Người dân đổ xô xới tung đồi cát tìm cây “thần dược”
Hơn một tháng qua, người dân các xã Hưng Thủy, Sen Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đổ xô đi đào rễ cây được cho là chữa “bách bệnh”, việc làm này đã khiến nhiều đồi cát bị xới tung, khắp các chợ đâu cũng thấy cảnh mua bán cây “thần dược”.
Loại cây được cho là chữa “bách bệnh” đó là cây mật nhân, thường mọc rất nhiều ở vùng cát hay gò đồi.
Từ lời đồn cây mật nhân chữa “bách bệnh”
Về các xã phía nam thuộc huyện Lệ Thủy, nơi đâu cũng nghe lời đồn về cây mật nhân (địa phương còn gọi là cây bập bện) có thể chữa được nhiều bệnh như: ung thư, xương khớp, tiểu đường, huyết áp, tăng cường khả năng quan hệ tình dục …?
Hơn một tháng qua, có rất nhiều thương lái đến tìm mua cây mật nhân với giá cao để đưa đi các tỉnh khác bán. Chính vì những tác dụng “thần dược” không có cơ sở khoa học và những món hời do cây mật nhân mang đến mà những địa phương này rộ lên phong trào đi đào rễ cây mật nhân. Rất nhiều người dân đổ xô vào các vùng cát, gò đồi để săn đào và tận thu rễ cây được cho là quý hiếm này.
Rất nhiều rễ cây mật nhân được người dân đào về bán
Anh Vơi – một thợ săn cây cho biết, thời gian qua có rất nhiều thương lái đến hỏi mua cây mật nhân với giá cao nên anh cùng mấy anh em trong xóm cũng đi đào về bán. Gía mỗi kg rễ mật nhân tươi được thương lái mua từ 10 đến 20 ngàn đồng. Nếu phơi khô thì giá có thể đẩy lên gần 100 ngàn.
“Mỗi ngày mấy anh em tui đào được khoảng 50 kg rễ cây tươi. Nhưng mấy bữa nay người của các xã khác tập trung về đây đào rất đông nên loại cây này bị cạn kiệt rồi, có khi tui đi cả ngày cũng chỉ đào được khoảng 20 kg thôi. Để đào được cây này cũng vất vả lắm, vì rễ cây đâm thẳng xuống đất nên phải khoét thật sâu mới đưa lên được” – anh Vơi cho hay.
Anh Lê Văn Thuật, ở xã Sen Thủy cho biết, “trước đây, loại cây này mọc rất nhiều trên đồi mà có ai biết gì về tác dụng của nó đâu. Bây giờ, nghe người ta nói loại cây này chữa được nhiều bệnh, người ta thu mua rất nhanh tui cũng đi đào về bán”. Không riêng gì anh Vơi, anh Thuật mà rất nhiều hộ dân khác của xã Sen Thủy, Hưng Thủy cũng tham gia đi đào cây mật nhân.
Xới tung đồi cát tìm “thần dược”
Để tận mục chứng kiến hiện trường – nơi từng là điểm nóng đào cây “thần dược”, chúng tôi đã tìm đến khu núi cát thuộc thôn Sen Thượng 1, xã Sen Thủy. Trước mắt chúng tôi là cảnh tượng tan hoang đến khủng khiếp, khắp khu rừng đầy rẫy những hố sâu bị xới tung một cách không thương tiếc, nhiều cây bụi đã bị chặt hạ trơ lại nhiều cành khô. Theo ghi nhận, chỉ chưa đầy một héc ta chúng tôi đã thấy hàng ngàn chiếc hố có đường kính từ 40 – 50 cm, sâu gần 1m, dấu vết của cuộc săn đào cây “thần dược”. Xung quanh đó là thân và lá cây được người ta vứt lại hết sức ngổn ngang.
Tan hoang đồi cát vì những lời đồn về tác dụng của cây thần dược
Video đang HOT
Thân và ngọn cây còn sót lại sau cuộc săn đào
Quan sát nhiều chiếc hố người ta chưa kịp san lấp, chúng tôi ước tính cây bị lấy đi có đường kính gần 10 cm, ước tính trọng lượng hơn chục kg. Theo chúng tôi được biết, thương lái chỉ thu mua phần gốc và rễ của cây mật nhân.
Một cụ ông sống gần khu núi cát than phiền: ” Không biết tác dụng của cây đó như thế nào mà hơn một tháng qua người dân các nơi cứ đổ xô về đào bới, xới tung cả rừng cây. Mỗi ngày có vài chục người về đây đào cây, đi đâu cũng nghe tiếng chặt, đẽo cây. Mấy bữa nay do khu vực này đã bị cạn kiệt nên người ta đã chuyển sang vùng khác rồi chứ bình thường đông như trẩy hội. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì rất ảnh hưởng đến môi trường”.
Khắp đồi đâu đâu cũng thấy nhiều hố được khoét sâu
Một thực tế khiến nhiều người lo ngại là tình trạng người dân đổ xô đi đào rễ cây mật nhân đã diễn ra hơn một tháng qua nhưng không thấy có lực lượng nào ngăn chặn hay giải thích cho bà con hiểu rõ. Chính điều này đã khiến cho nhiều khu rừng, đồi cát bị xới tung một cách không thương tiếc.
Cây “thần dược” được bày bán tràn lan
Theo khảo sát của PV, tại các khu chợ trên địa bàn bày bán tràn lan cây “thần dược”. Ươc tính mỗi ngày có hàng tấn rễ cây mật nhân được các thương lái thu mua từ người dân. Chị Lan – một tiểu thương ở chợ Tréo cho hay, mỗi ngày tôi chứng kiến hàng trăm người đến chợ chở theo các bao tải đựng loại cây này, mỗi bao có trọng lượng khoảng 50 kg. Thậm chí có người bán được gần 1 tạ rễ, thân cây mật nhân.
Tại nhiều khu chợ, cây thần dược được bày bán tràn lan
Tại chợ Mai (thuộc xã Hưng Thủy) và chợ Tréo (thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy), việc mua bán cây mật nhân diễn ra hết sức nhộn nhịp. Người dân chỉ cần chở cây đến đây là đã có các thương lái đợi sẵn, không khí thu mua diễn ra một cách nhanh chóng.
Trước cổng chợ Tréo, thị trấn Kiến Giang có hàng chục người bán loại cây “thần dược” này. Có cây mật nhân có trọng lượng hơn chục kg
Điều đáng nói, với số lượng hàng tấn rễ cây mật nhân được thu mua mỗi ngày, các thương lái sẽ đưa đi đâu, bán cho ai thì không ai hay biết. Chính vì những tác dụng không có cơ sở khoa học mà loại cây được cho là “thần dược” này đang bị săn đào một cách kinh khủng.
Theo Dantri
Xới tung núi cát tìm cây chữa "bách bệnh"
Hơn nửa tháng trở lại đây, hàng chục hecta vùng núi cát tại thị trấn Phú Đa, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế, đã bị người dân vào đào bới tan nát nhằm tìm rễ của một loài cây mà họ tin rằng chữa được bách bệnh.
Mục kích điểm "nóng" đào cây "quý"
Ngày 26/10, theo chân các cán bộ xã Phú Xuân, chúng tôi vào vùng núi cát thuộc thôn Ba Lăng - điểm "nóng" nhất diễn ra tình trạng đào bới núi cát để săn lùng một loại cây mà dư luận đồn thổi rằng chữa được bách bệnh. Khắp núi cát, những hố sâu liên tiếp xuất hiện chứng tỏ sự đào bới của con người.
Một số hố lớn và sâu, với phần diện tích lan tỏa xung quanh khá lớn, ảnh hưởng đến môi trường sống của các cây xung quanh. Nhiều cành lá của cây chữa "bách bệnh" vương vãi khắp nơi. Có cả dấu vết của các phương tiện vào tận đây vận chuyển cây thuốc.
Một hố đào cây "bách bệnh"
Một cậu bé thấy chúng tôi đi kiểm tra những hố đào cây thì cho biết: "Lúc nãy có nhóm 4 người đang đào cách đây vài trăm mét, họ nghe tiếng động các chú vào nên bỏ chạy rồi. Nghe nói một cân rễ cây ni bán được chừng 100 đến 200 ngàn đồng".
Chỉ ước tính sơ trong khoảng vài hecta chúng tôi tiếp cận ở thôn Ba Lăng, có cả gần 100 hố lớn nhỏ bị đào. Ngoài nỗi lo mất nguồn tài nguyên, hố còn ảnh hưởng đến nhiều cây xung quanh vì không có đất, bộng rễ nên khả năng ngã đổ, chết dần là rất lớn.
Tất cả hoạt động đào bới, tìm kiếm cây thuốc ở đây đều là đào trộm. Việc đào cây này đã trở thành "phong trào" của người dân nơi đây, họ đào về bán luôn cho thương lái hoặc phơi khô để bán dần.
Những hố sâu xuất hiện khắp nơi, ảnh hưởng đến cả môi trường sống của nhiều loài cây khác
Cành lá cây mật nhân vương vãi
Nhà anh Phan Dũng ở thôn Ba Lăng đang phơi đầy rễ loài cây này, đa phần đã được xắt lát nhỏ, một vài gốc cây chưa được thái lát vẫn nằm lăn lóc trong nhà. Vợ anh Dũng cho biết: "Thấy mọi người đi đào nhà em cũng vào đào rồi mang về để dành chứ chưa biết bán cho ai. Hy vọng có người tới mua".
Cụ Nguyễn Thị Đậu, 90 tuổi, móm mém nói: "Tui bị bệnh nhiều lắm, nghe nói cây này chữa bệnh được mà sao uống vô đắng quá, khó nuốt nổi. Nghe nói nó còn chữa được bệnh phụ nữ nữa chú à".
Thực hư loài cây chữa "bách bệnh"
Anh Phan Đăng Phóng, trưởng thôn Ba Lăng, cho biết, loài cây chữa "bách bệnh" như tin đồn thổi đã sống ở đây chừng vài trăm năm qua, trước đây cũng chưa ai dùng để chữa bệnh. Nay vì có tin đồn mà dân đua nhau đi đào. Không ai biết nó có chữa được nhiều bệnh không, nhưng nghe có thông tin có một số người trong thôn đã bán được với giá vài trăm ngàn/kg.
"Ở đây, chúng tôi gọi cây này là cây bập bện. Vì thấy tình trạng đào dữ quá nên chúng tôi đã phải "ngụy trang" cho cây bằng cách chặt gần trụi phần cành từ giữa thân lên ngọn, lúc đó cây trơ lại những người đào trộm sẽ khó nhận ra. Trong thôn này có 320 hộ thì có tới 90% số hộ đã đi đào cây" - anh Phóng nói.
Hàng trăm nhà dân đã vào đào cây về nhà "để dành" chứ cũng chưa biết bán cho ai
Ông Võ Văn Cho, Bí thư xã Phú Xuân, cho hay, cây này ở Đồng Hới (Quảng Bình) gọi là cây sâm đắng Việt Nam, 1 cân có giá 400 ngàn đồng. Ngoài ra ở một số nơi cây này còn được gọi là cây mật nhân, là một cây thuốc Bắc, rất đắng và khó uống. Người ta sao vàng, hạ thổ rồi đổ nước nóng hay ngâm rượu để chữa một số bệnh.
Thực tế công dụng chữa bệnh của loài cây này chưa được chứng minh. Như trường hợp ông Trần Công Định (85 tuổi, thôn Quảng Xuyên) nghe đây là loài thuốc quý liền sắc một tô để uống. Uống xong thì bị tiêu chảy, sốt, nôn mửa dữ dội, phải nhập viện cấp cứu.
Ông Nguyễn Bắc, Chủ tịch xã Phú Xuân, trình bày: "Trong gần nửa tháng nay, một số người ngoài địa phương ở tại Phú Đa đã về đây đào trộm cây này vào ban đêm nên chúng tôi rất khó kiểm soát. Chúng tôi đã bắt được 2 đối tượng đào trộm, thu giữ các phương tiện cuốc xẻng, hiện đã trục xuất khỏi địa phương. Nguy hại hơn, người dân làng nghe tin cũng đã kéo vào rú cát đào nhiều lắm. Hiện xã đã kiểm tra và thông tin đến các thôn nói người dân không được đào nữa".
Ngay trong ngày chúng tôi về Phú Xuân và thông báo lên một số cơ quan cấp huyện thì trưa hôm đó, đoàn 3 cán bộ gồm Phó Hạt Kiểm lâm huyện Phú Vang, ông Nguyễn Xuân Ninh và 2 cán bộ khác về tại hiện trường. Ông Ninh cho biết là mới nghe thông tin. "Chúng tôi sẽ phối hợp với xã để ngăn chặn, trục xuất cá đối tượng ngoài xã vào đào cây. Riêng các đối tượng là dân trong xã thì sẽ tìm cách tuyên truyền vận động để bà con khỏi đào nữa".
Những gì còn sót lại sau khi đoàn làm việc đuổi bắt nhóm trộm mật nhân
Tính đến lúc này, đã có tới gần 50ha núi cát bị đào gần hết cây mật nhân với hàng ngàn gốc cây có tuổi đời từ hàng chục đến hàng trăm năm tuổi, có giá trị không những bảo vệ môi trường mà còn giữ cho vùng cát khỏi tình trạng "cát bay cát nhảy".
Theo thống kê từ Phòng Tài nguyên môi trường huyện Phú Vang, hiện có hơn 50ha núi cát thuộc diện tích rừng tự nhiên do kiểm lâm huyện quản lý. Tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Ninh lại cho rằng đây lại thuộc rừng sản xuất do các hộ dân quản lý, phía kiểm lâm không có trách nhiệm (?!)
Trước đây vài tháng, phong trào đào cây mật nhân rộ lên ở các vùng như Phú Yên, Đăk Nông, Gia Lai... với giá cao, có nơi 1kg giá từ 600.000-800.000đ. Chính sự ồ ạt phá rừng để đào cây đã phá hoại môi trường một cách nhanh chóng. Theo một số tài liệu, cây này làm tăng tính dục cho nam giới. Rễ cây sấy khô chữa được bệnh như: gân xương nhức mỏi, ăn không tiêu, nôn mửa, cảm mạo, chữa say rượu. Quả trị bệnh lỵ, tiêu chảy. Lá đun với nước trị ghẻ. Nhưng với những người có đề kháng yếu, trong cơ thể mang nhiều bệnh liên quan đến nội tạng như gan, mật, dạ dày... nếu dùng mật nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt là phụ nữ có thai không nên dùng cây này làm thuốc.
Theo Dantri
Tiếp tay vơ vét nông sản, phải phạt nặng Thương lái nước ngoài "tận thu" nông sản để đưa về nước theo đường tiểu ngạch, đặc biệt là thủy sản làm " nóng" khu vực nông thôn bấy lâu nhưng chưa có biện pháp xử lý. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ NN&PTNT đang soạn thảo Nghị định, trong đó, hành vi liên kết bất hợp pháp với thương lái nước...