Người dân Đức bỏ phiếu bầu quốc hội
Người dân Đức đã bắt đầu đi bỏ phiếu cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 22.9. Giới phân tích nhận định Thủ tướng Angela Merkel nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba.
Ông Phillip Roesler, Bộ trưởng Tài chính Đức và là Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (FDP) cùng vợ đi bỏ phiếu – Ảnh: AFP
Có gần 62 triệu cử tri Đức được kêu gọi đi bỏ phiếu, AFP cho biết. Đương kim Thủ tướng Merkel đang giành được sự ủng hộ mạnh mẽ sau khi lèo lái nước Đức vượt qua cơn khủng hoảng nợ công tại châu Âu.
Nếu tái đắc cử, bà Merkel sẽ trở thành lãnh đạo châu Âu duy nhất “sống sót” sau cuộc khủng hoảng tài chính.
Bà Merkel cho rằng liên minh trung hữu cầm quyền Dân chủ Thiên Chúa giáo/ Xã hội Thiên Chúa giáo do bà lãnh đạo là liên minh thành công nhất nước Đức kể từ sau khi đất nước thống nhất hồi năm 1990, với kinh tế tăng trưởng mạnh và tỉ lệ thất nghiệp thấp hơn 7%.
Video đang HOT
Tuy nhiên, bà Merkel cũng cho biết mục tiêu của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo là sẽ tiếp tục cùng đảng đồng minh Dân chủ Tự do (FDP), vốn có đường lối ủng hộ doanh nghiệp, điều hành đất nước.
Nếu liên minh này thất bại trong việc giành được số phiếu đa số, bà Merkel có thể sẽ buộc phải quay lại bắt tay với các đảng đối lập lâu này là đảng Dân chủ Xã hội.
“Làn sóng phản đối Liên minh châu Âu (EU) đang là một vấn đề đối với bà Merkel”, trang tin Spiegel (Đức) bình luận.
“Nếu đảng có khuynh hướng chống EU lọt vào Hạ viện Đức thì liên minh cầm quyền có thể bị ảnh hưởng”, tờ Spiegel tiếp tục nhận định.
Được biết, ba cuộc thăm dò cử tri gần đây cho thấy tỉ lệ ủng hộ “Sự thay đổi cho nước Đức” (AfD), đảng có khuynh hướng chống EU và kêu gọi loại bỏ đồng tiền chung Euro, thấp hơn tỉ lệ 5% cần có để vào quốc hội.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng AfD vẫn có hy vọng trong thời điểm có nhiều người dân Đức cảm thấy lo lắng về khả năng phải tiếp tục viện trợ tài chính cho Hy Lạp. Có thể nhiều cử tri không thừa nhận bỏ phiếu cho đảng này khi được hỏi, dù lá phiếu của họ sẽ dành cho AfD.
Hoàng Uy
Theo TNO
Kẻ lạ mặt "bẻ gãy" an ninh, hỏi thăm tân Thủ tướng Úc
Một kẻ lạ mặt đã tìm cách lên sân khấu cùng tân Thủ tướng Úc Tony Abbott và gia đình trong đêm mừng thắng cử ngày 7/9, để nói chuyện với ông.
Kẻ lạ mặt bị các nhân viên an ninh đưa ra khỏi sân khấu.
Người đàn ông trẻ đã tham gia cùng ông Abbott, vợ ông và 3 cô con gái sau khi nhà lãnh đạo liên minh Tự do có bài phát biểu mừng chiến thắng ở một khách sạn tại Sydney sau cuộc tổng tuyển cử ngày thứ bảy 7/9.
Kẻ lạ mặt mặc vét và đeo băng dành cho báo chí giả. Anh ta đã tìm cách bắt tay được với ông Abbott và vỗ vào tay của con gái ông, trước khi cả gia đình tân Thủ tướng đứng sát vào nhau để tách anh ta ra. Kẻ lạ mặt cũng tìm cách nói được với đám đông qua micro trên sân khấu: "Tôi chỉ muốn nói một lời cảm ơn tới Tony" và tự xưng là nghị sỹ.
Sau đó, anh ta đã bị nhân viên an ninh khống chế.
Tờ Daily Telegraph của Sydney dẫn lời kẻ lạ mặt cho biết, anh ta đã vào bằng cửa chính với băng đeo giả và có "cuộc trò chuyện cá nhân" với ông Abbott về việc anh ta có thể chạy đua vào ghế ở Sydney trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo hay không. Anh ta cũng được dẫn lời cho biết đã lưu lại trên sân khấu khoảng một phút với gia đình đệ nhất nước Úc.
"Sau khi nói chuyện với Tony, họ đã lịch sự hộ tống tôi ra khỏi sân khấu", anh ta cho hay. Tuy nhiên, video về vụ việc cho thấy anh ta đã bị tóm lôi đi.
Kẻ lạ mặt tự xưng là Twiggy Palmcock, tên ghép của 3 ông trùm khai mỏ nổi tiếng ở Úc.
Tuy nhiên tờ Business Insider cho biết, kẻ lạ mặt tên thật là Fregmonto Stokes, 25 tuổi, là sinh viên viết kịch, xuất thân từ Melbourne.
Một thượng nghị sỹ đảng Dân chủ của ông Abbott cho rằng vụ việc "kỳ lạ" và rất đáng lo ngại.
Theo Dantri
Cử tri Australia đi bầu Quốc hội Các cử tri ở Australia, hôm nay (7/9), tham gia cuộc tổng tuyển cử bầu ra chính đảng lãnh đạo đất nước trong 3 năm tới. Họ cũng chọn ra 150 ghế tại Hạ viện và 40 trong tổng số 76 ghế tại Thượng viện. Liên minh Tự do Dân tộc của lãnh đạo đối lập Tony Abbott đang nỗ lực hết sức...