Người dân gặp rắc rối vì giấy đi đường, cửa ngõ TP Vinh ùn tắc
Dù đã chuyển sang giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, TP Vinh vẫn duy trì 43 chốt kiểm soát ra, vào thành phố.
Nhiều người dân gặp rắc rối vì quy định phải có giấy đi đường khi qua các chốt.
Cảnh ùn tắc tại chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ 46, địa phận xã Hưng Chính giáp ranh giữa TP Vinh và huyện Hưng Nguyên, sáng 13-9 – Ảnh: DOÃN HÒA
Sáng 13-9 là ngày đầu tiên TP Vinh chuyển từ cách ly xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ xuống giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, sau 21 ngày yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó”. Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online , trên các tuyến phố nội đô TP Vinh, lượng người, xe cộ đi lại nhộn nhịp hơn so với những ngày trước đó.
Người dân ra đường không cần giấy đi đường, giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực. Chỉ một số khu vực tổ dân phố có ca COVID-19 ở các phường, xã đang được phong tỏa theo diện hẹp.
Trong khi đó, tại nhiều chốt kiểm soát ra, vào TP Vinh lại ùn tắc do người dân có nhu cầu đi lại nhiều trong ngày làm việc đầu tuần.
Theo hướng dẫn của UBND TP Vinh, với người dân nội, ngoại tỉnh Nghệ An, muốn ra vào TP Vinh phải xuất trình giấy báo kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực theo 2 trường hợp: người chưa tiêm vắc xin, tiêm 1 mũi (giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 3 ngày) và người tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 (giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 7 ngày).
Một người phụ nữ đi giao hàng có giấy xét nghiệm nhưng không có giấy đi đường cũng không được vào TP Vinh – Ảnh: DOÃN HÒA
Đối với người của tổ chức cần giấy đi đường/văn bản cử hoặc điều động của người đứng đầu tổ chức (nêu rõ nơi đi, nơi đến, thời gian đi đến, thời gian lưu trú…).
Video đang HOT
Tuy nhiên, người dân lại gặp khó khăn khi các chốt yêu cầu cần thêm “giấy đi đường”.
Lúc 8h sáng, tại chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ 46, địa phận xã Hưng Chính giáp ranh giữa TP Vinh và huyện Hưng Nguyên, lực lượng cảnh sát giao thông, quân đội và tình nguyện viên căng mình để giải quyết thủ tục cho người dân.
Ngoài giấy xét nghiệm còn hiệu lực, người dân phải trình giấy tờ tùy thân, giấy đi đường. Ai thiếu một trong các giấy tờ trên đều bị yêu cầu quay xe.
Sản phụ M. cùng chị gái vào bệnh viện trong TP Vinh khám thai chờ sinh nhưng bị yêu cầu quay xe – Ảnh: DOÃN HÒA
Sản phụ H.T.M. – 24 tuổi, quê xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, mang thai 41 tuần, chuẩn bị sinh nở – có giấy hẹn của Bệnh viện Đa khoa Thái An, được chị gái chở vào TP Vinh khám, chờ sinh. Khi đến chốt, do không có giấy đi đường và giấy xét nghiệm COVID-19, hai chị em M. phải quay về.
“Bệnh viện chỉ cách chốt hơn 1km. Chúng tôi từ huyện vùng xanh xin qua chốt để vào bệnh viện khám, xét nghiệm luôn nhưng cũng không được”, chị gái M. nói.
30 phút sau, do phương tiện đổ về đông gây cảnh ùn tắc, lực lượng kiểm soát tại đây chỉ kiểm tra nhanh giấy xét nghiệm COVID-19.
Tại các chốt kiểm soát trên quốc lộ 1, cầu Bến Thủy 1, cầu Bến Thủy 2, người dân cũng gặp nhiều khó khăn khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy đi đường.
Nhiều người dân ở các huyện “vùng xanh” đang áp dụng chỉ thị 19 cũng băn khoăn với quy định phải có giấy đi đường và giấy xét nghiệm COVID-19 khi vào TP Vinh – nơi đang giãn cách xã hội theo chỉ thị 15.
Trả lời Tuổi Trẻ Online , ông Lê Sỹ Chiến – phó chủ tịch UBND TP Vinh – cho biết, người dân ra vào TP Vinh không cần giấy đi đường mà “chỉ có bằng chứng về sự cần thiết phải ra vào thành phố là được”.
Về vấn đề này, ông Chiến cho biết sẽ kiểm tra lại các chốt để thống nhất quy định, tránh tình trạng ùn tắc và đảm bảo cho người dân đi lại đúng quy định theo yêu cầu phòng, chống dịch của thành phố.
Người dân chờ xét nghiệm lấy kết quả để ra vào TP Vinh tại Bệnh viện Đa khoa TP Vinh – Ảnh: DOÃN HÒA
Người dân tập trung trình giấy tờ cho lực lượng tại chốt kiểm dịch – Ảnh: DOÃN HÒA
Do phương tiện đổ về đông gây cảnh ùn tắc, buộc lực lượng kiểm soát tại đây chỉ kiểm tra nhanh giấy xét nghiệm COVID-19 – Ảnh: DOÃN HÒA
Tính từ ngày 13-6 đến nay, TP Vinh có 632 bệnh nhân COVID-19 trong tổng số 1.789 bệnh nhân của tỉnh Nghệ An. Những ngày gần đây, TP Vinh không xuất hiện ca COVID-19 trong cộng đồng sau 5 đợt xét nghiệm diện rộng toàn TP. Hôm nay, TP Vinh cho mở lại 8 chợ dân sinh với các điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt.
TP HCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 sau 15/9
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, từ ngày 15/9 đến cuối tháng 9, thành phố vẫn giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16.
Thông tin được Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nói tại chương trình Tọa đàm Kiểm soát dịch bệnh trên VTV1 tối 12/9, khi đề cập về kế hoạch giãn cách xã hội của thành phố sau ngày 15/9.
Theo ông Đức, tinh thần là từ ngày 15/9 đến cuối tháng 9, TP HCM vẫn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; một số địa bàn tiếp tục duy trì Chỉ thị 16 và một số quận, huyện có tình hình tương đối ổn định như Cần Giờ, Củ Chi có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15 .
Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức tại buổi làm việc với quận Gò Vấp, ngày 13/6. Ảnh: Hữu Công
Về việc cấp thẻ xanh, thẻ vàng Covid , ông Đức cho biết TP HCM và nhiều tỉnh phía Nam đang nghiên cứu cơ chế cấp hai loại thẻ này hoặc hình thức tương tự để tạo điều kiện cho một số nhóm an toàn được mở rộng hơn các hoạt động theo tinh thần "an toàn đến đâu mở rộng đến đó".
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế cùng các lực lượng đang chuẩn bị đồng bộ cơ sở dữ liệu và hoàn thiện công nghệ thông tin với mục tiêu hướng tới là cả nước sử dụng một công cụ, ứng dụng duy nhất sau khi dữ liệu được đồng bộ. Khi đó, người nào được cấp thẻ xanh, thẻ vàng được cập nhật tự động trên điện thoại di động.
"Tuy nhiên, không phải ai cũng tiếp cận được công nghệ nên TP HCM sẽ nghiên cứu thêm cách khác và tham vấn chuyên gia tạo điều kiện cho người dân được hưởng quyền lợi như nhau", ông Đức nói và cho biết sau ngày 15/9, TP HCM chưa thể nới lỏng giãn cách xã hội theo thẻ xanh, thẻ vàng Covid.
Phó chủ tịch Dương Anh Đức cũng cho biết TP HCM đang cân nhắc, khi đã sẵn sàng mới triển khai thẻ xanh, thẻ vàng Covid. Bởi theo ông, một trong những tiêu chí quan trọng để có thẻ xanh là người dân đã tiêm 2 mũi vaccine ít nhất 2 tuần.
Đến ngày 12/9, TP HCM đã tiêm khoảng 7,8 triệu mũi vaccine; trong đó, hơn 1,3 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi. Tuy nhiên, phần lớn người được tiêm mũi 2 là người lớn tuổi và người có bệnh lý nền, được xếp vào nhóm có nguy cơ cao và hạn chế ra đường. Do vậy, số người dự kiến nhận được thẻ xanh Covid không quá lớn.
Trước đó, tại hội nghị Thành ủy TP HCM mở rộng chiều 11/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói có thể thành phố không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, mà chỉ có một số quận, huyện hoàn thành. Do đó, TP HCM phải "xin thêm một thời gian nữa", có thể tới hết tháng 9/2021 để hoàn thành mục tiêu đề ra. Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố được giao thảo luận để có văn bản sớm xin ý kiến của Chính phủ.
Về lý do TP HCM cần thêm 2 tuần để kiểm soát Covid-19, lãnh đạo Thành ủy thành phố cho rằng đây quãng thời gian quan trọng và phù hợp với quy luật của dịch bệnh. Theo đó, TP HCM đang ghi nhận hơn 100.000 F0 cần quản lý, điều trị. Sau 2 tuần, số F0 trên có thể được kéo giảm, đồng nghĩa việc thành phố hạn chế, ngăn chặn được nguồn lây lan.
Ngoài ra, thành phố đang có tốc độ, tỷ lệ người dân được tiêm vaccine Covid-19 ở mức cao. Sau 2 tuần, kháng thể của người được tiêm chủng sẽ được nâng lên, tạo những hiệu quả về mặt dịch tễ. "Với 2 lý do vừa phân tích, cộng với các biện pháp khác nhằm ổn định tình hình, tăng cường, nâng cao chất lượng điều trị, chắc chắn thành phố sẽ có kết quả khả quan hơn bây giờ", ông Nên nói.
Nghị quyết 86 của Chính phủ ban hành ngày 10/8 đặt mục tiêu TP HCM kiểm soát được dịch trước 15/9. Đến nay, thành phố ghi nhận 298.029 ca nhiễm và trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ, trong đó có 22 ngày siết chặt giãn cách theo nguyên tắc "ai ở đâu yên đó".
Thành phố đang lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo Kế hoạch phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế của TP HCM sau ngày 15/9 với 3 giai đoạn dự kiến: từ 16/9 đến 31/10; 31/10/2021 đến 15/1/2022; sau 15/1/2022.
TP Vinh mở lại 8 chợ, hạn chế người ra vào địa phương Dù giảm mức giãn cách xuống Chỉ thị 15 nhưng TP Vinh (Nghệ An) vẫn duy trì 43 chốt kiểm soát, hạn chế người ra vào địa bàn. Địa phương cũng cho phép mở lại một số chợ dân sinh. Tối 12/9, ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND TP Vinh, tỉnh Nghệ An, ký văn bản điều chỉnh các biện pháp phòng,...