Người dân được lợi gì từ bản Hiến pháp sửa đổi?
Trả lời câu hỏi này, ĐB Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho biết: “Người làm Hiến pháp chính là nhân dân nên lợi ích chính là hướng tới nhân dân.
Vai trò làm chủ của người dân thể hiện rất cụ thể. Trách nhiệm hay cam kết của Nhà nước đối với người dân là phải thừa nhận, tôn trọng những quyền chính đáng, cơ bản của người dân. Lần này, các quyền được quy định rõ và quyền đó được thực hiện như thế nào. Có thể nói, vai trò, vị trí quyền lực của người dân đã được đề cao trong Hiến pháp. Mỗi người đã ý thức rõ ràng Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản nhất. Những quyền cơ bản của công dân đã được quy định cụ thể, rõ ràng, có những điều khoản được áp dụng thực tiễn.
Sau khi Hiến pháp được thông qua, từ 1-1-2014, Quốc hội, các cơ quan Nhà nước khác phải bắt tay ngay vào cụ thể hóa các nội dung bằng các luật cụ thể để người dân có thể thực hiện được quyền Hiến pháp quy định.
Con người là trung tâm của sự phát triển. Khi thừa nhận trong Hiến pháp, nhân dân là chủ thể quyền lực của Nhà nước, trong đó có quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh hay mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh… sẽ tạo điều kiện để phát huy mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng đất nước”.
Thành Nam (Ghi)
Theo ANTD
Video đang HOT
Viện trưởng VKSND tối cao báo cáo về 6 "đại án" tham nhũng
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thời gian qua đã chỉ đạo toàn ngành đánh giá, làm rõ nguyên nhân những thiếu sót, hạn chế, từ vấn đề tiến độ xử lý án tham nhũng chậm, đề nghị nhiều án treo, chất lượng truy tố chưa cao...
Vượt mọi chỉ tiêu
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 52 của Quốc hội về chất vấn tại kỳ họp thứ 5 của Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình không có mục "tồn tại, hạn chế". Đánh giá chung tất cả các nhiệm vụ được giao, ông Bình khẳng định, ngành đều đạt kết quả tích cực vượt mong muốn.
Ông Bình khẳng định, ngay sau phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2013), lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo VKS 2 cấp đánh giá làm rõ nguyên nhân những thiếu sót, hạn chế, đặc biệt nguyên nhân dẫn đến việc chưa hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội giao trước đó.
Cụ thể, lãnh đạo VKS tối cao đã yêu cầu toàn ngành bảo đảm kiểm soát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố, kiểm soát chặt chẽ hoạt động điều tra, bảo đảm truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đúng thời hạn, không để tồn đọng kéo dài.
Ông Nguyễn Hòa Bình còn yêu cầu kiểm sát thật chặt chẽ các trường hợp kiểm sát viên đề nghị tòa án cho bị cáo phạm tội tham nhũng hưởng án treo. Kiên quyết kháng nghị đối với bị cáo phạm tội tham nhũng mà tòa án cho hưởng án treo không đúng. Yêu cầu VKS các cấp không áp dụng tình tiết "phạm tội lần đầu", "bị cáo có nhân thân tốt" nhằm xem xét cho bị cáo hưởng án treo...
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình (áo vest) trao đổi thêm với Chánh án Trương Hòa Bình trong giờ nghỉ tại Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
Ông Bình khẳng định, quán triệt chỉ đạo này, VKS các cấp đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ nhiều biện pháp cụ thể, hữu hiệu để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp. VKS tối cao đã tổ chức 11 đoàn kiểm tra kết quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành tại 22 VKS cấp tỉnh trong toàn quốc.
Khái quát về kết quả công tác của ngành nói chung, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội (nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao) đều đạt kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu vượt so với yêu cầu.
Cụ thể, ngành đã thực hiện vượt 4/4 chỉ tiêu cơ bản được giao. VKS các cấp đã kiểm sát 100% các vụ án ngay từ khi khởi tố. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,3% (vượt chỉ tiêu được giao 9,3%). Tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,7% (vượt chỉ tiêu 4,7%). Tỷ lệ kháng nghị các loại án được tóa án chấp nhận đạt 81% (vượt chỉ tiêu 11%). Nhiều loại kháng nghị có tỷ lệ tòa án chấp nhận tăng so với năm trước.
Ngành đã làm tốt công tác phát hiện, quản lý và báo cáo tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp. Trong năm, ngành đã ban hành hơn 10.300 kiến nghị, kháng nghị (tăng 21%) yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm, xử lý nghiêm minh trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan.
Công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được tăng cường. Do kiểm sát chặt chẽ hơn nên số vụ án VKS yêu cầu khởi tố tăng 20,8%. Năm 2013, VKS đã ban hành hơn 65.500 bản yêu cầu điều tra, yêu cầu thay đổi 91 quyết định khởi tố vụ án, hủy 266 quyết định khởi tố bị can, yêu cầu khởi tố 470 bị can khác (tăng 22,7%), trực tiếp khởi tố 10 bị can. Tỷ lệ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung giảm nhẹ. Số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm nhiều (CQĐT giảm 49,3%, VKS giảm 51,8%).
Trong tháng 11, xét xử 2/6 "đại án" tham nhũng
Vấn đề nâng cao chất lượng công tác truy tố, người đứng đầu ngành kiểm sát khẳng định đã nỗ lực phấn đấu, chú trọng các vụ án trọng điểm, án tham nhũng, kinh tế, chức vụ và những vụ án được dư luận xã hội quan tâm, góp phần đảm bảo tiến độ giải quyết án, hận chế đến mức thấp nhất các trường hợp tòa án phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.
Chất lượng, hiệu quả tranh tụng của kiểm sát viên tại tòa có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm, không có trường hợp kiểm sát viên từ chối không tranh luận, đối đáp với luật sư, người bào chữa. Điều đó, ông Bình cho là đã góp phần bảo đảm phán quyết của tòa án khách quan, chính xác, đúng sự thật, không bỏ lọt tội phạm, chạn chế các trường hợp oan sai.
Đi sâu vào vấn đề tiến độ giải quyết một số vụ án hình sự, nhất là các "đại án" tham nhũng, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết, những tháng vừa qua, thực hiện chỉ đạo của QH, của BCĐ TƯ về PCTN, VKS tối cao đã tập trung cao độ để khẩn trương đưa những vụ án kinh tế chức vụ, tham nhũng lớn ra xét xử sớm nhất có thể.
Từ tháng 8/2013 đến nay, CQĐT - Bộ Công an đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ đến VKSND tối cao đề nghị truy tố 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm. Viện đã khẩn trương nghiên cứu truy tố 6 vụ ra trước TAND TPHCM và Hà Nội để xét xử, ủy quyền cho VKSND 2 thành phố này thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Theo dự kiến, TAND TPHCM sẽ xử 2 vụ vào tháng 11 năm nay. 4 vụ còn lại sẽ xét xử trong tháng 12 và đầu quý I/2014.
Ngoài 6 vụ án này, VKSND tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng trọng điểm còn lại, bảo đảm xử lý đúng thời hạn, nghiêm minh.
Về vụ án "vườn Mít" tại Bình Phước, thực hiện lời hứa sau phiên chất vấn đầu năm, Viện trưởng Trương Hòa Bình đã quyết định thành lập Tổ công tác tổ chức nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, hiện trường vụ án, phân công 1 lãnh đạo Viện trực tiếp theo dõi, chỉ đạo giải quyết vụ án. Đến 30/8/2013, Tòa phúc thẩm hình sự TAND tối cao tại TPHCM đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, bảo đảm công khai, tranh luận dân chủ. Kết quả tòa tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm tuyên Lê Bá Mai phạm tội "hiếp dâm trẻ em" và "giết người" với án tù chung thân. Ông Bình nhấn mạnh, phiên tòa được dư luận đồng tình, đến nay các cơ quan có thẩm quyền không kháng nghị đối với bản án.
P.Thảo
Theo Dantri
Trung Quốc tiến hành cải cách Sau 2 lần tiến hành cải cách lớn là cuộc cải cách mở cửa năm 1978 và cải cách kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa năm 1993, Trung Quốc lại đang bắt đầu thực hiện cuộc cải cách lớn lần thứ ba. CPC xác định cải cách toàn diện và sâu sắc nền kinh tế nước này Tân...