thường thu hút phụ huynh hơn.
Nhiều trường quốc tế ở Bắc Kinh đã lắp mái vòm bơm hơi khổng lồ, bao trùm sân chơi. Nhờ đó, các em học sinh được hoạt động trong bầu không khí tinh khiết. Trong khi đó ở các trường công lập và tư thục bình dân, học sinh vẫn phải vui chơi ở ngoài trường trong những ngày ô nhiễm không khí chưa lên mức độ cam.
Nhiều trường học ở Trung Quốc lắp mái vòm bơm hơi để bảo vệ sức khỏe học sinh.
Đầu tháng 12, một số trường học ở Bắc Kinh đã tạm đóng cửa vì nồng độ bụi mịn PM 2.5 đạt mức báo động đỏ. Hôm 11/12, Thượng Hải đưa ra cảnh báo không khí đã đạt chỉ số ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ số PM 2.5 gấp hơn 20 lần mức an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo.
Hôm 15/12, chỉ số PM 2.5 của Bắc Kinh là 183.
Hà Nội cũng đang đối mặt với ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Thời gian gần đây, Hà Nội liên tiếp nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo xếp hạng của Air Visual. Nhiều trạm quan trắc phủ màu tím với chỉ số AQI vượt trên 200, tương đương mức rất xấu. Một số điểm thậm chí chạm mốc nâu.
Ngày 10/12, trạm quan trắc tại Đại sứ quán Pháp ở Hoàn Kiếm báo chỉ số AQI ở mức 336. Ngày 13/12, trang Air Visual xếp Hà Nội đứng đầu trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI ở mức nâu 316.
Ngày 14/12, theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí miền Bắc của Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội, ô nhiễm không khí lần lượt ở ngưỡng tím, là rất xấu, rất có hại cho sức khỏe.
Người dân Hà Nội lao đao vì khói bụi.
Theo đó chất lượng không khí được chia làm 5 mức. Từ 0-100, chất lượng không khí tốt và chấp nhận được. Từ 101-200 là kém, người dân cần hạn chế ra đường. Chỉ số AQI từ 201-300 là thang màu tím, thuộc nhóm rất ô nhiễm, trên 300 Là thang màu nâu, ở ngưỡng nguy hại, khuyến cáo người dân nên ở trong nhà.
Theo các chuyên gia, không khí Hà Nội hiện tại có nồng độ bụi mịn PM 2.5 rất cao, có thể gây nhiều bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn,...
Trước tình trạng ô nhiễm trầm trọng này, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội bắt đầu có động thái bảo vệ sức khỏe học sinh.
Từ tháng 10, trường Tiểu học Lê Quý Đôn (khu đô thị Mỹ Đình 1, Từ Liêm) đã thông báo tạm dừng các hoạt động dã ngoại, thể chất ngoài trời để đảm bảo sức khỏe học sinh. Với các môn thể dục và các môn năng khiếu, thay vì hoạt động ngoài trời học sinh sẽ học ở các phòng chức năng.
Thông báo của trường Lê Quý Đôn.
Ông Tạ Như Việt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết, trước tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội nặng nhất vào buổi sáng, trường đã tiến hành đổi thời khóa biểu một số tiết thể dục ở buổi sáng, giữa giờ sang buổi chiều khi không khí bớt ô nhiễm.
Ngoài ra, trong lớp học sẽ bật điều hòa, đóng kín cửa sổ để hạn chế tối đa ô nhiễm không khí.
Trường Tiểu học Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm) và trường Phổ thông liên cấp Việt - Úc Hà Nội (khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) trước đó cũng có động thái tượng tự.
Tiểu học Lômônôxốp và Phổ thông liên cấp Việt - Úc cũng có động thái bảo vệ học sinh.
Mới đây trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy) cũng gửi tin nhắn khuyến cáo phụ huynh mặc áo ấm cho con em khi ra đường, đồng thời đeo khẩu trang tránh khói bụi. Trong thời gian tới, trường không tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể ngoài trời. Học sinh chơi và vận động tại lớp.
Trường Tiểu học Lý Thái Tổ đưa ra khuyến cáo.
Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này, nhiều phụ huynh đang vô cùng lo ngại cho sức khỏe con em và cùng kiến nghị nhà trường mua máy lọc không khí.
Theo Helino
Lẽ nào chúng ta chỉ ngửa mặt nhìn trời ô nhiễm mù mịt? Hà Nội ô nhiễm khủng khiếp. TP.HCM mịt mù khói bụi. Cộng đồng và chính quyền đã quyết tâm, đồng lòng tìm mọi cách giảm ô nhiễm chưa? Lẽ nào chúng ta chỉ ngửa mặt nhìn trời mù mịt và tiếp tục chịu đựng khói bụi độc! Các ngả đường ở thủ đô từ sáng đến trưa vẫn mịt mù - Ảnh: DANH...