Người dân gây sức ép với xã, phản đối việc sáp nhập trường học
Chiều nay (25.8), Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Thanh Hóa, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện Quảng Xương tổ chức họp báo về vấn đề sáp nhập trường THCS Quảng Phúc và trường THCS Quảng Vọng (huyện Quảng Xương).
Tại buổi họp báo, ông Trần Thế Lưu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cung cấp thông tin vụ việc như sau: Trong các ngày 23, 24.8, một số người dân kéo đến trường THCS Quảng Phúc (cũ) và trụ sở UBND xã Quảng Phúc để gây sức ép với UBND xã, phản đối việc sáp nhập trường. Tình hình trên đã gây mất an ninh trật tự trên địa bàn xã Quảng Phúc trong những ngày qua.
UBND huyện đã báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy, đồng thời tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND xã Quảng Phúc giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn; chỉ đạo Phòng Giáo dục và đào tạo, các trường trên địa bàn xã Quảng Phúc, Quảng Vọng tích cực chuẩn bị các điều kiện để khai giảng năm học mới 2017-2018.
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hồng Đức
Cũng theo ông Lưu, trước tình hình ngày càng có chiều hướng phức tạp, huyện Quảng Xương tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tạo sự thống nhất để triển khai, thực hiện Quyết định sáp nhập trường; Chỉ đạo các trường trên địa bàn xã, chỉ đạo công an và các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng, nắm bắt tình hình, xác định nguyên nhân và có phương án đấu tranh, thu thập tài liệu, chứng cứ làm cơ sở xử lý theo quy định…
Video đang HOT
Ông Trần Thế Lưu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương trả lời các câu hỏi của báo chí. Ảnh: Hồng Đức
Bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc sắp xếp lại các trường lớp trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết, để đáp ứng được nhu cầu tốt nhất của học sinh. Việc đi lại của học sinh ở xã Quảng Phúc đến Quảng Vọng cũng không phải là quá xa và khó khăn, trong khi huyện cũng đã đầu tư xây dựng đường và hỗ trợ xe đạp cho học sinh.
“Chính quyền sở tại cần tiếp tục vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu, đồng thuận với việc làm của huyện và chủ trương của tỉnh. Lẽ ra, thời điểm này, học sinh của xã Quảng Vọng và Quảng Phúc đã phải đến trường, để chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới đang đến gần”- bà Hằng đề nghị.
Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi vì sao không đặt trường tại xã Quảng Phúc? Giải quyết vấn đề Ban giám hiệu nhà trường như thế nào? Huyện Quảng Xương đã sáp nhập trường nào chưa? Căn nguyên của vụ việc ở Quảng Phúc? Huyện có hướng xử lý như thế nào?…
Ông Trần Thế Lưu cho biết, việc sắp xếp Ban giám hiệu của trường THCS Quảng Phúc không liên quan gì, vì Hiệu trưởng trường THCS Quảng Phúc sẽ nghỉ chế độ vào đầu năm 2018. Hiện nay, Hiệu trưởng trường THCS Quảng Phúc cũng đã đồng ý nghỉ chờ. Còn Hiệu phó của trường Quảng Phúc sẽ về làm Hiệu phó trường THCS Phúc Vọng. Trong khi đó, Hiệu trưởng của trường THCS Quảng Vọng sẽ làm Hiệu trưởng trường THCS Phúc Vọng. Huyện cũng đã tính toán, khảo sát đến vấn đề hỗ trợ xe đạp cho học sinh Quảng Phúc để các em có phương tiện đến trường. Đến thời điểm này, huyện Quảng Xương cũng đã tiến hành sáp nhập một số trường trên địa bàn huyện, nhưng không xảy ra việc phản ứng của người dân như ở Quảng Phúc. Huyện cũng đã xây dựng phương án không thu các khoản đóng góp xã hội hóa của học sinh THCS Quảng Phúc khi về trường mới…
Ông Nguyễn Quốc Uy- Phó Ban Tuyên giáo tỉnh ủy giải đáp các thắc mắc của báo chí. Ảnh: Hồng Đức
Ông Nguyễn Quốc Uy – Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Thanh Hóa, đề nghị các cơ quan báo chí đưa thông tin về vụ việc này một cách khách quan, trung thực, để góp phần ổn định tình hình.
“Đây là việc không riêng gì ở Quảng Xương mà tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Huyện Quảng Xương cũng đang thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh”- ông Uy nói.
Theo Danviet
Thanh Hóa: Người dân tụ tập phản ứng việc sáp nhập trường
Trong 3 ngày qua (từ 23.8 đến nay), hàng trăm người dân ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã kéo lên trụ sở UBND xã này phản đối việc sáp nhập Trường THCS Quảng Phúc về Trường THCS Quảng Vọng (Quảng Xương). Việc người dân kéo nhau lên tụ tập ở trụ sở UBND xã đã gây nên tình trạng hỗn loạn.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tại UBND xã, hàng trăm người dân, cả già lẫn trẻ, kéo nhau lên UBND xã Quảng Phúc phản đối việc sáp nhập trường. Không những vậy, người dân còn mang cả loa cầm tay đi theo để sử dụng. Nhiều người cho rằng, việc chuyển Trường THCS Quảng Phúc về sáp nhập với Trường THCS Quảng Vọng sẽ khiến cho con em mình phải đi xa (xa nhất là 4km), vất vả, sợ mất an toàn giao thông.
Không chỉ người lớn, mà người dân còn kéo theo cả trẻ em đi phản đối sáp nhập trường. Ảnh: Hồng Đức
Ông Mai Đình Thủy - Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc - cho biết: Thực hiện Nghị quyết 122/2015/NQ-HĐND, ngày 17.7.2015 của Hội đồng Nhân dân tỉnh và Quyết định 5308/2015/QĐ-UBND, ngày 16.12.2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông có nhiều cấp học hiện có ở tỉnh đến năm 2020, UBND huyện Quảng Xương đã ban hành kế hoạch 303/KH-UBND, ngày 25.4.2016, về việc sáp xếp mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn huyện đến năm 2018. Hiện nay, Trường THCS Quảng Phúc chỉ có 6 lớp, với 145 học sinh. Do đó, huyện có kế hoạch sáp nhập trường về với Trường THCS Quảng Vọng để thành lập trường mới mang tên Trường THCS Phúc Vọng. Trước khi thực hiện việc sáp nhập trường, huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của trường mới khang trang, đầy đủ tiện nghi, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Theo ông Thủy: Tuy nhiên, người dân ở xã Quảng Phúc cho rằng việc sáp nhập này sẽ khiến học sinh đi lại vất vả. Mặc dù huyện và xã đã nhiều lần giải thích, tuyên truyền cho bà con, nhưng nhiều người dân vẫn chưa thông hiểu. Chính vì vậy, mấy ngày nay hàng trăm người dân kéo nhau lên trụ sở xã để phản đối, gây mật trật tự ở địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Nam - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Xương - cho biết: "Sự việc xảy ra ở Quảng Phúc mấy ngày qua là do người dân lo sợ việc con, em của họ phải đi học xa nhà. Bên cạnh đó, bà con cho rằng khi học sinh qua xã Quảng Vọng để học, lại phải đóng góp tiền để xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã giải thích rất nhiều lần cho phụ huynh rằng: Học sinh của Quảng Phúc khi chuyển về Trường THCS Quảng Vọng sẽ không phải đóng góp bất kỳ một khoản xã hội hóa nào trong năm học Bên cạnh đó, huyện cũng đã đầu tư vốn để làm đường giao thông nối từ thôn Văn Bình (xã Quảng Phúc) sang xã Quảng Vọng để giúp các em đi lại thuận tiện hơn. Đặc biệt, huyện cũng trích kinh phí để mua tặng 19 chiếc xe đạp mới cho các em học sinh thuộc diện hộ nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em có phương tiện đến trường".
Ông Nguyễn Văn Chính - Bí thư Huyện ủy Quảng Xương - cho hay: Sự việc xảy ra ở xã Quảng Phúc là đáng tiếc. Lý do chính là một số người dân cố tình không hiểu chính sách của Nhà nước nên đã xúi giục, lôi kéo người khác lên trụ sở xã, gây mất trật tự và cản trở hoạt động của cơ quan chức năng.
"Chúng tôi đã báo cáo sự việc này lên UBND tỉnh, để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, huyện vẫn sẽ phân công cán bộ đến từng hộ gia đình để giải thích, động viên, tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện theo chính sách đúng đắn này" - ông Chính nói.
Theo Danviet
Đắm tàu cá, 6 ngư dân được cứu sống Trong khi đang neo đậu tại cảng, một chiếc tàu cá bất ngờ bị đắm. Cả 6 người trên tàu đều được cứu an toàn. Đang neo đậu trong cảng, một tàu cá bất ngờ bị chìm. Rất may toàn bộ ngư dân trên tàu được cứu sống kịp thời (ảnh minh họa) Tin từ Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và...